Nhà nghiên cứu văn hóa Huế Hồ Vĩnh từng đánh giá: “Kiến trúc Pháp ở Huế là một catalogue kiến trúc Đông Dương mang phong cách của nhiều vùng miền nước Pháp mà trong đó có nhiều loại hình nghệ thuật với ngôn ngữ riêng của nó; và chúng đã cấu thành một bộ phận không thể tách rời đối với di sản kiến trúc của Huế”.
Ngày 30/5 vừa qua,UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có Quyết định 1152/QĐ-UBND về việc công bố 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu trên địa bàn thành phố Huế.
Theo Quyết định này thì trên địa bàn thành phố Huế có 11 công trình các cơ quan nhà nước quản lý (bao gồm: Cơ quan Đại học Huế, Bia Quốc học, Trường Quốc học, Trường Hai Bà Trưng, Trụ sở Bảo tàng Văn hóa Huế, Nhà trưng bày Điềm Phùng Thị, dãy lớp học trường tiểu học Lê Lợi, Dãy lớp học A&B trường Đại học Khoa học Huế, Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế, Trung tâm Festival, Sân vận động tự do) và 16 công trình thuộc sở hữu các tổ chức (gồm: Ga Huế, Khách sạn Sài Gòn Morin, Nhà hàng Festival Huế, La Residence Hue Hotel & Spa, Khách sạn Le Domaine de Cocodo, Nhà máy nước Vạn Niên, Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, Giáo xứ Chính Tòa Phủ Cam (Dòng Khâm Mạng), Nhà thờ Giáo xứ Phủ Cam, Tòa Tổng Giám Mục Huế, Tu Viện Thánh Tâm, Đại Chủng Viện Huế, Dòng con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Đan viện Carmel Huế, Nhà thờ Phanxico, Nhà Nguyện (Hội dòng thánh Phao Lô)).
Việc công bố 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu trên địa bàn thành phố Huế nhằm tạo cơ sở định hướng trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị cảnh quan, lịch sử – văn hóa, kiến trúc – nghệ thuật.
Cùng chiêm ngưỡng những tòa nhà kiến trúc Pháp tuyệt đẹp trên đất Huế:
1/.BIA QUỐC HỌC
Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong tại Huế còn được gọi là Bia Quốc Học, toạ lạc sát bờ nam sông Hương, trước mặt trường Quốc Học. Công trình này được xây vào đầu thế kỷ 20 để tưởng niệm những binh sĩ người Pháp và người Việt ở Trung kỳ đã bỏ mạng vì sự nghiệp giúp nước Pháp đánh Đức trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất.
Ảnh cực độc về Bia Quốc học Huế đầu thế kỷ 20 |
Đài tưởng niệm được xây dựng có sự pha trộn trong kiến trúc kiểu Pháp và văn hoá truyền thống Huế, hài hoà với môi trường, không gian kiến trúc của sông Hương, của Trường Quốc Học và các công trình kiến trúc đã có trong khu vực.
2/.TRƯỜNG QUỐC HỌC HUẾ
Trường Quốc Học Huế được thành lập vào ngày 18/11/1896. Trường đã đổi tên qua nhiều thời kỳ: École Primaire Supérieure (tức Trường Cao đẳng Tiểu học) nhưng thường gọi là Quốc Học (1896-1936), Trường Trung học Khải Định (1936-1954), Trường Trung học Ngô Đình Diệm (1955-1956), và được trở về với tên gốc vào năm 1956 cho đến nay.
Trường Quốc học Huế |
Có thời gian, Trường Quốc Học Huế là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh theo học. Nhiều nhân tài của đất nước cũng từng được giáo dục từ ngôi trường này. Công trình kiến trúc này được xây dựng theo kiến trúc Pháp vào đầu thế kỷ 20 với mục đích giảng dạy tiếng Pháp, chữ Quốc ngữ và chữ Nho ở bậc tiểu học.
3/.BẢO TÀNG VĂN HOÁ HUẾ
Bảo tàng Văn hóa Huế (số 25 Lê Lợi, thành phố Huế) được xây dựng trên khu đất có diện tích 5.942m2, theo kiến trúc Pháp cổ gồm có hai khối nhà, nhà làm việc 2 tầng có tổng diện tích 798 m2, kết cấu toàn bộ ngôi nhà kiểu tường gạch với sắt chữ I chịu lực phổ biến hồi đầu thế kỷ XX.
Bảo tàng VH Huế |
4/.SÂN VẬN ĐỘNG TỰ DO
Sân vận động Tự Do là sân vận động nằm ở trung tâm thành phố Huế với sức chứa khoảng 25.000 chỗ ngồi. Sân Tự Do được người Pháp xây dựng khoảng những năm đầu thập niên 1930 và đặt tên là Stade Olympique de Hué. Sau đó, Triều đình Nhà Nguyễn đổi tên sân thành sân vận động Bảo Long (Bảo Long là hoàng thái tử của Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương) khi sân vận động này được khánh thành trùng với ngày sinh của hoàng thái tử cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Đây là sân nhà của câu lạc bộ bóng đá Huế (trước là câu lạc bộ bóng đá Thừa Thiên-Huế).
Không ảnh SVĐ Tự Do mùa xuân Mậu Thân 1968 |
5/.GA HUẾ
Nhà Ga Huế được xây dựng theo kiến trúc kiểu Pháp cổ vào năm 1906. Cái tên cũ của nó có lẽ ít người biết: “Ga Trường Súng”. Tuổi của công trình này bằng với cầu Trường Tiền, chợ Đông Ba, trường Quốc Học Huế, Bệnh viện Trung ương Huế.
Ga Huế |
6/.KHÁCH SẠN SÀI GÒN MORIN
Khách sạn Sài Gòn Morin (trước có tên Grand hotel de Hue) được xây dựng năm 1901 bởi ông Bogaert (sĩ quan đã từng tham gia đánh chiếm Huế năm 1885). Năm 1906, Wladimir Morin đã mua lại và tu sửa làm cho tòa nhà trở nên sang trọng. Trải qua nhiều biến cố đến nay cái tên Morin vẫn được nhớ tới khi được lấy đặt tên cho khách sạn.
Khách sạn Sài Gòn Morin Huế |
7/.NHÀ THỜ DÒNG CHÚA CỨU THẾ
Nhà thờ dòng Chúa cứu thế được khởi công vào tháng 1 năm 1959 và khánh thành vào tháng 8 năm 1962 theo thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Mỹ Lộc. Đây là một công trình kiến trúc của Công giáo Rôma tại Huế. Hiện nay, nhà thờ này tọa lạc ở phường Phú Nhuận, thành phố Huế. Khuôn viên nhà thờ rộng và có hình tam giác, đỉnh là ngã ba đường Nguyễn Huệ và Nguyễn Khuyến.
Nhà thờ dòng chúa cứu thế |
8/.KHÁCH SẠN LA RESIDENCE HUE HOTEL & SPA
Khách sạn nằm bên bờ sông Hương, ngay tại trung tâm thành phố, được bày trí rất công phu và kĩ lưỡng để bảo tồn những tiện nghi và không gian của tòa villa thời thuộc địa cổ. Nội thất của khách sạn được thiết kế và bày trí đầy tính thẩm mỹ gợi lên một vẻ đẹp và phong cách Đông Dương cũ. Với diện tích 2 hécta nằm bên bờ sông Hương, thơ mộng, khách sạn này là một điểm dừng chân lí tưởng để khám phá đất Cố đô.
Khách sạn La Residence |
9/.GIÁO XỨ CHÍNH TOÀ PHỦ CAM
Nhà thờ chính tòa Phủ Cam là nhà thờ chính tòa của Tổng Giáo phận Huế, tọa lạc trên đồi Phước Quả, thuộc địa phận phường Phước Vĩnh, thành phố Huế. Đây là một trong những nhà thờ to lớn, nổi tiếng và lâu đời nhất tại Huế. Ngôi nhà thờ ngày nay được xây theo lối kiến trúc hiện đại, do kiến trúc sư nổi tiếng Ngô Viết Thụ thiết kế.
Kiến trúc nhà thờ Phủ Cam |
Nhà thờ có kết cấu theo kỹ thuật xây dựng hiện đại nhưng phần trang trí vẫn theo nghệ thuật cổ điển của phương Tây. Nhìn tổng thể, nhà thờ Phủ Cam với đỉnh nhà thờ vươn thẳng lên trời trông vẫn thanh thoát nhẹ nhàng, mang tính nghệ thuật và tôn giáo.
Có thể thấy, mỗi công trình kiến trúc kể trên đều có những nét độc đáo riêng, góp phần vào sự đa dạng của kiến trúc đô thị Huế cũng như bề dày lịch sử của mảnh đất Cố đô. Dù được xây dựng cách đây hàng thế kỷ, những công trình này ít nhiều đã có sự thay đổi theo thời cuộc nhưng vẻ đẹp và giá trị lịch sử của mỗi công trình thì không ai có thể phủ nhận.
Theo Đna Thích