Tạm diễn giải là năm con rồng ác bá nhất trong quân ngũ Tây Sơn. Chắc đọc đến đây các bạn thấy khá khó hiểu vì lục tung kiến thức lịch sử của mình cũng không tìm ra cụm từ “Tây Sơn Ngũ Đại Ác Long”, Sử Văn Các bữa nay viết bậy viết bạ quá chừng à nghen! Tại sao lại là Ác Long nhỉ, chỉ mới nghe tới Tây Sơn Thất Hổ Tướng, Tây Sơn Ngũ Phụng Thư, rồi Tây Sơn Ngũ Thần Mã, hoặc bên kia chiến tuyến có Gia Định Tam Hùng, Ngũ Hổ Tướng Gia Định. Vậy năm con rồng độc ác tàn bạo kia là ai cơ chứ?
1 & 2. Lý Tài và Tập Đình
Hai ông này tuy hai mà một, tham gia Tây Sơn từ những buổi đầu khởi nghĩa. Nguyễn Nhạc chỉ huy Trung quân thì lúc nào cũng lấy Lý Tài và Tập Đình làm tả hữu. Nguyễn Nhạc công thành hay đánh đồn thì thế nào cũng lấy hai ông này một làm tiên phong, một làm tập hậu. Nguyễn Nhạc chỉ huy quân Tây Sơn, Lý Tài chỉ huy quân Hòa Nghĩa, Tập Đình chỉ huy Trung Nghĩa, ba ông hợp binh với nhau y như ba anh em Lưu, Quan, Trương thời Tam Quốc, thề sống thề chết, sinh tử chi giao cùng đánh cho quân Nguyễn tan tành.
Quân của Lý Tài và Tập Đình có đặc điểm nhận dạng rất ngầu: vũ khí thường dùng là siêu đao, lá chắn bằng mây, tuy nhiên khi đánh trận chỉ thích cởi trần, quấn đầy vàng mã, bùa chú quanh người y như quỷ dữ từ địa ngục chui lên, trước lúc giáp trận thì nhậu thật say, sau đó kêu gào nhiễu loạn khiến quân địch khiếp vía. Quân Tàu Ô quân số chỉ có vài ngàn người nhưng ai cũng gan dạ, liều chết, nhiều lần đả bại quân Nguyễn (quân số tính bằng vạn), tiêu biểu như trận chiến thành Quảng Ngãi, núi Bích Kê, Bến Đá, quân Triều đình thua như ngã rạ, nghe đến hai từ Tây Sơn hay Tàu Ô là mặt mày không còn miếng máu.
Nhưng tiếc thay, khi đụng trận với quân Trịnh đang ở thời kỳ đỉnh cao (dưới sự chỉ huy của danh tướng Hoàng Ngũ Phúc), bộ ba Nhạc Tài Đình thua sấp mặt (trận Cẩm Sa, năm 1775), đến nỗi anh Tập Đình sợ quá chạy trốn về Quảng Đông tiếp tục hành nghề hải tặc quyết quên hết sự đời, Lý Tài thì nhốt mình trong phòng (bị sang chấn tâm lý) chẳng dám đánh trận nữa. Không nhờ có Nguyễn Huệ (lúc này mới 22 tuổi) đứng ra gánh vác, trước đánh bại hai vạn quân Nguyễn (do Tống Phước Hiệp chỉ huy) tại Vịnh Xuân Đài, sau điều đình với Hoàng Ngũ Phúc thì số phận Tây Sơn có lẽ đã kết liễu từ năm 1775, khi bị hai lão tướng sừng sỏ nhất của Trịnh Nguyễn đánh kẹp lại.
Lý Tài và Tập Đình vốn xuất thân từ hải tặc, bản tính tàn bạo, hay giết hàng binh nên người dân Quảng Nam rất căm ghét, có đặt nhiều lời vè để chế giễu. Tướng tá Tây Sơn cũng chẳng ai ưa lũ Tàu Ô này, luôn tìm nhiều cách để loại trừ, làm trong sạch nghĩa quân.
Quả đúng là như vậy, sau này Lý Tài bị Nguyễn Nhạc thất sủng, tước binh quyền (thực ra là thuộc binh đã bị làm gỏi hết ở trận Cẩm Sa), Lý Tài bất mãn theo hàng chúa Nguyễn, được phong làm Đại tướng quân, khống chế toàn bộ triều chính của chúa Nguyễn Phúc Dương (đủ thấy danh tiếng ông này thuộc hàng khủng rồi). Cũng vì sự phản bội này mà Nguyễn Nhạc sinh thù với người Hoa, đặc biệt là tàn quân Hòa Nghĩa, dẫn đến một loạt các sự kiện về sau nữa…
3 & 4 & 5. Trần Thiên Bảo, Mạc Quân Phù và Trịnh Nhất.
Nếu mối tình tay ba giữa Nguyễn Nhạc, Lý Tài, Tập Đình đều gây đau khổ, tổn thương cho cả ba người (Sau khi thua trận Cẩm Sa Tập Đình bỏ trốn về Quảng Đông hành nghề, sa sút đến nỗi bị Tổng đốc Quảng Đông bắt giết. Lý Tài theo hàng chúa Nguyễn cuối cùng bị một trong Gia Định Tam Hùng – Đỗ Thanh Nhơn giết chết vì “nhìn cái mặt khó ưa” hay “loài heo chó đó có dùng cũng vô ích mà thôi”. Nguyễn Nhạc mãi ôm nỗi căm hận bị phản bội đến mấy năm sau thì ra tay thảm sát tàn quân Hòa Nghĩa và người Hoa rất kinh hoàng…)
Nhiều năm trôi qua, Nguyễn Huệ nhìn ra Biển Đông bao la tiếp tục ôm mối tư tình với giặc Tàu Ô, bằng tài dùng người kiệt xuất của mình và rút kinh nghiệm từ ông anh Nhạc, Nguyễn Huệ nhận ra không thể điều khiển bọn hải tặc sừng sỏ đã thành danh (bọn chúng đều rất cứng đầu và kiêu hãnh) vậy nên phải nuôi nấng, đào tạo chúng từ trứng nước. Một ngày đẹp trời năm 1783, Nguyễn Huệ thấy chàng trai đánh cá Trần Thiên Bảo đang tung lưới bên bờ biển, nhận ra được cái khí thế cá kình ẩn trong từng động tác kéo lưới điêu luyện (anh hùng thường dễ nhận ra nhau), Nguyễn Huệ liền vỗ vai Trần Thiên Bảo nói rằng: “Ta cho cậu chức Tổng binh, thuyền chiến và vũ khí, nào cùng ta khởi nghiệp (gây dựng cơ đồ)!”.
Từ chiếc thuyền chiến đầu tiên, đến năm 1788, Trần Thiên Bảo đã khuếch trương được 22 chiến thuyền và hàng ngàn đàn em, trong đó có hai kẻ triển vọng nhất: Mạc Quân Phù và Trịnh Nhất (cả nhà từ tằng tổ Trịnh Kiến đến ông cha Trịnh Liên Phúc, Trịnh Liên Xương và ông anh họ Trịnh Thất đều làm thủ lĩnh hải tặc danh tiếng). Cộng với việc Quang Trung đại phá quân Thanh, mở rộng đế chế Tây Sơn, kiểm soát hoàn toàn Biển Đông, đế chế hải tặc cũng phát triển lên đến thời kì huy hoàng nhất. Hàng chục bang phái được phân phong, như Phượng Vĩ, Tiểu Miêu, hoặc có khi chia thành nhiều màu cờ như Thanh Kỳ, Hồng Kỳ, Hoàng Kỳ, Hắc Kỳ, Lục Kỳ… Hàng ngàn tàu chiến được quy tập về đầu quân cho Tây Sơn, bảy vạn tên cướp biển đồng loạt tôn Nguyễn Huệ là “Đại Ca Hải Tặc” hay “Vua Hải Tặc” thực thụ. Chúng tôn sùng Nguyễn Huệ như thánh sống, nhờ có sự điều hành của Nguyễn Huệ mà hải tặc được tổ chức quy củ, có địa bàn riêng, tôn trọng lẫn nhau và ai cũng có mục tiêu, có lý tưởng hẳn hòi. Trần Thiên Bảo được phong chức Đô Đốc, Ô Thạch Nhị được phong chức Ninh Hải Phục Tướng Quân, Mạc Quân Phù được phong Đông Hải Vương, Trịnh Thất được phong Đại Tư Mã uy danh tột bực.
Vậy là chuyện tình giữa Nguyễn Huệ và Tàu Ô đã viên mãn vừa tròn, chỉ cần vài năm nữa thôi, thủy bộ đều sẵn sàng thì Nam chinh, Bắc tiến, Bắc lấy Lưỡng Quảng, Tây Nam đánh tận Xiêm La, đế chế Đại Việt Tây Sơn sẽ mở rộng hơn bao giờ hết… Nhưng ông trời vẫn ganh ghét tài hoa của thầy Thơm nhà mình, không cho thầy sống lâu, bắt thầy chết yểu ở cái tuổi sung mãn nhất.
Nguyễn Ánh sau mấy chục lần thoát chết, lâm ly như truyền kì võ hiệp, đột nhiên xuất hiện cùng với Tàu chiến kiểu Tây Dương và vũ khí hiện đại của đế chế Pháp (tự đóng tàu, tự sản xuất súng pháo dưới sự cố vấn của người Tây), bắn cho lũ hải tặc lên bờ xuống ruộng, quét sạch chúng ra khỏi biển Đông.
Sau một cơn mưa máu trời quang biển tạnh. Trần Thiên Bảo nản lòng, cùng gia đình và 30 người tùy tùng ra đầu thú nhà Thanh. Đông Hải Vương Mạc Quân Phù bị quân Nguyễn bắt được sau cùng bị nhà Thanh hành quyết. Chỉ còn Trịnh Nhất, tuy là đàn em nhưng được cái can trường, đã giữ vững được đế chế hải tặc của mình và cuối cùng truyền lại cho bà vợ Trịnh Nhất Tẩu (tên thật Thạch Dương). Trịnh Nhất Tẩu sau này trở thành nhân vật quyền lực nhất trong lịch sử hải tặc, không chỉ riêng trên biển Trung Hoa mà trên toàn thế giới. Đến nỗi quan binh nhà Thanh phải thốt lên: “Quân hải tặc quá mạnh, chúng tôi không thể khống chế chúng bằng vũ lực”…
Ảnh ===> Trịnh Nhất Tẩu và 2 đàn em Tàu Ô, một trong những thành viên chủ chốt của Hội Đồng, trích Cướp biển vùng Caribbean.
Nguồn: Sử Văn Các