Yên Lập là huyện miền núi, nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Phú Thọ với địa hình chủ yếu là đồi núi, có nhiều khe suối chia cắt. Trên địa bàn huyện có 13 dân tộc cùng sinh sống, trong đó người Mường, Dao và H’mông chiếm trên 70%. Mỗi dân tộc với những nét văn hóa đặc trưng đã tạo cho Yên Lập một không gian văn hóa độc đáo, rực rỡ sắc màu. Văn hóa ẩm thực với những món ăn đặc trưng của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện nói chung và đồng bào dân tộc Mường nói riêng đã góp  phần không nhỏ vào việc tạo nên không gian văn hóa độc đáo ấy.

1. Xôi ngũ sắc:

Xôi ngũ sắc từ lâu được biết đến là đặc sản ẩm thực, một món ăn truyền thống trong các dịp lễ tết của đồng bào dân tộc Mường trên địa bàn huyện. Xôi ngũ sắc tượng trưng cho âm dương ngũ hành, cho tình đoàn kết của cộng đồng dân tộc Mường nói riêng và cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện nói chung.
Điểm đặc biệt của món xôi này là màu sắc tự nhiên, rất độc đáo và đẹp mắt. Những hạt xôi thơm dẻo được đồ bằng gạo nếp Gà gáy (một loại nếp đặc sản của xã Mỹ Lung – huyện Yên Lập). Màu xôi đẹp tự nhiên và hấp dẫn nó được tạo nên bằng cách ngâm gạo nếp với nước của các loại lá và củ cây rừng. Những loại lá và củ cây này đều dễ tìm và rất gần gũi với đời sống sinh hoạt của đồng bào Mường. Khi chín hương thơm của nếp Gà gáy quện với hương thơm đặc trưng của cây cỏ nơi núi rừng Yên Lập đã khiến xôi ngũ sắc không thể lẫn với bất cứ loại xôi nào khác. Hạt xôi bóng đẹp nhưng không ướt, khi nguội hạt se lại nhưng vẫn mềm, dẻo và thơm đặc trưng.
Người xưa quan niệm, xôi ngũ sắc tượng trưng cho ngũ hành tương sinh tương khắc trong trời đất. Mâm xôi ngũ sắc trong những ngày lễ tết thể hiện lòng thành kính, biết ơn của con cháu với ông bà tổ tiên, tình yêu thương, sự gắn kết của cộng đồng và cầu mong mùa màng tốt tươi, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, yên bình.

2. Cơm Lam:

Cùng với xôi ngũ sắc cơm lam cũng là một món ăn truyền thống đặc trưng của đồng bào Mường huyện Yên Lập. Theo các các cụ cao niên kể lại, trước kia người dân phải đi rừng, đi nương từ mờ sáng, thậm chí phải ngủ lại trong rừng. Do đó, đã dùng ống tre, ống nứa cho gạo vào trong đem nướng trên lửa cho đến khi gạo trong ống chín thành cơm. Khi ăn, cơm có vị ngọt, bùi có hương thơm đặc trưng của tre, nứa non và gọi đó là cơm lam.
Ngày nay, cuộc sống của đồng bào Mường huyện Yên Lập đã có nhiều thay đổi, nhưng cơm lam vẫn là một món ăn truyền thống không thể mai một, nó đã trở thành món ăn thường xuyên không thể thiếu trong gia đình người Mường vào mỗi dịp lễ tết. Vị dẻo thơm của nếp Gà gáy được bao bọc bởi một lớp vỏ lụa mịn màng, mỏng mảnh, có màu trắng ngà trong ruột ống nứa non, khiến cho cơm lam có một hương vị rất đỗi đặc trưng – hương vị của núi rừng mà khi đã thưởng thức một lần thì nhớ mãi không quên. Ngoài màu trắng đặc trưng, cơm lam đã được bà con sáng tạo hơn với nhiều màu sắc khác nhau như màu của xôi ngũ sắc trông đẹp, bắt mắt và có hương vị hấp dẫn hơn. Cơm lam cũng như tấm lòng của con người Yên Lập, mộc mạc bình dị nhưng cũng thật sâu nặng nghĩa tình.

3. Rau rừng đồ chấm mẻ:

Rau rừng đồ chấm mẻ là một món ăn đặc trưng được đồng bào dân tộc Mường nói chung
và đồng bào Mường Yên Lập nói riêng rất yêu thích. Ngày xưa khi đi nương, đi rẫy người Mường thường mang theo giỏ để hái các loại rau rừng như: đắng cảy, rau dớn, rau đáu, lá chìa, lá xẻn, măng, nấm, bắp chuối… Rau rừng thập cẩm được rửa sạch cho vào ống lam hoặc đồ trên chõ khoảng 30 – 40 phút. Rau rừng đồ được chấm với một loại nước chấm đặc biệt đó là dấm mẻ, khi ăn sẽ cảm nhận  được hương vị đắng, chát, ngọt, bùi, cay… của các loại rau khi hòa quện vào với nhau. Đây cũng là một món ăn rất có lợi cho sức khỏe và hiện nay vẫn xuất hiện thường xuyên trong mâm cơm gia đình của người Mường.

4. Món bắp chuối lam sườn:

Bắp chuối lam sườn là món ăn truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc Mường. Hoa chuối rừng có trên khắp các các dãy núi, cánh rừng ở Yên Lập. Khi đi rừng người Mường thường hái bắp chuối mang về để chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Để làm món bắp chuối lam sườn, bắp chuối sẽ được thái mỏng, ngâm với dấm, sau đó vớt ra để ráo nước và với các trộn gia vị: muối, tiêu, lá thơm và thịt sườn băm (trước kia là thịt thú rừng băm nhỏ) cho vào ống nứa và lam đều tay (như lam cơm) trên lửa nhỏ hoặc than hồng. Khi lam chín món ăn có mùi thơm đặc trưng của hoa chuối rừng vị ngọt của thịt sườn, có thể ăn cùng cơm nóng hay làm dùng đồ nhắm rượu đều rất tuyệt.

5. Cá shỉnh ngòi Lao:

Cá Shỉnh là một loại cá nhỏ, có ở nhiều nơi nhưng theo tương truyền thì chỉ có ở ngòi Lao
chảy qua địa phận xã Mỹ Lung, Mỹ Lương của huyện Yên Lập mới có nhiều và ngon nhất. Cá được người dân đánh bắt thủ công sau đó đem về làm sạch để ráo nước. Cá sẽ được tẩm ướp gia vị và dùng kẹp tre kẹp lại thành từng gắp rồi nướng trên than củi cho đến khi cá chín vàng đều là được. Cá Shỉnh chín trải đều trên lá chuối khi còn nóng mùi của cá nướng cộng với mùi của lá chuối tạo nên một mùi thơm đặc trưng hấp dẫn nhưng cũng rất bình dị, dân dã.Cá Shỉnh thường ăn cùng với cơm lam, rau rừng, đây cũng là món ăn lên nương truyền thống của người Mường ngày xưa.
Cá Shỉnh ngòi Lao đã tạo nên hương vị, bản sắc riêng mà chỉ đồng bào Mường Yên Lập mới có. Ngày nay, nó đã trở thành món ăn mà bất cứ ai khi đến với Yên Lập đều muốn một lần được thưởng thức và khi đã thưởng thức rồi thì nhớ mãi không quên.

Trên đây là một số món ăn đặc trưng của đồng bào Mường Yên Lập. Hầu hết các món ăn đều rất đơn giản, không cần chế biến cầu kỳ, nhưng lại độc đáo, dậy lên hương vị của núi rừng, mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc Mường nơi đây và đã níu chân không ít du khách khi đến thăm Yên Lập./.