LỜI GIỚI THIỆU
Từ thời Lê Thánh Tông, cùng với quyết tâm xây dựng nhà nước quân chủ chuyên chế tập quyền theo mô hình Trung Hoa, nhà nước Đại Việt đã áp dụng một hệ thống thi cử khoa bảng dựa trên Tống Nho, để tuyển chọn quan chức cho bộ máy chính quyền. Hệ thống này đã trở nên độc tôn ở Đại Việt, việc thi cử đỗ đạt, “học để làm quan” đã trở thành mục tiêu, thành con đường lập thân hầu như duy nhất của các sĩ tử Nho học.
Từ thời Lê Thánh Tông đến thời Lê Trịnh (Lê Trung Hưng) cách học từ chương Tống Nho hầu như không có gì thay đổi. Có thể kể đế những bậc tôn sư Nho học hàng đầu Đại Việt thời đó như Trần Ích Phát, Lương Đắc Bằng (1472-1522), Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), Đàm Công Hiệu (1652-1721), Vũ Công Đạo (1629-1714), Vũ Thạnh (1664-?), Nguyễn Tông Quai (1692-1767), Lê Quí Đôn (1726-1784), Bùi Huy Bích (1744-1818) … Tất cả các bậc tôn sư này, đều chỉ dạy học trò bằng kinh sách Tống Nho, được du nhập từ Trung Hoa thời nhà Minh, và được giữ hầu như nguyên bản ngoài một vài chú giải của riêng họ.
Trong số này, người đi xa nhất là Hoàng Giáp Tham tụng (tể tướng) Bùi Huy Bích, người đã có công biên soạn chú giải rất nhiều kinh sách Tống Nho. Đặc biệt ông đã soạn ra sách toát yếu bao gồm “thiên thi, bách phú, ngũ thập văn sách (1000 bài thơ, 100 bài phú, 50 bài văn sách)” tuyển chọn, dành riêng cho sĩ tử Nho học ôn luyện đi thi. Học thuộc, dùi mài kỹ khối lượng văn sách này, cộng với đôi chút tư chất thì chắc chắn là đỗ tam trường. Còn nếu may mắn thì có thể “vượt vũ môn” đỗ tú tài, cử nhân. Có thể nói Bùi Huy Bích chính là ông tổ nghề luyện thi hiện đại ở Việt Nam.
Vào thời nhà Minh ở Trung Hoa xuất hiện nhà cải cách tư tưởng Khổng Nho kiệt xuất Vương Dương Minh (1472-1528), người được các học giả Trung Hoa xếp trong tứ đại tôn sư Khổng Nho cùng hàng với Khổng Tử, Mạnh Tử, Chu Hi. Rất tiếc là các nho sỹ Thăng Long Đại Việt thời đó hầu như bỏ qua học thuyết “Tri ngôn dưỡng khí” và chủ trương “ “Tri hành hợp nhất, Vạn vật nhất thể, Chí lương tri… của ông. Trong khi đó, học thuyết Vương Dương Minh lại có ảnh hưởng sâu rộng ở Trung Hoa (Minh Nho), Triều Tiên và đặc biệt là ở Nhật Bản.
Học thuyết Vương Dương Minh (Dương Minh học) Nhật Bản phát triển mạnh mẽ vào thời Edo cùng với nhiều phái Nho học khác như: Chu Tử học phái, Cổ học phái… Đến thời Minh Trị duy tân, Dương Minh học Nhật Bản phát triển theo hướng thực tiễn, cách mạng. Học giả tiêu biểu nhất cho Dương Minh học cận đại là Oshio Heihachiro (1793-1837). Các nhà duy tân Nhật Bản nổi tiếng như Yoshida Shoin (1830-1859), Saigo Takamori (1827-1877) … những người đứng đầu trong việc mở cửa sang Phương Tây ở Nhật Bản, đều tự nhận mình chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng Dương Minh học. Thông qua các nhà duy tân này mà Dương Minh học được truyền bá mạnh mẽ ở các nước Đông Á khác.
Ngược lại, ở Trung Hoa sau khi nhà Minh mất đi, nhà Thanh do người Mãn Châu thống trị có khuynh hướng quay về tôn sùng Tống Nho. Dương Minh học ở Trung Quốc dần dần lụi tàn. Đến cuối thế kỷ 19, Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, những lãnh tụ của phong trào Duy tân Trung Quốc đã du nhập ngược Dương Minh học cận đại của Nhật Bản với tinh thần thực tiễn và cách mạng về lại Trung Hoa. Nhờ vậy mà Dương Minh học Trung Hoa lại tái sinh và phát triển mạnh mẽ.
Về sau Phan Bội Châu (người chịu ảnh hưởng mạnh từ Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu) trong cuốn Khổng Học Đăng (tr.727), đã tỏ ra tiếc nuối việc Việt Nam đã bị Tống Nho “đè bẹp” và bỏ lỡ cơ hội tiếp nhận Dương Minh học. Ông viết về Vương Dương Minh như sau:
“ Khổng học phái đời Minh, từ lúc có pho “Ngũ kinh tứ thư đại truyện” ra đời, dùng bản sách này thi tiến sĩ. Học giả trong thiên hạ chuyên đem “Trình, Chu tập chú” làm mồi cân đai. Ngoài “Trình, Chu tập chú” họ chẳng biết một cái tý gì . Nhưng mà họ há phải say ở Trình Chu đâu! Chỉ 4 chữ “ thăng quan phát tài” là mục đích của họ. Khổng học đến bây giờ thành ra đám đồng cỏ rậm. Ở trong đám đồng cỏ rậm ấy mà mở ra một đường lối quang minh, gieo vào một hạt mộng tốt đẹp, khiến cho Khổng học lại rực rỡ tinh thần thiết phải qui công cho người khẩn hoang và gieo mộng. Người ấy là ai? Tức là thầy Vương Dương Minh”.
Tuy nhiên, mặt khác có thể nói rằng ở Xứ Đàng Trong, Dương Minh học đã theo dòng người Trung Hoa “phản Thanh phục Minh” sang Việt Nam từ thế kỷ 17-18. Điều này có thể nhận biết được qua trường hợp Võ Trường Toản (?-1792), người được toàn thể sỹ dân Nam Kỳ tôn vinh là Học tổ với sự tôn trọng và kính ngưỡng tuyệt đối.
Tượng Võ Trường Toản ở Ba Tri, Bến Tre. Ảnh: vanhoahoc.vn
Tượng Võ Trường Toản ở Ba Tri, Bến Tre
Võ Trường Toản đề cao sách Đại học trong Tứ thư, Ngũ kinh và thuyết “Tri ngôn dưỡng khí”. Trong bài bi minh đề ở mộ Võ Trường Toản (Gia Định xử sĩ Sùng Đức Võ tiên sinh bi minh), Phan Thanh Giản có viết: “Lại nghe Võ tiên sinh học rộng hết các kinh, và sở trường nhất một bộ tứ thơ. Ông Chiêu, nhà ẩn dật là bực túc học được theo Tiên sinh học thấu nghĩa “Tri ngôn dưỡng khí”, từng thấy Tiên sinh để trong sách lời này: “Sách Đại học một ngàn bảy trăm chữ, tan ra vô số sự vật, tóm lại còn hai trăm chữ, tóm lại nữa chỉ còn một chữ”.
Nguyễn Thông nói rõ hơn: “Một quyển Đại học phát huy hết yếu chỉ tinh vi/ Rực rỡ như Vân Hán ngời ngời trên trời thu” (Đại học nhất biên yết vi chỉ/ Hoàng hoàng thu hiệu trác Hán chương). Như chúng ta đã biết, Vương Dương Minh cũng đề cao sách Đại học qua việc ông có sách Đại học vấn (Hỏi đáp về sách Đại học) và các nhà Dương Minh học Đông Á đều quan tâm chú giải lại thuyết “Tri ngôn dưỡng khí”.
Như vậy, có thể nói rằng Võ Trường Toản chính là nhà cải cách giáo dục đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, người đưa ra một tư duy, một triết lý giáo dục hoàn toàn khác những bậc tôn sư đương thời ông. Về vấn đề này, tôi xin phép giới thiệu trích đoạn bài viết của GS Đoàn Lê Giang với tựa đề “Thuyết “Tri ngôn dưỡng khí”, Dương minh học và tư tưởng giáo dục của Võ Trường Toản” đăng trong Tạp chí Hán Nôm, số 5 (120); tr.14-25, năm 2014.
*******
TƯ TƯỞNG GIÁO DỤC CỦA VÕ TRƯỜNG TOẢN VÀ HỌC PHONG NAM BỘ
Võ Trường Toản không để lại sự nghiệp trước thuật gì ngoài bài Hoài cổ phú, thế nhưng sĩ dân Nam kỳ vẫn đặc biệt kính trọng ông coi ông là người thầy chung. Võ Trường Toản có nhiều học trò xuất sắc, đó là: Ngô Tòng Châu – bề tôi trung nghĩa, bậc khai quốc công thần của triều Nguyễn; là Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhơn Tĩnh – được người đời xưng tụng là “Gia Định tam gia” do tài thơ và tài văn võ song toàn của họ; là Phạm Ngọc Uẩn, Lê Bá Phẩm – những học trò giỏi; là ông Chiêu ông Trúc – hai nhà ẩn dật đức hạnh thanh cao…
Những nho sĩ Nam kỳ sau Võ Trường Toản, dù không học ông, nhưng cũng coi ông là thầy, như Phan Thanh Giản – vị Tiến sĩ đầu tiên của Nam Kỳ, Nguyễn Thông – nhà thơ, nhà giáo hàng đầu của Nam Kỳ, như Nguyễn Đình Chiểu – thầy thuốc, thầy giáo, nhà thơ của sĩ dân lục tỉnh… Phan Thanh Giản đã kể chi tiết việc dời mộ Võ Trường Toản từ Bình Dương (Gia Định) về Ba Tri (Vĩnh Long) để thấy được thái độ của người sau với Võ Trường Toản: “Cùng với người đồng quận tiên sinh là Nguyễn Thông, Đốc học tỉnh Vĩnh Long, chúng tôi hội các thân sĩ mưu toan việc dời mộ (…).
Nhờ quan học sứ Nguyễn Thông đứng làm chủ tang; đồ tang phục thì chiếu theo lễ tế thầy xưa mà sắp đặt (…) Tại tỉnh, các bạn đồng liêu, dưới phủ huyện, huấn giao, sĩ tử, có các thân sĩ hai tỉnh An Giang, Hà Tiên cùng với các sĩ phu ba tỉnh vùng Gia Định lưu ngụ trong ba tỉnh này đều tham dự vào lễ kiết táng.” (Gia Định xử sĩ Sùng Đức Võ tiên sinh bi minh). Vậy tư tưởng giáo dục của Võ Trường Toản để lại gồm những gì, và điều ấy đã hình thành nên học phong Nam Bộ như thế nào? Theo chúng tôi có 3 điểm nổi bật sau đây.
CHÚ TRỌNG Ở ĐẠO NGHĨA
Võ Trường Toản đã để lại một bài phú để giáo dục đạo đức, đó là bài Hoài cổ phú hay gọi đầy đủ hơn là Hiếu trung hoài cổ phú. Như tên gọi của nó, bài phú ngợi ca những tấm gương trong lịch sử đã nêu cao đạo trung hiếu. Mở đầu bài phú. tác giả nói vạn vật dù tốt đẹp đến đâu cuối cùng cũng sẽ tàn lụi, vạn vật đều biến đổi theo quy luật đất trời:
“Rỡ rỡ cúc ba thu, ba thu lụn cúc đà tàn héo;
Hây hây sen chín hạ, chín hạ qua sen cũng rã rời.
Cho hay vực thẳm nên cồn;
Khá biết gò cao hóa bể”.
Con người cũng theo quy luật ấy, đều qua đi. Thế nhưng trong dòng chảy thời gian vô thường bất tận ấy, vẫn có những giá trị bất hủ:
“Cho hay dời đổi ấy lẽ thường;
Mới biết ‘thảo ngay’ là nghĩa cả”.
“Thảo ngay” đó là cách Việt hóa, nhân dân hóa khái niệm trung hiếu. Bài phú đưa ra hàng loạt tấm gương “thảo ngay” bất tử trong lịch sử: Vua Thuấn hiếu hạnh làm thay đổi được tính nết cha và mẹ ghẻ; Mẫn Tử Khiên bị mẹ ghẻ cho mặc áo mỏng vào mùa đông rét mướt mà chẳng kêu ca; Tôn và Tường khóc khi tìm măng vào mùa đông, nằm trên giá lạnh để bắt cá, lòng hiếu cảm đến trời… Rồi những tấm lòng cô trung của Tỷ Can, Hàn Dũ, Tô Võ, Nhạc Phi, Văn Thiên Tường… cũng sống mãi với sử xanh, đời đời bất diệt. Bài phú kết lại:
“Trời mỏn đất già, danh hỡi rạng, lụy non Ngưu nghĩ cũng sụt sùi;
Biển khô đá rã, tiết nào phai, sử họ Mã chép còn tỏ rõ”.
Đạo nghĩa mà Võ Trường Toản và các học trò của ông đề cao đó là gì? Theo tôi: Đó là lòng trung hiếu, như đã nói ở trên; là tinh thần xả sinh thủ nghĩa; là lòng thành: chân thành, thành thực; là tiết nghĩa; là tinh thần trọng nghĩa khinh tài, “Kiến nghĩa bất vi vô dõng dã” như tổng kết của Phan Thanh Giản và Nguyễn Thông.
CHÚ TRỌNG Ở THỰC TIỄN
Võ Trường Toản không nói trực tiếp về việc này, nhưng tinh thần thực tiễn thể hiện qua việc giảng dạy những điều thiết thực, dạy người ta trở thành người hữu ích. Nhiều lần các học trò của ông nói đến tinh thần này:
-“Học mà dụng tất cả công phu để giữ được điều ấy thì học mới thiết thiệt (thiết thực)” (Nguyễn Thông: Vĩnh Long Khổng Tử miếu hậu ký).
-“Sở học của Sùng Đức thật là thiết thực uyên thâm rất hiệp với tư tưởng thánh hiền xưa vậy.” (Nguyễn Thông: Bài viết sau mộ biểu Sùng Đức Võ Phu tử).
Có lẽ với tư tưởng này, Võ Trường Toản đã đào tạo ra những học trò văn võ toàn tài, giúp rập hiệu quả cho công cuộc trung hưng của nhà Nguyễn. Đó là một Ngô Tòng Châu văn chương giỏi, chỉ huy đánh trận giữ thành đều nổi tiếng; một Trịnh Hoài Đức làm thơ cũng giỏi, viết văn cũng hay, chỉ huy quân sự, lãnh đạo chính trị, đi làm ngoại giao đều xuất sắc. Cái học phong ấy còn được tiếp tục ở Phan Thanh Giản, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thông, Trần Thiện Chánh…
Tinh thần trọng thực tiễn còn thể hiện ở phong cách kẻ sĩ có “tục chuộng khí tiết, khinh tài trọng nghĩa, sĩ phu ham đọc sách, cốt yêu cầu cho hiểu rõ nghĩa lý, mà lại vụng nghề văn từ” như Đại Nam nhất thống chí viết.
HỌC VÌ ĐỜI
Võ Trường Toản không ra làm quan do hoàn cảnh và quan niệm của ông, nhưng học trò của ông như đã nêu trên đều là những người xuất sắc. Có lẽ do điều kiện tự nhiên và kinh tế ở Nam kỳ có nhiều ưu đãi, nên kẻ sĩ ở đây nếu muốn làm giàu thì có rất nhiều cơ hội, vì thế họ làm quan chủ yếu là để thi thố tài năng và để giúp đời, chứ không đặt nặng vấn đề học như một kế sinh nhai, như một cách thức để “xoay bạch ốc lại lâu đài”, biến “thanh khâm thành cẩm tú” như không ít kẻ sĩ các địa phương khác.
Hãy nghe tâm sự của Nguyễn Thông, một nhà nho tiểu biểu của Nam kỳ:
“Kẻ nam nhi đường đường lưng dài vai rộng,
Phải làm cho tiếng tăm cùng dấu vết in khắp tám cõi.
Nếu không thế thì cưỡi ngựa chơi ở Ngũ đô,
Không thế thì dong thuyền dạo Ngũ hồ.
Tay trái cầm đàn Triệu, tay phải nâng sáo Tề.
Uống rượu ngon bồ đào, ăn cá chẽm Tùng Giang.
Việc gì phải lặn lội hiểm nguy tìm chức tước,
Ngựa gầy mũ rách rồi buồn nỗi cùng đường.
(Nam nhi đường đường hảo thân thủ
Đương sử danh tích trì bát khu.
Bất nhiên kỵ mã du Ngũ đô,
Bất nhiên khinh chu phiếm Ngũ hồ,
Tả ủng Triệu sắt hữu Tề vu,
Bồ đào mỹ tửu Tùng Giang lô.
Hồ nãi khóa khanh tẩu hiểm mịch quan tước,
My thông phá mão bi cùng đồ)”.
Tiến tửu ca
Nói về sự nghiệp giáo dục của Võ Trường Toản, Nguyễn Thông có câu thơ rất hay: Bậc đại hiền sinh ra không phải để làm quan mà là để dạy người ta làm quan:
“Thiên sinh đại hiền vị giác thế,
Huân liệt bất tại đăng nham lang”.
(Trời sinh ra bậc đại hiền để dạy dỗ cho đời,
Công nghiệp không phải ở chỗ làm quan cho triều đình).
KẾT LUẬN
Từ cái nhìn toàn cảnh Nho học Đông Á, ta có thể thấy Nho giáo Việt Nam cũng có những bước đi đồng hành với Nho giáo trong khu vực, dù tính chất và mức độ cũng khác biệt ít nhiều. Dương Minh học – một khuynh hướng Nho học có tính chất khai phóng, chú trọng ở thực tiễn, có thể cũng đã được tiếp thu ở Việt Nam.
Thời điểm tiếp thu là khoảng thế kỷ XVIII tương đương với thời gian Dương Minh học du nhập vào Hán Quốc, tiếp thu ở địa phương mà mức độ kinh tế hàng hóa, giao lưu quốc tế khá rộng rãi, đó là Nam Kỳ. Nhà Dương Minh học sớm nhất và tiêu biểu nhất là Võ Trường Toản.
Võ Trường Toản đã mở ra một học phái mới có nhiều yếu tố Dương Minh học và tạo ra học phong Nam kỳ có những sắc thái riêng, trong đó yếu tố đạo nghĩa, trọng thực tiễn, học vị đời là những nội dung nổi bật. Mặt tích cực và cả mặt tiêu cực của học phong Nam kỳ và rộng ra là giáo dục ở Nam Bộ cũng liên quan khá chặt chẽ với truyền thống đó (hết trích).
Đền thờ nhà giáo Võ Trường Toản. Ảnh: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre.
Đền thờ nhà giáo Võ Trường Toản
PS. Đồng thời, có thể nói Võ Trường Toản chính là bậc tôn sư tinh thần của rất nhiều nghĩa dũng Nam Kỳ cùng thời (ngoài những người mà ông Đoàn Lê Giang đã đề cập) như Võ Tánh, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Huỳnh Đức, Lê Chất …, cho đến những người thuộc các thế hệ sau như Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Thiên Hộ Dương, Nguyễn Hữu Huân và rất rất nhiều người khác. Những người đã tạo nên “hào khí Đồng Nai”.
Theo FB Tam Tran