1/Brahma
Trong những bộ Vêđa sớm nhất có ghi về Brahma như một vị thần sáng tạo và đầy quyền năng,
thống trị cả vũ trụ. Dần dần sau đó triết học Vêđa hướng đến sự diễn giải về thuyết độc thần, nói
về vũ trụ và khởi nguyên của nó, và quyền năng thiêng liêng của vị thần sáng tạo ấy dần dần
được nhân cách hóa thêm. Vào thế kỷ thứ IV và thứ V sau Công nguyên, Brahma lúc ấy lại được
xem là một trong ba vị có quyền năng cao tột bậc nhất trong Ấn giáo cùng với Vishnu và Shiva.
Hình ảnh Brahma thường được thấy với ba mặt và bốn tay, mỗi tay cầm quyển kinh Vêđa, cầm
bông hoa sen, cầm chùy, bắt ấn … đầu có vòng hoa và râu rậm; khi thì cưỡi con thiên nga Hamsa
(tượng trưng cho tri thức), khi thì ngồi trên một bông sen mọc từ rốn của Vishnu, khi thì nằm
trên mình con rắn Naga nổi bồng bềnh trên đại dương nguyên thủy.
2/Sarasvati.
Là quyền năng của Brahma, cũng thường được xem là người phối ngẫu. Sarasvati vẫn còn tồn tại
trong thế giới Ấn giáo ngày nay, và có tầm quan trọng còn hơn chính cả Brahma. Trong sự sùng
bái thông thường, Sarasvati là biểu tượng của Thần Nữ Tri Thức và Học Vấn. Có thể nguồn gốc
của Sarasvati liên hệ đến truyền tích làm khô cạn dòng sông Sarasvati ở Rajasthan, nhưng không
như Brahma, thần nữ Sarasvati vẫn còn đóng vai trò quan trọng trong sự sùng bái của người Ấn
giáo mãi cho đến ngày nay. Hình ảnh Sarasvati thường thấy là màu trắng, cỡi trên lưng con thiên
nga, tay cầm một cuốn sách. Sarasvati có thể được thấy với nhiều đầu và nhiều tay, biểu tượng
cho sự gia hộ tất cả các môn học về khoa học và nghệ thuật. Sarasvati được tôn sùng nhiều nhất
ở các trường và đại học.
3/Vishnu.
Có hình ảnh là vị thần với khuôn mặt người, 4 tay cầm 4 lệnh bài là cái tù và, cái vòng, cái búa
và cánh hoa sen tượng trưng cho bốn chất tạo nên vũ trụ; khi thì cưỡi chim thần Garuđa, khi thì
có dạng nửa người nửa chim, khi thì nằm trên mình con rắn Naga. Năm 1000 sau Công nguyên,
người ta cho rằng các truyền thuyết về 10 hóa thân của Vishnu được dựng lên.
Mười hóa thân của thần Vishnu
3.1. Tên vị thần: Matsya. Hóa thân: Cá
Truyền thuyết: Thuở xưa khi trái đất này còn bị che phủ bởi nước. Thần Vishnu đã hiện thân làm
một con cá để cứu Manu (người đầu tiên).
3.2. Tên vị thần: Kurma. Hóa thân: Rùa
Truyền thuyết: Cũng vào thời nước dâng tràn ngập ấy, Vishnu hóa thân làm một con rùa lớn để
vớt lấy tất cả những bảo vật bị mất trong cơn nước lũ. Trong đó kể cả nước cam lồ linh dược mà
các vị thần thánh dùng để giữ sự trẻ đẹp của mình. Lúc ấy có một vị thiên nữ Lakshmi giúp đặt
ngọn núi (Kailash) lên lưng rùa thần Kuma, để rùa có thể lặn sâu xuống lòng đại dương mà tìm
bảo vật. Nó gặp rắn thần và rắn ấy quấn mình quanh ngọn núi. Thiên nữ bèn làm biển nổi sóng
lớn, đẩy dạt ngọn núi đi và kéo theo cả rắn thần. Bấy giờ những chất cam lồ và linh dược nổi lên
mặt nước cùng với các bảo vật. Sau đó thiên nữ Lakshmi trở thành vị phối ngẫu của thần Vishnu.
3.3. Tên vị thần: Vahara. Hóa thân: HeoTruyền thuyết: Thần Vishnu lại hiện thân xuống để cứu trái đất khỏi cơn nước lũ, do sự sai khiến
của quỷ vương Hiranyaksa. Câu chuyện có lẽ bắt nguồn từ huyền thoại của người Aryan về một
con heo thần.
3.4. Tên vị thần: Narasimha. Hóa thân: nửa người nửa sư tử.
Truyền thuyết: Quỷ vương Hyranyakasjpu đã làm cho Phạm thiên phải hứa rằng, hắn sẽ không bị
giết, dù là ngày hay đêm, bởi trời, người hay thú vật. Kế đó hắn làm cho tất cả mọi người kinh
sợ. Thần Vishnu vào cung điện của quỷ vào lúc chạng vạng tối. Khi ấy không phải là ngày cũng
chưa phải là đêm, trong hóa thân nửa người nửa sư tử, Vishnu liền giết quỷ vương.
3.5. Tên vị thần: Vamana. Hóa thân: người lùn
Truyền thuyết: Bali, một con quỷ khác đạt được những phép tắc thần biến rất ghê sợ sau khi đã
thực hành những pháp tu khổ hạnh. Để che chở cho thế giời này, thần Vishnu hiện thân ra trước
quỷ trong hình dạng của một người lùn và hỏi xin hắn một ân huệ. Quỷ Bali đồng ý và Vishnu
hỏi xin một khu đất lớn bằng ba bước dài. Quỷ hứa cho và khi ấy thần Vishnu bèn hiện thân thật
khổng lồ, bước ba bước che khắp cả mặt đất. Không còn lại gì hết ngoại trừ địa ngục cho quỷ.
3.6. Tên vị thần: Parasurama.
Truyền thuyết: Vishnu hiện thân người, làm con của một Bà la môn có tên là Jamadagni. Khi cha
bị tên ác vương cướp hết của cải, Parasumara bèn đi giết tên vua gian ác này. Kế đó người con
của vua lên ngôi và giết lại Jamadagni để trả thù cha mình. Parasumara bèn trả thù lại giết hết tất
cả người nam trong thành.
3.7. Tên vị thần: Rama.
Truyền thuyết: Vishnu hóa thân làm một vị thái tử để cứu thế giới này ra khỏi sự đen tối của quỷ
vương Ravana. Câu chuyện này được kể trong Ramayana, qua đó người ta thấy được lòng sùng
tín và sự chịu đựng khổ nhọc của thái tử, cùng với lòng thủy chung của vợ là nàng Sita. Ở thiên
sử thi này người ta cũng thấy được sự tạo dựng của Hanuman, khỉ thần, một biểu tượng của sức
mạnh và lòng trung thành, hiện nay vẫn còn được xem là một vị thần linh rất được biết đến và
đang còn tôn thờ ở Nepal và Ấn Độ.
3.8. Tên vị thần: Krishna. Hóa thân: có nhiều hóa thân
Truyền thuyết: Những câu chuyện về các hóa thân của Krishna đều là cứu giúp tất cả mọi người.
Khi còn bé Krishna đã làm cho mọi bà mẹ yêu thương. Lớn lên trong tình yêu, Krishna đã phá
vỡ những lề lối cấm đoán cổ xưa của xã hội, và đưa tình yêu lên đến tột đỉnh của những khát
khao và thỏa mãn qua sự tự do và phá rào những ràng buộc của xã hội. Khi làm người đánh xe
ngựa của anh hùng Arjuna trong chiến trận Kukukshetra, Krishna là người giúp tất cả những ai
đến với mình và cứu họ thoát khỏi sự tái sanh vào những cảnh giới ác, nếu kẻ ấy có đủ niềm tin
vào đấng thiêng liêng.
3.9. Tên vị thần: Đức Phật
Truyền thuyết: Có lẽ người Ấn lấy đức Phật đưa vào tên các vị thần trong Ấn giáo để làm mất
thể diện Phật giáo, một tôn giáo rất lớn đã làm ảnh hưởng toàn vùng Nam Á Châu. Theo những
sự diễn giải sớm nhất của người Ấn giáo, họ cho rằng Vishnu hóa thân làm đức Phật để tỏ lòng
từ bi đối với các loài vật và cứu loài thú này khỏi những nạn chết vì tế lễ.

3.10. Tên vị thần: Kalki. Hóa thân: Cỡi trên một con ngựa.
Truyền thuyết: Khi Vishnu đến sẽ kéo theo sự hủy diệt sau cùng của thế giới này, để phán xét
những điều xấu ác, và tưởng thưởng những điều tốt.
4/Lakshmi
Người phối ngẫu của Vishnu, Nữ thần của sự thịnh vượng và may mắn. Mỗi khi Vishnu có một
hóa thân, Lakshmi cũng có một hóa thân để trợ giúp chồng. Khi Vishnu hóa thân thành Vamana,
Lakshmi xuất hiện từ một bông sen và có tên là Padma (hoặc Kamala). Khi Vishnu hóa thân
thành Parasurama, Lakshmi hóa thân thành vợ của Parasurama là Dharani…
5/Hanuman.
Là con khỉ trung thành phụ giúp Rama trong cuộc tìm kiếm nàng Sita. Hanuman được tôn thờ
khá phổ biến đối với những người Ấn giáo thuộc Nam Á châu. Trong Ramayana có kể về chuyện
Hanuman trở thành khỉ chúa và dẫn đàn khỉ đi tìm ở khắp Ấn Độ khi nàng Sita bị bắt cóc. Sau
cùng nó đã tìm thấy nàng trong một khu rừng của quỷ vương Ravana ở Tích Lan. Qua bao cuộc
chiến đấu và mưu mô, Hanuman đã cứu được công chúa Sita cho chủ mình. Bất cứ thân tướng gì
mà Hanuman hiện ra, người ta đều dễ dàng nhận được vì Hanuman thường được tô điểm với
màu đỏ.
6/Shiva.
Được tôn thờ như là một vị thần sáng tạo lẫn hủy diệt, có đầy đủ sức mạnh và quyền năng đối
với vũ trụ này. Thần Shiva ngự trên núi Kailasa với vợ là nàng Parvati, và hai con là thần đầu voi
Ganesha và thần Chiến tranh Kartikkeya. Shiva thường được thấy đi cùng với chiếc cỗ xe bò.
Shiva thường ít được thấy hơn là thần Vishnu nhưng trong các chân dung và điêu khắc thì có
nhiều. Shiva cũng được họa theo hình một vị tu khổ hạnh, ngồi thiền định trên đỉnh núi Kailash
cùng với vợ là nàng Parvati. Ngài thường cưỡi con bò thần Nandin.
Thần Shiva có nhiều vợ như Parvati, Uma, Durga, Kali, Shakti v. v…
Trong thờ cúng Shiva thường được đồng nhất với Linga:
Thờ sinh thực khí (Linga và Yoni) là tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp. Càng nông nghiệp điển
hình bao nhiêu thì tín ngưỡng này càng mạnh bấy nhiêu. Người du mục không có truyền thống
thờ sinh thực khí. Chiếc Linga là biểu tượng được cách điệu hóa của sinh thực khí nam trong tín
ngưỡng phồn thực mang ý nghĩa phồn thực và tính dục. Kinh Vêđa nói rằng những kẻ lấy Linga
làm thượng đế là kẻ thù của đạo giáo Aryen. Ở Ấn Độ, việc thờ Linga vốn là tín ngưỡng của thổ
dân Dravidien. Đó chính là tục thờ cúng các hòn đá hình trục, phổ biến trong dân gian từ thời
thượng cổ ở khắp vùng Đông Nam Á. Sự xâm nhập của nó vào Bàlamôn giáo và việc đồng nhất
Linga với Shiva chắc hẳn đã xảy ra vào thời kì hậu Vêđa.
Chiếc Linga trong Bàlamôn giáo: phần hình vuông (âm tính) ở dưới ứng với thần Brahma sáng
tạo, khúc hình bát giác ở giữa mang tính chuyển tiếp, ứng với thần Vishnu bảo tồn, còn phần
hình trụ tròn (dương tính) ở trên ứng với thần Shiva phá hủy. Phần dưới của Linga gắn liền với
một cái đế, giống như một cái chậu vuông, có rãnh thoát nước, biểu tượng của bộ phận sinh dục
của nữ giới (Yoni). Bộ phận hình chậu vuông này còn là biểu tượng của nữ thần phù hộ cho đất
đai, luôn phải nhờ ơn mưa móc của Linga. Ngoài ý nghĩa là biểu tượng của sự sinh dục, Linga
còn là biểu tượng của chiếc cột trụ chống đỡ vũ trụ, của ngọn núi Meru thần thoại (núi thiêng
Meru – nơi ngự trị của Thiên thần, Bồ Tát và là trung tâm của vũ trụ theo thế giới quan của Ấn

Độ). Cuối cùng, Linga còn là biểu tượng của sự vĩnh cửu và tính chất chính thống của mỗi triều
đại vua. Cũng bởi những ý nghĩa tượng trưng đó, mà chiếc Linga luôn luôn có mặt trong các biểu
hiện nghệ thuật có ảnh hưởng của Ấn Độ giáo.
Các nhà nghiên cứu đưa ra một số giải thích, dựa trên tài liệu của giáo sư Lê Xuân Khoa: theo
đó, tuy thần Shiva là thần hủy diệt, nhưng chính do hủy diệt mới xuất hiện sự sống mới; vì vậy
với tư cách là nguyên lý của sáng tạo, Shiva còn được xem là vị thần gieo rắc mầm sống và phúc
lành. Với quyền năng thứ hai đó, Shiva đã đón đầu con rắn thần Vasuki khi rắn này trườn xuống
muốn nhả độc tiêu diệt hết thế gian, rồi Shiva nuốt chửng rắn, trừ tai họa cho loài người. Mặt
khác, giáo sư Lê Xuân Khoa dẫn các pho sách xưa của Ấn Độ chép rằng: “Khi Shiva và vợ giao
hợp, tia lửa lạc thú xuất hiện và vũ trụ phát sinh từ tình yêu ấy. Và Ngài (Shiva) tự phân làm hai
nửa, một âm và một dương, âm dương giao hòa, tạo thành vũ trụ”. Vì thế có môn phái thờ thần
Shiva lưỡng tính dưới hình ảnh Linga đặt trên Yoni. Theo thần thoại nguyên thuỷ, hình thức khởi
đầu của Shiva là cột lửa hình Linga.
7/Ganesha.
Ganesha là một trong những vị thần được biết đến nhiều nhất trong Ấn Độ giáo. Có nhiều giai
thoại về gốc tích của vị thần toàn năng này.
– Ganesha là vị thần tùy hành của thần Shiva trên núi Kailasa, do thần Shiva sáng tạo ra từ ngọn
lửa thần trên trán của mình biến thành.
– Ganesha do vợ của Shiva – bà Parvati – sáng tạo ra, do có sự cố nên cái đầu rụng mất, thần
Vishnu thương hại chắp cho một cái đầu voi, cho nên thần được thể hiện mình người đầu voi.
– Ganesha là con của Shiva và Parvati. Trong một lần tức giận Shiva đã chặt rụng đầu của
Ganesha. Do thấy vợ là Parvati khóc thương thảm thiết nên Shiva ra lệnh cho người hầu ra ngoài
tìm một cái đầu về trong vòng một ngày, nhưng đoàn người hầu đi từ sáng sớm đến chiều tối chỉ
tìm thấy một con voi, họ bèn chặt đầu con voi đó dâng lên cho Shiva. Shiva liền gắn đầu voi vào
thân Ganesha. Từ đó thần Ganesha có hình dáng mình người đầu voi.
Thần có nhiều tài năng, dập tắt mọi trở ngại khó khăn, có quyền ban mọi điều tốt lành, thần bảo
vệ bếp lửa, thần là hiện thân của thông minh và trí tuệ của thần Shiva. Thần Ganesha được hiển
thị với hình ảnh thân người đầu voi và hình ảnh này đã được tôn thờ ở khắp Nepal lẫn ở Ấn Độ.
Trong những cuộc họp mặt, tổ chức hoặc những lúc gia đình tụ hội về, người ta thường bắt đầu
bằng những bài kinh cầu nguyện đến thần Ganesha. Và cũng trong các cuộc làm ăn, mở tiệm
hoặc khánh thành một cơ sở nào, người ta cũng cho rằng sẽ không thành tựu nếu không có những
buổi lễ cầu nguyện thần Ganesha. Vào dịp lễ đăng quang của nhà vua Nepal, ông cũng đến đền
thờ thần Ganesha ở công trường Dubar tại Kathmandu để đảnh lễ và cầu nguyện thần Ganesha.