Đó là các nhà hàng Mãn Tự Vegan có cơ sở 1 ở số 14/2, đường Tôn Thất Đạm, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, điện thoại: 097 279 43 54; cơ sở 2 ở số 8F/36H, Tổ 13, Ấp 6, Xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh và cơ sở 3 ở số 55, đường Nguyễn Chí Thanh, phường 9, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh. Nhà hàng đóng cửa nghỉ trưa lúc 14 giờ và mở cửa hoạt động trở lại lúc 18 giờ cùng ngày.
Phương châm của nhà hàng chay Mãn Tự Vegan là “ăn tuỳ bụng, trả tiền tuỳ tâm”. Thật vậy, mọi người đến đây đều tuỳ tâm, vui thì trả tiền, không vui cũng… không sao! Đó là câu nói hết sức vô tư kèm theo tiếng cười giòn tan đầy hào sảng của người phụ nữ chủ của chuỗi nhà hàng chay độc nhất vô nhị cả Sài Gòn, thậm chí là cả… Việt Nam.
Thường ngày, nhà hàng có khoảng trên dưới 40 món, từ đồ chiên, đồ xào, bánh hỏi, bánh cuốn, còn có cả bún riêu chay… Có lẽ nhiều bạn đọc sẽ thắc mắc “ăn tuỳ bụng, trả tiền tuỳ tâm” có nghĩa là gì? Cụ thể phương châm của nhà hàng chay Mãn Tự Vegan là: bạn ăn bao nhiêu tuỳ bạn, và trả tiền bao nhiêu cũng… tuỳ bạn nốt. Điều bất ngờ đầu tiên mà khách đến nhà hàng nhìn thấy được đó là không có quầy tính tiền nào cả. Khách ăn xong sẽ tự tay bỏ tiền vào chiếc thùng giấy 1 nghìn, 2 nghìn, hay 100 nghìn, hay thậm chí là không trả tiền cũng chẳng sao.
Tuy nhiên, nhà hàng không phải chỉ có khách mà còn có nhiều nhân viên. Do khách đông cho nên nhân viên của nhà hàng làm việc hết công suất, từ chuẩn bị nguyên liệu, nấu bếp cho đến chuẩn bị thức ăn và lau dọn, rửa chén bát.
Riêng người phụ nữ chủ nhà hàng từng tốt nghiệp ngành điện – điện tử, đã có một công việc ổn định trong ngành xây dựng 10 năm, với thu nhập hằng tháng từ 100 – 200 triệu đồng, đã tiết kiệm được một số. Bên cạnh đó, chủ nhà hàng cũng không có áp lực về sinh hoạt phí ngày thường của gia đình bởi việc đó đã có chồng lo. Chồng chủ nhà hàng là người nước ngoài, có một khoản lương hưu khoảng 30 triệu đồng, và anh đã dùng nó để lo tiền học cho con cũng như chi phí sinh hoạt.
Bên cạnh đó, vào những hôm nhu cầu ăn chay cao như ngày rằm, ngày mùng một hằng tháng nhà hàng sẽ bán vé với giá 150.000 đồng/khách. Tuy nhiên, để phù hợp với giá tiền khách hàng bỏ ra thì trong hai ngày này, nhà hàng cũng tăng lượng món ăn lên thành 70 món. Ngoài ra, nhà hàng Mãn Tự Vegan giúp đỡ những ai cần, và đồng thời cũng là cơ hội cho cộng đồng chung tay làm từ thiện, cho nên nhà hàng thỉnh thoảng cũng nhận được sự hỗ trợ của những người hảo tâm.
Những thông tin trên phần nào đã giải thích cho sự hoạt động và tồn tại của chuỗi nhà hàng chay Mãn Tự Vegan trong thời gian hơn hai năm qua ở một thành phố mà giá cả thuộc vào hàng cao trên đất nước Việt Nam này. Giải thích để bạn đọc an tâm đọc thêm những dòng sau đây nói tiếp về chuỗi nhà hàng chay khá đặc biệt này.
Khu nhà nơi nhà hàng Mãn Tự Vegan cơ sở 1 ở số 14/2 đường Tôn Thất Đạm, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, toạ lạc vốn là một cư xá khá cũ kỹ, đường vào hơi tối, nền đất trơn và mang theo hơi ẩm đặc trưng sau khi ông trời trút một đợt mưa to. Gần cuối con đường, nhà hàng là một gian nhà nhỏ, không gian bên trong được thắp bằng một thứ ánh sáng màu nóng, tạo cảm giác ấm áp, yên ả và mang đậm âm hưởng của sự thanh tịnh. Nhà hàng không có bảng hiệu lớn, cũng không có đặc điểm nào quá bắt mắt.
Đặt chân vào nhà hàng, khách sẽ không có cảm giác đây là một nhà hàng bình dân mà đích thị đó là một nhà hàng buffet đúng chuẩn. Không gian trong nhà hàng sạch sẽ, ấm cúng, mộc mạc và nhỏ nhắn, có lẽ chỉ chứa được khoảng chưa đến 30 người nhưng lại được chăm chút, đầu tư từ chiếc bàn, chiếc ghế lau chùi sạch sẽ đến những cành hoa tươi, những món đồ trang trí nhỏ xinh mang âm hưởng thanh tịnh của Phật giáo. Toàn bộ bàn ghế được chủ nhà hàng lượm lặt từ những món đồ người ta không dùng nữa nhưng trông vẫn “ra hình ra dạng” lắm.
Nhà hàng chỉ sử dụng nguyên liệu sạch nhà trồng, mọi thứ đều thuộc dạng “cây nhà lá vườn” nên đảm bảo chất lượng. Nói khác đi, các thực phẩm đều được nhà hàng tự làm và đã qua kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm. Khách đến ăn thì hầu hết đều rất hài lòng về hương vị, nhiều người khen rau tươi, thức ăn nêm nếm vừa và nhất là có nhiều món vô cùng.
Quả thật, nếu tận mắt nhìn thấy, khách nào cũng sẽ phải bất ngờ vì lượng thức ăn “đồ sộ”. Bên cạnh đó, các món ăn được trình bày rất đẹp, có mùi thơm hấp dẫn. Có thể thấy các món ăn được đầu tư và chăm chút vô cùng. Không khẳng định món ăn hợp vị bất kì ai, nhưng xác nhận rau củ quả có độ tươi, món salad có nguyên liệu chất lượng, thức ăn nóng sốt và được trình bày sạch sẽ. Nhà hàng sử dụng rau củ quả nhà trồng, đậu nành không biến đổi gen, chả lụa thì được làm từ bột Yến Mạch nhập từ Úc…
Thực khách sẽ thấy những món ăn của nhà hàng được chuẩn bị và trình bày cẩn thận, hấp dẫn vô cùng. Khối lượng các món ăn tại nhà hàng chỉ có thể miêu tả bằng hai từ: đồ sộ và phong phú. Từ món canh đến món chiên, từ cơm bún mì cho đến đủ loại chè, hãy cứ trộn đôi ba thứ lại với nhau, ước chừng sẽ có hàng trăm đĩa thức ăn khác nhau vô cùng dinh dưỡng và bắt mắt. Món ăn ở nhà hàng rất đa dạng và được bày trí đẹp mắt.
Khách hàng của nhà hàng không phân biệt tuổi tác, giới tính, tầng lớp. Có rất nhiều người, và khi họ bước qua cánh cửa ấy, họ đã bỏ lại phía sau địa vị cùng các loại nhân dạng. Trên những bộ bàn ghế nhỏ đặt chật kín lối đi, cụ bà tóc bạc trắng tỉ mẩn múc từng muỗng cơm, chàng trai to khỏe mặc bộ quần áo thể thao năng động, cô gái công sở diện bộ váy thật đẹp, thầy giáo người nước ngoài không biết quá dăm chữ tiếng Việt: tất cả họ đều khác nhau về ngoại hình, trang phục hay xuất thân, nhưng họ đều ngồi chung lại nơi đây để ăn uống, nói với nhau vài câu thân tình rồi lại tiếp tục dùng bữa.
Mọi người đến ăn ở nhà hàng với tâm thế vui vẻ. Vào nhà hàng rồi, việc khách cần làm chỉ là lấy dĩa, đến quầy, lấy thức ăn rồi dùng bữa. Tất cả khách thân thiện ngồi chen chúc bên nhau, những người lạ chia sẻ một chiếc bàn, đôi khi trò chuyện câu được câu chăng trong lúc thưởng thức các món chay trong không khí hài hoà. Để không phí phạm thực phẩm, nhà hàng yêu cầu khách nên dung hết những thực phẩm đã lấy, nếu ăn còn dư thì nhà hang sẽ … phạt đến 100.000 đồng/người.
Nhà hàng luôn trong tình trạng đông đúc và đôi khi là quá tải. Mỗi chi nhánh nhắm đến từng đối tượng khác nhau: nhà hàng ở quận 1 hướng đến các bạn trẻ, dân văn phòng, nhà hàng ở quận 5 là tầng lớp thương nhân, còn nhà hàng ở Bình Chánh là những người dân lao động.
Giải thích về lý do tại sao không quy định rõ số tiền cho một phần ăn, chủ nhà hàng cho biết nếu niêm yết giá là 2.000 đồng, 5.000 đồng hay 10.000 đồng, thì vô tình nó chỉ nhắm đến đối tượng khách hàng là dân lao động, sẽ làm các bạn trẻ hay dân văn phòng chưa quan tâm. Chủ nhà hàng nói rằng việc mở nhà hàng nhằm muốn truyền bá việc ăn chay vì đây là lối sống lành mạnh, tốt cho sức khỏe, cũng như ý nghĩa của việc làm từ thiện, khuyến khích mọi người hãy cho đi nhiều hơn thay vì cứ nhận lại. Để làm được điều này, chủ nhà hàng phải hướng đối tượng khách hàng đến những người trẻ, là những người làm chủ xã hội sau này.
Khi đứng ra kinh doanh, chủ nhà hàng không cần tiền lời cũng không cần tiếng tăm. Nhưng nhìn vào những hình ảnh ấm lòng đó dù Sài Gòn trưa nóng hừng hực, cũng đủ biết được chủ nhà hàng cần gì. Hiệu ứng tốt đẹp mà chủ nhà hàng mang lại đã và đang lan truyền ra cho cộng đồng, đó mới chính là những gì chủ nhà hàng mong muốn nhất.
Theo FB Văn Hoá Việt Nam