1. LĂNG THOẠI NGỌC HẦU
Lăng Thoại Ngọc Hầu còn gọi là Sơn Lăng, là một công trình kiến trúc nguyên vẹn hiếm hoi tiêu biểu thời nhà Nguyễn còn lại ở đất phương Nam. Đây là một công trình bề thế, tuyệt mỹ, mang ý nghĩa về văn hóa, lịch sử, kiến trúc cao. Nếu có đến Châu Đốc, bạn đừng quên tìm đến nơi này.
Sơn Lăng nằm dưới chân núi Sam, bên cạnh vô vàn các di tích khác, nhưng kỳ lạ thay lại không bao giờ ồn ào náo nhiệt như các lăng miếu khác ở đây mà luôn có một không khí lặng lẽ, trang nghiêm, thành kính. Lăng vừa là lăng mộ, vừa bao gồm đền thờ, thờ Nguyễn Văn Thoại, tức Thoại Ngọc Hầu, một vị quan triều Nguyễn, được triều đình cử vào khai phá và trấn giữ An Giang.
Hiện vẫn chưa rõ Sơn Lăng được xây dựng từ năm nào. Nhưng theo sách sử thì khi người vợ thứ Trương Thị Miệt của Thoại Ngọc Hầu mất năm 1821, ông cho an táng ở đây. Rồi khi người vợ cả Châu Thị Tế mất vào năm 1826, ông cũng cho an táng tại đây và dành sẵn một phần đất cho mình ở giữa hai khu mộ của hai người vợ. Vậy có thể thấy thời gian khởi dựng khu lăng tẩm này đã được bắt đầu trước khi ông qua đời vào năm 1829. Và đây cũng chính là vùng đất cao ráo, thoáng mát, nên đã được ông chọn cho giấc ngủ ngàn thu.
Qua khỏi cổng lăng là phần mộ của Thoại Ngọc Hầu cùng hai phu nhân. Tiếp theo là đền thờ ông được xây dựng vô cùng uy nghiêm, lộng lẫy, lưng tựa vào vách núi trập trùng, tạo dáng đền vô cùng hùng vĩ và uy nghi, cổ kính. Trong đền trang trí vô cùng tinh xảo, giữa đền là tượng bán thân Thoại Ngọc Hầu cao 2m với đủ cân đai áo mão như lúc đương triều, mắt dõi ra kênh Vĩnh Tế, tạo một không khí hết sức trang nghiêm.
Trong đền còn có vô số những bảo vật có giá trị khác như những bức hoành phi, liễn đối, văn bia, văn tế, những áng văn thơ hùng tráng, ca ngợi công đức những bậc tiền nhân, gợi lên một thời oanh liệt của ông cha ta những năm tháng đi khai hoang mở mang bờ cõi, để lại cho con cháu muôn đời sau.
Lăng Thoại Ngọc Hầu là một di tích mang nhiều ý nghĩa lịch sử và kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu thời nhà Nguyễn, là sự kết hợp chặt chẽ giữa thiên nhiên với sức lao động sáng tạo của con người. Vào lăng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng di tượng Thoại Ngọc Hầu cao khoảng 2m, cùng những áng văn chương lộng lẫy, với liễn đối, hoành phi, văn bia, văn tế… gợi lại hình ảnh nước non một thời oanh liệt, thuở cha ông đi mở nước, xây dựng nhiều công trình bề thế cho đời sống văn hóa, kinh tế con người thuở ấy và sau này.
Bên trong lăng còn có bài vị ông:
Phiên âm:
“Thống chê án thủ Châu Đốc đồn, lãnh bảo hộ Cao Miên quốc ấn, kiêm quản Hà Tiên trấn biên vụ, gia nhị cấp ki lục tứ thứ, truy tặng Tráng tướng quân, trụ quốc đô thống, thụy Võ Khắc, Nguyễn Công húy Thoại tôn thần”.
Dịch nghĩa:
Tôn thần của Nguyễn Công, húy là Thoại, thụy là Võ Khắc được truy tặng là Tráng võ tướng quân trụ quốc đô thống được bốn lần gia nhị cấp kỉ lục, là thống chế án giữ đồn Châu Đốc lãnh ấn bảo hộ nước Cao Miên, kiêm giữ việc biên giới trấn Hà Tiên”.
Thoại Ngọc Hầu tên thật là Nguyễn Văn Thoại sinh năm Tân Tỵ (1761), mất năm Kỷ Sửu (1829) thọ 68 tuổi, được phong tước Hầu. Ông người huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, được triều đình nhà Nguyễn cử vào khai phá và trấn giữ An Giang đạo và ông đã gắn bó mật thiết với vùng tứ giác Long Xuyên qua các kỳ công:
– Khai sơn khẩn đất, tập hợp lưu dân hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, cù lao Biên Hòa về các vùng Ông Chưởng (Chợ Mới), Núi Sập (Thoại Sơn), Châu Đốc, Long Xuyên…
– Tổ chức đào kinh Thoại Hà, khởi công từ năm 1818, sau hơn hai tháng đã hoàn thành, huy động hơn 2000 sưu dân, với chiều dài 31.744m và kinh Vĩnh Tế (từ Châu Đốc tới Hà Tiên) khởi đào từ năm 1819 đến năm 1824 huy động hơn 80.000 sưu dân, dài hơn 90km.
Sau khi việc đào kinh hoàn tất, Thoại Ngọc Hầu cho vẽ bản đồ và báo cáo về triều đình Huế, được vua khen ngợi ban sắc chỉ cho lấy tên người mà đặt cho tên sông là Thoại Hà (sông Thoại) và lấy vợ chánh ông là Vĩnh Tế đặt cho kinh (kinh Vĩnh Tế). Ngoài công trình đào kinh, ông còn đắp nhiều con lộ giúp cho giao thông qua lại dễ dàng hơn.
Chính công lao to lớn này mà lâu nay khi nhắc đến ông người ta thường chỉ nhắc tới việc ông đào Thoại Hà và Vĩnh Tế hà chứ ít người biết được rằng trước đây hàng thế kỷ, ông đã tích cực khai hoang để biến cải những vùng hoang vu, rừng rậm trở thành nơi dân cư đông đúc. “…bên kia quận Vũng Liêm, thuộc tỉnh Vĩnh Long bây giờ, một Cù Lao
Dài 17 cây số, ruộng vườn thạnh mậu, dân cư sung túc, lại chính là một nơi mà 150 năm trước đây, Thoại Ngọc Hầu đã di dân lập ấp, dựng thành xã thôn?”.
Nói về sự trù phú của Cù Lao Dài sau khi được Thoại Ngọc Hầu khai phá, quy dân lập ấp, Trịnh Hoài Đức đã viết trong Gia Định thành thống chí như sau: Cù Lao Dài “ở hạ lưu sông lớn Long Hồ, chu vi 30 dặm, gồm 5 thôn Phú Thái, Phước Khánh, Thái Bình, Thanh Lương và Bình Thạnh. Nơi đây vườn nhà dân cư ngay thẳng sạch sẽ, phong thủy thanh tú; có những cây thủy mai đơm sắc ngọc, hương toán phơi màu vàng, đáng gọi là nơi giàu có nhàn tĩnh”.
Sau các làng kể trên, Thoại Ngọc Hầu đã mở mang một số thôn cư bên chân núi Sập. Năm 1818, ông lại phát động công tác đào kinh Đông Xuyên, thông qua Rạch Giá. Khi con kinh đào xong, dân cư tụ về càng đông. Từ chỗ hoang vắng, vượn hú chim kêu nay trở thành một khu dân cư trù mật, đất đai màu mỡ, cỏ cây xanh tốt… Từ đó, người ta đặt tên làng là Thoại Sơn để ghi nhớ công ơn của người khai thác.
“Năm 1821, khi Thoại Ngọc Hầu đến án thủ Châu Đốc, ông lại nỗ lực khai thác biên cương. Tất cả những cỏ cây rậm rạp quanh bờ Hậu Giang chạy dài theo kinh Vĩnh Tế thẳng đến núi Sam, đều được ông cho khai phá. Hoài bão của ông là phải làm sao cho nước giàu dân mạnh, có trật tự an ninh và nhất là phải biến rừng hoang thành thôn xóm.
Chính những mơ ước này đã được Thoại Ngọc Hầu thổ lộ trong bia Vĩnh Tế sơn:
Lão thần Thoại Ngọc Hầu vốn lãnh ấn Bảo hộ Cao Miên, kiêm quản gìn giữ đồn Châu Đốc, kính dâng thánh thượng, xem xét sửa sang bờ cõi, nghiêm ngặt đồn thủ, theo ý lời dụ.
Nay dấu văn hiến chung đồng làm một, cửa thành đóng kín an vui, nên muốn cho nơi cỏ hoang bát ngát đều trở nên làng mạc dân chúng đông vầy, có sổ bộ ghi biên, dâu gai đầy nội, khói lửa liên tiếp nhau, cùng với huyện kề bên, đông đúc giàu có như nhau cả”3.
Vì những công lao to lớn của ông đối với vùng đất phía Nam của Tổ quốc nên khi ông mất, Minh Mạng thứ 10 đã truy phong cho ông chức Tráng võ Tướng quân, Trụ quốc Đô thống, thưởng tiền 1000 quan, gấm loại tốt 5 cây, lụa 10 tấm và vải 30 tấm. Con trai ông là Nguyễn Văn Lâm được tập ấm hàm Kị úy.
Trải các triều vua sau, ông đều được sắc phong và ban nhiều danh hiệu cao quý. Vua Khải Định phong cho ông là Đoan Túc Dực Bảo Trung Hưng Thôn Thần; còn vua Bảo Đại thì phong Quang Ý Dực Bảo Trung Hưng Trung Đẳng Thần.
Hằng năm, vào ngày giỗ ông, nhân dân từ mọi nơi đổ về lăng Thoại Ngọc Hầu để chiêm nghiệm, tưởng nhớ công lao và sự nghiệp của ông.
2. MIẾU BÀ CHÚA XỨ
Miếu Bà Chúa Xứ là một công trình kiến trúc đẹp và tôn nghiêm, tọa lạc dưới chân núi Sam, thuộc phường Núi Sam, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang. Đây là một di tích nổi tiếng ở khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hàng năm thu hút gần 2 triệu lượt người đến cúng bái, tham quan. Khách hành hương, du lịch đến từ khắp nơi trên cả nước, tạo nên một mùa lễ hội sôi nổi, đông đảo kéo dài suốt nhiều tháng.
Lịch sử Miếu Bà Chúa Xứ
Miếu Bà chúa Xứ có từ khi nào cho đến nay vẫn còn là một điều bí ẩn, nhưng nhìn chung, các nhà nghiên cứu đều cho rằng miếu thành hình sau năm 1824. Tương truyền, lúc đầu, miếu Bà được xây dựng đơn sơ bằng tre lá, nằm trên vùng đất trũng, lưng quay về vách núi, chánh điện nhìn ra cánh đồng bát ngát. Năm 1870, miếu được xây lại bằng đá miểng và lợp ngói. Đến năm 1972, miếu được xây dựng mới, đồ sộ và lộng lẫy theo lối kiến trúc cổ kính phương Đông. Công trình là một quần thể hoành tráng trên mặt bằng rộng với dãy Đông lang, Tây lang, chánh điện, nhà khách…theo đồ án của kiến trúc sư Huỳnh Kim Mãng, nhưng xây dựng dở dang. Mãi đến năm 1995, Ban Quản trị lăng miếu núi Sam mới tiếp tục xây dựng phần còn lại.
Tương truyền, dưới triều Minh Mạng, khi Thoại Ngọc Hầu giữ trọng trách trấn giữ biên giới Tây Nam, giặc ngoại xâm thường sang quấy nhiễu. Mỗi lần ông xuất quân, bà chánh thất phu nhân Châu Thị Tế thường đến khấn vái, mong Bà phù hộ Thoại Ngọc Hầu đánh thắng giặc, bảo vệ cuộc sống yên lành cho dân. Về sau, để tạ ơn những điều ứng nghiệm, phu nhân Thoại Ngọc Hầu đã cho xây cất lại ngôi miếu to và khang trang hơn. Lễ khánh thành được tổ chức trong 3 ngày 24, 25, 26 tháng 4 âm lịch. Từ đó về sau thành lệ, dân chúng lấy những ngày trên làm lễ Vía Bà. Nếu chi tiết này có thật, thì đây cũng là một thông tin cho biết rằng miếu Bà Chúa Xứ được xây dựng từ thời Minh Mạng.
Kiến trúc Miếu Bà Chúa Xứ
Ngôi miếu có bố cục kiểu chữ 国 – Quốc, hình khối tháp dạng hoa sen nở, mái tam cấp ba tầng lầu, lợp ngói đại ống màu xanh, góc mái vút cao như mũi thuyền đang lướt sóng. Các hoa văn ở cổ lầu chánh điện thể hiện đậm nét nghệ thuật. Phía trên cao, các tượng thần khỏe mạnh, đẹp đẽ giăng tay đỡ những đầu kèo. Các khung bao, cánh cửa đều được chạm trổ, khắc, lộng tinh xảo và nhiều liễn đối, hoành phi lộng lẫy. Đặc biệt, bức tường phía sau tượng Bà, bốn cây cột cổ lầu trước chánh điện gần như được giữ nguyên như cũ. Chánh điện gồm hai lớp. Lớp trong cùng là nơi thờ Bà Chúa Xứ với tượng Bà bằng đá đặt trên bệ cao, sát hai bên là hai con hạc trắng biểu tượng cốt cách tiên thánh của Bà. Bên phải tượng Bà là một linga cũng bằng đá đặt trên một hương án thờ, gọi là bàn thờ Cậu. Bên trái tượng Bà là hương án thờ một tượng gỗ chạm hình yoni, gọi là bàn thờ Cô. Lớp thứ hai là bàn thờ Hội đồng, sát liền hai tượng chim phượng. Hai bên trái, phải của bàn thờ Hội đồng là bàn
thờ Tiền hiền khai khẩn (ở bên trái) và bàn thờ Hậu hiền khai cơ (ở bên phải).
Ngay lối vào chánh điện có đôi câu đối thể hiện quyền lực linh thiêng của Bà trong việc ban phúc, bảo vệ nhân dân.
Nội dung như sau:
求必應試必霛夢中指示
暹可驚清可慕意外難量
Phiên âm:
Cầu tất ứng, thí tất linh, mộng trung chỉ thị
Xiêm khả kinh, Thanh khả mộ, ý ngoại nan lượng
Dịch nghĩa:
Cầu nhất định được, ban nhất định linh, báo cho biết trong mộng
Người Xiêm phải sợ, người Thanh phải nể, không thể tưởng tượng nổi
Truyền Thuyết về Bà Chúa Xứ Châu Đốc
Truyện xưa kể lại rằng: Những năm 1820 – 1825, Quân Xiêm thường sang nước ta quấy nhiễu, cướp bóc. Mỗi khi giặc đến, người dân quanh vùng lại phải bồng bế nhau chốn chạy lên núi lánh nạn. Có lần quân giặc đuổi theo lên đến đỉnh núi Sam thì gặp tượng Bà. Chúng hì hục cậy ra, lấy dây buộc lại dùng đòn khiêng xuống núi để mang về xứ. Nhưng khi bọn chúng mới khiêng đi được một đoạn đường ngắn, lạ thay tượng Bà bỗng dưng nặng trĩu không thể nào nhấc lên được nữa. Khi đó, một tên trong bọn tức giận đập vào cốt tượng làm gãy một phần cánh tay bên trái và ngay tức khắc hắn bị Bà trừng phạt.
Thời gian sau, Bà thường hiện về xưng là Bà Chúa Xứ, dạy dân làng khiêng xuống núi lập miếu thờ cúng. Bà sẽ phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, tránh được giặc cướp quấy phá, thoát khỏi dịch bệnh hoành hành.
Thấy vậy, dân làng họp nhau lên núi khiêng tượng về thờ cúng. Nhưng lạ thay, dù mấy chục thanh niên trai tráng hò nhau gắng sức vẫn không lay chuyến nổi tượng Bà. Trong lúc mọi người đang rất thất vọng, có ý định bỏ dở thì một cô gái trong làng bỗng dưng lên đồng cho biết : “Bà chỉ cần 9 cô gái đồng trinh lên khiêng”. Dân làng làm theo lời dạy ấy và qủa đúng thật 9 cô gái đồng trinh khiêng tượng Bà đi xuống một cách nhẹ nhàng.
Bỗng nhiên khi đi đến chân núi thì tượng Bà trở nên nặng, không thể khiêng nổi thêm một bước nào nữa. Khi đó mọi người đã hiểu rằng, Bà đã chọn nơi đây để an vị nên đã không cố gắng di chuyển đi nữa mà lập miếu thờ cúng chỗ đó.
Khảo cứu
Các nhà nghiên cứu phỏng đoán tượng Bà được tạc vào thế kỷ VI, theo mô típ tượng thần Vinus thường thấy ở các nước Lào, Campuchia, Ấn Độ. Thực chất, tượng Bà vốn là một pho tượng đá, thể hiện dáng hình một người đàn ông trong tư thế ngồi, chân trái của tượng xếp bằng tròn, mũi bàn chân giáp với chân phải; chân phải để gập, co gối, chống thẳng bàn chân xuống mặt bệ đá. Tay trái của tượng ở tư thế chống nạnh, bàn tay xoải xuống mặt bệ đá, phía sau đùi trái. Tay phải tượng thả tự nhiên, bàn tay úp trên đầu gối phải. Tóc tượng uốn thành những búp xoăn, thả về phía sau. Trên mặt tượng có một vành ngấn, là nơi đặt mão lên đầu tượng. Trong vành ngấn này có những hoa văn hình móc câu, riêng ở phần vành nằm trước trán của tượng có một hình tròn, chung quanh là những hoa văn kiểu ngọn lửa. Trên cánh tay để trần của tượng có một vành đai, giống như cái vòng đeo tay. Toàn bộ dáng hình của pho tượng là dáng hình một người đàn ông tràn đầy sức sống, với bộ ngực căng nở và chiếc bụng phệ. Trên ngực của tượng có một vành đai như vòng kiềng, trước ngực là hình mảnh trăng lưỡi liềm khá rộng. Toàn bộ pho tượng cao chừng 1,25 m, được tạc liền một thớt đá cùng loại, với bệ tượng dày chừng 10 cm. Về trang phục, tượng được tạc trong tư thế đang vận một chiếc khố. Ở bắp cánh tay, gần bả vai của tượng, sát nách, nổi cộm một vòng đai có hình dạng như một chiếc vòng đeo tay. Ở cổ tượng nổi cộm một vòng đai hình vòng kiềng, chỗ vòng nằm ngay ngực khá
to, hình lưỡi liềm, có lẽ là một thứ vòng đeo cổ xưa.
Nhà văn Sơn Nam từng viết: “Tượng của Bà là pho tượng Phật đàn ông của người Khmer, bị bỏ quên lâu đời trên đỉnh núi Sam. Người Việt đưa tượng vào miếu, điểm tô lại với nước sơn, trở thành đàn bà mặc áo lụa, đeo dây chuyền. Và từ đó “Bà Chúa Xứ” là vị thần có quyền thế lớn ở khu vực ấy, xứ ấy…..”.
3. TÂY AN CỔ TỰ
Chùa Tây An còn được gọi là Chùa Tây An Núi Sam hay Tây An cổ tự, là một ngôi chùa Phật giáo tọa lạc tại ngã ba, dưới chân núi núi Sam (nay thuộc phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang).
Đây là một ngôi chùa có lối kiến trúc khá độc đáo, kết hợp hài hòa hai dòng văn hóa Việt-Chăm, được Bộ Văn hóa xếp hạng là “di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia” từ năm 1980. Sự ra đời của ngôi chùa mang dấu ấn về chính sách văn hóa của triều Nguyễn “khai hoang lập chùa”. Đây cũng là nơi gắn với hành trạng của người sáng lập Bửu Sơn Kỳ hương, do đó dân gian thường gọi ông Đoàn Minh Huyên là Phật thầy Tây An.
Khai hoang lập chùa
Trong kế hoạch khai hoang lập đồn điền và các chính sách an dân, các quan nhà Nguyễn đã có sự thỏa thuận với hòa thượng các tông phái Phật giáo, đồn điền lập đến đâu thì xây cất chùa chiền đến đó để lo đời sống tinh thần, giúp dân an cư lạc nghiệp. Dường như chùa Tây An ở núi Sam (TX.Châu Đốc, tỉnh An Giang) ra đời nhằm thực hiện nhất quán chủ trương này
Lịch sử khai sơn Tây An tự bắt đầu từ quan Tổng đốc An Hà Doãn Uẩn. Doãn Uẩn (1795-1850) là một danh thần thời Nguyễn, phụng sự ba đời vua liên tiếp: Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Sinh thời, ông là một trong những trụ cột của triều đình, trấn giữ vùng biên cương tây nam, suốt những năm trị vì của vua Thiệu Trị. Ông từng giữ chức Lang trung bộ Hộ, Tham tri bộ Hộ và Án sát Vĩnh Long. Tham gia trấn áp các cuộc nổi dậy và chống ngoại xâm cũng như các chính sách hòa hợp dân tộc. Công trạng của ông được vua Tự Đức cho khắc bia ghi chiến tích, đặt tại Võ miếu.
Vào năm 1842, quân Xiêm lại đem quân xâm lấn biên cương nước ta. Triều đình sai Doãn Uẩn cùng các quan Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Hoàng… đem quân đánh dẹp. Năm 1845, quan quân triều đình đã chiếm lại được Hà Tiên và sau trận này Doãn Uẩn được phong làm Tổng đốc Mưu lược tướng, kiêm lý khu vực An Hà (An Giang và Hà Tiên). Trong thời gian kiêm lý An Hà từ 1845 đến 1848, ông đã chủ trì tu sửa và xây mới nhiều chùa chiền trong vùng, trong đó có chùa Tây An. Ngày 21 tháng 11 âm lịch năm Kỷ Dậu (1850), ông bệnh mất tại An Giang và được truy tặng hàm Hiệp biện Đại học sĩ. Bài vị của ông được vua cho đặt ở đền Hiền Lương cùng với các danh thần nhà
Nguyễn khác.
Khi ngôi chùa xây dựng xong, Tổng đốc Doãn Uẩn cho mời hòa thượng Tiên Giác – Hải Tịnh thuộc đời thứ 37, Lâm Tế chánh tông chi phái Thiên khai về trụ trì. Hòa thượng Tiên Giác – Hải Tịnh là người từng được vua triệu về làm
Tăng cang chùa Thiên Mụ (Huế), được thưởng kim tiền và được lễ bộ cấp giới đao độ điệp (ý nghĩa cho phép thu nhận đệ tử). Mấy mươi năm học hỏi của các tự viện chốn thần kinh, trở về Nam năm 1841, ông là vị cao tăng đầu tiên tổ chức an cư kiết hạ tại tổ đình Giác Lâm và nhiều khóa tại các chùa sắc tứ Từ n, Hội Phước (Sa Đéc), Phước Hưng (Sa Đéc). Ông cũng là người thiết lập được nhiều giới đàn. Mỗi giới đàn thường có 3 đàn truyền giới cho tăng, ni… Do đó ông có rất đông đệ tử khắp các tỉnh Nam kỳ. Việc hòa thượng Tiên Giác – Hải Tịnh trụ trì Tây An tự dù chỉ trên danh nghĩa (vì lúc này hòa thượng đang trụ trì tổ đình Giác Lâm) đã làm tăng thêm uy tín ngôi chùa mới lập.
Tưởng nhớ công lao của người sáng lập, Thượng tọa Thích Thiện Thống, trụ trì chùa, cho biết Tây An cổ tự đang tiến hành thủ tục để xây nhà tưởng niệm Tổng đốc An Hà Doãn Uẩn, đồng thời đã trao đổi với gia đình cháu trực hệ của Tổng đốc, thống nhất đưa một số di vật do gia đình còn lưu giữ về trưng bày ở nhà tưởng niệm. Việc làm này tuy có hơi muộn nhưng sẽ góp phần tôn giá trị lịch sử văn hóa của ngôi chùa.
Lịch sử Tây An cổ tự:
Gắn liền với hành trạng của Đức Phật thầy Tây An, người sáng lập đạo Bửu Sơn Kỳ hương. Cố học giả Nguyễn Văn Hầu trong Thất Sơn mầu nhiệm cho biết, Đức Phật thầy chính danh là Đoàn Văn Huyên, sinh năm Đinh Mão (1807), tức năm Gia Long thứ 6. Ông quê ở làng Tòng Sơn, tổng An Thạnh Thượng, tỉnh Sa Đéc. Căn cứ những ghi chép của tác giả, hành trạng của Đức Phật thầy có nhiều huyền tích như việc bỏ nhà ra đi từ lúc tuổi còn nhỏ; chuyện ông một mình kéo cây da bị trốc gốc che chắn lòng sông, chặt sậy, làm cỏ, đêm đến lại quét lá da để nấu nước uống, hay chuyện trừ bệnh dịch cứu dân lành…
Duyên nghiệp của Đức Phật thầy với Tây An tự, theo Thượng tọa Thích Thiện Thống thì sau khi ông Đoàn Văn Huyên quy tập tín đồ thành lập Bửu Sơn Kỳ hương tại cốc Ông Kiến ở Chợ Mới, chính quyền sở tại nghi ngờ ông tập hợp lực lượng chống đối lại triều đình nên “mời ông về” giam ở Châu Đốc 3 tháng, sau đó buộc ông “muốn tu thì đến chùa Tây An mà tu hành”. Chùa Tây An giai đoạn này do ngài Minh Khiêm Hoàng n (thế hệ 38 Lâm Tế chánh tông) – đệ tử của hòa thượng Tiên Giác Hải Tịnh trụ trì. Song do mối quan hệ mang tính nguyên tắc, ông Huyên chỉ đồng ý thỉnh hòa thượng Tiên Giác đến làm lễ xuất gia cho ông và đặt pháp danh là Minh Huyên, pháp hiệu là Pháp
Tạng…
Do xuất gia bất đắc dĩ nên dù ở chùa Tây An nhưng Đoàn Minh Huyên vẫn tìm cách trở về các trại ruộng, tiếp tục tập hợp tín đồ xiển dương Bửu Sơn Kỳ hương. Thời gian này ông đã xây các ngôi chùa Thới Hưng, Thới Sơn… và mở mang trại ruộng cho tín đồ. Khoảng 7 năm sau đó ông qua đời, nhưng vì “lý do an ninh” chính quyền sở tại đã không cho các đệ tử của ông chôn cất ở vùng trại ruộng mà buộc phải di về chùa Tây An an táng. Hiện ngôi mộ của Đức Phật thầy tọa lạc bên phải, phía sau ngôi cổ tự này, tín đồ Bửu Sơn Kỳ hương cũng đã xây dựng một long đình phía sau ngôi mộ để tăng thêm vẻ tôn nghiêm.
Lối kiến trúc độc đáo
Chùa Tây An tọa lạc trên nền cao, thoáng rộng, trong khuôn viên có diện tích 15.000 m2. Phía sau có núi Sam như bức bình phong nổi bật lên với màu xanh thẫm. Điểm ấn tượng nhất của chùa là mặt chính với ba ngôi cổ lầu nóc tròn hình củ hành, màu sắc sặc sỡ nhưng hài hòa.
Chùa cất theo lối chữ “tam”, có kiến trúc kết hợp phong cách nghệ thuật Ấn Độ và kiến trúc cổ dân tộc Việt. Chùa được xây dựng với các vật liệu bền chắc như gạch ngói, xi măng. Nơi cổng tam quan là tượng Quan Âm Thị Kính, bên trong cổng là một sân chùa nhỏ có một cột phướn cao 16 m.
Mặt tiền chùa, ở giữa là tháp thờ Phật cao hai tầng. Tầng trên là tượng Phật đứng giữa lầu cao, mái tròn cong, đỉnh nhọn như các tháp xưa ở Ấn Độ. Bốn cột tháp ở tầng dưới có các hộ pháp trấn giữ, phía trước có tượng hai con voi: bạch tượng và hắc tượng.
Chính điện là dãy nhà rộng, hai tầng mái, lợp ngói đại ống, cột gỗ căm xe, nền lát gạch bông. Hai bên là lầu chiêng và lầu trống hình tứ giác, trên đỉnh trang trí các tượng tứ linh (long, lân, quy, phụng) rất mỹ thuật. Đại hồng chung ở lầu chuông được tạo vào năm Tự Đức thứ 32 (1879).
Trong chính điện có khoảng 150 pho tượng lớn nhỏ: tượng Phật, Bồ tát, La hán, Bát bộ kim cang, Ngọc hoàng, Huỳnh đế, Thần nông… Đa số tượng đều làm bằng danh mộc, chạm trổ công phu và mỹ thuật, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc Việt Nam vào thế kỷ XIX. Ngoài ra chùa còn có nhiều hoành phi và câu đối, màu sắc rực rỡ.
Ngôi chùa này đã được Bộ Văn Hóa xếp hạng là di tích “kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia” theo Quyết định số: 92/VH.QĐ ngày 10/7/1980; và đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam chính thức công nhận đây là “ngôi chùa có kiến trúc kết hợp phong cách nghệ thuật Ấn Độ và kiến trúc cổ dân tộc đầu tiên tại Việt Nam”.