Trái MÃNG CẦU (sugar apple) được người Việt Nam ở miền Bắc gọi là trái NA. Trong tiếng Việt NA có nghĩa là ẩm, bồng, mang đi. Nghĩa nầy không dính dáng gì đến tên gọi của một loại cây gốc châu Mỹ nhiệt đới nầy. Người Tainos gọi MÃNG CẦU ngọt là annon. Người Tây Ban Nha dựa vào cách gọi nầy để cho ra đời tên gọi anona sau khi thám hiểm và chinh phục nhiều quốc gia trên tân lục địa. Người Tây Ban Nha chiếm quần đảo Phi Luật Tân (Phillipines) và đem hột giống MÃNG CẦU ngọt sang quần đảo Phi Luật Tân rồi từ đó MÃNG CẦU được du nhập vào Mã Lai (Malaysia), Xiêm La (Thái Lan). MÃNG CẦU có thể được các nhà truyền giáo Tây Ban Nha dòng Dominican (Đa Minh) đưa vào miền Bắc sớm nhất là vào thập niên 1530. Chữ NA mà người miền Bắc gọi là trái MÃNG CẦU ngọt có phải chăng là âm sau cùng của chữ amona của Tây Ban Nha? Người Mã Lai gọi MÃNG CẦU ngọt là No-Na, Thái: Noi-Na. Tất cả đều có âm của chữ anona.
Trái Na (Mãng Cầu Ta, Mãng Cầu Dai)
|
Cây BÌNH BÁT cũng gốc ở vùng biển Caribbean. Đó là thân thuộc của mãng cầu. Người Tây Ban Nha gọi bình bát là anona corazon. Người Phi Luật Tân gọi mãng cầu là atis [dựa theo chữ até của người Mexico (Mễ Tây Cơ) và ata của người Bồ Đào Nha] trong khi gọi BÌNH BÁT là anonas (Tagalog). Người Mã Lai (Malaysia) và Indonesia gọi là bua nona. Tên gọi BÌNH BÁT của Việt Nam có phải là âm trại của chữ mean bat của người Khmer dùng để chỉ một loại cây thân thuộc với mãng cầu nhưng ở vùng ẩm ướt? Trái BÌNH BÁT giống mãng cầu Xiêm nhưng nhỏ, ruột màu vàng sậm, có nhiều hột đen và không có hương vị như mãng cầu ngọt và mãng cầu Xiêm.
Cây MÃNG CẦU XIÊM Annona muricata thực sự gốc ớ châu Mỹ. Nhưng các nhà trồng tỉa Việt Nam gọi nó là MÃNG CẦU XIÊM vì biết nó qua trung gian Xiêm La tức Thái Lan bây giờ.
Cây SẦU RIÊNG xuất phát từ Mã Lai và Indonesia được du nhập vào Thái Lan, Lào, Campuchia (Cambodia} trước khi đến Việt Nam qua trung gian các tu sĩ Thiên Chúa Giáo ở chủng viện Penang, Mã Lai. Người Mã Lai gọi SẦU RIÊNG là durian tức trái có gai bén nhọn (duri: gai). Người Anh cũng dùng tên gọi nầy. Người Pháp âm trại thành durion, Thái: thurian, Lào: thourien, Myanma (Miến Điện): du lin. Tên gọi SẦU RIÊNG của người Việt Nam âm từ thurian. Khi phát âm chữ T dễ lẫn lộn với D và TH để lẫn lộn với S.
Trong tiếng Việt chữ MĂNG CỤT hoàn toàn vô nghĩa. Đó là một loại cây ăn trái gốc ở Indonesia và Mã Lai. Chữ “măng” là âm của chữ manggis của Mã Lai. Ở Mã Lai và Miến Điện có nhiều MĂNG CỤT mọc hoang gọi là manggishutan (hutan: rừng, Manggishutan: rừng cây măng). Người Thái gọi MĂNG CỤT là mangkut, Lào: mangkut, Khmer: mongkut v.v… Như vậy tên gọi MĂNG CỤT âm từ mangkut của người Thái vậy. SẦU RIÊNG, MĂNG CỤT được các tu sĩ Thiên Chúa Giáo đưa vào Việt Nam từ Penang và trồng ở Cái Mơn, Bình Nhâm, Nhị Bình vào giữa thế kỷ XIX.
Vào thế kỷ XIX Xiêm La là quốc gia trái độn giữa hai ảnh hưởng chánh trị Anh và Pháp. Đó là quốc gia không bị các nước Âu Châu xâm chiếm làm thuộc địa nên được triều đình Huế đặc biệt lưu ý để học hỏi. Khi triều đình Huế ra lịnh cấm và giết đạo Thiên Chúa, một số tín đồ Thiên Chúa Giáo bỏ trốn sang Xiêm La. Khi gặp khó khăn trước sự đe dọa của Pháp, triều đình Huế cử người đi sứ sang Xiêm để tìm hiểu xem do đâu nước nầy tránh khỏi sự xâm chiếm của các nước Âu Châu mặc dù họ phải ký hàng loạt hiệp ước bất bình đẳng. Các sứ đoàn đem một giống chuối về nước trồng. Chuối đó gọi là CHUỐI SỨ (vì đem về nước sau khi đi sứ) hay CHUỐI XIÊM (vì đem từ Xiêm về tuy rằng nước nầy không phải là sinh quán của loại chuối đang đề cập). Xiêm La trở thành quốc gia trung gian cung cấp cho Việt Nam nhiều loại cây ăn trái xuất phát từ tân lục địa và được người Tây Ban Nha đưa sang Phi Luật Tân rồi từ quần đảo nầy sang Mã Lai và Indonesia.
Cây SA PÔ CHÊ gốc ở Mễ Tây Cơ được đưa sang Phi Luật Tân rồi Mã Lai trước khi đến Xiêm La, nhưng khi đến Việt Nam nó được gọi là hồng Xiêm. Chữ sa-bô-chê là âm của tiếng Pháp sapotier (cây SA PÔ CHÊ) Sapotilla zapota. Người Indonesia gọi là trái SA PÔ CHÊ (sapot) là sawo manila (trái sa-bô Manila) vì từ Manila đến. Trái SA PÔ CHÊ ngọt và thơm ngon. Hột láng, giẹp, nhọn và cứng. Lá kết hợp với su hào (cải bắp) sắc nước uống hạ huyết áp. Ở Mexico (Mễ Tây Cơ) người ta nghiền hột thành bột để làm thuốc trục sạn thận, sạn bàng quang, gây buồn ngủ và tẩy xổ.
Trái Sa Pô Chê (Hồng Xiêm) |
SẦU ĐÂU là tên gọi của một loại cây cao từ 15 – 25m và được biết dưới tên khoa học Azadirachta indica. Tên gọi SẦU ĐÂU âm từ tiếng Khmer sdau. Người Việt Nam còn gọi là sầu đông vì rụng lá vào mùa đông hay xoan đào, có thể là tên gọi âm từ chữ sa dao của người Thái. Người Thái, Lào và Khmer ăn trái và lá SẦU ĐÂU. Người Việt Nam rất sợ chất đắng của trái và lá của loại thảo mộc nầy và không có nhiều kinh nghiệm về việc dùng SẦU ĐÂU để trị bịnh. Trong y học dân gian Ấn Độ SẦU ĐÂU được xem nhu là nhà thuốc xã thôn. Vị đắng của SẦU ĐÂU trị sốt rét. Người ta bỏ lá SẦU ĐÂU khô dưới giường để rệp và kiến bò đi. Lá SẦU ĐÂU khô bỏ trong sách thì sách không bị mối mọt ăn.
Cây THỐT NỐT giống như cây dừa. Đó là cây biểu tượng của người Khmer. Chữ THỐT NỐT do chữ thnoat của người Khmer mà ra. Người Khmer cất rượu hay làm đường từ cây THỐT NỐT. Người Việt Nam không dùng đường THỐT NỐT mà dùng đường mía. Họ trống cau, dừa nhưng không trồng THỐT NỐT mặc dù cây THỐT NỐT mang nhiều lợi ích kinh tế và chịu nắng hạn rất tốt.
Trái Thốt Nốt |
Cây CÀ PHÊ gốc ở Kaffa, Ethiopia. Từ địa danh Kaffa ra đời chữ cafế. Dưới thời Pháp thuộc người Pháp lập nhiều đồn điền trồng CÀ PHÊ trên cao nguyên Nam Trung Bộ. Cây CÀ PHÊ gốc ở Phi Châu và Trung Đông nhưng hiện nay quốc gia nổi tiếng sản xuất CÀ PHÊ trên thế giới là Colombia. Đến năm 1945 chưa có quán cà phê ở Việt Nam. CÀ PHÊ chỉ bán ở tiệm nước do người Trung Hoa làm chủ. Thời bấy giờ người ta pha CÀ PHÊ bằng vợt ngâm cà phê trong một cái siêu đặt trên lò than nóng khiến cho CÀ PHÊ đen sậm và đắng như thuốc sắc. Bằng từ ngữ khôi hài người ta gọi đó là CÀ PHÊ kho.
XÁ LỊ là trái lê. ỔI XÁ LỊ Psidium pomiferum là trái ổi to, ruột trắng, mềm, rất ít hột. Trái ổi giống trái lê về hình dáng, có ruột trắng và mềm như trái lê Pyrus communis. Loại ổi nầy thường được bán tại bến phà Mỹ Thuận để ăn với muối ớt hay mắm ruốc dầm ớt.
Cây LÊ KI MA gốc ở Trung và Nam Mỹ, nơi nó được biết dưới tên thông thường lucuma và tên khoa học Lucuma sapota cùng gia đình với cây SA BÔ CHÊ. Người Việt Nam có vẻ không hưởng ứng hương vị của trái LÊ KI MA khi chín có cơm vàng như tròng đỏ hột gà, ngọt nhưng mau ngán vì có nhiều bột. Ở Nam Mỹ nhiều người bản địa không dám đi gần cây LÊ MI MA ban đêm vì cho rằng đó là nơi có nhiều ma.
Cho đến giữa thế kỷ XX người miền Nam mới biết cây avocado do tổng thống Magsaysay của Phi Luật Tân gởi tặng. Lúc bấy giờ dựa vào chữ avocado người ta gọi đó là cây trạng sư. Khi cây ra trái và ăn có vị béo, người ta lại gọi là TRÁI BƠ (beurre).
Trái CÓC XANH mà người Trung Hoa ngâm với cam thảo để ăn với muối ớt được tìm thấy nhiều ở các nước Nam Á, Đông Nam Á và hải đảo Thái Bình Dương, kể cả bắc Úc Đại Lợi. Không biết tại sao nó được gọi là Jewish plum hay trái cóc ngoại trừ chữ CÓC là âm cuối cùng của tên gọi trái cóc của người Thái: makok.
Tên gọi trái CÀ NA âm từ tên khoa học Canarium. Cà na trắng Canarium album gọi là cam lăm âm từ tiếng Trung Hoa ganlan. Người Anh gọi là Chinese olive. CÀ NA đen mang tên khoa học Canarium nigrum. Người Trung Hoa ngâm trái CÀ NA với cam thảo cho người bịnh ngậm sạch miệng. Trái CÀ NA được dùng để giải rượu. Người ta cho rằng hột CÀ NA to và cứng thán (đốt ra than), tán thành bột có khả năng làm tan xương cá khi bị hóc xương.
Trái Cà Na.
|
Theo FB Văn Hoá Việt Nam