Xin kính chào các vị khách quí. Tôi là hướng dẫn viên ……, tôi rất vinh dự được là người đồng hành cùng quí khách ngày hôm nay. Vâng, quí khách đã được tham quan quảng trường Ba Đình. Và để quí khách hiểu rõ hơn về 1 thời kỳ vàng son của Kinh thành xưa kia, chúng ta sẽ cùng đến thăm di tích Thành cổ HN.
“Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”
Đường bàn cờ dọc ngang nơi Long Thành xưa kia, suốt đêm ngày nhộn nhịp ngựa xe của các ông hoàng bà chúa hay những xe tứ mã của các vương công quốc thích. Trên đất Thăng Long đã từng toạ lạc một toà Hoàng thành hoa lệ, với những cung điện nguy nga,những lầu son gác tía,những bệ ngọc hành cung huy hoàng . Theo tài liệu lịch sử thì mùa thu năm 1010, Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Đại La và đổi tên là Thăng Long, đồng thời cho xây một kinh thành tại đây. Thành Thăng Long có cấu trúc tam trùng thành quách, bao gồm 3 lớp: Lớp ngoài cùng có tên là Kinh thành, được đắp bằng đất, là nơi dân cư sinh sống với các ngành nghề thủ công và hoạt động thương nghiệp và còn là nơi bảo vệ vành ngoài.
Tiếp theo là Hoàng thành hay khu triều chính. Đây là nơi ở và làm việc của các quan lại cao cấp trong triều đình. Lớp cuối cùng là Tử Cấm thành – nơi dành cho vua, hoàng hậu và cung tần mỹ nữ ở. Tử Cấm thành có nhiều tên gọi khác nhau qua các triều đại: Cung thành (thời nhà Lý), Long Phượng thành (thời nhà Trần) và Cấm thành (thời nhà Hậu Lê).
Hai lớp tường thành bên trong được xây bằng gạch. Các tường thành liên hệ với nhau bằng các cửa ô. Tử Cấm thành nối với Hoàng thành duy nhất bằng cửa Đoan Môn. Hoàng thành nối với Kinh thành bằng rất nhiều cửa, nhưng hiện nay chỉ còn lại cửa Bắc Môn. Ô Quan chưởng là cửa ô còn sót lại hiện nay thuộc mạng lưới các cửa ô liên hệ giữa Kinh thành và Hoàng thành.
Trải qua nhiều thế kỷ, toà thành đã trở thành trung tâm chính trị và đô thị phồn thịnh nhất Ðại Việt. Cuối triều Lý, hoàng cung Thăng Long bị đốt cháy. Tới triều Trần, thành Thăng Long được xây dựng lại nhưng rồi lại bị lũ xâm lược Nguyên – Mông dày xéo, tàn phá. Sau khi đánh đuổi giặc Minh năm 1428, Lê Thái Tổ cho xây dựng lại Thăng Long và đổi tên là Ðông Ðô rồi Ðông Kinh… Tất nhiên,qua bao cuộc chiến tranh và cuối cùng là sự phá hoại của thực dân Pháp, toà thành cổ kính mang tên Thăng Long – Hà Nội không còn nguyên vẹn như ngày xưa nữa,những những di tích hiện tại mà chúng ta lát nữa sẽ tham quan, cũng đủ để chứng tỏ đó là một trung tâm quyền lực chính trị cổ, đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong quá trình trao đổi những giá trị nhân loại.
Vâng, kính thưa quí khách, chúng ta đang đứng trước di tích Đoan Môn. Ngay bây giờ quí khách sẽ bắt đầu tham quan cụm di tích Thành cổ Hà Nội.
• Kỳ Đài
Điểm tham quan đầu tiên thuộc cụm di tích Thành cổ Hà nội sẽ là Kì Đài hay còn gọi là Cột cờ Hà Nội. Xưa kia, Cột Cờ và Cửa Bắc được coi như vị trí đánh dấu điểm đầu và điểm cuối của trục chính tâm, trục thần đạo, trục thiêng không chỉ của thành Hà Nội mà còn của cấm thành Thăng Long xưa. Ngày nay, cột cờ Hà Nôi nằm ở đường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội, trong khuôn viên bảo tàng lịch sử Quân Sự.
Sử sách kể lại rằng, sau khi lên ngôi, vua Lý Thái Tổ cho xây thành Thăng Long trên vị trí của thành Đại la. Đến năm 1805, sau khi tiêu diệt nhà Tây Sơn và lên ngôi, mở đầu nhà Nguyễn, vua Gia Long cho xây dựng kinh đô ở Huế, phá bỏ thành Thăng Long và cho xây dựng lại theo kiến trúc Vauban của Pháp. Với kiến trúc này, thành được xây có nhiều góc tạo thành Pháo đài (hỏa lâu) liên kết với nhau. Trên nóc các cổng thành có lầu canh ( thú lâu) do một số cơ binh thay nhau canh gác ngày đêm. Năm 1812, vua Gia Long cho xây Kỳ Đài. Hiện nay, dưới chân Kỳ Đài có trưng bày các khẩu pháo thuộc thế kỷ XIX.
Cột cờ Hà Nội xây dựng từ năm 1805, là một trong 7 cột cờ tiêu biểu của nước ta được xây dựng giai đoạn nửa đầu thế kỷ 19 (Hà Nội, Huế, Gia Định, Sơn Tây, Bắc Ninh, Nam Định, Hải Dương). Cột cờ Hà Nội từng chứng kiến cuộc đấu tranh anh dũng của quân ta chống thực dân Pháp với sự kiện tử tiết của Nguyễn Tri Phương (1800-1873) và sự tuẫn tiết của Hoàng Diệu (1820-1882).
Đây là công trình cao nhất ở Hà Nội thời bấy giờ. Năm 1882, sau khi thực dân Pháp chiếm Hà Nội, quân đội Pháp đã xây thêm một cái chóp mái ở trên đỉnh, biến phần nở rộng thành một căn phòng làm trạm thu phát để liên lạc truyền tin đến các tòa thành lân cận như Bắc Ninh (cách 30km), Sơn Tây (cách 40km).
Kì đài cao hơn 40m, gồm ba tầng đế vuông và một thân cột. Các tầng đế có dạng hình chop cụt chồng lên nhau, nhỏ dần, xung quanh xây ốp gạch. Tầng thứ nhất có cạnh 42,5m; có hai cầu thang gạch dẫn lên. Tầng thứ hai có cạnh 27m; cao 3,7m. Tầng thứ ba có cạnh 12,8m; cao 8,1m. kyd đài bao gồm bốn cửa :
– Cửa hướng Đông trên có đắp hai chữ: “ Nghênh Húc ” ( Đón ánh nắng ban mai).
– Cửa hướng Tây: “ Hồi Quang ” ( Ánh nắng phản chiếu ).
– Cửa phía nam: “ Hướng Minh ” ( Hướng về ánh sáng ).
– Cửa Bắc không đề chữ và có hai khẩu đại bác hai bên
Trên đế thứ ba là thân trụ hình bát giác , trên cùng là lầu nóc có cắm cột cờ. Trong thân trụ có cầu thang với 54 bậc xoáy trôn ốc lên tới đỉnh. Để tạo sự thông thoáng và cho ánh sáng mặt trời lọt vào, mỗi mặt trên thân cột cờ có đến 4-5 ô hình hoa thị, vị trí cao nhất mỗi mặt có 1 ô hình rẽ quạt. lầu nóc là mổt trụ bát giác, có nhiều ô cửa quan sát theo tám hướng. Trên đỉnh lầu nóc có chỗ cắm trụ treo cờ. Nếu tính luôn cả trụ treo cờ thì Kỳ Đài cao trên 41m.
Tháng 8-1945, trên cột đã phấp phới lá cờ đỏ sao vàng. Sau kháng chiến chống Pháp (1954) đến nay, cờ đỏ sao vàng hiên ngang tung bay trên cột cờ. Thực tế, lịch sử 1000 năm HN trải qua các cuộc chiến tranh nên các công trình bị phá hoại rất nhiều, di tích kiến trúc xưa còn lại rất ít.
Ngày 10/10/1954, quân đội ta về tiếp quản thủ đô, tại đây, vào lúc 3 giờ chiều đã tổ chức lễ chào cờ hết sức trọng thể, với sự tham gia của các đơn vị quân đội tiếp quản, cùng hàng vạn nhân dân thủ đô và đồng bào ngoại thành. Nhìn phía sau kỳ đài về hướng Bắc là Đoan Môn.
Từ sau ngày giải phóng thủ đô đến nay, Kỳ đài được trùng tu hai lần, vào tháng 12/1959 và tháng 11/1989.
• Đoan Môn
Tiếp đến , xin mời quý khách tiếp tục cuộc hành trình thăm cụm di tích Hoàng thành Thăng Long sáng nay với điểm di tích Đoan Môn- Một trong năm di tích còn lại của thành Hà Nội, nằm trên đường Hoàng Diệu, quận Ba Đình.Tên gọi Đoan Môn được sử dụng phổ biến trong sách sử xưa nay. Dựa theo kiến trúc mở 5 cửa ra vào, một số tư liệu thời hậu Lê và thời Nguyễn còn ghi là cửa Nghi Môn. Cửa Đoan Môn dành riêng để nhà vua qua lại. Trong quy hoạch tổng thể, kinh thành Thăng Long gồm ba vòng thành: La Thành rộng lớn bao quanh phía ngoài, tiép đến là Hòang Thành, trong cùng là Cấm Thành nơi ở của Hoàng Đế. Đoan Môn là lần cửa trong cùng dẫn vào cung vua.
Đoan Môn theo chính sử ở triều Nguyễn đã khẳng định là di tích có từ thời Lý. Một số học giả Hà Nội cũng cho rằng Hai chữ Hán “Đoan Môn” khắc trên biển đá trước cửa Đoan Môn có từ thời Lý.
Ở thời Lê Trung hưng, cửa Đoan Môn đựoc ghi chép nhiều với cả hai tên gọi: Đoan Môn và Ngũ Môn. Căn cứ vào vật liệu xây dựng và kiến trúc hiện còn của di tích, có thể khẳng định di tích Đoan Môn đựoc xây dựng từ đầu thời Lê và được tu bổ, sưa sang ở thời Nguyễn.
Đoan Môn hiện còn tương đối nguyên vẹn. Di tích nằm ở hướng nam của điện Kính Thiên, thẳng trục với Cột cờ Hà Nội. Đoan Môn được xây dựng theo chiều ngang, vật liệu chủ yếu là gạch vồ, loại gạch phổ biến của thời Lê(Thế kỷ XV) và đá cuốn vòm cửa.
Kiến trúc chính của Đoan Môn là kiểu vọng lâu, với ba cửa vòm cuốn. Cửa giữa lớn nhất giành riêng cho nhà vua, hai bên có bốn cửa nhỏ hơn để các quan và hoàng thân quốc thích ra vào cung cấm, khi có lệnh vời hoặc tham dự các nghi lễ lớn tại điện Kính Thiên do hoàng đế tiến hành… Đoan Môn là một kiến trúc rất quan trọng của kinh thành thuộc thời Lý-Trần-Lê, cả thành Hà Nội và cả khi chỉ còn là một vị trí của tỉnh thành. Trải qua hơn 1000 năm, nhiều triều đại thay đổi, bao phen bị tàn phá nhưng Đoan Môn luôn được tu sửa, xây dựng về thế, nguy nga, bao giờ cũng xứng với vị thế quan trọng của mình. Khảo cổ học xác nhận rằng tìm thấy Đoan Môn là tìm thấy phần trung tâm của cả một đô thành.
Theo các nhà khoa học, căn cứ vào di tích còn lại tới nay, căn cứ vào bản đồ Hồng Đức vẽ năm 1490 và những bản đồ vẽ lại sau đó, có thể hiểu rằng Đoan Môn là cửa mở ở phía nam Hoàng thành, là cửa chính của Hoàng Thành và cũng là nơi diễn ra nhiều sự kiện Quốc gia quan trọng.
Ngoài những việc hòang đế ra khỏi Hoàng thành thì có kiệu, nghị trượng , bảo vệ rất chu đáo và long trọng đi theo đường ngự đạo ra cửa giữa Đoan môn, nhiều sự kiện quan trọng cũng đi qua đường ngự đạo để vào trước thềm rồng cử hành các nghi thức quan trọng.
Đoan môn cũng là cửa để đón người vào hành danh Tiến sĩ. Đoan Môn đã được thành phố Hà Nội trùng tu lớn nhân kỷ niệm 990 năm Thăng Long Hà Nội. Hơn thế việc trùng tu Đoan Môn kịp mở cửa cùng các di tích Hậu Lâu, Bắc Môn phục vụ khách thăm quan trong và ngoài
• Điện Kính Thiên
Sau khi chiêm ngưỡng nét cổ kính và vẻ đẹp kiến trúc của Kỳ đài và Bắc Môn, bây giờ xin kính mời Quý khách theo tôi, chúng ta sẽ tiếp tục chuyến tham quan vào buổi sáng ngày hôm nay bằng việc đi vào trung tâm của Hoàng thành, thăm nền điện Kính Thiên, là một trong những điện trung tâm và lớn bậc nhất của Kinh thành Thăng Long buổi xưa.
Từ cổng Đoan Môn, đi theo con đường gạch đá hoa chanh, sẽ dẫn chúng ta đến nền điện Kính Thiên. Trong quá khứ, điện Kính Thiên được xây dựng tại vị trí trung tâm của thành Thăng Long, là cung điện uy nghi, tráng lệ và quan trọng bậc nhất của thành Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội xưa.
Hiện tại, chúng ta đang đứng trước nền điện Kính Thiên, tôi sẽ trình bày qua một vài nét về lịch sử của cung điện nguy nga bậc nhất trong quá khứ này.
Vào năm 1010, Lý Coong Uẩn cho xây dựng điện Càn Nguyên trên núi Nùng, là nơi hội tụ khí thiêng của đất trời làm nơi thiết triều. Tương truyền rằng, ở dưới ngọn núi này có một lỗ thông với một cái đầm , nên núi này có tên “ Long đỗ ” ( Rốn rồng ). Nhưng đến năm 1017, điện Càn Nguyên bị sét đánh làm cho hư hại.
Đến năm 1028, vua Lý Thánh Tông cho xây dựng lại các cung điện trung tâm trên nền cũ, có mở rộng thêm và đổi tên “ Thiên An ”. Về sau điện Thiên An lại đổi thành điện Phụng Thiên.
Đầu triều Trần, trên khu đất điện Phụng Thiên, vua Trần cho xây các điện Thiên An, Bát Giác và Diên Hiền. Ba điện này là nơi vua làm việc, thiết triều và thiết yến bá quan văn võ.
Cuối thời Trần và thời Hồ, do những biến động chính trị, do giặc ngoại xâm, những cung điện trên đều bị phá hủy.
Đến thời Lê, vua Lê Thái Tổ ( 1428 – 1433 ) đã cho dựng điện Kính Thiên, điện Càn Chánh, Tả Điện, Hữu Điện và điện Vạn Thọ trên nền điện Càn Nguyên – Thiên An – Phụng Thiên thời Lý – Trần. Điện Kính Thiên ở giữa Hoàng thành, phía trước có long trì dẫn tới Đoan Môn.
1465, Vua Lê Thánh Tông cho mở rộng quy mô, tu sửa điện Kính Thiên tráng lệ, uy nghi hơn và làm thêm đôi rồng đá chạm trổ tinh xảo ở hai bên bậc cầu thang lên xuống của cung điện. Rồng đá điện Kính Thiên là một di sản kiến trúc nghệ thuật tuyệt tác, tiêu biểu cho nghệ thuất điêu khắc thời Lê sơ.Hai con rồng mang phong cách rồng triều Lê, có ảnh hưởng phong cách Trung Hoa : Mắt lồi, miệng rộng, sừng nai hai chạc, tai thú, cổ rắn, vẩy cá chép, chân có 5 móng, bờm lượn ra sau,miệng ngậm hạt ngọc.
Thân rồng uốn lượn mềm mại thành nhiều vòng cung, nhỏ dần về phía nền điện, trên lưng có đường vây dài nhấp nhô như vân mây, tia lửa. Hai bậc ở hai bên thềm điện là hai khối đá chạy dài , chính là hai con rồng được cách điệu hóa. Nền điện Kính Thiên và đôi rồng chầu đã phần nào phản ánh được quy mô hoành tráng của điện Kính Thiên xưa.Thông qua tấm ảnh của Thực dân Pháp chụp vào cuối thế kỷ XIX, chúng ta có thể nhận thấy rằng , Điện Kính Thiên là một công trình có phân lớn kiến trúc bằng gỗ và có ảnh hưởng bởi yếu tố trung Quốc, xây theo hình chữ Nhị, hai tầng và tám mái. Ở trên đỉnh mái, có hai đôi “ Rồng chầu nguyệt ”, xung quanh được bao bọc bởi hàng rào bằng gạch và những sân lớn.
Theo nguồn Tài liệu, khi xem bức ảnh trong cuốn “ Một chiến dịch ở Bắc Kỳ ” của Hocquard, có thể thấy rằng kiến trúc điện Kính Thiên có nhiều nét giống với kiến trúc điện Thái Hòa ở Kinh thành Huế. Tuy nhiên, điện Kính Thiên có năm gian, 2 chái trong khi điện Thái Hòa có bảy gian, hai chái.
Năm 1886, thực dân Pháp đã phá bỏ điện Kính Thiên chỉ còn lại nền điện cùng đôi rồng đá và xây dựng tòa nhà hai tầng , bảy gian làm Sở chỉ huy Pháo binh.Sau tháng 10/1954, khu vực điện Kính Thiên, nhà con Rồng nói riêng và Thành cổ Hà Nội nói chung là nơi làm việc của Bộ Quốc Phòng. Những di tích cổ được bảo vệ, giữ gìn, tôn tạo.
• Hậu Lâu
Lầu Tĩnh Bắc (Tĩnh Bắc lâu) là một toà lầu xây phía sau cụm kiến trúc điện Kính Thiên là hành cung của thành cổ Hà Nội. Tuy ở sau hành cung nhưng lại là phía bắc, xây với ý đồ phong thuỷ giữ yên bình phía bắc hành cung, nên mới có tên là Tĩnh Bắc lâu và còn có tên là Hậu lâu (lầu phía sau), hoặc là lầu Công chúa do cho rằng đây là nơi nghỉ ngơi của các cung nữ trong đoàn hộ tống vua Nguyễn ra ngự giá Bắc thành.
(Còn nữa)
-Anh Vinh Pham Cao Sưu Tầm-