Nhìn trên bản đồ, đất nước ta như hình chữ “S”. Điểm khởi đầu của hình chữ “S” đó chính là tỉnh Quảng Ninh. Do điều kiện địa lý, đặc điểm 
Bắc giáp Quảng Tây – Trung Quốc, với chiều dài đường biên giới 132km. Phía Đông giáp vịnh Bắc Bộ với bờ biển dài 250km và hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ, với tổng diện tích 662km2. Quảng Ninh là tỉnh về tự nhiên, kinh tế và những biến cố lịch sử mà vùng đất phía Đông Bắc tổ quốc này đã qua nhiều lần quy hoạch địa giới và tên gọi. Miền Đông trước đây là tỉnh Hải Ninh. Khu vực phía Tây gồm có tỉnh Quảng Yên và đặc khu Hồng Gai được hợp nhất thành tỉnh Quảng Hồng. Năm 1948, liên tỉnh Quảng Hồng lại chia thành tỉnh Quảng Yên và đặc khu Hồng Gai. Cuối 1955, lại được hợp nhất thành tỉnh Hồng Quảng. Năm 1964, Bác Hồ đã gợi ý hợp hai tỉnh Hải Ninh và Hồng Quảng thành Quảng Ninh. Vùng đất này được mang tên Quảng Ninh kể từ ấy.
Diện tích 5938km2, hiện nay dân số Quảng Ninh là 1.004.461 người (1/4/1999) chiều dài đo được từ Đông sang Tây là 195km, từ Bắc xuống Nam là 102km. Phía nhiều đồi núi với tổng diện tích 4580km2, chiếm 77,1% diện tích tỉnh.
Sông chính là sông Thái Bình chảy qua tỉnh với chiều dài 60km, từ Đông Triều đến Yên Hưng.
Tỉnh có trữ lượng than đá lớn nhất nước: 3,5 tỷ tấn, trong đó 200 triệu tấn là than lộ thiên. Hai bể than lớn là Cẩm Phả và Hạ Long. Hàng năm thu được một số ngoại tệ lớn từ xuất khẩu than. Thu nhập từ than chỉ sau xuất khẩu dầu và gạo.
Ngoài than đá, Quảng Ninh còn có cát trắng (SiO2) chiếm trên 90%. Tập trung nhiều nhất ở quần đảo Vân Hải và Vĩnh Thục. Nhiều núi đá vôi với trữ lượng hàng tỷ tấn có giá trị sản xuất cement.
Nông phẩm nổi tiếng như quế (Hải Ninh) tự nhiên và được trồng (2000ha), hồi (1000ha) và sớ tinh dầu làm nguyên liệu nước coca (rất hiếm trên thế giới).
Năm 1990, có khoảng 850.000 khách du lịch. Trong đó có 430.000 khách quốc tế. 
Quảng Ninh có một thành phố là Hạ Long, 3 thị xã là Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái. Thành phố Hạ Long được nâng cấp từ thị xã năm 1994.
Di tích An Sinh
Di tích thuộc xã An Sinh huyện Đông Triều gồm đền thờ và lăng mộ của các vua Trần. Mộ và đền thờ Trần Nhân Tông (1279-1293) được dựng ở núi Ngọc Vân, khoảng thời Hậu Lê, gồm có 3 cấp. Trên cùng là am Ngọc Vân, giữa là cổng tam quan Ngọa Tự Vân, bên trái có miếu Thiên Sơn trong có bia đá dựng năm Vĩnh Thịnh thứ 3 (1707). Dưới cùng có hai tháp Phật, lăng thờ vua Trần Nhân Tông và tháp Đoàn Nghiêm.
Lăng Trần Anh Tông (1293-1313): còn gọi là lăng Đồng Tâm ở đồi Táng Quỷ, xây dựng từ đời Trần. Hiện nay phần mộ này chỉ còn vết tích nền lăng ở đỉnh đồi với các bậc thềm đá và hai bên thềm là rồng đá mang phong cách nghệ thuật đời Trần. Tấm bia dựng năm 1840 xác định đây là lăng vua Trần Anh Tông.
Lăng Trần Minh Tông (lăng Đồng Mục) (1314-1329): nằm ở chân núi trước lăng Trần Anh Tông. Lăng được dựng từ thời Trần. Tấm bia dựng năm 1840 xác định lăng Trần Minh Tông.
Lăng Trần Hiển Tông (1329-1341) gọi là Nghệ Sơn, xây từ đời Trần. Vết tích còn lại là các tượng chó đá, trâu đá, tượng quan hầu bằng đá chắp tay trước bụng. Tấm bia dựng năm 1840 xác định lăng Trần Hiển Tông.
Lăng Trần Nghệ Tông (1370-1372): ở xóm Bãi Đá còn gọi là khu Khe Nghệ xây từ đời Trần. Tấm bia dựng năm 1840 xác định lăng Trần Nghệ Tông.
Trần Thủ Độ
Thái sư đời nhà Trần, nhân vật đầu não trong việc sáng lập nhà Trần, quê Lưu Xá, Ngự Thiên, lộ Long Hưng (nay thuộc Canh Tân, Hưng Hà, Thái Bình). Ông có tài chính trị, nhân thời loạn, cùng với người trong họ là Trần Lý, Trần Thừa ra sức giúp thái tử Sảm nhà Lý chống các cuộc khởi nghĩa. Trần Lý gả con gái là Trần Thị Dung cho thái tử Sảm, do đó khi thái tử Sảm phục nghiệp lên ngôi tức Lý Huệ Tông, dòng họ Trần được trọng dụng. Trần Thủ Độ được phong làm Điện tiền chỉ huy sứ trong năm 1224, sau đó cai quản các đạo quân bảo vệ kinh thành.
Khi Lý Huệ Tông nhường ngôi cho con gái là Chiêu Thánh công chúa Lý Phật Kim (tức Lý Chiêu Hoàng), Trần Thủ Độ cùng người anh họ là Trần Thừa đem Trần Bồ (tức Trần Cảnh, con trai Trần Thừa) tác hợp với Lý Chiêu Hoàng, rồi bức tử Lý Huệ Tông nơi chùa Chân Giáo, kế tiếp ép Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh, dựng nghiệp nhà Trần vào khoảng cuối năm 1225 sang đầu năm 1226.
Nhà Trần thành lập, Trần Thủ Độ được cử giữ chức Thái sư. Quyền thế ông càng lúc càng nổi bật, đến năm 1234 ông là Thống quốc Thái sư, gồm coi cả phủ Thanh Hoa.
Năm 1258, quân Nguyên Mông sang xâm lược nước ta, trong khi ấy Trần Thái Tông và Thái úy Trần Nhật Hiệu có ý muốn đầu hàng, ông cương quyết thốt lời bất hủ: “Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo”. Rồi ông đôn đốc quân dân đẩy mạnh cuộc phản công đuổi giặc ra khỏi bờ cõi giành độc lập cho tổ quốc.
Ông là người có bản lĩnh, lắm quyền mưu, xử lý sâu sắc các việc quan hệ về chính trị, quân sự, uy phong áp đảo được mọi người. Tuy nhiên ông cũng là người có nhiều thủ đoạn thâm độc, trong đó nổi bật nhất là việc tổ chức giết chết hơn 300 quý tộc họ Lý để diệt trừ hậu hoạ.
Năm 1264, ông mất thọ 70 tuổi. Mộ ông ở địa phận Phù Ngự, Qui mô đồi sộ.
Làng gốm Đông Triều
Đông Triều là một thị trấn nổi tiếng của ngành sản xuất sành sứ thủ công tại Bắc bộ cùng với làng gốm Bát Tràng. Tất cả các sản phẩm ở đây đều được làm theo phương pháp thủ công, từ việc lấy đất, nhào nặn, tạo hình, vẽ, tráng men… đều bằng tay theo phương pháp có từ đời xưa truyền lại. Gốm sứ Đông Triều đã được liệt vào một trong những nơi có nền sản xuất sành sứ phát triển bậc nhất trong các triều đại phong kiến cũng như hiện nay. Các hoa văn phong phú tiêu biểu cho một nền văn hoá cách đây 700 năm (đời Trần) cùng men Lam đặc trưng của làng gốm Đông Triều thuở nào. Nếu như gốm sứ Bát Tràng cũng nổi tiếng, nhưng lại chuyên sản xuất gạch và các vật liệu chính trong gia đình thì Đông Triều lại nổi tiếng với các đồ gốm sứ có độ tinh xảo cao như bình hoa, ấm tích, hình thú, tượng… Đặc biệt Đông Triều nổi tiếng nhất với bộ Độc Ẩm Trà bằng sứ đỏ. Du khách có thể mua các phẩm này về làm quà cho người thân với giá khá rẻ. Bộ Độc Ẩm Trà 10.000đ, kèn chim 1000đ, Ấm Tích Từ 15.000-20.000đ.
Chùa Quỳnh Lâm
Cùng với Côn Sơn, Yên Tử, Quỳnh Lâm là 3 trung tâm Phật giáo nước ta thời Lý – Trần. Chùa Quỳnh Lâm thuộc xã Tràng An, huyện Đông Triều. Đây là một trong những ngôi chùa cổ nổi tiếng ở Việt Nam.
Theo truyền thuyết, tại Quỳnh Lâm nhà sư Khổng Lộ – đời nhà Lý đã đúc pho tượng Di Lặc bằng đồng, cao 6 trượng (khoảng 20m) được coi là một trong “Tứ đại khí” của nước ta thời ấy. Sau những biến cố thiên nhiên, giặc giã, năm 1629, chùa Quỳnh Lâm được tái tạo trùng tu, với những điện phật, nhà thiêu hương, tiền đường, giải vũ, nhà hậu Phật, hành lang tả hữu, nhà tăng nhà kho, tam quan, gác chuông… tổng cộng 103 gian.
Những di vật còn lại là những tấm bia đá dựng trước cửa chùa cao 2,46m rộng 1,53m. Trong chùa còn có một số chân cột to có đường kính 1,28m, có hoa sen chạm trổ theo phong cách nhà Lý. Chùa còn có một số tháp mộ của các sư tổ dựng vào thời Hậu Lê và bia 4 mặt cũng vào khoảng thời gian đó (!664)
Công nghiệp khai thác than
Than đa của Việt Nam có giá trị nhiệt lượng thuộc vào loại cao nhất: vượt 8000kcal/kg và có hàm lượng lưu huỳnh ít hơn 0,5%, nên rất thích hợp cho việc luyện thép bằng cách nung nóng, nấu chảy kết tụ thép. Hàng năm, khoảng 500.000-700.000 tấn than gầy đã được xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc.
Các xí nghiệp khai thác lớn nhất tập trung ở vùng than Quảng Ninh (Cẩm Phả, Hòn Gai, Uông Bí). Tổng công suât thiết kế nguyên khai các mỏ ở Quảng Ninh là 8,9 triệu tấn/năm và 60% khối lượng sản xuất là từ các mỏ than lộ thiên.
Tuy nhiên tài nguyên than đá không phải là vô tận, nhất là khi đã trải qua quá trình hàng trăm năm bị khai thác một cách bừa bãi, nguồn tài nguyên than đá không thể tránh khỏi bị cạn kiệt. Tại một số mỏ lộ thiên như Cọc 6, Hà Tu… đã phải xuống sâu từ 50m đến 70m so với mặt biển mới lấy được than từ trong lòng đất đá. Mặt khác, số lao động ngành than rất lớn nên sức ép về lao động khá căng thẳng. Vì thế, để tồn tại và phát triển, Tổng công ty than Việt Nam đã đầu tư thiết bị, đổi mới công nghệ, nâng cao sản lượng than đi đôi với kinh doanh đa ngành, tăng cường liên doanh với các hãng trong nước và nước ngoài để phát triển các ngành nghề mà ngành than có sức mạnh và tiềm năng như sản xuất vật liệu xây dựng, hàng may mặc, kinh doanh dịch vụ du lịch… Từ 20 đơn vị, ngành than tổ chức thành 50 đơn vị thành viên, trong đó có khoảng 30 đơn vị trực tiếp sản xuất kinh doanh. Các công ty như Uông Bí, Hòn Gai, Cẩm Phả… sau khi chia tách chỉ còn lại các mỏ nhỏđã nhanh chóng thích ứng và tạo đà đi lên, tăng sản lượng 20%/năm. Mỏ than Vàng Danh với một khoáng sản than giàu có, chưa phải xuống sâu, có một dây chuyền khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ, là đơn vị thực hiện công nghệ tách bóc, sàng tuyển than ngay trong quá trình khai thác và vận chuyển, áp dụng công nghệ mới dùng vì kèo ma sát thay thế gỗ trụ mỏ, đỡ phải chịu sức ép do thiếu gỗ, doanh thu tăng 40%/năm, đủ sức sản xuất hàng năm 500.000-600.000 tấn than thương phẩm. Các mỏ lớn như Cọc 6, Đèo Nai, Mạo Khê,… có lực lượng lao động từ 3000 đến 5000 người, sau khi tách ra thành cac doanh nghiệp độc lập đã chủ động trong kinh doanh và đạt hiệu quả kinh tế cao hơn trước. Công ty cảng kinh doanh than vừa lo quy trình thủ tục xuất khẩu than vừa thực hiện các dự án cải tạo và phát triển hệ thống cảng, nâng cao năng lực bốc xếp hàng hóa để thu hút khách hàng. Công ty vận tải và xếp dỡ vừa làm dịch vụ cung ứng vật tư, nguyên liệu cho sản xuất, vừa triển khai các dự án phát triển năng lực vận tải, đáp ứng nhu cầu vận chuyển 10 triệu tấn hàng hóa/năm.
Đảo Tuần Châu
Một trong những hòn đảo thuộc vịnh Hạ Long, có khoảng 5000 dân đang sinh sống. Đảo có tên như vậy do việc ghép hai chữ “Linh Tuần” và “Tri Châu” mà thành. Đảo có trồng nhiều rau xanh, là nguồn cung cấp rau xanh cho thành phố Hạ Long. Trước đây muốn ra đảo hoặc từ đảo vào phải đi bằng tàu. Hiện nay con đường nối liền đảo với đất liền đã được hoàn thành với chiều dài 2,8km, vốn đầu tư khoảng 50 tỷ đồng giúp cho việc thông thương thuận tiện hơn, biến đảo Tuần Châu thành một điểm du lịch tham quan đặc sắc của quần thể vịnh Hạ Long. Trên đảo còn có một ngôi nhà đơn sơ làm bằng tre nứa, song mây của nhân dân Quảng Ninh làm để Chủ tịch Hồ Chí Minh nghỉ ngơi sau mỗi lần thăm vịnh. Hiện nay vẫn được gìn giữ bảo vệ làm lưu niệm.
Cảng Cái Lân
Nằm trên bờ Vịnh Hạ Long thơ mộng, nơi có một độ sâu khá lý tưởng, song cảng Quảng Ninh suốt 21 năm qua vẫn là một cảng không cầu bến, mọi công việc sản xuất của cảng phần lớn chỉ thực hiện bằng phương án chuyển tải. Có được một bến cảng với những điều kiện thiết yếu của nó như cầu tàu, kho tàng, trang thiết bị bốc xếp thông thường là ước mơ của mỗi người công nhân cảng Quảng Ninh. Ngày 20/6/1995, ước mơ đó một phần trở thành hiện thực với công trình bến I- 10.000 tấn của cảng Cái Lân (Quảng Ninh), bến đầu tiên của cảng lớn nước sâu được xây dựng trên vịnh Cái Lân, cận kề với Di sản thế giới đã được UNESCO công nhận: Vịnh Hạ Long.
Bến có chiều dài 166m, rộng 16m, cao trình bến +5m, cao trình đáy bến +9m, được thiết kế cho tàu có trọng tải 10.000 tấn vào làm hàng, với tải trọng cho phép trên mặt cầu là 4 tấn/m2 và đoàn ôtô H30 cùng với đoàn tàu hỏa T24. Tiếp giáp với mặt bến là 10.000m2 bãi trải nhựa đường với bề rộng là 55m, 10.000m2 bãi dự phòng được bồi lấp bằng đất đồi dầm lên. Trong khu vực bến còn có hai kho có mái che với tổng diện tích 2500m2. Toàn bộ bến được bao quanh bằng hàng rào xây và lưới B40 có hệ thống chiếu sáng bảo vệ. Khu đậu tàu rộng 60m, dài 220m, nạo vét với cao trình -9m, vùng quay tàu có đường kính 220m, cao trình đáy -7,2m. Luồng từ cửa Lục vào bến dài 3km, được nạo vét đến cao trình đáy luồng –6,8m, bề rộng luồng 80m. Luồng tàu được đặt hệ thống phao tiêu báo hiệu.
Nhà nước có dự án xây dựng đường cao tốc nối liền thủ đô Hà Nội với cảng Cái Lân bằng cách cải tạo và nâng cấp đường 18… song song với đường cao tốc là hệ thống đường sắt.
Nằm trong cụm cảng Đông Bắc gồm cảng Hải Phòng và cảng Quảng Ninh, cảng Cái Lân sẽ góp phần quan trọng cho sự phát triển của khu tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và các tỉnh thuộc đồng bằng Bắc bộ.
Vịnh Hạ Long
Vào lúc 17g00 ngày 14/12/1994 tại thành phố Phuket-Thailand, Hội đồng Di sản Văn hóa Thế giới đã công nhận Vịnh Hạ Long là Di sản văn hóa thế giới. Hiện nay nước ta có 5 Di sản văn hóa thế giới đã được công nhận: Vịnh Hạ Long, Cố đô Huế, Phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn (28/12/1999), Động Phong Nha. Chúng ta đáng cố gắng xin công nhận thêm Cố đô Hoa Lư, Bà Vì – Ba Bể, Đền Hùng là Di sản văn hóa thế giới.
Vịnh Hạ Long có diện tích 1553km2 vơi 1969 hòn đảo lớn nhỏ và hàng chục động, hang lớn nhỏ khác nhau trong đó có 989 hòn đảo có tên và 980 chưa có tên. Vùng Di sản thiên nhiên được thế giới công nhận có diện tích 434km2, bao gồm 775 hòn đảo như hình tam giác với 3 đỉnh là đảo Đầu Gỗ, hồ Ba Dầm, đảo Cống Tây. Vịnh Hạ Long nằm về phía Đông Bắc Việt Nam cách thủ đô Hà Nội 165km. Tên Hạ Long có nghĩa là “Rồng giáng” đã có từ trước thế kỷ XIX không được ghi vào sổ thư tịch nước ta mà ngày xưa có tên là Giao Châu, Lục Châu, Lục Thủy vì nước ở đây 4 mùa xanh ngắt. Vịnh Hạ Long mới xuất hiện trên bản đồ hàng hải của Pháp về vịnh Bắc bộ trên một số bài báo tiếng Pháp và tiếng Việt cuối thế kỷ XIX.
Tương truyền rằng “Ngày xưa khi người Việt ta mới lập nước, giặc xâm lấn nước ta với lực lượng hùng hậu. Ta thì lực yếu thế cô. Giặc thừa thắng xông lên, ta rút lui bỏ chạy. Rồng mẹ từ trên trời nhìn xuống bèn phun ra những đống trứng. Lạ lùng thay những trứng và châu ngọc ấy liền biến thành những hòn đảo đá sừng sửng như những bức tường thành vững chắc ngăn cản bước quân thù. Giặc đang thế thượng phong thuyền va vào đá tan tành. Quân ta thừa thắng quay lại giết giặc. Sau khi giặc tan, rồng mẹ và rồng con không trở về trời”. Chỗ rồng mẹ xuống là Hạ Long, đuôi của đàn rồng vẫy trắng xóa là Bạch Long Vỹ, nơi rồng con xuống là Bái Tử Long. Như vậy, một lần nữa chúng ta tự hào rằng Việt Nam là dân tộc “Con rồng cháu tiên”. Khi con cháu gặp nạn thì Rồng và Tiên cùng ra tay cứu giúp, đây cũng là cách thể hiện tính nhất quán trong truyền thuyết và phong cách kể chuyện dân gian của dân tộc ta.
Vịnh Hạ Long là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ mà thiên nhiên đã ban tặng cho dân tộc ta. Với hàng ngàn đảo, muôn hình vạn trạng tô điểm thêm cho Hạ Long một cảnh đẹp hài hòa thật hùng tráng và lãng mạn.
Vịnh Hạ Long cách cửa sông Bạch Đằng 38 hải lý, tương truyền rằng chính nơi hang Đầu Gỗ là nơi Ngô Quyền giấu những cọc gỗ chôn sâu tại cửa sông Bạch Đằng trong trận đại chiến quân Nam Hán.
Không còn gì tuyệt vời hơn khi được ngắm bình minh Hạ Long vào một sáng ngày hè hay chiêm ngưỡng hoàng hôn trên vịnh vàomột chiều thu. Lúc ấy cả Hạ Long như được khoác lên mình một tấm hoàng bào lung linh lấp lánh. Một số người nước ngoài đã nói rằng: “Nếu đến Việt Nam mà không tham quan Hà Nội thì chưa biết gì về văn hóa lịch sử Việt Nam, chưa tham quan Vịnh Hạ Long thì chưa biết thế nào là cảnh đẹp Việt Nam, chưa tham quan TP. HCM là chưa biết cách sống và con người Việt Nam”. Nếu hiện nay, chúng ta so sánh tài nguyên thiên nhiên và cảnh đẹp với các nước trong khu vực thì chưa có đất nước nào qua mặt được ngoại trừ Trung Quốc – một đất nước rộng lớn, cái nôi của nền văn hóa thế giới.
Động Thiên Cung
Động ở phía Tây Nam Vịnh Hạ Long, cách đất liền 2,3km, trên đảo Đầu Gỗ. Được phát hiện vào năm 1995 do một người ngư dân phát hiện, Động Thiên Cung có hình chữ nhật cao trên 20m, rộng khoảng 25m và dài trên 120m. Đường vào động rất nhỏ, nhưng vào bên trong thì rất rộng và thoáng đãng. Hiện nay động đã được thắp sáng bằng một hệ thống ánh sáng tuyệt đẹp. Công trình chiếu sáng này được liên doanh với Trung Quốc trị giá 3 tỷ đồng. Nhìn phía trên trần của động có những thạch nhũ như hình Ngọc Hoàng, Thiên Lôi, Nam Tào, Bắc Đẩu với râu trắng như mây. Trên vách, những cô tiên nữ xinh xắn lộng lẫy xiêm y đang ca múa. Có thể nói rằng, du khách đang lạc vào chốn bồng lai, đang tham dự và chiêm ngưỡng một buổi yến tiệc cực kỳ lộng lẫy và sang trọng tại cung điện nhà trời.
Núi Bài Thơ
Quảng Ninh nổi tiếng ngoài Hạ Long còn có núi Bài Thơ, nơi mà vua Lê Thánh Tôn trong chuyến kinh lý Vịnh Hạ Long vào năm 1468 đã có một bài thơ khắc lên vách núi, thi tứ tràn trề lòng tự hào, tự tôn dân tộc:
Cự tẩm uông dương kiều bách xuyên
Loạn sơn kỳ bố bích liên thiên…
Tạm dịch: “Trăm dòng sông chảy mênh mông quanh núi, đảo rải rác như bàn cờ, bể liền trời xanh biếc…”.
Ngày trước núi có tên là Truyền Đăng, cao 106m, cạnh bên thị xã Hòn Gai. Tương truyền ngày xưa chính ngọn núi này là trạm gác tiền tiêu của đất nước. Khi có giặc xâm lăng, tín hiệu được truyền trong đất liền là ngọn lửa. Lửa được đốt bởi rơm trộn với phân chó sói, khi đốt sẽ cho ngọn khói thẳng đứng, bay cao và lâu tan. Đi thuyền trên vịnh, cách bờ khoảng 300m có thể nhìn thấy bài thơ khắc trên vách núi trong một khung hình vuông mỗi cạnh dài 1,5m. Ngoài ra, An Đô Vương Thịnh Cương cũng có một bài thơ khắc ở ngọn núi này.
Leo núi Bài Thơ là một hoạt động dã ngoại mang tính thể thao hấp dẫn. Đứng ở lưng chừng núi phóng tầm mắt ra xa là biển xanh biếc, đảo đá nhấp nhô, trên đầu là trời mây bồng bềnh, chung quanh cây lá đua chen, chim chóc ríu rít trên cành.
Lý do Vịnh Hạ Long được công nhận Di Sản Thiên Nhiên Thế Giới
@ Cảnh đẹp và sống động: Từ trên cao nhìn xuống, Vịnh Hạ Long như một bức tranh khổng lồ vô cùng sống động. Đi giữa Hạ Long, ta ngỡ như lạc vào một thế giới cổ tích bị hoá đá: đảo giống đầu người (hòn Đầu Người), giống hình con rồng (hòn Rồng), giống ông lão câu cá (hòn Ông Lã Vọng), hòn Cánh Buồm, hòn Gà Chọi… Hình dáng của những đảo đá kỳ diệu biến hoá khôn lường theo góc độ ánh sáng, ngày và đêm, góc nhìn.
@ Trong các đảo đá là những hang động tuyệt vời như: hang Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, động Sửng Sốt…
@ Vịnh Hạ Long cũng là nơi gắn liền lịch sử dân tộc với những địa danh nổi tiếng: Vân Đồn, nơi có thương cảng nổi tiếng (1149), có núi Bài Thơ ghi bút tích của các bậc vua chúa, danh nhân.
@ Vịnh Hạ Long còn là một trong những cái nôi của con người, có nền văn hoá Hạ Long và Hậu kỳ đồ đá mới, với những địa danh khảo cổ học nổi tiếng như: Đồng Mang, Xích Thổ, Soi Nhụ…
@ Hạ Long cũng là nơi tập trung đa dạng sinh vật cao, với những hệ sinh thái điển hình như: hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái rặng san hô, hệ sinh thái tùng áng, hệ sinh thái rừng cây nhiệt đới…
Tiêu Chuẩn Danh Thắng Cảnh Của Thế Giới
1. Phong cảnh phải rất đẹp.
2. Phải có những gì xứng đáng là công trình, có bàn tay và trí óc của con người hợp sức với thiên nhiên để tạo nên một quần thể kiến trúc có nét đẹp hài hoà về nhiều phương diện.
3. Phải có “cái hồn của cả hai mặt nói trên cộng lại”. Nghĩa là phải có nhiều sự tích, truyện kể bi hùng, lâm ly qua nhiều đời người.
Vịnh Hạ Long có 12 giá trị:
1. Giá trị về mặt khảo cổ 
2. Giá trị về kinh tế 
3. Giá trị quang cảnh 
4. Giá trị về nghệ thuật 
5. Giá trị về lịch sử 
6. Giá trị về khoa học 
7. Giá trị về văn hoá
8. Giá trị về chính trị 
9. Giá trị về tinh thần
10. Giá trị về thiên nhiên
11. Giá trị về giáo dục
12. Giá trị về tính chất phổ quát toàn cầu.
Bạch Đằng Giang
Dân tộc Việt Nam ta, trải qua bao thế hệ chống xâm lăng, đã tạo cho mình một truyền thống chiến đấu bền bỉ và kiên cường. Và trải qua những năm dài chiến đấu đó, biết bao tên đất, tên nước đã thành tên chiến thắng: sông Như Nguyệt của Lý Thường Kiệt, Ải Chi Lăng của Lê Lợi, 
Đống Đa, Rạch Gầm của Nguyễn Huệ… Đó là những trận có tính chất quyết định như Điện Biên Phủ. Nhưng không ở một vùng đất nước nào lại xảy ra những “Điện Biên Phủ” liên tiếp, tại một nơi, như trên sông Bạch Đằng. Lịch sử còn ghi, tại đây tổ tiên ta đã 3 lần lập nên những chiến công hiển hách và cũng bằng cách đóng cọc ngăn sông: Trận Ngô Quyền chống quân Nam Hán năm 938, trận Lê Hoàn chống quân Tống năm 981, và oanh liệt nhất là trận Trần Hưng Đạo chống quân Nguyên năm 1288. Có lẽ trên đất nước ta chưa có con sông nào được người đời hát ca, vịnh phú, đề thơ như sông Bạch Đằng, xin trích dẫn thêm một câu đối lịch sử của Giang Văn Minh. Năm 1638, ông được vua Lê giao cho chức Chánh Sứ sang nhà Minh. Với dụng ý trấn áp tinh thần và làm nhục sứ nước ta, vua nhà Minh ra câu đối: “Đồng trụ chi kim đài dĩ lục” (Trụ đồng giờ đây rêu đã phủ xanh). Biết vua Minh nhắc đến thời kỳ Mã Viện sang đánh dẹp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng rồi chôn cột đồng, ý đe doạ nước ta: Nếu không biết phận thần phục sẽ bị chinh phạt. Giang Văn Minh lập tức đối lại: “Đằng Giang tự cổ huyết do hồng”(Sông Bạch Đằng từ xưa máu vẫn còn đỏ). Câu đối ấy nói thẳng vào mặt vua Minh rằng: Nếu chúng bây còn ôm mộng xâm lược ắt bị trừng trị! Ông hiên ngang nêu cao sĩ khí của dân tộc mình, dù biết rằng câu đối của ông làm cho vua Minh bực tức mà chém sứ. Và ông đã bị vua Gia Tông tàn bạo chém thật.
Theo sách xưa Bạch Đằng Giang có tên gọi là Vân Cừ. Nhưng trong dân gian nó lại mang cái tên thật là mộc mạc: Sông Rừng (có lẽ vì bên sông trước đây có nhiều rừng). Bạch Đằng là một dòng sông rộng, như câu ca dao truyền lưu ở địa phương này đã mô tả: 
Nhất cao là núi U Bò
Nhất lớn chợ Giá, nhất to sông Rừng.
Đi vào các làng ven sông Bạch Đằng, xem sự tích thành hoàng, hay sắc phong ở đình, miếu, người ta thấy ghi công đức nhiều danh tướng, công thần từ đời vua Hùng và nhiều nhất là đời Trần. Ở bãi sông Chanh dưới chân núi Tràng Kênh, người ta tìm thấy nhiều cọc lim đầu vạt nhọn, cao đến 3m, 4m (hiện nay trưng bày ở Viện Bảo tàng lịch sử). Giờ đây đứng bên bờ sông Chanh – chắc xưa kia trận địa cọc được bố trí tại đây – ta hình dung lại trận thuỷ chiến kinh thiên động địa lúc bấy giờ: Quân reo, giáo tủa, cờ bay, tiếng trống đồng rền vang như sấm động. Tiếng trống đồng của chiến thắng Bạch Đằng oanh liệt đã làm cho Trần Phu, sứ Nguyên 5 năm sau, khi sang nước ta, nghe đến còn phải thất đờm kinh tâm:
Trông bóng giáo mác tấm lòng đau khổ
Nghe tiếng trống đồng mà bạc cả tóc
Nay được trỡ về thân khoẻ mạnh
Mỗi khi mộng đến chuyện cũ còn kinh sợ
Trận đánh lịch sử trên vịnh Hạ Long và địa danh Bãi Cháy 
Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 3, trận thuỷ chiến quyết định đã diễn ra ở Vân Đồn do Trần Khánh Dư chỉ huy. Thuỷ binh quân Nguyên xâm nhập nước ta qua cảng Vân Đồn do Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp thống lĩnh. Ngoài ra còn có thuyền lương nặng nề của Trương Văn Hổ theo sau. Sau khi thắng được một số trận, Ô Mã Nhi kiêu ngạo tiến lên, nhanh chóng vào sâu trong sông Bạch Đằng, không thèm để ý thuyền lương phía sau. Cảng Vân Đồn đã được Hưng Đạo Vương giao cho Trần Khánh Dư trấn giữ, khi đoàn thuyền của Ô Mã Nhi tiến tới, Trần Khánh Dư không chận giữ được, để Ô Mã Nhi thoát đi. Thượng Hoàng nghe tin sai quan Trung sứ đến xiềng Trần Khánh Dư đem về kinh đô để xử phạt. Trần Khánh Dư nói với Trung thần rằng: “Lấy quân luật mà xử, tôi xin chịu tội, nhưng xin Trung sứ hoãn cho 2 – 3 ngày để tôi lập công chuộc tội. Sau đó sẽ chịu búa rìu cũng chưa muộn”. Trung sứ nghe theo lời xin.
Trần Khánh Dư phán đoán rằng: quân Ô Mã Nhi đã đi qua rồi, thì hẳn nhiên tiếp đến là thuyền lương cũng phải đi qua. Ông bèn củng cố lại lực lượng và cho mai phục chờ đợi. Quả nhiên sau đó thuyền lương của Trương Văn Hổ nặng nề tiến vào Vân Đồn. Trần Khánh Dư đốc thúc quân lính tập kích thuyền giặc. Mọi người cố sức đánh vì họ hiểu rằng chỉ có chiến thắng mới cứu được người tướng của họ khỏi tội với triều đình.
Những chiếc thuyền chở lương chậm chạp lại không có quân hộ tống, không thể chống đỡ được sức tấn công như vũ bão của quân Đại Việt. Một số quân Nguyên bị bắt một số rơi xuống nước. Có thuyền chạy tứ tán trôi đến tận vương quốc ChămPa. Quân Đại Việt thu lương thực nhiều không kể xiết, Trương Văn Hổ bỏ chạy về đảo Hải Nam, xác tàu giặc chìm bị cháy trôi vào bờ nhiều vô kể, hơn một tuần sau lửa mới tắt, người ta gọi chổ đó là Bãi Cháy kể từ đó.
Tin thắng trận được báo về. Đây là một chiến thắng lớn có ảnh hưởng to lớn đến sức lực của địch. Thượng Hoàng tha tội cho Trần Khánh Dư. Quân Nguyên Mông không còn lương thực phải chạy về nước.
Núi Yên Tử
Giữa những cánh cung núi trùng điệp của khu Đông Bắc mênh mông, núi Yên Tử cao 1068m, vút lên như một toà tháp. Từ xa xưa cảnh núi rừng Yên Tử nổi tiếng là ngoạn mục. Các triều đại vua chúa đã xếp Yên Tử vào hạng “Danh sơn” của cả nước. Lễ hội Yên Tử kéo dài từ ngày 9 tháng Giêng ÂL và kéo dài đến hết tháng 3 ÂL, một trong những lễ hội dài nhất ở nước ta.
Tên xưa kia của núi Yên Tử là Núi Voi, bởi dáng hình giống con voi quay đầu về hướng biển. Trong sử sách, Yên Tử còn có tên là Bạch Vân Sơn bởi quanh năm đỉnh núi chìm trong mây trắng. Yên Tử đã đẹp lại càng nổi tiếng hơn từ khi các vua nhà Trần dùng núi Yên Tử là nơi tu hành và phát triển đạo Phật, hình thành phái Trúc Lâm Tam Tổ. Cũng từ đó, hệ thống chùa tháp uy nghi được xây lên chi chít. Yên Tử càng thêm quyến rũ du khách bốn phương. Hiện nay trong quần thể di tích Yên Tử có 11 ngôi chùa và hàng trăm am tháp. Chùa Đồng ở đỉnh cao nhất 1068m so với mặt nước biển. Lên đến đỉnh cao, sau khi thắp nén nhang ai nấy đều thấy như mình đang đứng giữa trời, lòng lâng lâng thoát tục. Khi trời quang mây tạnh, từ nơi đây có thể phóng tầm mắt dõi nhìn khắp vùng biển Đông Bắc. Ca dao có câu:
Trăm năm tích đức tu hành
Chưa đi Yên Tử chưa thành quả tu
Phật giáo xâm nhập vào nước ta thế kỷ I, trước khi có tên nước là Đại Việt (1054). Phật giáo có ảnh hưởng lớn trong xã hội dưới thời Ngô-Đinh-Lê. Từ khi đất nước có tên Đại Việt, dưới triều Lý, Phật giáo trở thành quốc giáo. Các vua Trần tuy coi trọng Phật giáo nhưng vẫn không bỏ qua Nho giáo. Chính duới nhà Trần mà các khoa thi Nho học được tổ chức đều đặn hơn. Trường học Nho giáo được xây dựng, gọi là Quốc sư viện để dạy Tứ thư Ngũ kinh cho học trò. Cuối đời Trần, Nho giáo chiếm ưu thế, đẩy Phật giáo ra khỏi vũ đài chính trị.
Trà Cổ
Nơi khởi đầu của bờ biển nước ta là đảo Trà Cổ. Gọi là đảo vì bốn bề biển bao bọc. Những lúc thuỷ triều lên, con đường từ Móng Cái về đây bị ngập một khúc, xe cộ do đó phải qua phà. Nhưng khi nước thủy triều xuống, khúc đường lại hiện ra và ô tô đi liền một mạch, lúc ấy Trà Cổ lại chỉ là một bán đảo. Đảo Trà Cổ hình dáng như lưỡi liềm, rộng độ 3km, dài khoảng 17km chia ra hai xã: xã Bình Ngọc ở phần phia Tây đảo và xã Trà Cổ ở phần phía Đông thuộc huyện Vạn Ninh, tỉnh Quảng Ninh.
Điều đáng lưu ý là ở cái huyện sát biên giới này gồm mấy chục xã toàn là người dân tộc, đông nhất là người Sán Dìu, người Hán, bỗng có một khu dân cư toàn người Kinh, tới năm sáu nghìn dân, tất nhiên là với nhà cửa, ngôn ngữ y phục, tập quán y như miền đồng bằng với đình chùa nghiêm chỉnh. Đình này có dư 400 năm lịch sử đã được Bộ văn hoá xếp hạng, to đẹp không kém đình làng, đình bảng nổi tiếng của xứ Kinh Bắc. Không lai tạp dù ở sát biên giới, điều ấy chứng tỏ sức sống mãnh liệt của con người ở đây. Các cuộc xâm lăng đều tràn qua đây, vậy mà vẫn tồn tại một nền văn hoá dân tộc Việt Nam bền vững.
Ngoài ra ở thôn Tràng Vỹ thuộc xã Trà Cổ còn có một nhà thờ với tháp chuông khá cao trên 40m. Đồng bào công giáo ở đây có quê gốc là Nam Định, Thái Bình, phần lớn là ở Trà Lũ, di cư ra sinh sống tại Trà Cổ từ khoảng đời Tự Đức (1847- 1885).
Như đã nêu ở trên, Mũi Ngọc là mũi cực Tây của đảo thì mũi cực Đông là Sa Vỹ, có nghĩa là “cái đuôi cát”. Người Trà Cổ vẫn cho rằng đảo của mình giống con rồng, đầu ngậm Hòn ngọc (tức Mũi Ngọc) và cái đuôi là dãi đất uốn cong Sa Vỹ. Từ Mũi Ngọc đến Sa Vỹ, cát một màu trắng tinh, mịn màng với những rừng dương xanh thẳm, Sa Vỹ là địa đầu của nước ta, vì chỉ qua sông Bắc Luân đã là đất Trung Quốc.
Trà Cổ mà xây dựng thành nơi nghỉ mát thì tuyệt đẹp. Trong tương lai khi các phương tiện giao thông phát triển thì Trà Cổ là bãi biển nghỉ hè vào bậc nhất của nước ta.

Kinh nghiệm du lịch Móng Cái Trà Cổ - Nắm gọn bí kíp du lịch 2019