LỜI GIỚI THIỆU
Vườn tượng danh nhân y học Quy Hòa nằm trong Công viên Nhân Ái thuộc Bệnh viện Phong Da liễu Trung ương Quy Hoà (BVPDLTWQH), Quy Nhơn, Bình Định. Vườn tượng hiện tọa lạc trong một thung lũng nhỏ yên bình, với ba bề là núi rừng và nhìn thẳng ra bãi biển Quy Nhơn tuyệt đẹp (Hình 1,2,3,4).
Tiền thân của BVPDLTWQH là Trại phong Quy Hòa do người Pháp thành lập năm 1929, từng là một trong những trung tâm điều trị bệnh phong lớn nhất trên toàn cõi Đông Dương (thời kỳ cao điểm đã có hơn 1000 người bệnh). Ở đây, Hàn Mặc Tử đã sống những ngày cuối đời và mộ phần đầu tiên của ông cũng đặt tại đây (Hình 5). Phải chăng ngày xưa bệnh phong thuộc loại nan y, nên người ta đã cố gắng dành cho bệnh nhân phong những nơi thanh vắng hữu tình nhất.
Kết quả hình ảnh cho Vườn tượng danh nhân y học Quy Hòa
VÀI NÉT LỊCH SỬ
Ý tưởng về xây dựng khu Vườn tượng danh nhân y học xuất phát từ BS Trần Hữu Ngoạn vốn là Giám đốc Bệnh viện Phong Quỳnh Lập, Nghệ An. Năm 1984, ông được điều động vào Quy Nhơn làm Giám đốc Trại phong Quy Hòa (sau này là BVPDLTWQH).
Từ năm 1985, BS Trần Hữu Ngoạn đã đề xuất và bắt đầu thực hiện ý tưởng xây dựng khu Vườn tượng với các bức tượng chân dung các Danh nhân Y học Việt Nam và thế giới, để tri ân và vinh danh các nhà khoa học, các thầy thuốc, mà cuộc đời là những tấm gương lớn về nhân cách, về y đức, cũng như có những cống hiến đáng kể cho công tác nghiên cứu y học, sự nghiệp bảo vệ sức khỏe của nhân dân và đào tạo cán bộ ngành y tế.
Vườn tượng còn có những bức tượng ghi nhớ công lao các thầy thuốc cùng những người có đóng góp trong việc xây dựng bệnh viện và nghiên cứu chữa bệnh phong. Công việc này, được BS Nguyễn Thanh Tân, Giám đốc kế nhiệm (từ 1995) BS Trần Hữu Ngoạn, cùng các cộng sự tiếp tục triển khai, quy tụ và bổ sung thêm các tượng để trở thành Công viên Nhân Ái. Công viên này được khánh thành năm 2010 với Khu vực tượng đài rất trang nghiêm, bề thế và ấn tượng (Hình 6,7,8).
Tính đến 09/2018, tại Công viên Nhân Ái đã có hơn 52 pho tượng, bao gồm 41 tượng các danh nhân Y học thế giới, và 11 tượng các danh nhân Y học Việt Nam. Các bức tượng danh nhân này, đều là những tượng bán thân làm bằng xi-măng hoặc composite màu trắng, đặt trên các bệ xi-măng màu nâu đỏ. Bên cạnh mỗi bức tượng có bia đá khắc chữ ghi rõ tóm tắt tiểu sử
CÁC DANH NHÂN Y HỌC VIỆT NAM
Những danh nhân Y học Việt Nam đầu tiên được dựng tượng gồm có:
1) Hải Thượng Lãn Ông (1726-1791). Người đã để lại cho đất nước nhiều sách thuốc, bài thuốc có giá trị, và một cuốn bút ký nổi tiếng “Thượng kinh ký sự”
2) Tuệ Tĩnh (1330-1400). Người được tôn là vị thánh thuốc Việt Nam, nổi tiếng với châm ngôn “Thuốc Nam Việt chữa người Nam Việt”.
3) BS Phạm Ngọc Thạch (1909-1968). Bộ trưởng Y tế, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học Kỹ thuật 1996.
4) GS Tôn Thất Tùng (1912-1982). Nhà ngoại khoa xuất sắc của Việt Nam, Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHKT 1996.
5) GS Hoàng Tích Trí (1903-1958). Bộ trưởng Bộ Y tế (1946-1958), người thầy của ngành Vi sinh học, Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHKT 1996.
6. GS Đặng Vũ Hỷ (1910-1972). Người thầy của ngành Da liễu Việt Nam, Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHKT 1996.
7. BS Hoàng Tích Mịnh (1904-2001). Người thầy của ngành Vệ sinh dịch tễ, Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHKT 1996.
8. GS Lê Kinh Duệ (1927-2001). Nguyên Viện trưởng Viện Da liễu, người có nhiều công trong công tác phòng chống bệnh phong, Giải thưởng Nhà nước về KHCN 2000.
9. GS Từ Giấy (1921-2009). Người thầy của ngành Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm Quốc gia, Giải thưởng Nhà nước về KHCN 2000.
10. GS Đỗ Nguyên Phương (1937-2008): Bộ trưởng Bộ Y tế (1995-2002), bác sĩ ngoại khoa, giáo sư Triết học.
11. GS TSKH Đặng Đức Trạch (1930-2004). Người thầy của ngành Vi sinh học, Giải thưởng Nhà nước về KHCN 2000.
Từ giữa năm 2018, TS Vũ Tuấn Anh Giám đốc BVPDLTWQH (từ 2012) và các cộng sự, được sự cộng tác tích cực của DS Trần Giữu, cũng như sự ủng hộ của nhiều tấm lòng thiện nguyện, đã triển khai những đợt xây dựng tượng các danh nhân Y học Việt Nam mới, và đưa thêm vào khu Vườn tượng.
Đợt đầu tiên, ngày 14/10/2018, Bệnh viện đã tổ chức trọng thể lễ dâng hương, đặt tượng 9 vị danh nhân gồm có:
1) GS Nguyễn Xuân Nguyên (1907-1975). Người thầy của ngành Mắt Việt Nam, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học Kỹ thuật 1996.
2) GS TS Trương Công Quyền (1908-2000). Người thầy của ngành Dược, Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHKT 1996.
3) GS Đặng Văn Chung (1911-1999). Người thầy của ngành Nội khoa, Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHKT 1996.
4) GS Vũ Công Hòe (1911-1994): Người thầy của ngành Giải phẫu bệnh, Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHKT 2000.
5) BS Trần Hữu Nghiệp (1911-2006). Thầy thuốc Nhân dân, người có công đào tạo nhiều thế hệ thầy thuốc trong 2 cuộc kháng chiến.
6) GS Trịnh Ngọc Phan (1914-1985). Người thầy của ngành Truyền nhiễm, Giải thưởng Nhà nước về KHCN 2000.
7) GS Nguyễn Ngọc Doãn (1914-1987). Thiếu tướng. Người thầy của ngành Dược lý, chuyên ngành Nội khoa quân đội.
 GS Hoàng Đình Cầu (1917-2005). Thứ trưởng Bộ Y tế. Nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội. Người thầy của Y học xã hội Việt Nam.
9) GS Chu Văn Tường (1922-2008). Người thầy của ngành Nhi khoa. Giải thưởng Nhà nước về KHCN 2000.
Nhân kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nay, ngày 24/2/2019, Bệnh viện đã tổ chức trọng thể lễ dâng hương, đặt tượng đợt 2, bao gồm 11 vị danh nhân (Hình 10,11,12,13):
1) GS Phạm Khắc Quảng (1912-2000). Người thầy của chuyên ngành Lao và bệnh phổi, Viện trưởng Viện Chống lao TW.
2) GS Nguyễn Trinh Cơ (1915-1985). TTND, người thầy của ngành Ngoại khoa Việt Nam, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội, Giải thưởng Nhà nước về KHCN 2000.
3) GS TS Võ Văn Vinh (1918-2010). TTND, nguyên Cục trưởng Cục Quân y, Giải thưởng Nhà nước về KHCN 2000.
4) GS TS Nguyễn Tăng Ấm (1919-2008). TTND, người thầy của Dịch tễ học quân đội, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế.
5) GS Nguyễn Dương Quang (1922-2015. TTND, người thầy của ngành Ngoại khoa, nguyên Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức.
6) GS Đặng Thị Hồng Vân (1923-1991). Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm Dược học Pháp, người thầy của ngành Bào chế Dược Việt Nam.
7) GS Nguyễn Như Bằng (1925-2012). TTND, người thầy của ngành Giải phẫu bệnh và Y pháp Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Pháp Y Việt Nam.
 GS Lương Tấn Thành (1927-2010). TTND, người thầy của ngành Sinh hóa Lâm sàng Việt Nam, cựu Chủ nhiệm Khoa Sinh hóa BV Bạch Mai.
9) GS TSKH Nguyễn Huy Phan (1928-1997). Thiếu tướng, Phó Giám đốc Bệnh viện 108, người thầy của chuyên ngành Phẫu thuật tạo hình.
10) GS Lê Quang Toàn (1928-2012). Nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Dược Hà Nội, người thầy của ngành Công nghiệp Dược Việt Nam.
11) GS TS Nguyễn Trọng Nhân (1930-2017). Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, nguyên Viện trưởng Viện Mắt Trung ương, nguyên Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Như vậy hiện nay, trong khu Vườn Tượng Quy Hòa có tổng cộng 31 tượng danh nhân Y học Việt Nam.
tham-vuon-tuong-cac-danh-nhan-y-hoc-quy-hoa-2
Một góc Công viên Nhân Ái (cận cảnh là tượng GS. Viện sĩ Dược học Đặng Thị Hồng Vân).  Ảnh: Ngọc Chiến
MỘT SỐ DANH NHÂN Y HỌC THẾ GIỚI
Trong khu Vườn tượng này có tổng cộng 53 tượng danh nhân Y học thế giới. Tôi xin phép điểm những danh nhân Y học thế giới tiêu biểu:
1) Hippocrates (460 – 370 TCN). Hình mẫu của bác sĩ cổ đại, người đã đưa ra những lời thề Hippocrates, đặc trưng cho y đức dành cho các bác sĩ khi nhận bằng tốt nghiệp ra trường,.
2) Biển Thước (401-310 TCN): là một thầy thuốc trứ danh thời Chiến quốc, là người khai sinh ra phương pháp bắt mạch, là người đặt nền móng cho Đông y Trung Hoa.
3) Asclepius. Một anh hùng và là vị thần thành hoàng của nghề y trong tôn giáo và thần thoại Hy Lạp cổ đại. Cây gậy của Asclepius (hay quyền trượng) với rắn quấn quanh thân vẫn là biểu tượng của ngành y ngày nay.
4) Alexandre Yersin (1863 – 1943). Bác sĩ y khoa, nhà vi khuẩn học người Pháp. Ông là người thành lập và là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Y khoa Đông Dương (tiền thân của Trường đại học Y Hà Nội). Yersin đã tìm ra trực khuẩn gây bệnh dịch hạch (Yersinia pestis).
5) Henry Dunant (1828 – 1910). Doanh nhân và nhà hoạt động xã hội người Thụy Sĩ, người sáng lập Hội Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) vào năm 1863 và là người nhận giải Nobel Hòa bình đầu tiên vào năm 1901.
6) Edward Jenner (1749-1823). Bác sỹ người Anh, được gọi là “cha đẻ của miễn dịch học”, người tiên phong tìm ra vắc-xin đậu mùa (vắc-xin đầu tiên trên thế giới).
7) Gerhard Hansen (1841 – 1912). Bác sỹ người Na Uy, được biết đến nhờ công trình khám phá vi khuẩn Mycobacterium leprae (là nguyên nhân gây bệnh phong) năm 1873.
 Alexander Fleming (1881 – 1955): Bác sỹ, dược sỹ và nhà vi sinh học người Scotland. Khám phá nổi tiếng nhất của ông là chất kháng sinh đầu tiên trên thế giới benzylpenicillin (Penicillin G) từ nấm mốc Penicillium notatum vào năm 1928.
9) Albert Calmette (1863 – 1933). Bác sỹ, nhà vi khuẩn học, miễn dịch học người Pháp. Ông đã khám phá ra BCG, dạng yếu đi của vi khuẩn lao được dùng làm vắc-xin BCG chống bệnh lao.
10) Karl Landsteiner (1868 – 1943). Nhà sinh vật học, bác sỹ và nhà miễn dịch học người Áo và được gọi là cha đẻ của y học truyền máu. Ông phân loại các nhóm máu chính vào năm 1900, giúp phát triển hệ thống phân loại nhóm máu hiện nay.
11) René Laennec (1781 – 1826). Bác sĩ người Pháp. Ông đã phát minh ra ống nghe vào năm 1816 khi làm việc tại Bệnh viện Necker.
12) Karl Eberth (1835 – 1926). Nhà nghiên cứu bệnh học và vi khuẩn học người Đức. Năm 1880, Eberth mô tả một trực khuẩn mà ông nghi ngờ là nguyên nhân gây bệnh thương hàn.
13) Robert Koch (1843 – 1910). Bác sỹ và nhà vi sinh học người Đức, người sáng lập bộ môn vi khuẩn học hiện đại, ông đã xác định các tác nhân gây bệnh của bệnh lao, dịch tả và bệnh than.
14) Marie Curie (1867 – 1934). Nữ bác học Pháp gốc Ba Lan, là người phụ nữ đầu tiên và duy nhất giành được 2 giải Nobel đã tiến hành nghiên cứu tiên phong về phóng xạ.
15) Wilhelm Röntgen (1845 – 1922). Kỹ sư cơ khí và nhà vật lý học người Đức. Ngày 8/11/1895, ông đã sản xuất và phát hiện bức xạ điện từ được gọi là tia X hoặc tia Röntgen.
16) Ilya Mechnikov (1845 – 1916). Nhà bác học Nga về vi sinh vật, là “cha đẻ của miễn dịch tự nhiên”.
17) Ivan Pavlov (1849 – 1936). Nhà sinh lý học người Nga đã xây dựng lên định luật cơ bản mà ông gọi là “phản xạ có điều kiện”.
18) Claude Bernard (1813 – 1878). Nhà sinh lý học người Pháp, người đầu tiên khám phá ra glycogen và miêu tả về chức năng của nó trong gan.
19) Ambroise Paré (1510 – 1590). Phẫu thuật viên người Pháp và là một trong những người sáng lập bộ môn phẫu thuật và bệnh học pháp y hiện đại.
20) Rudolf Virchow (1821 – 1902). Nhà hoạt động xã hội người Đức, nổi tiếng với những tiến bộ trong lĩnh vực y tế công cộng. Ông cũng được biết đến như người sáng lập của y học xã hội.
Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang đứng, cây, thực vật, bầu trời và ngoài trời
THAY CHO LỜI KẾT
Qua trao đổi với những người chủ xướng việc thành lập và chọn lựa danh nhân để đưa vào khu Vườn tượng Quy Hòa, chúng tôi được biết rằng, có những trường hợp ứng viên là những người rất xứng đáng được tôn vinh danh nhân Y học Việt Nam và đặt tượng ở khu vườn này. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, gia đình đã từ chối.
Tôi cũng được biết rằng, việc xem xét và triển khai những đợt xây dựng tượng các danh nhân Y học Việt Nam mới, để đưa thêm vào khu Vườn tượng Quy Hòa, có thể sẽ còn được tiếp tục.
PS. Tôi và toàn thể đại gia đình chúng tôi rất vinh hạnh vì mẹ chúng tôi, GS Đặng Thị Hồng Vân có tên trong danh sách những người được dâng hương và đặt tượng ở khu Vườn tượng Quy Hòa ngày 24/02/2019 vừa qua (Hình 9,10,11,12,13).
Thay mặt gia đình bà Đặng Thị Hồng Vân, chúng tôi xin gửi đến TS Vũ Tuấn Anh cùng toàn thể các cộng sự ở BVPDLTWQH và DS Trần Giữu lời cám ơn chân thành nhất.
Nguồn: Facebook Tam Tran