Chào các bạn thân mến, hôm qua 10/05/2019 MXH và các phương tiện truyền thông Việt Nam đã hồ hởi loan truyền Thông báo về việc tạm hoãn hạ giải Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu của Giáo phận Bùi Chu do Linh mục Giuse Nguyễn Đức Giang Tổng đại diện Giáo phận ký.
Đây là một tin vui, vì ý kiến của “các linh mục hữu trách và những người thành tâm thiện ý” đã được lắng nghe như trong Thông báo đã nhấn mạnh. Tôi tin rằng, Giáo phận Bùi Chu nhất định sẽ tìm được tiếng nói chung, với những người thành tâm thiện ý ở trong ngoài Việt Nam, để tất cả những người ai có tâm có thể tham gia đóng góp cụ thể, phù hợp với pháp luật Việt Nam hiện hành và điều kiện của Giáo phận Bùi Chu.
Trong hình ảnh có thể có: cây, bầu trời, ngoài trời và thiên nhiên
Như chúng ta biết, nhà thờ Bùi Chu hiện chưa thuộc diện “di sản văn hóa lịch sử cấp tỉnh” do tỉnh Nam Định quản lý (chứ đừng nói cấp quốc gia). Vì vậy, quyền tối hậu quyết định “số phận” nhà thờ Bùi Chu vẫn thuộc Giáo xứ Bùi Chu. Tóm lại, những lời trách móc “ồn ào” vừa qua trên truyền thông và MXH đối với việc “tự chuyên” của Ban lãnh đạo Giáo xứ Bùi Chu, thực ra không đúng địa chỉ. Địa chỉ đúng phải là các cơ quan quản lý tỉnh Nam Định.
Vấn đề này được trình bầy đầy đủ trong một status hôm nay của FBooker Nguyen Chuong Mt theo link
https://www.facebook.com/nguyenchuon…/posts/672106853223298…
Tuy nhiên, có một điều chúng ta có thể yên tâm, là trong bối cảnh hiện có những quy định rất chặt chẽ của nhà nước về việc sử dụng tài nguyên đất đai thuộc quản lý của các tôn giáo, chắc chắn Giáo xứ Bùi Chu sẽ có những quyết định đúng đắn, cần thiết và phù hợp kể cả về mặt xử lý kỹ thật lẫn kiến trúc. Lý do là vì từ trước đến nay các giáo xứ Công giáo đã trùng tu, phục dựng và xây mới thành công rất nhiều nhà thờ, chủng viện ở khắp Việt Nam.
Trường hợp xây mới thành công tiêu biểu của cộng đồng Công giáo Việt Nam, là nhà thờ Bác Trạch ở Tiền Hải, Thái Bình, mà tôi đã kể đến trong một status ngày 04/05/2019 tại FB này. Hôm nay tôi xin phép giới thiệu tiếp Tiểu Chủng viện Làng Sông Quy Nhơn, là một trường hợp tiêu biểu cho việc phục dựng và trùng tu thành công.
Trong hình ảnh có thể có: bầu trời và ngoài trời
Trong chuyến đi Quy Nhơn tháng 02/2019 vừa qua điều đáng tiếc nhất đối với tôi, là chưa có điều kiện đi thăm nhà Từ đường Đào Duy Từ ở Hoài Nhơn Bình Định. Tuy nhiên ít nhiều tôi đã thực hiện được một tâm nguyện khác, là đi theo dấu vết của Trường dạy chữ Quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam. Xin phép điểm lại vài nét về lịch sử hình thành chữ Quốc ngữ.
Theo ghi chép của linh mục Christoforo Borri, tác giả bản tường trình “Xứ Đàng Trong năm 1621”. Năm 1617, linh mục Francesco Buzomi được Khám lý Trần Đức Hòa, quan trấn phủ Quy Nhơn đưa từ Cửa Hàn (Đà Nẵng) về Quy Nhơn chữa bệnh. Đầu năm 1618, Khám lý Trần Đức Hòa cùng linh mục Francesco Buzomi ra Hội An đón linh mục Francisco de Pina (đến Hội An từ 1617), linh mục Christoforo Borri (đến Cửa Hàn 1616) cùng tu huynh Antonio Diaz về Quy Nhơn.
Thời kỳ đó ở Quy Nhơn có Cảng thị Nước Mặn, là một cảng sông nằm bên đầm Thị Nại Phủ Quy Nhơn. Trong các thế kỷ 17-18, Nước Mặn là một cảng thị nổi tiếng của xứ Đàng Trong và cả Đông Nam Á, có tên trên hải đồ của người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan và Anh. Nơi đây thuyền buôn phương Tây và các nước Đông Nam Á đã từng thường xuyên ra vào buôn bán tấp nập.
Theo mô tả của linh mục Cristophoro Borri trong tác phẩm “Xứ Đàng Trong năm 1621”, Cảng thị Nước Mặn là một khu vực chiều dài khoảng hai dặm (tương đương 3,2 km) và chiều rộng khoảng một dặm rưỡi (tương đương 2,4 km). Như vậy năm 1618, khi Cristophoro Borri đến Nước Mặn, nơi này đã là một cảng thị đông đúc.
Vùng trung tâm Cảng thị Nước Mặn ngày xưa bao gồm nhiều dãy phố chạy ngang dọc như bàn cờ và thuộc các thôn An Hòa, Hòa Quang (nay là xóm Lương Quang ngoài thuộc xã Phước Quang) và thôn Kim Xuyên (nay là xóm Vĩnh Xuyên thuộc xã Phước Hòa), huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
Theo Cristophoro Borri, phần lớn các dãy phố chuyên bán một loại hàng hóa, như phố vàng bạc và đồ trang sức, phố tiệm thuốc bắc, phố hàng mã, pháo, phố hàng nhang đèn, phố hàng tơ lụa, gấm vóc, phố hàng đồ gốm, hàng mỹ nghệ, phố hàng đồ đồng, hàng đồ gỗ, phố hàng sách chữ Hán, giấy bút, phố đồ thờ cúng.
Sầm uất nhất là khu phố chợ. Chợ Nước Mặn họp hàng ngày, nhưng tấp nập nhất là vào những ngày chợ phiên. Tới ngày chợ phiên, tàu thuyền đậu kín bến, voi chở lâm sản từ miền thượng về, ngựa thồ hàng từ các thị trấn, thị tứ trong vùng tới. Người trong nước, ngoài nước ăn mặc đủ kiểu, nói đủ các thứ tiếng đi lại nhộn nhịp trên đường phố. Hàng hóa đủ nguồn gốc từ Đông sang Tây đủ màu, đủ loại bày trong các cửa hiệu, ngoài quán chợ.
Thuở phồn thịnh, Nước Mặn từng là một biểu tượng đời sống phồn hoa đô hội không chỉ của Phủ Quy Nhơn, mà của cả xứ Đàng Trong.
Kết quả những chuyến đi Hội An, Đà Nẵng của Khám lý Trần Đức Hòa, là tháng 07/1618, Cư sở truyền giáo Nước Mặn Quy Nhơn được thành lập với linh mục Buzomi là Cha Bề trên, bao gồm những tu sỹ Dòng Tên (Jesuite) nói trên, và là cư sở đầu tiên của các giáo sĩ Dòng Tên, những người truyền đạo Kito từ đầu thế kỷ 17 ở xứ Đàng Trong.
Được sự bảo trợ của Khám lý Trần Đức Hòa, các tu sĩ Dòng Tên đã bắt tay vào việc sáng tạo ra một hệ ký tự latin dùng để truyền tải ngôn ngữ Việt Nam. Vì Dòng Tên là một dòng tu nổi tiếng về nghiên cứu khoa học, tất cả các tu sỹ Dòng Tên đều được đào tạo rất bài bản trong các dòng tu và học viện phương Tây. Thực tế, họ là những nhà khoa học tinh thông nhiều lĩnh vực, nên công việc này có nhiều thuận lợi.
Về sau Daniello Bartoli (1608-1685), nhà sử học dòng Tên đã chép về công việc này như sau: “Linh mục Buzomi đã cố gắng nghiên cứu học hỏi, biên soạn ngữ vựng và văn phạm tiếng Đàng Trong ….. vào năm 1623, cha Pina và cha Buzomi là những thừa sai nắm bắt được ngôn ngữ thông dụng của Đàng Trong”.
Năm 1624, có thêm 4 linh mục đến Đàng Trong. Trong đó, Gaspar Luis (Bồ Đào Nha) cùng linh mục Girolamo Majorica (Ý) vào Nước Mặn học tiếng Việt với Buzomi, còn Alexandre de Rohdes (Pháp) và Antonio de Fontes (Bồ Đào Nha) đến Dinh trấn Thanh Chiêm (Địa Bàn, Quảng Nam) học tiếng Việt với Pina.
Như vậy, 1618 là năm khởi đầu sáng tạo ra chữ Quốc ngữ. Công lao chính thuộc về một số thừa sai Dòng Tên tham gia công việc truyền giáo tại Việt Nam giai đoạn 1615-1626, như Francesco Buzomi, Francisco de Pina, Christoforo Borri, Gaspar de Amaral và Antonio Barbosa, Alexandre de Rohdes … Ngoài ra, phải kể đến sự tham gia và đóng góp của những người Việt ở vùng Nước Mặn lúc đó, và đặc biệt là sự khuyến khích bảo trợ hiệu quả của Khám lý Trần Đức Hòa, quan trấn nhiệm Quy Nhơn.
Tuy nhiên, phải nói thêm rằng việc Nước Mặn trở thành nơi khởi nguồn sáng tạo ra chữ Quốc ngữ, là một điều không hề ngẫu nhiên. Vào đầu thế kỷ 17, cư dân Cảng thị Nước Mặn đã thể hiện đầy đủ những nét đặc trưng của nền văn hóa mới ở xứ Đàng Trong, được hình thành dần dần trong quá trình người Việt Nam Tiến. Đó là một nền văn hoá bao dung, đa nguyên, dung nạp, khai mở, hướng ngoại, thực tế, tự do và tôn trọng sự khác biệt tôn giáo, tín ngưỡng.
Chẳng hạn tiêu biểu cho văn hóa dung nạp này, là trường hợp ngôi Chùa Bà Nước Mặn (Hình 14,15). Một ngôi chùa đặc biệt, tồn tại từ khoảng đầu thế kỷ 17 đến tận bây giờ. Hiện nay Chùa Bà vẫn là nơi vừa thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, Chúa Thai Sinh (Bà Mụ theo tín ngưỡng của người Hoa), vừa thờ Thành Hoàng theo tín ngưỡng của người Việt.
Nhờ chính sách bao dung đối với Kito giáo, các tu sỹ Dòng Tên Francesco Buzomi, Francisco de Pina, Christoforo Borri được phép xây dựng Cư sở truyền giáo Nước Mặn (vẫn còn dấu tích đến nay). Nơi ngoài việc tự do truyền đạo, họ còn bắt đầu phiên âm latin tiếng Việt và sáng tạo ra chữ Quốc ngữ.
Riêng việc truyền đạo, trong vòng 3 năm, 172 người Nước Mặn đã chịu phép rửa tội, và một cộng đồng tôn giáo mới đã hình thành, Kito giáo đã trở thành quen thuộc đối với giới bình dân. Đến 1659, sau hơn 40 năm truyền giáo, số người theo Kito giáo ở xứ Đàng Trong đã là hơn 30.000, thể hiện tinh thần tôn trọng tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng của xứ Đàng Trong thuở ấy.
Theo linh mục Nguyễn Hồng (trong một công trình về Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam), ở Nước Mặn, nhiều cuộc tranh luận, giảng thuyết về tôn giáo nói chung và Kito giáo nói riêng với giới quan lại, nho gia và thầy sư, sãi đã được tổ chức ở tư gia hay chốn đình trung. Sau khi cộng đồng Kito giáo trở thành khá lớn, tại Nước Mặn đã diễn ra một cuộc tranh luận tôn giáo đặc sắc quy mô lớn, giữa thầy Tư Bình, một đạo sư nổi tiếng có hàng trăm môn đệ với Francesco Buzomi, Cha Bề trên của Cư sở truyền giáo Nước Mặn.
Về cuộc tranh luận đình đám này, trong tác phẩm “Xứ Đàng Trong năm 1621” xuất bản lần đầu bằng tiếng Ý năm 1631, Cristophoro Borri viết như sau “Sau khi thỏa thuân ngày giờ và nơi gặp mặt, thầy Tư Bình đem theo 200 đệ tử, kèn trống đón rước linh đình đến chỗ hẹn, còn cha Francesco Buzomi đơn sơ trong bộ áo tu hành nghèo nàn đến nơi hẹn một mình, không có người đưa đón. Số người dự thính rất đông, các quan chức, kỳ hào, thầy sư, thầy sãi đủ cả”.
Tranh luận tôn giáo công khai như thế, là một hiện tượng chưa từng có trong lịch sử các vương triều phong kiến Việt Nam. Bản thân linh mục Cristophoro Borri cũng am hiểu khá sâu sắc văn hóa và tôn giáo bản địa. Ông đánh giá cao Đức Phật Thích Ca như một triết gia và nhà siêu hình học trứ danh. Trong tác phẩm “Xứ Đàng Trong năm 1621”, ông nhận định “Vị này còn có trước Aristote và không thua kém ông này về tài trí, và ông rất tinh thông việc luận giải các vấn đề tự nhiên”.
Còn Khổng Tử được Cristophoro Borri coi như một tác giả uyên thâm, giáo lý sâu sắc và có uy tín ở phương Đông như Aristote ở phương Tây. Ông viết “Thực ra ông (Khổng Tử) kỳ cựu hơn. Sách của ông chứa đầy lý lẽ bác học, nhiều chuyện lạ, nhiều châm ngôn sâu sắc, nhiều tục ngữ và nhiều điều điệu tương tự khác. Tất cả đều bàn về thuần phong mỹ tục, như Seneca, Caton và Ciceron của chúng ta”.
Sự bao dung, đa nguyên, dung nạp, khai mở, hướng ngoại, thực tế, tự do và tôn trọng sự khác biệt tôn giáo, tín ngưỡng của người Nước Mặn là một yếu tố quan trọng ổn định xã hội, đảm bảo cho sự giao lưu, tiếp biến văn hoá ngoại nhập, làm giàu văn hóa bản địa. Nền tảng cho sự phát triển và phồn thịnh của các cảng thị xứ Đàng Trong nói chung và Nước Mặn nói riêng.
Như vậy, từ buổi đầu ở xứ Đàng Trong, nếu Hội An là điểm xuất phát truyền bá Kito giáo, thì Cảng thị Nước Mặn Quy Nhơn chính là nơi phôi thai, điểm khởi nguyên chữ Quốc ngữ. Bởi vì Cư sở truyền giáo Nước Mặn Quy Nhơn, chính là nơi Cha Bề trên Francesco Buzomi, Francisco de Pina, Christoforo Borri những người đi tiên phong trong việc sáng chế ra chữ Quốc ngữ, sống phần lớn thời gian khi ở Việt Nam.
Tại Cư sở truyền giáo Nước Mặn, đồng thời với hoạt động truyền giáo, họ đã học tập, nghiên cứu, phiên âm và sáng tạo ra chữ Quốc ngữ để truyền bá cho các tu sỹ và giáo dân. Có thể nói chính ở Nước Mặn đã hình thành Trường dạy chữ Quốc ngữ đầu tiên ở xứ Đàng Trong và Đại Việt.
Về cuốn sách đầu tiên inh bằng chữ quốc ngữ. Hiện nay nhà thờ Mằng Lăng Tuy Hòa, Phú Yên có lưu giữ cuốn sách đầu tiên in bằng chữ Quốc ngữ tại Ý năm 1651. Đó là cuốn sách “Phép giảng tám ngày”, một cuốn sách.giáo lý Kito giáo của tác giả Alexandre de Rohdes. Năm 1651, cuốn sách này được in cùng lúc với 2 quyển khác cũng của Alexandre de Rohdes, là các cuốn “Khái luận Việt ngữ” và “Tự điển Việt-Bồ-La”.
Việc cùng một lúc có 3 đầu sách in bằng chữ Quốc ngữ, trong đó quan trọng nhất là cuốn “Từ điển Việt-Bồ-La”, khiến cho hậu thế có lý do chính đáng, để quy công sáng tạo chữ Quốc ngữ cho một mình Alexandre de Rohdes.
Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây cho thấy, Alexandre de Rohdes được hưởng thành quả lao động nhiều năm của các tu sỹ Dòng Tên đi trước như đã trình bầy ở trên. Trong đó, đặc biệt phải kể đến công lao của Francisco de Pina và Francesco Buzomi,
Vì vậy, ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng, phải coi sự sáng tạo và hoàn thiện chữ Quốc ngữ là một quá trình, diễn ra nhiều năm, có đóng góp của nhiều người. Ngoài Alexandre de Rohdes, trước hết, phải công nhận công lao đóng góp trực tiếp thêm ít nhất của Francisco de Pina và Francesco Buzomi, Tóm lại, câu chuyện bản quyền vẫn đang tiếp diễn.
Tôi xin phép giới thiệu Tiểu Chủng Viện Làng Sông ở xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, Bình Định, một cơ sở Công giáo có liên quan đến Trường dạy chữ Quốc ngữ Nước Mặn đầu tiên (cách 10km). Tương truyền là khi Cảng thị Nước Mặn bắt đầu suy tàn, một bộ phận của Trường dạy chữ Quốc ngữ Nước Mặn đã chuyển về đây.
Trong hình ảnh có thể có: thực vật, cây, bầu trời và ngoài trời
Tiểu Chủng Viện Làng Sông được xây dựng bề thế từ 1864, nhưng bị đốt phá toàn bộ năm 1885 trong phong trào Văn thân Cần Vương. Công việc phục dựng lại Tiểu Chủng Viện Làng Sông được bắt đầu từ 1892 và kết thúc năm bắt 1904, Về sau chủng viện còn trải qua một số lần trùng tu khác. Hiện nay, Tiểu Chủng Viện Làng Sông là một cơ sở Công giáo đẹp cổ kính, uy nghiêm, chỉn chu nề nếp nhưng cũng rất rộng mở, bao dung và thân thiện.
Nhà nguyện ở Chủng Viện có vẻ ngoài cổ kính, đậm chất kiến trúc Gothic với những đường nét kiểu vòm nhọn và có nhiều cửa sổ. Các khu giảng đường đều thoáng rộng, sáng sủa và mát mẻ … (Hình 1,2,3,4,5,6,7,8,9,10,11,12,13). Trong khuôn viên Tiểu Chủng Viện rộng chừng 2.000 m2 có một điểm nhấn đặc biệt là hàng cây sao hơn 200 năm tuổi. Phần sân sau chủng viện là những vườn rau xanh tốt.
Tôi đến thăm Tiểu Chủng Viện Làng Sông vào buổi chiều Chủ Nhật, nhưng nhìn qua thấy trong các lớp học có nhiều chủng sinh rất trẻ đang chăm chú nghe giảng. Ngoài sân chủng viện rất đông các bạn trẻ đến thăm viếng chụp ảnh, đặc biệt là chụp ảnh cưới. Trong số khách thăm viếng có nhiều cô giáo và các cháu học sinh.
PS. Trong khuôn viên Tiểu Chủng Viện Làng Sông hiện vẫn còn nền móng của nhà in Làng Sông do Đức cha Eugène Charbonnier Trí thành lập năm 1873. Đây là một trong 3 nhà in sách quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam bao gồm nhà in Tân Định (Sài Gòn), nhà in Ninh Phú (Hà Nội) và nhà in Làng Sông.
Thời cao điểm năm 1922, dưới sự điều hành của linh mục Maheu, nhà in Làng Sông đã in 18.000 tờ báo định kỳ, 1.000 bản sách các loại, 32.000 ấn phẩm khác, riêng tờ Lời Thăm (bán nguyệt san) được 1.500 bản, phát hành cả Đông Dương. Nhà in Làng Sông hoạt động cho đến khoảng năm 1936, trước khi được dời về Quy Nhơn.
Nguồn: FB Tam Tran