TUYẾN ĐƯỜNG TỪ NGÃ BA THÀNH -NGÃ BA NHÀ MÁY SỢI – ĐÈO RÙ RÌ – SUỐI BA HỒ
Nằm ngay cây số 24 trên đường Nha Trang – Ninh Hòa rẽ vào Phú Hữu. Suối
phát nguyên trên đỉnh Hòn Sơn cao 660m chảy giữa 2 triền núi đá xuống thôn Phú
Hữu ở phía Bắc rồi vượt qua một cánh đồng rộng để xuống vùng Nha Phu. Gọi là Ba
Hồ vì trên thượng lưu có 3 cái hồ lúc nào cũng đầy ắp nước. Hồ thứ nhất rộng
chừng trên 100m2, lòng hồ rải rác vài hòn đá vừa chìm vừa nổi, chung quanh ngổn
ngang những tảng đá thật to lớn. Hồ thứ nhì đi lên cách đó chừng 1km do đá ngăn
nước đọng lại thành hồ nước rộng gần 100m2, lòng hồ cạn khoảng vài tấc. Đi lên
cao khoảng 0,5km là hồ thứ ba. Hồ nằm ngay dưới chân một ngọn thác chảy và do
thác đổ xuống thành lòng chảo, lòng hồ có nhiều cát và đá. Hồ nhỏ và cạn hơn hồ
thứ hai.
Ba Hồ là một khu du lịch lý tưởng
vào mùa hạ. Vượt đường xa vài chục cây số dưới trời
nắng gắt,
khách tham quan sẽ được tận hưởng không khí trong lành và chiêm ngưỡng vẻ đẹp
tự nhiên của núi rừng hoang dã. Lòng người và thiên nhiên xung quanh sẽ hài hòa
nhau trong bản giao hưởng du dương ngọt ngào của tiếng suối chảy, tiếng chim
hót, tiếng lao xao của gió núi mây ngàn và hương sắc ngọt ngào của các loại cây
rừng.
TUYẾN ĐƯỜNG TỪ NHA TRANG ĐI DỐC
LẾT, VỊNH VĂN PHONG
Là một kỳ quan thiên nhiên tuyệt đẹp trong môi trường lý tưởng hiếm có
với khí hậu ôn hòa, bãi biển đẹp, cát mịn, núi đồi hùng vĩ bao quanh cùng với
những cánh rừng nhiệt đới hầu như còn nguyên vẹn, những rạn san hô đa sắc, đẹp
sững sờ, có dấu tích sinh tồn của một khu rừng ngập mặn, hàng trăm sinh cảnh,
muông thú đặc chủng và hàng chục ngàn loài thuỷ, hải sản quý. Đây là những ưu
thế giúp Văn Phong có thế mạnh phát triển du lịch sinh thái rõ nét. Tổng cục Du
lịch Việt Nam đã xếp Vân Phong vào “vùng du lịch trọng điểm phát triển”, trong
kế hoạch dài hạn của ngành đến năm 2010. Vân Phong cũng được Hiệp hội Biển thế
giới xếp vào danh sách 4 vị trí du lịch biển lý tưởng nhất hiện nay.
Đến nay, hệ thống điện lưới quốc gia đã được kéo đến tận mũi bán đảo
Khải Lương. Đầu năm 2002, tuyến đường quan trọng Cổ mã – Đầm Môn với tổng vốn
đầu tư 61 tỷ đồng do Sở Du lịch-Thương mại Khánh Hoà là đơn vị chủ đầu tư, đã
chính thức được khởi công. Các dự
án khác đã được phê duyệt như: Cảng du lịch Đầm Môn, Dự án Cầu tàu du
lịch Dốc Lết, đường lớn nối Ninh Phụng với Dốc Lết sắp được nâng cấp, trải thảm
nhựa, Dự án khai thác, xử lý nước, công suất 5000m3/ngày… sẽ tiếp tục được
triển khai nhằm từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho vùng du lịch quan trọng
này.
ĐÈO CẢ:
Đèo Cả là đèo hiểm trở và hùng vĩ bậc nhất tại miền Trung – ranh giới
giữa tỉnh Phú Yên (huyện Đông Hòa) và Khánh Hòa (huyện Vạn Ninh) trên Quốc lộ
1A. Đỉnh đèo có cao độ 333 m vượt dãy núi Đại Lãnh có chiều dài tổng cộng 12 km
trong đó 9 km thuộc địa phận Phú Yên và 3 km thuộc địa phận Khánh Hòa. Đèo nằm
giữa hai sườn núi Hảo Sơn (Hốc Ao) và núi Đá Bia (Thạch Bi Sơn).Hiện đang có kế
hoạch xây dựng hầm đường bộ Đèo Cả để việc đi lại trên quốc lộ 1A không còn
phải vượt qua đường đèo hiểm trở này
Đây là ranh giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành từ năm 1471 đến 1653.
Trong cuộc nam tiến của Đại Việt, địa thế hiểm trở của khu vực đã khiến vua Lê
Thánh Tông dừng chân tại đây năm 1471. Lê Thánh Tông đã tạo một tiểu vương quốc
tại Phú Yên làm vùng đệm tên là Hoa Anh. Vì là vị trí ranh giới, nhiều cuộc
xung đột giữa Đại Việt và Chiêm Thành đã xảy ra tại đây.
Nhiều cuộc giao chiến giữa chúa Nguyễn Ánh và anh em nhà Tây Sơn đã xảy
ra tại đây giữa những năm 1771-1802. Trong tháng 1 năm 1947, Đèo Cả trở thành
chiến trường giữa quân Pháp và Việt Minh.Tên “Đèo Cả” có khi Pháp
đang xây Quốc lộ 1A. Trước đó đường Thiên Lý nằm phía tây của đường Đèo Cả.
ĐẠI LÃNH
Nếu đi ô tô trên quốc lộ 1A từ Bắc vào Nam, lúc vượt đèo Cả ngoằn ngoèo
trên 10 km, một bên là núi rừng trùng điệp và một bên là Vũng Rô sâu thẳm nước
lặng như tờ. Khi xe đổ dốc đến gần chân đèo, du khách sẽ thấy ”một vùng non
xanh nước biếc như tranh họa đồ” hiện ra trước mắt, đó là Đại Lãnh, một thắng
cảnh đẹp tuyệt vời nằm cách thành phố Nha Trang về phía Nam chừng 80 km. Đại
Lãnh nằm lọt thỏm giữa một bên là đèo Cả ở phía Bắc và một bên là đèo Cổ Ngựa ở
phía Nam, ba mặt là núi vây quanh, chỉ có mặt đông trông ra biển Cả mênh mông
sóng nước. Bãi biển Đại Lãnh dài đến ba, bốn km, cong cong hình lưỡi liềm, cát
trắng phau và mịn màng được viền kín bằng những hàng dương rủ bóng thướt tha.
Phong cảnh ở đây thật thơ mộng và hữu tình, khí hậu mát mẻ. Trong những tháng
hè oi bức, khách bốn phương có thể về đây nghỉ ngơi, cắm trại vui chơi và nô
đùa với sóng nước hoặc leo núi, ngâm mình trong làn nước trong xanh, mát lạnh.
Bãi biển
Đại Lãnh được xếp vào loại lý tưởng và đẹp nhất ở nước ta. Không phải ngẫu
nhiên mà Tổ chức du lịch thế giới (OWT) đã đánh giá Đại Lãnh là một trong những
thắng cảnh đẹp nhất ở Đông Nam Á. Phong cảnh Đại Lãnh từ xưa đã được liệt vào
hàng danh thắng của nước nhà. Năm 1830, Đại Lãnh được vua Minh Mạng cho thợ
chạm vào cửu đỉnh đặt trước
sân thế miếu ở Kinh đô Phú Xuân (Huế). Đến thời Tự Đức, Đại Lãnh được
ghi vào điển thờ. Thuở xa xưa, đường thiên lý Bắc Nam qua đây còn gập ghềnh,
bốn bề hoang vắng, từng nổi tiếng với câu ”Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận” và
bọn thảo khấu lục lâm luôn luôn rình rập những người lỡ đường. Vì vậy, khách bộ
hành thuở ấy từ Phú Yên đi vào Khánh Hòa hay ngược lại đều phải chờ nhau để đi
thành từng đoàn đông người và thường nghỉ chân ở bãi Đại Lãnh. Chẳng bao lâu
Đại Lãnh trở thành cái trạm mọc lên vài ba quán tranh nho nhỏ nghèo nàn để
khách tạm nghỉ ngơi sau khi vượt qua đoạn đường đèo vất vả, gian truân.
Theo truyền khẩu dân gian, thời
vua Thành Thái, có một người quê ở Thừa Thiên tên là
Phạm Ngũ Lão vào đây thấy phong cảnh hữu tình bèn lưu lại lập gia viên
để vui thú cùng cỏ cây non nước. Ông ta vừa đi săn, bủa lưới kiếm sống vừa
chiêu tập đuợc một số dân xiêu tán đang tha hương cầu thực về đây lập nghiệp,
dựng lên làng Đại Lãnh. Kể từ ngày quốc lộ 1A và đường sắt xuyên Việt được xây
dựng và chạy ngang qua đây thì làng Đại Lãnh trở nên đông vui và trù phú. Ngày
nay, Đại Lãnh trở thành một điểm du lịch, hàng ngày đón tiếp biết bao lượt
khách ra Bắc, vào Nam dừng chân nghỉ ngơi, ăn uống. Còn xóm chài Đại Lãnh thì
chạy dài theo bờ biển, đắm chìm duới bóng dừa và rừng dương mát mẻ, thơ mộng
đến quyến rũ. Ga nhỏ Đại Lãnh nồng vị mặn của biển và gió cát. Ngoài khơi, xa
xa nhấp nhô hòn Nưa, một cù lao có những vách đá dựng đứng trông như một pháo
đài tiền tiêu canh giữ mặt biển suốt đêm ngày.
Tài liệu tham khảo thêm:
XỨ SỞ TRẦM HƯƠNG
Quách Tấn
Phần 1:
Xứ Ninh, tức Ninh Hòa xưa có tên là phủ Thái Khang chạy dài từ Ðèo Cả
đến Ngọc Diêm, rộng khoảng 2.051km2 gần bằng phân nửa diện tích tỉnh Khánh Hòa.
Tỉnh Khánh Hòa thuộc miền Nam Trung Phần nằm giữa vĩ tuyến 12 và 13,
chạy dọc bờ biển từ Ðèo Cả đến mũi Cà Tiên dài khoảng 120km, phía Ðông giáp
biển, phía Tây giáp Ðắc Lắc, Tuyên Ðức, núi rừng chiếm 15/16 diện tích, hình
dạng giống như cái bầu rượu, dưới chân núi Ðại Lãnh rộng chưa tới 1km, vùng
Ninh Hòa, Diên Khánh, Vĩnh Xương có chỗ rộng tới 5, 6 chục km, vùng Cam Lâm còn
chừng 15km.
Theo sách Non Nước Khánh Hòa viết năm 1968, diện tích toàn tỉnh là 5.997
km2, bằng 1/60 diện tích toàn quốc, chia ra như sau:
Vạn
Ninh:
618 km2
Ninh Hòa:         1049 km2
Khánh
Dương: 1384 km2
Vĩnh Xương:       296 km2


Diên
Khánh:
1364 km2
Cam
Lâm:
948 km2
Cam
Ranh:
338 km2
Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa có huyện Vạn Ninh, Ninh
Hòa, Khánh Vĩnh, Diên Khánh, Khánh Sơn, quần đảo Trường Sa, thành phố Nha
Trang, và thị xã Cam Ranh. Hải cảng Cam Ranh là một quân, thương cảng nổi tiếng
trên thế giới.
Diện tích xứ Ninh là 2.051 km2 (đã trừ đi 1000 km2 của tỉnh Ðắc Lắc sáp
nhập vào quận Khánh Dương, cộng thêm 290 km2 bị cắt giao cho tỉnh Ninh Thuận).
Núi Non
xứ Ninh trùng điệp có nhiều hoành sơn ăn ra tận biển làm cho xứ Ninh đẹp như
một bức tranh sơn thủy:
Ðường vô xứ Vạn xứ Ninh
Non xanh nước biếc như tranh họa
đồ
Khi đến địa đầu tỉnh Khánh Hòa, du khách lọt vào
một vùng núi non hiểm trở nối tiếp nhau chạy đến sát biển có ngọn cao gần 2.000
m quanh năm mây phủ, là bức thành thiên nhiên vĩ đại, ranh giới của 2 tỉnh Phú,
Khánh, thời vua Lê Thánh Tôn (1470) có tên là núi Thạch Bi, núi Ðá Bia, nay là
núi Tam Phong, núi Ðại Lãnh, núi Ðèo Cả.
Chiều chiều mây phủ Ðá Bia
Ðá Bia mây phủ cô kia mất chồng
NÚI ÐÈO CẢ: cao 407 m nằm sát
biển.
Ðèo Cả băng qua núi này dài khoảng 10 km chạy ngoằn nghoèo giữa một bên
là vách núi cheo leo, một bên là Vũng Rô sâu thăm thẳm. Ðường hầm xe lửa ăn
thông qua lòng núi. Trên đỉnh đèo xưa kia có trạm Phú Hòa, nơi dừng chân của
khách bộ hành trên đường thiên lý, có quán nước nhà trạm bằng tranh, có những
người phu trạm lực lưỡng. Ðứng trên đèo nhìn về phía Nam, thấy xa xa là Ðại
Lãnh, Tu Bông.
Phong
cảnh Ðại Lãnh nổi tiếng từ lâu. Năm 1836 Vua Minh Mạng sai chạm hình Ðại Lãnh
vào Tuyên đỉnh, là 1 trong 9 đỉnh bằng đồng để trước sân Thế Miếu ở Cố Ðô. Năm
1853 thời vua Tự Ðức, Ðại Lãnh được liệt vào Tự Ðiển.
Qua khỏi Ðèo Cả du khách vào đến
núi Ðại Lãnh.
NÚI ÐẠI LÃNH: cao 626 m nhiều đá, cây cối dày đặc nằm thu mình vào trong
nhường chỗ cho ga Ðại Lãnh. Núi chạy dọc theo bờ biển nối liền đèo Cả với đèo
Cổ Mã.
Ðèo Cổ Mã băng qua núi Cổ Mã, thấp, ngắn, chạy sát biển, cách đèo Cả độ
4 km, phong cảnh nên thơ.
NÚI CỔ MÃ từ ngoài biển nhìn vào
có hình thể giống như cổ ngựa. Sát liền với núi Ðại Lãnh và núi Cổ Mã là núi
Ðồng Cọ (Phú Mỹ).
NÚI ÐỒNG CỌ: cao chót vót thường có mây mù bao phủ, buổi chiều hay mưa,
nên có câu “Mưa Ðồng Cọ”. Nối liền với núi Ðồng Cọ có núi Xá.
NÚI XÁ: cao 680 m, tên chữ là Tô Hà, dưới chân núi xưa kia có trạm Hòa
Mã nay là Quốc lộ 1. Ði xe lửa vào khi chui khỏi hầm Cổ Mã du khách sẽ thấy núi
Xá nằm bên tay phải, tiếp theo núi Xá là núi Hoa Sơn.
NÚI HOA SƠN: cao 728 m ở phía Tây Tu Bông (Vạn Khánh) xưa gọi là Hoa Sơn
hay Tô Sơn, sau đọc trại thành Tu Hoa, Tu Bông, chạy dài từ Tu Bông đến Gành
Bà. Dưới chân núi là đường Gia Long, có truông Hụt, nay gọi là truông Tân Dân
vì truông chạy qua thôn này. Nơi này xưa kia nổi tiếng nguy hiểm vì có nhiều
cọp thường ra rình bắt khách bộ hành, nên ai qua truông được bình an thì cũng
giống như người chết hụt vậy, đặt truông Hụt là có ý nghĩa như thế. Giữa núi Xá
và núi Hoa Sơn có nguồn sông Tu Bông, trên nguồn có Ðập Sổ, nguồn này ăn sâu
vào núi Ðồng Cọ.
Gành Bà ở dưới chân núi cách biển gần 3km, gọi Gành Bà là vì xưa kia
biển ăn sát chân núi, những tảng đá to bị sóng gió đánh mòn lẳn hiện vẫn còn,
có 1 cái hồ rất lớn chảy theo mương Vĩnh Huề vào cánh đồng Tứ Chánh, Mỹ Cang.
Tu Hoa hay Tu Bông nổi tiếng nhiều gió do ở phía Tây Bắc địa hình đang
cao như một bức trường thành bỗng nhiên có một chỗ hạ thấp xuống thành thung lũng,
nên gió Lào, gió Bấc tha hồ thổi. Gió Lào (vào mùa Hạ) thổi qua Tu Hoa nên có
câu “Gió Tu Hoa”. Gió Bấc (vào mùa Ðông) thổi qua thung lũng phía Tây
Bắc nơi đó gọi là Eo Gió. Gió Lào gió Bấc đều thổi tới Tu Bông nên Tu Bông có
tên là Tụ Phong Xứ, nghĩa là nơi tụ gió, gió thổi ào ào suốt ngày suốt tháng.
Ðến Tu Bông du khách nghe 2 câu hát ru em phổ biến:
Gió đâu
bằng gió Tu Bông
Thương ai
bằng thương cha, thương mẹ, thương chồng, thương con
Bước lên
Ðèo Cả
Trông vào
Vạn Giã, Tu Bông
Biết rằng
cha mẹ đành không?
Anh chờ
em đợi uổng công hai đàng
Qua khỏi Gành Bà đi lên là núi
Dốc Mỏ.
NÚI DỐC MỎ cao 1.015 m, tại núi này có con đường mòn xuyên sơn đi qua
Phú Yên, những năm kháng chiến
1945-1954 giặc Pháp bỏ thây tại đây rất nhiều. Năm 1947, cụ Mai Phong có
làm một bài thơ trên đường tản cư chạy giặc như sau:
Dặm đường Dốc Mỏ nghĩ mà ghê
Chồng
chất non cao đá tứ bề
Chim thú vắng tanh cây rậm rạp
Gió mưa ròng rã nước lê thê
Lên đèo vượt suối bao nguy hiểm
Gối gió nằm sương đã chán chề
Trăm đắng ngàn cay ta chẳng nệ
Quyết dành độc lập sớm đem về.
Từ Dốc Mỏ đi vào là núi Hóc Chim.
NÚI HÓC CHIM: cao 903 m ở phía Tây Vạn Giã chỗ ga xe lửa đi lên. Qua
khỏi núi sẽ đến thôn Xuân Sơn chẳng khác gì một Trùng Khánh hay một Ðiện Biên
Phủ vì tứ bề núi non bao bọc chỉ có 1 con đường độc đạo đi ra.
NÚI BỒ ÐÀ: còn gọi là Phổ Ðà cao 292 m thuộc thôn Xuân Tự, xã Vạn Hưng,
trông giống như con voi, sườn núi lồi lõm, phía Ðông có một ngọn núi nhỏ hơn
tên Dốc Thị. Năm 1956, Thượng Tọa Viên Giác xây dựng ngôi chùa Giác Hải và Điện
Nam Hải Quan Âm trên núi Phổ Đà:
Ai ngang qua núi Phổ Đà
Thăm chùa Giác Hải viếng tòa Quan
Âm
(Thanh Trúc)
NÚI DỐC THỊ: tên chữ là Phiên Lê,
Quốc lộ 1 băng qua núi này tại đèo Dốc Thị.
Ðèo Dốc Thị, tức đèo Xuân Tự chỉ
như một con dốc.
Núi Bồ Ðà và núi Dốc Thị trông giống như hai chị em. Thời Pháp, nghĩa
quân Cần Vương do Trần Ðường chỉ huy đóng tại núi Bồ Ðà khống chế đèo Dốc Thị
để chống giặc Pháp còn ghi những chiến công oanh liệt.
NÚI CHÙA: thấp, cùng một sơn mạch với Bồ Ðà, Dốc Thị còn lưu ít dấu tích
thành lũy Chiêm Thành, trên núi xưa kia có một ngôi chùa.
NÚI QUÁN: còn gọi là núi Mỹ Ngọc, núi Dàn, cao 473m, mặt Tây núi trùng
điệp chạy tới Hòa Quỳnh. Xưa có một vị Thiền sư tu trên núi đã giúp khách bộ
hành có chỗ nghĩ chân, ngài che một quán tranh dưới chân núi cạnh đường thiên
lý. Những gò đống dưới chân núi có 9 nổng đất cao gọi là Chín Cụm.
NÚI ÐÁ ÐEN: cao 617 m thuộc xã Vạn Hưng, nằm ở phía Tây núi Quán giáp
huyện Ninh Hòa. Màu đá đen cháy, có nhiều chướng khí từ trong khe núi bốc ra.
Trên núi hiện còn
những dấu tích thành lũy Chiêm Thành gọi là Thành Hời. Dưới chân núi là
láng Chu và cánh đồng của thôn Xuân Sơn, vùng này xưa kia là bãi chiến trường
oan khí tích tụ lâu ngày sinh ra quỷ quái.
Giáp với núi Hoa Sơn và núi Ðồng Cọ về phía Tây là núi Ba Non, sách Ðại
Nam Nhất Thống Chí ghi là núi Tam Phong.
NÚI TAM PHONG: nằm giữa 2 tỉnh Phú, Khánh gồm có 3 ngọn cao chót vót nên
dân địa phương gọi là núi Ba Non:
Ngó lên đỉnh núi Ba Non
Công cha nghĩa mẹ làm con phải đền
(Ca dao)
Ba ngọn đó là:
HÒN GIỮ
còn gọi là Trấn Sơn, cao 1.264 m.
HÒN NGANG
còn gọi là Hoành Sơn, cao 1.128 m.
HÒN GIÚP
còn gọi là Hòn Giút, hay Hộ Sơn, cao 1.127 m.
Chung quanh, nhiều núi non triều quy có hùng khí ngất trời nằm giáp tỉnh
Phú Yên, thuộc hệ thống dãy núi Vọng Phu. Núi Ba Non giáp với núi Hòn Ðá Chồng,
Hòn Ông, Hòn Chúa ở Phú Yên, ở giữa có đèo Cục Kịch là con đường mòn xuyên sơn
qua lại giữa hai tỉnh trước khi có đường đi qua đèo Cả, mà người ta thường gọi
là đường Gia Long. Thế núi hùng vỹ, ngày xưa triều đình nhà Nguyễn có đặt điển
lệ, hàng năm quan đầu tỉnh phải đích thân đến tận nơi cúng tế rất trọng thể.
Phần 2:
Ngược về
hướng Tây Nam, núi Ba Non giáp với các núi:
HÒN CHẢO cao 1.564 m ở về hướng Tây Bắc của Vạn Giã
thuộc xã Vạn Hưng có hình thù cao lớn địa thế hiểm trở, đỉnh núi lõm xuống
thành lòng chảo, có lẽ khi xưa là miệng núi lửa.
HÒN CHÁT cao 1.519 m.
HÒN ÐA ÐA cao 1709 m.
Nối liền
với 3 ngọn núi trên là núi Vọng Phu nổi tiếng khắp nước.
NÚI VỌNG PHU: cao 2.051m, là ngọn
núi chúa, cao nhất tỉnh Khánh Hòa.
Người Pháp gọi là “La Mère et l’ Enfant” (núi Mẫu Tử, hay núi
Mẹ Bồng Con), người Thượng gọi là “T. Ý Angmtèn”. (Ảnh Núi Vọng Phu)
Núi Vọng Phu nổi bật trên hàng trăm ngọn nằm về hướng Tây Bắc của Thị
Trấn Ninh Hòa, nằm về hướng Tây của Vạn Giã và nằm về hướng Ðông của huyện lỵ
Khánh Dương. Chóp núi là một khối đá hoa cương khổng lồ cao vút dựng đứng giữa
trời. Khối đá thứ hai thấp hơn đứng sát bên cạnh. Hai khối đá này trông giống
như hai mẹ con nàng Vọng Phu đứng trên đỉnh núi. Từ Thị trấn Ninh Hòa cách xa
trên 30 km nhưng vào những ngày đẹp trời vẫn nhìn thấy núi Vọng Phu rất rõ.
Núi tọa lạc tại 12° 41′ 40” Bắc
vĩ tuyến và 106° 36′ 03” kinh tuyến Ðông, cách bờ biển
khoảng 30 km, cách quận lỵ Khánh Dương khoảng 18 km. Ði ô tô theo con
đường liên tỉnh số 9 mất độ nửa giờ, rồi đi bộ chừng 5 km đường rừng là đến
chân núi, và leo núi tiếp độ nửa ngày nữa là đến chỗ “Mẹ Bồng Con”.
Quách Tấn gọi hòn Mẫu Tử là
“Cảnh lạ trong đời như ngọn Khuông Lư của Thánh Thán”.
Tương truyền có 2 vợ chồng trẻ sanh được 1 đứa con gái 4 tuổi, một hôm
người chồng bàn với vợ rằng ở trên núi cao có cây dó là đất đai của Bà Thiên Y
A Na rất linh thiêng, chàng muốn lên đó để tìm của kỳ nam mang về bán làm chút
vốn làm ăn hầu thay đổi cuộc sống lam lũ hiện tại. Ðược vợ đồng ý chàng sửa
soạn hành lý, trên lưng địu một gùi lương khô, tay cầm rìu, rựa, miệng ngậm
ngãi từ biệt vợ con ra đi. Nhưng ngày qua tháng lại… chẳng thấy chàng trở về,
hai mẹ con chiều chiều dắt nhau lên đầu núi ngóng trông rồi hóa đá thành núi
Mẫu Tử.
Một tương truyền khác nói rằng ngày xưa có 2 vợ
chồng tiều phu hiếm muộn đã đi cầu tự khắp các đền chùa, cuối cùng sinh được 1
cô gái dễ thương và qua năm sau sinh tiếp 1 cậu trai kháu khỉnh.
Một ngày nọ 2 chị em róc mía ăn và tranh giành với nhau sao đó, đứa em
lỡ tay làm trúng 1 dao lên đầu chị máu ra lai láng… vì sợ quá nên bỏ nhà trốn
biệt. Cha mẹ tìm mãi vẫn không thấy con đâu, buồn khổ rồi qua đời, bỏ lại cô
con gái chỉ có 1 mình bơ vơ nên cũng bỏ xứ ra đi. Ðứa em trai từ lúc bỏ chạy
tới mé biển gặp một chiếc thuyền buôn, xin theo và sống rày đây mai đó… về
sau trở thành một thương nhân khá giả. Một hôm chạnh lòng nhớ cố hương mới tìm
đường trở về quê cũ, nhưng chẳng còn ai nên cũng bỏ ra đi. Ði đến một thung
lũng chàng gặp một cô gái, 2 người thương nhau rồi kết thành vợ chồng sanh được
1 bé gái xinh đẹp gia đình sống rất đầm ấm hạnh phúc. Một hôm người vợ ngồi gội
đầu… người chồng nhìn thấy 1 vết sẹo trên đầu vợ mới hỏi nguyên do, nàng
thành thật kể lại đầu đuôi câu chuyện… Chàng chết điếng khi biết người đầu ấp
tay gối bấy lâu nay chính là chị ruột của mình nên đau khổ bỏ đi. Nàng chẳng
hiểu vì sao… mới nhờ người tìm kiếm khắp nơi nhưng chẳng thấy tăm hơi, cuối
cùng bồng con lên núi ngóng trông rồi hóa thạch thành núi Mẹ Bồng Con.
Một huyền thoại khác kể rằng ngày xưa có một “chàng tuồi trẻ vốn
dòng hào kiệt ” yêu một cô gái nết na, xinh đẹp nhất vùng. Họ kết duyên
với nhau và sống quấn quít bên nhau rất hạnh phúc, nàng dệt cửi quay tơ, chàng
dùi mài kinh sử chờ ngày ra Kinh Ðô ứng thí. Khi nàng sanh được 1 đứa con gái
xinh xắn thì quân giặc tràn đến xâm lấn cõi bờ:
“Trống
trường thành lung lay bóng nguyệt,
khói cam tuyền mờ mịt thức mây,
chín tầng
gươm báu trao tay,
nửa đêm
truyền hịch định ngày xuất quân”.
Chàng tuổi trẻ đành xếp bút
nghiên, từ tạ người vợ trẻ lên đường ra biên ải rồi hy sinh ngoài
chiến địa. Ở quê nhà nàng chinh
phụ ôm con đợi chờ rồi hóa đá thành núi Vọng Phu, những
giọt lệ của nàng rơi xuống hóa
thành sông, có tên là sông Cái chảy vào sông Dinh để ra biển.
Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?
(Lưu Trọng Lư, Tiếng Thu)
Người cô phụ là tảng đá cao, và đứa con gái là tảng đá thấp, nhưng ở quê
tôi người ta nói rằng vì đợi chờ quá lâu nên cô gái nay đã cao hơn mẹ, còn
người mẹ thì nay đã già lưng khòm tóc bạc: “Người mẹ chính là tảng đá to
và thấp còn cô gái là tảng đá nhỏ và cao.”
Quả là:
Nắng chiều soi đá ra vàng
Trên non còn một mình nàng chơ vơ
ẵm con nhìn cõi mịt mờ
Mong chồng biết đến bao giờ mới
thôi
(Phạm Ðình Tân)
Thời học sinh, tôi có nghe các thầy cô giáo nói rằng núi Vọng Phu là
“một biểu tượng của lòng chung thủy mà Trời đã ban cho xứ Ninh “.
Trước khi đi xa, vào những chiều mùa Hạ tôi thường ra bờ sông Ðá quê tôi
nhìn lên hướng Tây Bắc, nàng Vọng Phu hiện ra rất rõ sừng sững giữa mây trời,
lòng tôi hòa với bao nỗi ngậm ngùi trước những câu chuyện kể thật vô cùng ảo
não thương tâm, tôi có làm một bài thơ Ðường luật mang tên: “Núi Vọng Phu
1, 2, 3”.
Xin trích đoạn đầu:
Sừng sững đầu non mỏi mắt trông
Ngóng chồng xa thẳm bể mênh mông
Chiến trường chẳng tiếc đời xuân
trẻ
Quê kiểng
nào đau phận má hồng?
Chờ đợi mỏi mòn tình hóa đá
Nhớ thương chung thủy lệ thành
sông
Nghìn năm đứng đó mây in bóng
Thung lũng quê Ninh động cõi lòng
Núi Vọng Phu đã đi vào âm nhạc với nhạc phẩm bất hủ “Hòn Vọng Phu
1, 2, 3” của Lê Thương. Bản nhạc “Ơi Con Sông Dinh” rất nổi
tiếng của Hình Phước Liên cũng có nhắc đến địa danh này.
Trong bài: “Dục Mỹ – Quê Xưa
Yêu Dấu” của Hà Thị Thu Thủy có một đoạn viết về Núi
Vọng Phu như sau: ” Xa hơn nữa, một dãy núi cao vời vợi với hai
chóp núi cao và thấp, nằm kế cận bên nhau mà người dân Dục Mỹ gọi là núi Vọng
Phu. Ðây là một ngọn núi lịch sử làm tôi rất hãnh diện cho quê nhỏ của tôi bởi
lẽ theo truyền thuyết xa xưa truyền tụng về một sự tích nói lên sự chung thủy
của người phụ nữ chính chuyên bồng con chờ chồng biền biệt ngoài quan san biên
ải, và đặc biệt nhắc tôi nhớ lại 3 bài hát bất hủ “Hòn Vọng Phu 1,2,
3″ do cố nhạc sĩ Lê Thương sáng tác.”
Núi Vọng Phu đã trở thành nguồn
xúc cảm sâu xa của những vần thơ:
Bao năm đâu quản nắng mưa
Bồng con đứng đợi vẫn chưa thấy
về
Thời gian bôi xóa lời thề
Mẹ con hóa đá bên lề tháng năm
(Ca dao)
Lạy Bà cho nổi gió đông
Cho thuyền tôi chạy cho chồng Bà
lên
(Ca dao)
Lạy Bà cho thổi gió nồm
Chồng Bà ở Quảng giong buồm theo
(Ca dao)
Hình đá ai đem đặt biển Ðông
Giống hình nhi nữ dạng ngồi trông
Da nhồi phấn tuyết phơi màu trắng
Tóc gội
dầu mưa giũ bụi hồng
(Tôn Thọ Tường)
Nhìn con chạnh tủi lệ sầu đông
Hóa đá trơ hình dạng ngóng trông
Ðêm hứng sương chan đầu điểm bạc
Ngày phơi nắng rán má phai hồng
Gió lay những đợi thuyền ai ghé
Trăng dọi nào dè bến nước không
Sương tuyết chi sờn gan sắt đá
Khư khư một dạ chẳng hai chồng
(Song Thanh)
Ðứng đó bao giờ đến bây giờ
Trông chồng thành đá khối trơ trơ
Xuân tàn thu đến trông muôn dặm
Gió tạt mưa tuôn quyết một thờ…
(Ngọc Xích)
1.
Chồng đi biệt tích tự bao giờ
Một góc trời riêng một dạ chờ
Lụy nhớ mưa ngàn tuôn nượp nượp
Tóc thề mây núi bạc phơ phơ
Non chồng nghĩa nặng cao vòi vọi
Nước vướng tình sâu chảy lững lờ
Dâu bể đã bao đời kiếp trải
Lòng son một tấm mãi trơ vơ
Người đã không về tin cũng không
Ðầu non
dắt trẻ đứng trông chồng
Nước mây quạnh vắng dòng khô lệ
Mưa nắng phôi pha má lợt hồng
Lời thệ vững ghi lòng sắt đá
Khối tình riêng nặng gánh non
sông
Nỗi niềm ai biết ai không biết
Gương nguyệt nghìn thu rạng biển
Ðông
(Quách Tấn, Ðá Vọng Phu)
Thầm thỉ duyên xưa khôn mở miệng
Nước non còn đó nước non hay.
(Vô Danh Thị)
Ôm trẻ dầm sương ai biết có?
Trông chồng thành đá kẻ rằng
không!
Trơ trơ một khối từ sơ tạo
Thêu dệt ra chi chuyện ngóng
chồng.
(Thường Tiên)
Ôm khối tình thâm thi với đá
Ðem nguồn lệ thảm đọ cùng sông
Ngàn năm đá tạc gương cô phụ
Ấp ủ quê Ninh một tấm lòng.
(Ðiềm Ca)
Phần 3:
Khi qua khỏi núi Ðá Ðen của Vạn Ninh bước vào địa phận Ninh Hòa, du
khách sẽ nhìn thấy một ngọn núi có hình thù rất dễ thương, đó là Hòn Vung.
HÒN VUNG cao 326 m, thuộc xã Ninh
An, huyện Ninh Hòa, đứng thẳng, dáng thanh tú,
đỉnh nhọn vút lên trời xanh, trông giống như một Nhũ Sơn nhưng lại đặt
tên là Hòn Vung, có

 

lẽ vì người đặt tên cho núi muốn có một mối quan hệ tình cảm lứa đôi tốt
đẹp nào đó giữa Hòn Vung của Ninh Hòa và Hòn Chảo của Vạn Ninh cách 10 km về
hướng Bắc.
NÚI PHƯỚC HÀ còn gọi là Hòn Hèo, ở phía Ðông Thị Trấn Ninh Hòa rộng hàng
trăm cây số vuông chạy ra biển theo hướng Ðông Nam, là một bán đảo dài trên vài
chục km, rộng cả chục km, nằm trên địa phận 3 xã Ninh Phú, Ninh Diêm, Ninh
Phước. Biển bao quanh 3 mặt, gồm vịnh Vân Phong, vịnh Nha Phu. Phước Hà Sơn là
1 quần sơn có hình dạng giống như cái đuôi rồng giỡn nước “vĩ long hí
thủy”, gồm cả chục ngọn liên sơn, cao nhất là Hòn Hèo 819 m, Hòn Tiên Du
777 m, hòn Phủ Mái Nhà 725 m. Phía Ðông có Hòn Nhọn, Hòn Răng Cưa cao dưới 500
m. Vì Hòn Hèo cao nhất nên quần sơn Phước Hà còn có tên là Hòn Hèo, nơi có
nhiều mây bông (hoa đằng) vừa to vừa thẳng dùng làm gậy, hèo rất đẹp: “mây
Hòn Hèo”.
Sau lưng Hòn Hèo là nhà máy xi măng Hòn Khói thuộc xã Ninh Thủy và nhà
máy đóng tàu Huyndai thuộc xã Ninh Phước.
Hòn Hèo có suối Hoa Lan, còn gọi là suối Tử Sĩ,
thuộc xã Ninh Phú, huyện Ninh Hòa, muốn lên đó phải mất 2 ngày leo núi. Nơi đó,
cả một rừng cây mọc trên đá với vô số loài hoa có tên lẫn không tên, nhiều nhất
là phong lan. Suối Hoa Lan dài khoảng 6 km, được hình thành từ nhiều suối nhỏ,
nước trong vắt chảy rầm rì hòa với tiếng chim kêu, phảng phất mùi hương rừng
dịu nhẹ, mang một vẻ đẹp hoang sơ nguyên thủy. Chảy qua nhiều ghềnh thác cheo
leo, trước khi đổ vào vịnh Nha Phu suối băng qua một vùng đất bằng có diện tích
khoảng 20 ha.
Từ bến Ðá Chồng sát Quốc lộ 1, thuộc Cát Lợi, huyện Vĩnh Xương, sau 30
phút tàu thủy sẽ cập bến Hòn Hèo, du khách đến suối Hoa Lan. Có 1 tảng đá nằm
dưới chân suối khắc chữ Chàm ghi sự kiện ngày xưa vua Chàm thường đến đây hành
hương. Theo bước chân người xưa du khách sẽ gặp những ghềnh đá cheo leo hùng
vĩ, và các ngọn thác số 1, số 2… mỗi thác có một dáng vẻ khác nhau. Thác số 4
cao nhất khoảng 350 m.
Công ty Khatoco đầu tư xây dựng suối Hoa Lan thành
khu du lịch: tắm suối, tắm biển, bơi thuyền, câu cá, thả lưới, soi tôm cua ban
đêm. Ở lại đêm có nhà sàn kiểu Tây Nguyên thơ mộng.
Dọc theo vịnh Nha Phu bờ đá ngổn
ngang chồng chất, vách đá dựng đứng cao ngất dài đến 3,
4  km. Mặt trong của núi càng kỳ dị, hiểm trở, tại Hòn Tiên Du có 1 cái
hang rất lớn chứa cả 3, 4 trăm người nằm ở lưng chừng núi, vì trước kia có 1 vị
Thiền sư đến ẩn tu nên hang có tên là Chùa Hang. Gần Chùa Hang có một địa danh
khá nổi tiếng tên là Ðá Trải, hình chữ nhật dài khoảng 70 m rộng khoảng 50 m
nằm lài lài trên triền núi.
NÚI HÒN KHÓI: Tại phía Bắc dãy núi Phước Hà trên 1 doi đất chạy dài
xuống vịnh Vân Phong nổi lên 1 ngọn núi nhỏ chỉ cao độ 155 mét, nhưng lại rất
nổi tiếng, đó là núi Hòn Khói, tên chữ là Yên Cang.
Dưới chân núi Hòn Khói có đầm Ðông Hải, quanh đầm về phía Ðông và phía
Tây rải rác 1 số gò đống. Cả vùng này mang tên là Hòn Khói, người Pháp gọi là
Hone Cohé.
Truyền rằng quân Nguyễn Ánh
thường đóng ở đây, trên núi có đặt trại canh, hễ thấy thuyền chiến của quân Tây
Sơn xuất hiện thì phải đốt khói lên để làm hiệu nên núi này được gọi là Hòn
Khói.
Theo sách
Non Nước Khánh Hòa, Hòn Khói tên chữ là Yên Cang tuy không cao nhưng đủ sức
ngăn gió, nên vùng này trở thành hải cảng đón tiếp những chiếc tàu buôn vào lấy
muối. “Sở dĩ gọi là Hòn Khói, vì xưa kia tại đây là cửa biển quan trọng,
triều đình cho đặt quan trấn phòng ngự, trên đỉnh núi có chất củi khô, khi nào
có giặc bể vào cướp bóc, thì quan trấn ra lệnh đốt lửa un khói làm hiệu để gọi
quân tiếp viện.”
Cũng có thuyết cho rằng vùng núi này xưa kia là núi lửa đã nguội, thỉnh
thoảng động đất núi bị rạn nứt, khói trong lòng đất theo kẻ hở bay ra, do đó
người ta mới đặt tên cho núi là Hòn Khói.
Năm 1825, Yên Cang đổi thành Vân
Phong.
NÚI Ổ GÀ thuộc xã Ninh Ðông, cách huyện lỵ Ninh Hòa khoảng 3 km nằm dọc
theo đường hỏa xa, xưa núi nổi tiếng nhiều cọp: “Cọp Ổ Gà”
Ðèo Bánh Ít tức là Ðèo Hà Thanh gần núi Ổ Gà, xưa cọp thường ra rình bắt
người, dân địa phương có lập một miếu nhỏ gọi là miếu Ông Hổ.
Tại địa phận xã Ninh An có các
ngọn như:
HÒN HẤU
HÒA SƠN
HÒN
THƯỢNG
GIỒNG CÔ
BỐN
GIỒNG CỐC
Tại làng Phú Sơn có:
NÚI ÔNG TÂY, hiện còn 1 lô cốt,
dấu tích của đồn bốt thời Tây.
Tại làng Phú Văn có 1 cái gò cát
rộng tên:
GÒ DINH,
trước đây người ta nhặt được một sợi dây neo của thuyền biển nằm trong lòng đất
khi đào giếng, nên người trong làng cho rằng vùng này xưa kia là biển, hiện có
1 bàu sen rất lớn nằm bên cạnh.
Tại vùng Lòng Hồ Ðá Bàn có:
NÚI ÐÁ BÀN THƯỢNG và NÚI ÐÁ BÀN HẠ: mạch núi tiếp giáp với vùng rừng núi
Ba Non, Vọng Phu, thế núi vô cùng hiểm trở. Có một con đường đôc đạo chạy ngoằn
ngoèo ăn thông với mật khu Ðá Bàn, một bên là vách núi cao chót vót, một bên là
dòng sông Ðá Bàn (sông Lốt) sâu như vực thẳm. Con đường này là mồ chôn nhiều
giặc Pháp trong những năm kháng chiến chống thực dân xăm lược.
NÚI ÐẤT
ÐỎ ở phía Tây núi Ổ Gà, núi thấp có nhiều heo rừng: “Heo Ðất Ðỏ”
NÚI ÐEO nằm chắn ngang Quốc lộ
21.
Ðèo Núi Ðeo thấp, ngắn, còn gọi
là đèo Cạnh băng qua núi này.
Từ đèo Núi Ðeo đi dọc theo con mương từ đập Suối Trầu chảy xuống các xã
Ninh Hưng, Ninh Lộc… sẽ nhìn thấy những ngọn núi:
HÒN LÁCH
GIỒNG ÐỀN
HÒN LỚN còn gọi là Hòn Bà cao 1356 m, nằm tại phía Tây Nam Thị Trấn Ninh
Hòa, thuộc xã Ninh Hưng đứng song song với Hòn Long theo hướng Tây Bắc – Ðông
Nam. Cây cối rậm rạp, có nhiều cây dó cho kỳ nam trầm hương. Dân Ninh Hòa cho
núi này là núi của Bà Thiên Y A Na, trên núi có lập miếu thờ, dân đi địu tìm
trầm trước khi lên đường thường mang lễ vật đến tận Miếu Bà cầu khẩn.
Tiếp giáp với Hòn Lớn là những
hòn:
HÒN LONG
hay Hòn Ông, cao 1339 m
HÒN DUNG
cao 1290 m
HÒN DÙ
(886 m)
HÒN GIỮ
hay hòn Dữ cao 674 m
HÒN SẦM
nằm cạnh Quốc lộ 1, thuộc xã Ninh Giang
HÒN HOÀI
thuộc xã Ninh Hà.
Tại xã Ninh Bình có một cái gò
mọc toàn cây quít, nên gò được đặt tên là
GÒ QUÍT: Theo Nguyễn Văn Thành, tác giả bài
“Trái Quít Ninh Hòa”, xôi quít ăn rất ngon và thơm là món ăn đặc sản
của người Ninh Hòa. Ðến mùa quít dân Ninh Hòa thường lên Gò Quít hay vô Hòn Sầm
để hái trái quít về hấp xôi.
HÒN NÚI ÐẤT nằm cạnh Quốc lộ 1, thuộc xã Ninh Hà, Ninh Quang HÒN XANG
nằm cạnh Quốc lộ 1 thuộc xã Ninh Lộc
Truyền rằng thuở tạo Thiên lập Ðịa có một ông Khổng Lồ đào đất vịnh Nha
Phu gánh đổ núi Hòn Bà. Một hôm vì gánh 1 gánh đất quá nặng, 1 chân đứng dưới
vịnh Nha Phu, 1 chân đặt lên một tảng đá lớn tại Trảng Trung, xã Ninh Lộc, ông
cố vận dụng hết sức mạnh để bước lên không ngờ tảng đá bị lún sâu xuống in
nguyên bàn chân khổng lồ của ông và làm đổ cả 2 thúng đất xuống cánh đồng tạo
thành 2 hòn núi, mà ngày nay có tên là Hòn Sầm và Hòn Núi Ðất nằm cạnh Quốc lộ
1, còn dấu chân bị lún sâu xuống đá tại Trảng Trung có tên là Bàn Chân Ông
Khổng Lồ.
HÒN GIỐC THƠ cao 423 m, có tên là núi Ðá Vách hay gò Thạch Lũy vì nơi
đây xưa kia quân Chiêm lợi dụng thế núi hiểm trở ăn sát bờ biển mới đắp thành
xây lũy rất kiên cố để phòng vệ, hiện nay dấu tích vẫn còn. Thành toàn bằng đá
xếp có thứ lớp, dưới chân thành có 1 hồ nước trong vắt sâu thăm thẳm, được xếp
đá thành bờ trông rất đẹp. Ngày nay trên núi còn đồn bót do quân Pháp xây.
Tại núi này có đèo Rọ Tượng dài
khoảng 40m, chạy sát biển, 2 bên đèo có miếu cô hồn.
Qua khỏi Lương Sơn thuộc huyện Vĩnh Xương trước khi vào thành phố biển
Nha Trang sẽ gặp đèo Rù Rì. Ðèo cao khoảng 84 m dài độ 1 km uốn hình chữ chi
rất gấp thật là nguy hiểm có lập miếu cô hồn tại đây. Ðây là đèo cuối cùng của
tỉnh Khánh Hòa và cũng là đèo cuối cùng của miền Nam Trung phần.
Nhìn chung, núi non xứ Ninh hoành tráng hiểm trở án ngữ bốn mặt chiếm
phần lớn diện tích, có nhiều hoành sơn ăn ra tận biển như những con rồng xanh
giỡn nước tạo nhiều cảnh đẹp cho xứ Ninh. Ngoài ra, nhờ lòng hồ, ao nước, khe
suối nằm trên núi theo thế “long ngọa yểm sơn” nên núi non xứ Ninh
tươi tốt quanh năm, nước sông nhờ thế cũng ít cạn vào mùa nắng.
Núi rừng xứ Ninh nổi tiếng với các loại gỗ quý Cẩm Lai, Giáng Hương,
nhất là Trầm Kỳ lấy từ cây Dó. Theo sách Xứ Trầm Hương thì Trầm Kỳ xứ Ninh được
liệt vào loại Trầm Kỳ tốt nhất nhì trên thế giới.
Vì thế người xứ Ninh luôn yêu quý
và tự hào về quê hương của mình:
Xứ Ninh non nước hiền hòa
Người quê Ninh sống thật thà dễ
thương
Xứ Ninh quê của trầm hương
Bức tranh thủy mạc vấn vương tình
người
Dù cho bão dập sóng dồi
Người quê Ninh vẫn giữ lời nước
non
Dù cho đá lỡ non mòn
Tình quê Ninh vẫn sắt son một
lòng
Sông Dinh còn chảy còn trong
Vọng Phu còn đứng còn mong người
về
Dù cho cách trở sơn khê
Người quê Ninh chẳng quên quê
hương mình.