II. THIÊN HẠ ĐẠI LOẠN
Như đã nói ở phần trước, Đàng Ngoài bị Trịnh Giang phá cho bung bét, dân tình lao dịch nặng quá chịu hết siết, lại thêm quan lại hủ bại và ăn thêm combo vỡ đê, lụt lội mất mùa năm 1737, nông dân các vùng đồng bằng phía bắc nhất tề nổi dậy. Ngay năm 1737 ở Tam Đảo có nhà sư tên Nguyễn Dương Hưng, vì mấy năm mất mùa, bá tánh chả ai đến cúng dường nữa nên sư và chúng đệ tử đói quá đành hạ sơn, một ngày nọ gặp đoàn xe lương nên thầy trò đổ ra cướp lấy, rồi còn chia cho dân chúng xung quanh, thế là mọi người tung hô sư thầy lên làm chỉ huy, đánh lại nhà Trịnh. Tất nhiên, với một lực lượng ô hợp như thế thì không thể chống nổi khi quân triều đình quay lại đánh. Nguyễn Dương Hưng và chúng đồ đệ nhanh chóng bị dẹp tan trong cùng năm đó.
Kết quả hình ảnh cho khởi nghĩa lê duy mật
Lược đồ nơi diễn ra các cuộc khởi nghĩa nông dân ở Đàng Ngoài thế kỷ XVIII
Đến năm 1739, ở vùng Ngân Già, nay là Hưng Đễ – Nam Trực – Nam Định ngày nay có Vũ Đình Dung, vì phải lao dịch quá nhiều nên tụ tập dân làng và người trong họ nổi dậy chống triều đình. Cùng năm đó ở Hải Dương có hai người hậu duệ của nhà Mạc là Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ (khi nhà Mạc bị đánh đổ, con cháu họ Mạc đổi thành họ Nguyễn để tránh bị họ Trịnh trả thù) cũng tụ tập dân chúng nổi dậy. Tuyển và Cừ vịn vào câu Sấm Trạng Trình có câu là “Phá điền thiên tử xuất, bất chiến tự nhiên thành” (Thiên tử nhảy ra từ đám ruộng, không đánh tự nhiên thành) nên quy tập nông dân bị đói và mất mùa để dựng cờ khởi nghĩa, đi theo có đến gần vạn người. Hai tướng đóng dinh lũy liền nhau ở Chí Linh – Hải Dương làm thành thế ỷ giốc, quân triều đình nhiều lần mang quân đi đánh bị thiệt hại nhiều. Sau đó, đến lượt các thủ lĩnh khác như Đô Tế, Tú Cao, Đoàn Danh Trấn, cũng lần lượt nổi dậy ở các vùng khác nhau. Đến năm 1740, Trịnh Doanh lên thay anh trai và thân chinh cầm quân đánh dẹp nhiều nơi, kết quả là trong năm 1740 bắt được Vũ Đình Dung giải về kinh đem chém, sang năm 1741 thì phá được các đồn lính của Nguyễn Tuyển – Nguyễn Cừ, Tuyển chết trong đám loạn quân, Cừ trốn được nhưng sau một thời gian nghe ngóng tình hình thì lại nổi dậy, bị quân triều đình mang đại quân ra đánh, thua rồi bị bắt, giải về kinh chém tốt. Mấy thủ lĩnh khác thanh thế không lớn bằng cũng chịu chung số phận: Đô Tế bị chém tại trận tiền, Vũ Trác Oánh mất tích trong đám loạn quân và những người khác phần nhiều đều bại vong.
Có thể nói bước đầu cầm quân của Trịnh Doanh như thế là quá mỹ mãn, trong hai năm phá tan được gần như tất cả các cuộc khởi nghĩa nông dân, nhưng, chuyện hay còn ở phía sau.
1. KHỞI NGHĨA LÊ DUY MẬT
Lê Duy Mật là một hoàng tử nhà Lê, nhưng ở vào cái thời này, hoàng tử chỉ là cái danh gọi cho vui. Gia đình Lê Duy Mật có vài món nợ với nhà chúa:
Đầu tiên là Trịnh Cương – cha anh em Trịnh Doanh, Trịnh Giang từng ép Lê Dụ Tông thoái vị làm Thái Thượng Hoàng, nhường ngôi cho Lê Duy Phường, đồng thời hất cẳng anh cả của Duy Mật là Duy Tường.
Khi Trịnh Giang lên thay cha, ép chết Duy Phường, rồi gọi Duy Tường về lập làm vua, trả ngôi lại cho dòng trưởng, tức là Lê Thuần Tông. Nhưng khi Duy Tường ốm chết, theo thứ tự thì phải đến Duy Mật, nhưng Trịnh Giang lại chọn một người em của Duy Mật là Duy Thận lên ngôi tức là Lê Ý Tông, với lý do là Duy Mật đã lớn tuổi, khó điều khiển được.
Thù cha thù anh, cộng thêm cái thù bị mất thứ tự thừa kế vào thằng em khiến Lê Duy Mật ôm hận. Lê Duy Mật bàn với chú là Lê Duy Chúc và em là Lê Duy Quý làm binh biến ở Thăng Long để lật đổ họ Trịnh. Tháng 12 năm 1738, Duy Mật cùng Duy Chúc, Duy Quý định đốt kinh thành để khởi sự, nhưng chưa kịp thi hành thì mưu kế đã bị tiết lộ, ba người lập tức bỏ trốn. Ít lâu sau, cả Duy Chúc và Duy Quý đều lâm bệnh nặng và qua đời, còn lại một mình Duy Mật trốn vào được đến Thanh Hóa, là nơi phát tích của nhà Lê, rồi dựa vào thổ hào người Mường ở đấy để tổ chức lực lượng đi đánh Trịnh Doanh.
Trước sau Lê Duy Mật đã 3 lần tiến hành bắc tiến, thật ra thì về mặt quân sự mà nói, các cuộc tiến binh của Duy Mật chỉ như muỗi đốt inox, không uy hiếp nhiều đến Thăng Long, thậm chí có 2 lần vừa chui ra khỏi Thanh Hóa đã bị quân Trịnh đập cho tối tăm mặt mũi phải cài số de khẩn trương. Đóng góp to lớn nhất của Lê Duy Mật là để cho các cánh quân khởi nghĩa khác …. mượn tiếng “Phù Lê diệt Trịnh” để có cớ dấy binh. Tuy nhiên, năm 1740, Trịnh Doanh chơi bài cao tay khi ép Lê Ý Tông thoái vị, nhường ngôi cho cháu, là con trai trưởng của Lê Duy Tường – Lê Thuần Tông, chính là Lê Duy Diêu sau này là Lê Hiển Tông, ông vua thọ nhất và ở ngôi lâu nhất của nhà Lê. Như vậy ngôi vua đã trả về cho ngành trưởng, cái tiếng “Phù Lê Diệt Trịnh” không còn hiệu nghiệm như ban đầu nữa.
Sau này, Mật tính kế lâu dài nên lui binh về đất Bồn Man cũ, lập nên lũy Trấn Ninh – ko nên nhầm Trấn Ninh này với Lũy Thầy ở Quảng Bình, lũy Trấn Ninh của Lê Duy Mật ngày nay nằm trong tỉnh Hủa Phăn của Lào. Nhờ có lũy Trấn Ninh này mà Lê Duy Mật có thể cầm cự được cả đời với Trịnh Doanh, đến tận lúc Doanh chết Lê Duy Mật vẫn trường kỳ kháng chiến. Lũy Trấn Ninh chỉ bị phá vào năm 1770 bởi danh tướng số 1 Bắc Hà sau này là Hoàng Ngũ Phúc, nhưng để đó, sẽ nhắc sau.
2. KHỞI NGHĨA NGUYỄN HỮU CẦU
Sau năm 1740, tình hình Bắc Hà im ắng được một chút, nhưng 3 năm sau, khởi nghĩa nông dân lại bùng nổ và lần này quy mô, chuyên nghiệp và dai dẳng hơn. Trong đó không thể không kể đến Quận He, Nguyễn Hữu Cầu.
Nhất lung thiên địa tàng thân tiểu
Vạn lý phong vân cử mục tần
Nghĩa là
Hòa vào trời đất thấy thân mình thật nhỏ bé
Giương đôi mắt trần ngắm vạn dặm gió mây
Đó là hai câu thơ nói về chí anh hùng của Nguyễn Hữu Cầu trước khi ra pháp trường. Người ta cho rằng Nguyễn Hữu Cầu sinh năm 1712, thuở nhỏ nhà nghèo nhưng là người thông minh sáng dạ, hiểu sâu binh pháp, lại giỏi tài bơi lặn (He là tên một loài cá thuộc họ cá chép, dân gian gọi Cầu là Quận He tức là ý nói tài bơi lặn của ông). Nguyễn Hữu Cầu là vị tướng giỏi cả đánh thủy lẫn đánh bộ. Lúc đầu, Cầu theo vào nghĩa quân của Nguyễn Tuyển, sau khi Tuyển bị thua, bộ hạ tứ tán khắp nơi, Cầu dành ra 3 năm đi chiêu tập đồng đảng cũ và luyện binh sắm sửa khí giới. Nguyễn Hữu Cầu đóng quân ở Đồ Sơn và Vân Đồn, năm 1743 Cầu đem quân tập kích, đánh bại được quan Thủy đạo đốc binh là Trịnh Bảng bèn thu lấy thuyền bè, xưng làm Đại Tướng Quân, quyết định chơi lớn xem chúng có trầm trồ. Nhưng ngay lập tức triều đình phái Hoàng Ngũ Phúc đem quân tới vây kín căn cứ Đồ Sơn, Cầu cho lính bỏ thuyền, bất ngờ đột phá vòng vây chạy sang xứ Kinh Bắc (Bắc Giang – Bắc Ninh ngày nay), quan trấn thủ Kinh Bắc không phòng bị nên bị đánh tan tác, quân của Cầu uy hiếp trực tiếp Thăng Long, khiến triều đình hốt hoảng.
Hoàng Ngũ Phúc mang quân về đánh nhưng chiến sự giằng co, chưa thể thắng ngay được, mà quân của Cầu cũng bị vây chặt, ko thoát ra được, lúc này Cầu chơi bài … trá hàng. Cầu cho người mang tiền vàng đến đút cho quan lại thân tín của chúa Trịnh Doanh, xin được về hàng. Trịnh Doanh thuận cho, phong cho Cầu tước Hướng Nghĩa Hầu. Nhưng tất nhiên, việc đầu hàng của Cầu chỉ là kế hoãn binh, bắt cóc bỏ dĩa. Thỉnh thoảng Cầu vẫn mang quân đi đánh phá quan quân các nơi, triều đình vì còn bận đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa khác như Nguyễn Danh Phương, Hoàng Công Chất, Lê Duy Mật nên chưa rảnh tay tính tới. Chỉ tới 3 năm sau, khi tình hình các trấn khác yên ổn một chút, quân Trịnh lại đánh nhau to với Cầu. Lần này tổng chỉ huy của quân Trịnh lại là Hoàng Ngũ Phúc, dưới quyền ông có các danh tướng Bắc Hà như Đàm Xuân Vực, Nguyễn Danh Lệ nhưng nổi bật nhất là Phạm Đình Trọng.
Các đồng chí khoái truyện tàu, chắc không lạ gì tích Tôn Tẫn – Bàng Quyên, hai anh này cùng học một thầy nhưng sau này phò 2 vua khác nhau nên đấu đá nhau tơi bời, tạo nên 1 trong những tình tiết sôi động nhất trong Đông Chu Liệt Quốc. Ở VN cũng có phiên bản Tôn Tẫn – Bàng Quyên của riêng mình, đó là Nguyễn Hữu Cầu – Phạm Đình Trọng. Dân gian kể lại rằng thuở nhỏ hai người học cùng thầy, nhưng trong khi Trọng là học sinh gương mẫu thì Cầu là học sinh cá biệt (chú ý, cá biệt ko phải là kém cỏi nhé). Hai ông từ nhỏ đã bộc lộ chí hướng khác nhau, rồi sau đó thời cuộc xô đẩy, Cầu phiêu bạt khỏi quê hương, rồi sau đó làm giặc. Phạm Đình Trọng thì theo đường khoa cử rồi đỗ Đồng tiến sĩ năm 1739, sau đó được Trịnh Doanh gửi gắm cho Hoàng Ngũ Phúc, cho đi theo trong quân để đánh Cầu. Từ khi Phạm Đình Trọng ra cầm quân, Cầu không còn “xuất quỷ nhập thần” như trước nữa, trong dân gian bảo rằng Nguyễn Hữu Cầu có phép phù thủy nên nhiều lần thoát khỏi trùng vây, đi lại như không giữa đám địch quân, nhiều khi toàn quân tan vỡ, chỉ mình Cầu chạy được nhưng chỉ dăm bữa nửa tháng sau là lại có cả vạn người đi theo, người dân đồn là Cầu học được phép “tát đậu thành binh” – tức là làm cho hạt đậu biến ra quân lính. Dật sự còn kể rằng có lần đang ngồi nhậu thì quân triều đình đến bố ráp, Cầu niệm chú rồi khoác 1 tấm chiếu cũ lên lưng, nằm xuống, có thế thôi mà cả đám quan binh tìm không ra. Một lần khác, quan binh cũng mang theo thầy phù thủy, thì Cầu lấy ra 1 chén nước, bắc 1 cây đũa ngang miệng chén rồi niệm chú. Thầy phù thủy gieo quẻ rồi phán:
-Nó đã băng qua 1 cây cầu tre, vượt qua sông rồi !
Còn khi Trọng ra cầm quân thì bên mình luôn mang theo một đạo bùa rất mạnh, mọi phép thuật của Cầu đều bị nhìn thấu nên Cầu ko còn “xuất quỷ nhập thần” như trước nữa.
Thật ra thì không có phép màu nào ở đây cả, việc quân lính của Cầu thoắt ẩn thoắt hiện là vì họ quen với địa thế, lại vừa đánh thủy lẫn đánh bộ nên cơ động linh hoạt. Lính của Cầu lại xuất thân nông dân nên nhiều khi quân triều đình rượt dữ quá thì tan hàng nhưng vài bữa sau thì tự động họp lại, thế là lại thành quân đội. Còn khi Trọng ra cầm quân, ông thi hành chính sách mà như ngày nay ta gọi là “tát nước bắt cá”, tức là kìm kẹp chặt các khu vực dân cư quanh vùng kết hợp sử dụng lực lượng mạnh để đánh vào nghĩa quân. Năm 1746, một tướng đắc lực của Nguyễn Hữu Cầu tên là Thông bị quân Trịnh bắt được, Trọng và Hoàng Ngũ Phúc biết là Thông thì mừng lắm, họ cùng kêu lên rằng: Giặc Cầu mất 1 cánh tay rồi ! – Rồi thét đao phủ mang Thông ra chém ngay lập tức. Quả nhiên quân Cầu từ đó yếu đi hẳn.
Tháng 9 nhuận năm 1748, lực lượng của Nguyễn Hữu Cầu lại mạnh lên. Hữu Cầu mang quân đánh Sơn Nam (Nam Định – Hà Nam ngày nay) Trịnh Doanh sai Trấn tướng Vũ Tá Sắt đi đánh bị thua. Biết Hữu Cầu ngại Đình Trọng, Trịnh Doanh bèn sai ông ra trận. Khi Hữu Cầu tiến đến Bồ Đề thì gặp quân Phạm Đình Trọng. Hai bên giao chiến, Cầu thua trận phải bỏ chạy. Đình Trọng mang quân đuổi theo. Hai bên lại đụng độ ở Cẩm Giàng – Hải Dương. Phạm Đình Trọng lại thắng Cầu một trận nữa, Cầu cho rằng triều đình vừa thắng sẽ không phòng bị, bèn mang quân đánh úp Thăng Long. Tuy nhiên quân Cầu đi chậm, khi đến bến Bồ Đề thì trời đã sáng. Đến nơi thì trời vừa sáng; có tin báo, Trịnh Doanh hốt hoảng, phải tự làm tướng, cầm quân ra giữ ở bến Nam Tân, lại phát lệnh đi các nơi, gọi các tướng mang quân về cứu. Phạm Đình Trọng được lệnh lập tức đem quân về đánh mặt sau, Hữu Cầu lại thua bỏ chạy.
Sau khi rút lui khỏi Bồ Đề, Nguyễn Hữu Cầu lui về hoạt động tại các huyện Thần Khê và Thanh Quan (Đất hai huyện Thần Khê và Thanh Quan nay đều thuộc tỉnh Thái Bình). Tại đây, ông liên kết với nghĩa quân của Hoàng Công Chất để vừa tăng cường sức mạnh cho mình, vừa phân tán đội quân đàn áp hung hãn của Hoàng Ngũ Phúc và Phạm Đình Trọng. Nhưng, do việc phối hợp với Hoàng Công Chất chưa thật chặt chẽ, lại cũng do đạo quân trấn áp của Hoàng Ngũ Phúc và Phạm Đình Trọng quá mạnh, Nguyễn Hữu Cầu bị thua liên tiếp mấy trận liền. Ông cho nghĩa quân rút lui về Nam Xang và Bình Lục (Hà Nam ngày nay). Tháng 2 năm 1751, Hoàng Ngũ Phúc và Phạm Đình Trọng tiến quân dọc sông Vị Hoàng đánh tới tấp vào khu căn cứ mới của Nguyễn Hữu Cầu ở Nam Xang và Bình Lục. Tại Mã Não và Hương Nhi (tên xã thuộc huyện Bình Lục), Nguyễn Hữu Cầu thua to, phải chạy về Quang Dực. Và tại Quang Dực – Lộng Khê, một lần nữa, Nguyễn Hữu Cầu lại bị thua trận. Ông đem tàn quân chạy vào Nghệ An. Bấy giờ, Nghệ An là địa bàn hoạt động của nghĩa quân Nguyễn Diên, tướng cũ của Nguyễn Cừ. Là người cùng chí hướng, lại cũng là chỗ thân tình, Nguyễn Diên đã giúp cho Nguyễn Hữu Cầu một ít lương thực, thực phẩm và quân lính. Ông tạm đóng quân tại Hương Lãm (nay thuộc Nam Đàn tỉnh Nghệ An) để chờ thời.
Cũng trong tháng 2 năm 1751, Phạm Đình Trọng đem đại quân đánh gấp vào Hương Lãm. Ở đây, sau nhiều năm chiến đấu mệt mỏi, thế đã cùng, lực đã kiệt, Nguyễn Hữu Cầu không sao chống đỡ nổi. Ông bí mật cho quân lui ra vùng cửa biển, dùng thuyền men theo duyên hải mà tiến ra Bắc. Nhưn vừa ra đi chưa được bao lâu thì bão biển nổi lên, thuyền vỡ chìm gần hết. Không còn cách nào khác, Nguyễn Hữu Cầu và tàn quân đành dắt nhau vào ẩn náu tạm trong dãy Hoàng Mai (ở xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An). Chưa kịp dựng trại thì đã bị tướng của Phạm Đình Trọng là Phạm Đình Sĩ bất ngờ dẫn quân đánh ập vào. Nguyễn Hữu Cầu thua trận, bị bắt và bị đóng cũi giải về Thăng Long tháng 3 năm 1751.
Nhờ dẹp được Nguyễn Hữu Cầu, Phạm Đình Trọng được phong làm Thượng thư bộ Binh khi mới 37 tuổi. Ông được gia phong Thái tử thái bảo, tước Hải quận công. Sau đó Trịnh Doanh sai ông làm Đốc suất Nghệ An. Phạm Đình Trọng nhanh chóng dẹp được các lực lượng trộm cướp, khởi nghĩa trong vùng, ổn định cuộc sống của dân trong vùng. Ông được nhân dân lập đền thờ sống tại Nghệ An. Năm 1754, Phạm Đình Trọng ốm qua đời khi mới 40 tuổi. Dân gian bảo rằng Phạm Đình Trọng và Nguyễn Hữu Cầu vốn có nợ tiền kiếp, định mệnh hai người này sinh ra là để kiềm chế lẫn nhau. Thế nên khi Cầu đã dẹo rồi thì Trọng cũng không thọ lâu được nữa.
3. KHỞI NGHĨA NGUYỄN DANH PHƯƠNG
Danh Phương chiếm Độc Tôn Sơn,
Tuyên-Hưng là đất, Lâm Man là nhà
Lê Ngô Cát – Phạm Đình Toái (Đại Nam quốc sử diễn ca).
Nguyễn Danh Phương còn có tên là Nguyễn Danh Ngũ, người đương thời thường gọi là Quận Hẻo. Ông người làng Tiên Sơn, huyện Yên Lạc, trấn Sơn Tây (nay thuộc huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc). Hiện vẫn chưa rõ Nguyễn Danh Phương sinh vào năm nào. Thuở thiếu thời, ông từng dùi mài kinh sử để thử vận may khoa trường, nhưng rồi chán cảnh nhân tình thế thái ngày một đen bạc, (nói thẳng ra là thi rớt mịa nó cho rồi, mình thề với các bạn, khi đọc tiểu sử các bậc danh nhân chí sĩ mà “chán ghét công danh thi cử” thì chăm phần chăm là thi hoài mà trượt, nếu chán sao còn học với còn đi thi làm quái gì lắm thế, hehe…). Quãng năm 1738, ở trấn Sơn Tây có người tên Tế phất cờ khởi nghĩa chống chúa Trịnh, Phương hăng hái đi theo nghĩa binh Đô Tế. Nhờ có máu giang hù và đầu óc tổ chức, ông được thủ lĩnh Tế trọng dụng, xếp vào hàng những người thân tín nhất. Tháng 2 năm 1740, Chúa Trịnh lúc đó là Trịnh Doanh đã phong cho Võ Tá Lý tước Quận Công (thường gọi là Quận Thể) làm Chinh Tây Đại tướng quân, đồng thời, sai cầm quân đi đánh thủ lĩnh Tế. Trong trận ác chiến ở Yên Lạc (nay thuộc huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc), thủ lĩnh Tế thua trận, Nguyễn Danh Phương liền đem tàn quân chạy về Tam Đảo để tính kế chiến đấu lâu dài. Từ đây, Nguyễn Danh Phương thực sự trở thành thủ lĩnh của một cuộc khởi nghĩa mới.
À, phải mở ngoặc cái nữa để kể chuyện nhà anh Lý: Anh xuất thân từ gia tộc Võ Tá, một gia tộc lừng danh về võ ở làng Hà Hoàng, huyện Thạch Hà – Hà Tĩnh. Dòng họ này có đến 15 người đỗ Tạo sỹ (Tiến sĩ võ), 18 võ tướng được phong tước Quận công; ngoài ra còn một số người đỗ đạt khoa bảng, làm rạng danh dòng họ. Họ Võ Tá đất Hà Hoàng được ví sánh ngang với họ Ngô trứ danh ở Trảo Nha (nay là thôn Phúc Sơn, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) cũng là dòng họ có nhiều võ tướng tài ba lừng lẫy. Cũng bởi vậy mà dân gian còn truyền khẩu câu: “Trảo Nha chi Ngô, Thạch Hà chi Võ” (Xuân Diệu cũng là người thuộc họ Ngô ở Trảo Nha). Nhưng chỉ cái xuất thân thôi thì không có gì đáng nói, các anh chị có nhớ thằng chột lừng danh, tướng giỏi của Tào Tháo không? – Chính là Xiahau Dun phiên sang tiếng Việt là Hạ Hầu Đôn, khi đánh thành Hạ Bì ăn một mũi tên vào mắt trái, Đôn cầm mũi tên nhổ ra, nào ngờ tện cắm sâu quá, lôi luôn cả con ngươi ra, Đôn cất tiếng nói lớn: “Tinh cha huyết mẹ, làm sao có thể bỏ đi được?” rồi há mỏ nuốt trọng, từ đó Đôn chết tên là Manh Hạ Hầu – tức Hạ Hầu mù. Năm 1748, quân Nguyễn Hữu Cầu đánh Sơn Nam rất gấp, chúa Trịnh sai Võ Tá Lý mang quân ra đánh, giữa trận tiền một mảnh đạn bay vào mặt trúng một bên mắt làm lồi con ngươi, Lý chợt thấy mình giống Hạ Hầu ngày xưa, nên quyết định chơi lớn xem chúng có trầm trồ, Lý đã rút con ngươi ra nuốt chửng rồi tiếp tục thúc quân giao chiến. Gương anh dũng ấy được mọi người ngưỡng mộ. Dân gian Nghệ Tĩnh truyền đi câu phương ngôn: “Người Nghệ An, gan Thạch Hà” là từ câu chuyện này (Nhưng cũng có chuyện kể rằng người làm việc này là Võ Tá Sắt, một người cũng thuộc họ Võ Tá, anyway, kệ nó).
Trở lại với Nguyễn Danh Phương, ông cùng quân lính rút lên ngọn Độc Tôn Sơn trong dãy Tam Đảo. Ban đầu, lực lượng của Nguyễn Danh Phương nhỏ hơn so với các lực lượng khác, nên ưu tiên hàng đầu của Trịnh Doanh khi ấy là đề phòng với Nguyễn Hữu Cầu, Hoàng Công Chất nên Phương có tương đối thời gian rãnh để phát triển lực lượng, thậm chí lệnh cho Trấn thủ Sơn Tây tạm chấp nhận đề nghị xin hàng của Nguyễn Danh Phương. Tháng 11 năm 1744, lợi dụng lúc Chúa Trịnh Doanh đang phải lúng túng huy động lực lượng đối phó với nghĩa quân của Nguyễn Hữu Cầu và Hoàng Công Chất, Nguyễn Danh Phương đã táo bạo cho quân đánh chiếm Việt Trì (nay thuộc huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ) và sau đó là tung hoành khắp cả vùng Bạch Hạc. Trước đó chỉ mấy ngày, Trịnh Doanh vừa nhận được tin Trương Khuông bị Nguyễn Hữu Cầu đánh cho tơi bời ở Ngọc Lâm, kế tiếp là Đinh Văn Giai cũng bị Nguyễn Hữu Cầu đánh cho đại bại tại Xương Giang, cho nên, nên tức nổ đom đóm. Trịnh Doanh lệnh cho Văn Đình Úc (Ức) chiêu mộ thêm quân sĩ để đi bình định đất Bạch Hạc. Văn Đình Ức nắm quyền chỉ huy khoảng vài vạn quân, thanh thế rất hùng mạnh. Với quân số áp đảo như vậy, Văn Đình Ức hy vọng sẽ nhanh chóng bóp nát lực lượng của Nguyễn Danh Phương. Nhưng Văn Đình Ức mới bày binh bố trận, chưa kịp ra tay thì Nguyễn Danh Phương đã khôn khéo dùng kế nghi binh rồi nhanh chóng dẫn hết quân sĩ về chiếm cứ Thanh Lãnh (tên một làng thuộc huyện Bình Xuyên cũ, nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc).
Từ Thanh Lãnh, Nguyễn Danh Phương cho các tướng chia quân đi đánh hầu khắp các huyện thuộc trấn Sơn Tây cũ. Những vị trí quan trọng trong trấn này đều bị nghĩa quân Nguyễn Danh Phương chiếm giữ. Đánh giá về sai lầm của Văn Đình Ức trong trận Nghĩa Yên, sử cũ viết: “Từ đấy (Nguyễn Danh Phương) bố trí đồn lũy, chiếm cứ nơi hiểm yếu để kháng cự với triều đình. Tất cả đều do sai lầm (của Văn Đình Ức) ở trận này cả” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục). Sau Văn Đình Ức, tướng Hoàng Ngũ Phúc cũng được điều đến trấn Sơn Tây tăng cường, nhưng tất cả các tướng này đều bị sa lầy, suốt 4 năm trời (từ 1744 – 1748) vẫn không đánh được một trận nào đáng kể. Trước diễn biến tình hình chung ngày một phức tạp như vậy, Trịnh Doanh quyết định đưa tướng Đinh Văn Giai lên thay Hoàng Ngũ Phúc. Đinh Văn Giai được trao chức Trấn thủ và phải chịu trách nhiệm tổ chức trấn áp cho bằng được lực lượng của Nguyễn Danh Phương. Tháng 9 (nhuận) năm 1748, Đinh Văn Giai đến trấn Sơn Tây nhận chức. Nhưng Đinh Văn Giai là kẻ khôn ngoan và hiểu đạo làm quan: Sống để giữ quyền cao chức trọng còn hơn xông pha trận mạc quá mức để rồi có thể chết bất cứ lúc nào, bởi thế, khi trước đi đánh Nguyễn Hữu Cầu, Giai không đánh hết sức, nay cũng vậy, bất đắc dĩ lắm Đinh Văn Giai mới cho quân ra đánh cho có lệ vậy thôi. Thật đúng là cha cọp sinh con chó, cha của Giai là Đinh Văn Tả, nhờ vũ dũng hơn đời mà tiến thân, đến đời Giai là con thì lại nhu nhược như vậy (Đinh Văn Tả có công lớn trong việc tiêu diệt nhà Mạc hồi thế kỷ 17, được xưng tụng là “thần tiễn” của quân Trịnh).
Cuối năm 1749, Nguyễn Danh Phương bất ngờ cho quân đánh vào huyện Tiên Phong (nay thuộc Hà Tây). Tình hình rất nguy cấp. Hiệp trấn Sơn Tây Hà Tông Huân phải dâng thư chạy trạm gấp về triều đình cấp báo. Trịnh Doanh phải hạ lệnh cho các tướng Bùi Trọng Huyến và Nguyễn đưa quân đi cứu viện. Nhưng, hàng vạn quân của chúa Trịnh đi đánh vẫn không sao đè bẹp được lực lượng của Nguyễn Danh Phương. Từ cuối tháng 9 (nhuận) năm 1748, sau khi từ chối lời dụ hàng, Nguyễn Danh Phương bắt đầu tiến hành xây dựng một hệ thống căn cứ mới. Đại bản doanh của Nguyễn Danh Phương đặt tại núi Ngọc Bội thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Ông cho gọi đó là Đại Đồn rồi cho xây thành lũy kiên cố, đồng thời, bước đầu xây dựng chính quyền riêng. Phía ngoài, cách Đại Đồn không xa là đồn Hương Canh (tên làng thuộc huyện Yên Lãng nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc). Đồn Hương Canh được gọi là Trung Đồn. Tuy không lớn và kiên cố bằng Đại Đồn, nhưng, Trung Đồn cũng được xây dựng khá chắc chắn. Và phía ngoài Trung Đồn, tại khu vực Úc Kỳ (huyện Tư Nông, tỉnh Thái Nguyên), Nguyễn Danh Phương còn cho xây dựng thêm một hệ thống đồn lũy khác, gọi là Ngoại Đồn. Đại Đồn, Trung Đồn và Ngoại Đồn phối hợp rất chặt chẽ với nhau, sẵn sàng ứng phó một cách linh hoạt với mọi cuộc tấn công từ ngoài vào. Nguyễn Danh Phương cũng cho xây dựng rất nhiều đồn lũy ở các địa phương khác, tính ra, tổng số còn lớn gấp đôi Đại Đồn, Trung Đồn và Ngoại Đồn cộng lại. “Quân đóng ở đâu là làm ruộng, chứa thóc để làm kế lâu dài. Lại còn tự tiện giữ mối lợi về sản xuất và buôn bán chè, sơn, tre, gỗ… ở miền thượng du, chưa kể xưởng khai thác mỏ ở Tuyên Quang, do đó mà thóc gạo và của báu chất cao như núi. Hắn (chỉ Nguyễn Danh Phương) chia quân đóng giữ những nơi hiểm yếu để chống lại quan quân. Triều đình bao phen cất quân đánh, nhưng hắn lại đem của đến đút lót, mà các tướng thì hám lợi, cứ dung túng cho giặc, cốt bảo toàn lấy tấm thân, vì thế, giặc càng ngày càng vững vàng. Trải hơn 10 năm trời, (Nguyễn) Danh Phương nghiễm nhiên là vua một nước đối địch với triều đình vậy”.
Tháng 12 năm 1750, các đạo quân của Chúa Trịnh phối hợp đánh mạnh vào lực lượng của Nguyễn Danh Phương ở khu vực Thanh Lãnh. Bấy giờ, khu vực này do hai người em của Nguyễn Danh Phương là Nguyễn Văn Bì và Nguyễn Văn Quảng trông coi. Bởi quá bất ngờ, cả Bì và Quảng đều bị bắt. Nhưng, quân Trịnh chưa kịp vui mừng thì Nguyễn Danh Phương đã kịp thời đem quân tới cứu. Từ chỗ chủ động đi tấn công và bao vây, các tướng lĩnh của Chúa Trịnh lại lâm vào thế bị tấn công, bị bao vây và có nguy cơ bị tiêu diệt hết. Chúng bèn thả Nguyễn Văn Bì và Nguyễn Văn Quảng để đổi lại là được tháo lui.
Chịu hết nổi đám tướng lĩnh ăn hại, Trịnh Doanh quyết định tự mình cầm quân đi đánh Nguyễn Danh Phương, huy động cả bộ sậu hoành tráng với cả Hoàng Ngũ Phúc và Nguyễn Nghiễm (cha Nguyễn Du) tham gia hoạch định kế hoạch hành quân. Năm 1751 quân Trịnh đi đường vòng, vượt qua trấn Kinh Bắc rồi vòng lên Thái Nguyên đánh ập xuống khiến quân của Phương bị bất ngờ. Tháng 2 năm 1751, ngoại đồn Úc Kỳ tan vỡ, toàn quân ở đây bị tiêu diệt sạch, Trịnh Doanh đốc quân thẳng tiến đến trung đồn Hương Canh. Tại đây quân của Phương chống đỡ rất dữ dội, tên đạn bay như mưa, quân triều đình không sao tiến lên được. Bấy giờ, trong đám tướng lĩnh của Chúa Trịnh chỉ có tướng Nguyễn Phan là tay dũng cảm lại đảm lược hơn người, quân Trịnh vẫn hay gọi là Phan Vô Địch. Trịnh Doanh bèn gọi Phan đến, quăng cho gươm báu và nói:
– Mầy liệu làm thế nào thì làm, không phá nổi đồn này thì mầy trốn luôn đi !
Phan dẫn quân tiến lên, cởi chiến bào, bỏ ngựa đi chân đất. Trước khi xông ra, y ngoảnh lại nói với thủ hạ của mình rằng:
– Chúng bay theo ta đã lâu, nay chính là lúc ta liều mình đền nợ nước. Vậy, thằng nào còn cha mẹ già hoặc con thơ, không nỡ dứt tình riêng thì biến, còn thì hãy cùng ta xông lên !
Mọi người nghe Phan nói, không ai chịu lùi. Phan tự xông lên trước quân sĩ, cố sức đánh, phá tan được đồn Hương Canh. Nguyễn Danh Phương thu nhặt tàn quân, lui về giữ Đại Đồn Ngọc Bội. Ngọc Bội thế núi cao chót vót rất hiểm trở. Ở đây, quân của Phương đã lấp hết các cửa ngõ và đường tắt từ trước, lại còn bố trí súng ở trên núi cao để cố thủ. Trịnh Doanh lại sai Nguyễn Phan tiến đánh. Phan cho quân sĩ cầm gươm giáo bao nhiêu tùy thích, lại ra lệnh thấy người (quân địch) thì chém không cần hỏi, đồng thời hạ lệnh rằng, hễ nghe tiếng súng nổ thì nằm phục xuống, bằng không thì phải trèo lên núi đá mà tiến. Phan xông pha đi trước, ba quân ồ ạt theo sau, quân sĩ tràn lên núi, xa trông cứ như một đàn kiến. Giặc tan vỡ, Nguyễn Danh Phương chạy về Độc Tôn Sơn. Quan quân lại đuổi tiếp, Nguyễn Danh Phương lại thua trận, đành phải đốt đồn lũy rồi nhân đêm tối chạy trốn. Quan quân đuổi theo, bắt được Phương tại làng Tĩnh Luyện, huyện Lập Thạch. Khi Trịnh Doanh giải quận Hẻo về thì giữa đường gặp tướng Phạm Đình Trọng cũng vừa bắt được quận He Nguyễn Hữu Cầu. Trịnh Doanh mở tiệc khao quân, trong tiệc bắt Nguyễn Danh Phương hầu rượu, bắt Nguyễn hữu Cầu thổi kèn mua vui, sau đó cả hai tướng khởi nghĩa bị giải về kinh và bị xử tử năm 1751. À quên, riêng Nguyễn Phan thì sau trận này công cao vụt bậc, trở thành một trong những danh tướng Bắc Hà, sau này sẽ tham gia vào trận đánh tiêu diệt nghĩa quân Lê Duy Mật, nhưng đó là chuyện về sau. Phan mất năm 1788, thọ 76 tuổi, khi chết được dân thờ như thành hoàng.
4. HOÀNG CÔNG CHẤT – ÔNG CHÚA MƯỜNG THANH
Hoàng Công Chất còn có tên khác là Hoàng Công Thư, người huyện người Đại Lan, huyện Đông Yên (nay là xã Đại Quán, huyện Châu Giang, tỉnh Hưng Yên). Trong số các thủ lĩnh nông dân có “số má” đương thời thì Hoàng Công Chất là người tồn tại lâu nhất, đến tận năm 1769 mới bị đánh dẹp. Khác với các thủ lĩnh khác chủ yếu gầy dựng lực lượng ở đồng bằng bắc bộ, Hoàng Công Chất dựa vào người dân tộc thiểu số hay nói trắng ra là người Mường để tiến hành chống Trịnh.
Thuở ban đầu vào năm 1739, khi Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ khởi nghĩa ở Ninh Xá, Vũ Trác Oánh khởi nghĩa ở Mộ Trạch thì ở Đông Yên có Hoàng Công Chất phất cờ khởi nghĩa. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, ảnh hưởng của Hoàng Công Chất đã lan rộng khắp vùng Sơn Nam (Hưng Yên, Hải Dương và Thái Bình ngày nay). Quân của Chất giỏi thủy chiến, thường bám chặt và triệt để tận dụng địa hình lợi hại của vùng đầm lầy sông nước, tổ chức nhiều trận tấn công hiểm hóc gây cho quan quân triều đình nhiều tổn thất rất nặng nề. Tháng 1 năm 1740, Trịnh Doanh lật đổ Trịnh Giang, chấn chỉnh việc quân bị trong cả xứ, sai quân đi đánh dẹp các nơi, chúa bổ nhiệm Hoàng Kim Trảo làm Đốc lãnh Sơn Nam cùng với một số tướng lĩnh khác như Nguyễn Thế Siêu, Trần Danh Quán,… Năm 1741, lực lượng Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ bị phá tan, Nguyễn Hữu Cầu mang tàn binh chạy về hợp cùng Hoàng Công Chất. Chúa Trịnh cử Hoàng Ngũ Phúc làm tướng chỉ huy toàn bộ lực lượng quân đội Chúa Trịnh đi đàn áp ở vùng Đông Bắc, quyết bình định cho được miền đất trọng yếu này. Tháng 11 năm 1743, do thấy mức độ ác chiến ngày một căng thẳng, lại cũng do muốn mở thêm những mặt trận tấn công mới hơn, Hoàng Công Chất đã chủ động dâng thư xin hàng lên Chúa Trịnh. Trịnh Doanh cũng đã chán nản việc dùng binh đánh dẹp lâu năm, bèn nhân đấy, trao cho chúng được quan chức và cho chiếu theo từng vùng chiếm đóng mà cai quản lấy.
Tiếng là vậy nhưng quân Trịnh vẫn không mở vòng vây mà cứ cù nhầy, Hoàng Công Chất chủ trương phá thế bị bao vây bằng cách bất ngờ cho quân tấn công. Và Hoàng Công Chất đã tính đúng, quân Trịnh vây lâu nên binh sĩ sinh ra trễ nãi, bị thua liên tiếp mấy trận liền, đất Khoái Châu bị nghĩa quân Hoàng Công Chất đánh chiếm, đồng thời trở thành sào huyệt tin cậy của Hoàng Công Chất. Từ Khoái Châu, quân Hoàng Công Chất mở một loạt những cuộc tấn công lớn nhỏ đến các vùng chung quanh. Chúa Trịnh Doanh rất tức tối, quyết định điều Hoàng Công Kỳ đi làm Trấn thủ kiêm Thống lãnh Sơn Nam, Hoàng Công Kỳ là một trong những chỗ dựa quan trọng của Trịnh Doanh. Có thể nói dưới tay Trịnh Doanh có 2 hoạn quan cầm quân rất giỏi, một người là Hoàng Ngũ Phúc, người kia là Hoàng Công Kỳ, chính Kỳ là người đàn áp cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Cừ và Nguyễn Tuyển mạnh mẽ nhất. Cũng do từng trải nhiều năm cầm quân đi đánh dẹp, nên Kỳ rất thông thạo địa hình vùng đồng bằng sông Hồng. Tóm lại, đối mặt với một tướng sừng sỏ như Hoàng Công Kỳ là khó khăn không nhỏ của nghĩa quân. Tháng 12 năm 1745, Hoàng Công Kỳ lấy danh nghĩa là quan Trấn thủ kiêm Thống lãnh, trực tiếp đi kiểm tra việc xây dựng đồn lũy và kế hoạch bố phòng của các địa phương trong trấn Sơn Nam. Chất biết Kỳ ở trong đồn lũy thì sẽ chủ quan nên chọn ra mấy chục tay võ sĩ cừ khôi, cho mai phục trên đường. Quả nhiên hôm ấy Kỳ chỉ dẫn theo có vài mươi tên lính hộ vệ, cưỡi voi đi đốc sát tình hình, khi lọt vào ổ phục kích, quân của Chất xông ra băm Kỳ cùng với lính hộ vệ nát như tương tàu. Một bậc danh tướng chết một cách lãng xẹt như thế làm bàng hoàng hết thảy Bắc Hà, trong một thời gian không viên tướng nào của nhà Chúa dám cầm quân đánh vào Khoái Châu.
Năm 1748, Trịnh Doanh tổ chức một cuộc càn quét có quy mô rất lớn vào Khoái Châu. Các đạo quân thủy bộ do nhiều tướng lĩnh cao cấp của Trịnh Doanh chỉ huy cùng tiến vào khu căn cứ của Hoàng Công Chất. Các trận ác chiến liên tiếp xảy ra. Cuối cùng, để bảo toàn lực lượng, Hoàng Công Chất đã quyết định rút vào Thanh Hóa rồi từ đó rút lên Hưng Hóa – Việt Trì. Từ đây địa bàn hoạt động và cách thức tác chiến của nghĩa quân Hoàng Công Chất thay đổi hoàn toàn: Từ chiến đấu ở vùng đồng bằng sông nước, họ phải chuyển qua đánh địa hình rừng núi. Điều rất bất ngờ là Hoàng Công Chất lại thành công ở nơi này hơn cả dưới đồng bằng. Tại Hưng Hóa, Hoàng Công Chất được sự ủng hộ to lớn từ dân Mường bản xứ. Quân của Chất không những đánh tan được quân Trịnh đến bao vây mà còn có lần đánh sang cả đất Trung Quốc. Tổng đốc Vân Nam phải hợp lực với quân Trịnh mà vẫn không đánh dẹp nổi.
Để đối phó với tình hình này, Trịnh Doanh hạ lệnh cho quan Trấn thủ ở Hưng Hóa là Đinh Văn Thản, em Đinh Văn Giai đem quân đi dẹp nhưng Thản lại giống ông anh, tức là … cóc dám đánh lớn, nên đóng quân ở giữa rừng trù trừ không tiến. Quân sĩ ở nơi rừng sâu nước độc lâu ngày, nhiều người nhiễm chướng khí, sốt rét rồi chết cả lũ. Thản bị triều đình vặn hỏi, quở trách nhiều lần, vì thế cũng … đâm bệnh rồi … chết luôn. Triều đình hạ lệnh truy lột hết quan chức, tước vị, lại còn sai người đánh vào áo quan để trị tội.
Năm 1752, sau khi yên ổn vùng đồng bằng, dẹp xong Nguyễn Hữu Cầu và Nguyễn Danh Phương, Trịnh Doanh quay sang “tính sổ” với Hoàng Công Chất. Chúa phát động ba cánh quân cùng đánh vào Hưng Hóa, phó tướng người Mường của Chất tên là Thành (ko rõ họ) bị bắt và giết, Hoàng Công Chất thu thập bộ hạ chạy tuốt lên Điện Biên ngày nay, tiếp tục dựa vào địa thế hiểm trở để kháng Trịnh. Tại đây Hoàng Công Chất dựa vào thế núi xây một cái thành, gọi là Thành Tam Vạn (vì thành có thể đóng được 3 vạn quân), lại tích trữ lương thảo và rèn đúc khí giới lâu lâu dẫn quân dạt về đồng bằng … cắn trộm triều đình.
Tháng 3 năm 1767, Trịnh Doanh chết, con là Trịnh Sâm lên nối ngôi, tiếp tục cho đại quân đi đánh động Mãnh Thiên và Tam Vạn Thành. Chiến sự đang căng thẳng thì tháng 8 năm 1768 Hoàng Công Chất cũng bệnh nặng rồi qua đời, con ông Hoàng Công Toản lên thay nhưng không thể nào sánh bằng vha được. Tháng giêng năm 1769, Đoàn Nguyễn Thục dốc toàn lực ra đánh trận quyết định với Hoàng Công Toản. Trước khi xuất quân, Đoàn Nguyễn Thục tuốt gươm ra nói với quân sĩ rằng: “Kẻ nào không tuân theo mệnh lệnh thì hãy hỏi thanh kiếm này”. Quân sĩ thấy vậy thì hăng hái xông lên. Hoàng Công Toản đã dốc sức chống trả, nhưng quân ít chẳng thể chống nổi đối thủ mạnh, nghĩa quân bị thua liên tiếp mấy trận liền. Cuối cùng, Hoàng Công Toản đành phải chạy sang Vân Nam (Trung Quốc). Số phận Hoàng Công Toản về sau ra sao thì không thấy thư tịch cổ ghi chép gì. Các tướng lĩnh và nghĩa sĩ của Hoàng Công Toản cũng mỗi người tản mác một nơi, không chịu đầu hàng, khuất phục. Cuộc khởi nghĩa do Hoàng Công Chất phát động và chỉ huy, sau 30 năm chiến đấu ngoan cường, đến đó là chấm dứt. Hoàng Công Chất là biểu tượng của khí phách hiên ngang, của ý chí chiến đấu dẻo dai phi thường, của tài chỉ huy chiến đấu ở nhiều địa hình rất khác nhau. Hiện nay, ở Điện Biên vẫn còn đền thờ Hoàng Công Chất do nhân dân địa phương dựng lên.
Chuyện đông – Chuyện tây