Nằm trong quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn, trên ngọn Thủy Sơn, Chùa Tam Thai có tên chữ “Tam Thai tự”, được xây dựng vào năm 1630. Đến thời Tây Sơn, chùa đã bị hư hại hoàn toàn. Năm Minh Mạng thứ sáu (1825), vua cho xây dựng lại chùa Tam Thai, sức cho quan dân đưa vật liệu lên xây chùa, biến cảnh hoang vu thành nơi phát triển đạo Phật. Chuyện này, dân gian còn nhắc: “Gia Long phát nguyện, Minh Mạng lập chùa”
Câu chuyện ấy lưu truyền nhân gian như sau: Rằng một lần khi Nguyễn Ánh (vua Gia Long sau này) thất trận chạy ra đảo nhưng tình thế nguy khốn vì thiếu nước ngọt. Sau lời khấn nguyện, đảo bỗng dưng có nước ngọt, chúa Nguyễn Ánh vì thế qua được kiếp nạn. Mọi người tìm vào đất liền thì gặp giữa cảnh núi non u tịch một thiền sư đang thuyết giảng trong động. Chúa phát nguyện, nếu thắng Tây Sơn sẽ về lập cảnh chùa. Về sau, khi phục quốc xong, vua Gia Long bận rộn triều chính nên chưa thể thực hiện lời hứa ngày trước, nên đã di nguyện lại cho vua kế vị Minh Mạng giúp mình làm tròn đại nguyện.
Khi hoàn nguyện, khánh thành chùa, vua Minh Mạng ban một tấm Kim Bài ghi (phiên âm theo nguyên văn Hán tự): “Ngự chế Tam Thai tự, Minh Mạng lục niên phụng tạo”. Tạm dịch: Ngự chế chùa Tam Thai, lập năm Minh Mạng thứ sáu. Kèm theo đó là “quả tim lửa” bằng đồng. Mặt trước ghi: “Ngã Như Lai dĩ pháp vương ngự thế, hoằng tế nhân thiên biến hiện thập phương hư không thường trú, tác thập đại công đức nhi viêm phương độc hậu yên”. Tạm dịch: “Đức Như Lai của ta đã cai quản thế gian này bằng pháp môn vô thượng, rộng lòng tế độ cho trời người, thoắt ẩn thoắt hiện khắp mười phương hư không thường trú, tạo ra mười công đức lớn mà không chỉ riêng nước Nam ta chịu ân huệ sâu dày này”. Mặt sau ghi: “Minh Mạng lục niên kiết nhật tạo”. Tạm dịch: Làm vào ngày tốt năm Minh Mạng thứ sáu.
Tam Thai Tự đã được xây dựng lại và kiến trúc của ngôi chùa đã được thay đổi hoàn toàn. Tam Thai tự được xây dựng lại với kiến trúc 3 tầng uy nghiêm, tráng lệ. Tầng thứ nhất là Thượng Thai quay về hướng Bắc. Tầng thứ hai quay về phía Nam gọi là Trung Thai. Và tầng thứ ba là Hạ Thai Thai quay về phía Đông. Đây là kiến trúc theo chữ Vương trong Hán Tự với chi tiết mang tính nghệ thuật và thẩm mỹ cao.
Mái chùa được lợp bằng ngói lưu ly và trên nóc chùa được trang trí tượng hai con rồng dưới nguyệt. Đây là một kiến trúc đặc trưng của đình chùa thời nhà Nguyễn. Trải qua thời gian, diện mạo cảnh quan và kiến trúc xưa của chùa Tam Thai đã có nhiều thay đổi. Công trình kiến trúc hiện nay của chùa bao gồm nhiều hạng mục như: tam quan, sân chùa, Hành cung, chùa chính,… Cổng Tam quan được thiết kế theo kiểu lầu chuông lợp mái, trông rất cổ kính. Sân chùa phía trước là một khoảng sân khá rộng, ở chính giữa có thờ tượng Phật Di Lặc bằng sa thạch – vị Phật thứ năm trong hiền kiếp, hiện thân của ước nguyện thái bình; hai bên là Hành cung – nơi vua Minh Mạng trước đây thường nghỉ ngơi mỗi khi đến vãng cảnh chùa (hiện nay Hành cung chỉ còn cổng và bức tường gạch bao quanh).
Hai bên vách tiền đường bên trái là Tiêu Diện Đại Sĩ, bên phải là Vi Đà Hộ Pháp – hai vị thần canh giữ cửa chùa. Phần chánh điện bên trong có thờ chính điện ở giữa là thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn 2 bên là Quan Thế Âm Bồ Tát
Ấn tượng với chốn bồng lai tiên cảnh, vua Minh Mạng còn cho xây thêm Vọng Giang Đài – nơi ngắm toàn cảnh quần thể Ngũ Hành Sơn và sông Cẩm Lê, Cổ Cò ở sườn tây nam; Vọng Hải Đài nơi sườn đông để nhìn ngắm biển. Về sau, em gái vua Minh Mạng đã lên Tam Thai để tu hành (Xem nhiều hơn về thông tin này dưới bài viết).
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử và chiến tranh tàn phá, chùa Tam Thai phải trùng tu vào năm 1992. Khi đó nhà chùa phải thỉnh “quả tim lửa” xuống khu nhà thờ Phật bảo quản một thời gian. Khi trời bão gió, nhà sư chằng chống lại Nhà Tổ chứ không dịch chuyển tấm kim bài đi nơi khác. Theo Thượng tọa Thích Thanh Mãn, dù chùa ở trên núi cao nhưng từng bị mất nhiều cổ vật như lư hương, chuông đồng. “Riêng tấm kim bài này đang được bảo quản an toàn. Tối đến, đích thân thầy ra ngủ ở Nhà Tổ, cạnh tấm kim bài để trông coi“, Thượng tọa Mãn nói.
Ngồi trầm ngâm, vị Thượng tọa bảo dù “quả tim lửa” gắn với ngự bút của vua Minh Mạng – vị vua được đánh giá là anh minh nhất triều Nguyễn – nhưng mãi đến những năm gần đây, đặc biệt là sau lần hạ sơn tham gia triển lãm “Tinh hoa cổ vật Phật giáo Việt Nam” hồi tháng 8/2013, nhiều người mới biết đến giá trị của nó.
Ngồi trầm ngâm, vị Thượng tọa bảo dù “quả tim lửa” gắn với ngự bút của vua Minh Mạng – vị vua được đánh giá là anh minh nhất triều Nguyễn – nhưng mãi đến những năm gần đây, đặc biệt là sau lần hạ sơn tham gia triển lãm “Tinh hoa cổ vật Phật giáo Việt Nam” hồi tháng 8/2013, nhiều người mới biết đến giá trị của nó.
“Hàng ngày có rất nhiều du khách đến chùa, nhưng chỉ khi nào hướng dẫn viên giới thiệu họ mới biết đến quả tim lửa và câu chuyện về vua Minh Mạng”, vị trụ trì tiếc nuối.
Ông Lê Quang Tươi, Trưởng Ban quản lý Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, cho biết “quả tim lửa” thuộc quyền sở hữu của nhà chùa. Ngoài việc tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu văn hóa tiếp cận tấm kim bài này, phía Ban quản lý cũng phụ giúp việc bảo vệ, quảng bá trên phương tiện thông tin đại chúng.
2 câu chuyện liên quan về Chùa Tam Thai
1. Huyền sử về công chúa triều Nguyễn ẩn tu ở Ngũ Hành Sơn:
Chùa Tam Thai được cho là nơi xưa kia vị công chúa triều Nguyễn đã đến ẩn tu.
Sử xưa chép rằng, từng có vị công chúa là em của vua Minh Mạng đến núi Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) để ẩn tu. Nàng công chúa ấy tên gì và do cơ duyên nào rời bỏ cung vàng điện ngọc đến chốn cửa Thiền khoác áo nâu sồng, đến nay vẫn còn nhiều bí ẩn?
Rất ít sử liệu viết rõ về điều này, tuy nhiên trong nhiều bút ký của người phương Tây khi đến viếng cảnh Ngũ Hành Sơn đã có nhắc đến. Bougainville khi mô tả vùng ven của các hòn núi Ngũ Hành Sơn đã viết: “Gần các ngôi làng có một ngôi nhà nhỏ được trang hoàng xinh xắn. Đây là nơi ẩn cư trong thời gian dài của một người em nhà vua; bà này đã sống tại đây, xa lánh mọi người trong sự tịnh tâm”. Một bút ký khác miêu tả rõ hơn: “Đây là một thạch thất, là nơi mà một nữ trinh nguyên luống tuổi, con vua Gia Long em vua Minh Mạng đang làm vua tại Nam Kỳ, đã muốn đổi những tiếng ồn vô ích tại triều đình, để lấy về những âm thanh u huyền của gió mùa đông bắc rì rầm xuyên qua các hòn núi đá. Đổi sự nhộn nhịp của những gì cao sang vua chúa để lấy về sự tĩnh mịch lắng trầm; đổi sự sang trọng xa hoa của ngôi cao công chúa để lấy về một vẻ đẹp đời thường và nghiêm khắc của một chiếc áo mộc mạc mà thiên nhiên đã ôm ấp…”.
Ngoài ra, cũng có không ít sách biên khảo của người Việt cũng ghi lại sự tích này như: Quảng Nam xưa và nay của Di Lão Hồ Ngận, Đạo lý nhà Phật của Đoàn Trung Còn hay Lịch sử Ngũ Hành Sơn – Chùa Non Nước của Thượng tọa Thích Hương Sơn – Trí Hữu… Lịch sử còn ghi, không ít lần vua Minh Mạng thân chinh hoặc sai đại thần đến Ngũ Hành Sơn để đón công chúa về kinh đô Huế nhưng bà đều từ chối. Tương truyền bà đã gửi về cho nhà vua một bài thơ bày tỏ ý nguyện theo đường tu hành nên vua Minh Mạng không ép nữa. Cũng có người nói rằng, công chúa ra điều kiện ai đối được bài thơ ấy thì nàng sẽ lai kinh và kết hôn, nhưng không ai đối được! Thơ rằng: Thế sự nhìn xem rối cuộc cờ/ Càng nhìn càng ngẫm lại càng nhơ/ Đánh tan tục niệm hồi chuông sớm/ Gõ vỡ trần tâm tiếng mõ trưa/ Chu tử ngán mùi nên vải ấm/ Đỉnh chung lợm giọng hóa chay ưa/ Lên đài cứu khổ toan quay lại/ Bể ái trông ra nước đục lơ.
Theo sách Đại Nam liệt truyện của Quốc sử quán triều Nguyễn thì vua Gia Long có tất cả 18 nàng công chúa: 4 người là chị và 14 người là em vua Minh Mạng. Trong số 14 người đó có nàng công chúa thứ 10 cuộc đời gặp phải cảnh ngộ rất bi đát. Đó là An Nghĩa Công Chúa tên là Nguyễn Phúc Ngọc Ngôn. Năm Quý Mùi (1823), vua Minh Mạng đã gả bà cho ông Lê Văn Yến là con trưởng của ông Lê Văn Phong và là con thừa tự của Tả quân Lê Văn Duyệt. Tuy nhiên đến năm Ất Mùi (1835), triều đình xử vụ án Lê Văn Duyệt nên Lê Văn Yến bị tội phải chết.
Nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Công Thuần cho biết, trong Gia phả họ tộc Lê Văn còn ghi rõ về sự kiện này. Chuyện rằng, triều đình xét xử vụ nổi loạn chiếm thành Phiên An của Lê Văn Khôi, các quan triều đình đã dâng sớ lên vua Minh Mạng buộc Lê Văn Duyệt 7 tội phải chết. Vua Minh Mạng nghị triều phán xét Lê Văn Duyệt dù đã chết, tội vẫn phải truy; lẽ ra đào mộ phanh thây, nhưng nghĩ công lao của Lê Văn Duyệt với tiên đế, nên ra chỉ dụ san bằng mồ mả Lê Văn Duyệt ở xã Bình Hòa (TPHCM ngày nay) và cắm bia khắc chữ “Quyền yểm Lê Văn Duyệt phục pháp xử”.
Năm 1838, kinh thành Huế chứng kiến cảnh điêu linh của dòng họ Lê Văn, phò mã Đô úy Lê Văn Yến (là chồng công chúa Ngọc Ngôn) được vua Minh Mạng ban ân cho tự chết, còn 7 người em kế bị buộc tội làm phản nên giam giữ đến ngày 23-3 năm Mậu Tuất (1838) thì đưa ra hành quyết. Con cháu họ tộc Lê Văn từ 15 tuổi trở lên đều quy tội chết, dưới 15 tuổi trảm giam hậu (nghĩa là tội chết nhưng giam lại chờ mỗi năm xét án mùa thu, may ra có thể được tha chết). Con của Lê Văn Yến và công chúa Ngọc Ngôn do còn nhỏ nên khỏi tội chết, nhưng đày đến Cao Bằng. Khi vua Tự Đức lên ngôi, vào năm 1847 các quan triều đình dâng sớ tấu xin xét lại các vụ án oan của các đại thần là Lê Chất, Lê Văn Duyệt và Nguyễn Văn Thành. Sau khi xét tội, vua Tự Đức đã ban chỉ dụ xóa tội trạng cho các vị đại thần ấy. Những người con của Lê Văn Yến bị đày ra Cao Bằng đã được trở về, phẩm hàm và quyền lợi của gia tộc dần được phục hồi.
“Tuy các sử liệu không nói gì đến việc công chúa Ngọc Ngôn đi tu, nhưng xét hoàn cảnh bi đát trên có thể thấy việc xuất gia của nàng là rất phù hợp. Vì thế lúc bấy giờ, nàng chỉ biết tìm sự giải thoát qua câu kinh tiếng kệ ở chốn thiền môn như lời thơ Đánh tan tục niệm hồi chuông sớm/ Gõ vỡ trần tâm tiếng mõ trưa”-ông Thuần cho hay. Tuy nhiên, ở danh thắng Ngũ Hành Sơn, nhiều người nói rằng, em gái vua Minh Mạng đã xin xuất gia thọ giới với ngài Viên Trừng tại chùa Tam Thai với cái tên là Ngọc Lan. Ý kiến khác nói, sau khi rời động Huyền Không, Ngọc Lan đã đến tu hành và lập chùa ngay trong động Phổ Đà Sơn, ban đầu chỉ là một am nhỏ được xây dựng ẩn kín trong hang. Về sau vua Minh Mạng tới thăm và cho tu sửa lại chùa… Về tên của công chúa, ông Thuần giải thích rằng, sau khi xuất gia, công chúa Ngọc Ngôn đã đổi tên thành Ngọc Lan. Sau này, khi được vua Tự Đức minh oan, công chúa Ngọc Ngôn đã rời Ngũ Hành Sơn trở về sống với các con tại phủ thờ Vọng Các công thần Lê Văn Duyệt ở thôn Phú Mộng (P. Kim Long, thành phố Huế). Đến năm 1854, bà đã được vua Tự Đức phong An Nghĩa Thái trưởng công chúa. Bà qua đời năm 1856, mộ đặt gần mộ ông Lê Văn Yến ở làng Nguyệt Biều tổng Cư Chánh, huyện Hương Thủy.
2. Vua Minh Mạng với chùa Tam Thai:
Riêng vua Minh Mạng đã có đến ba lần ngự giá Ngũ Hành Sơn, thăm thú chùa chiền hang động và ban thưởng hậu cho các tự viện, các chùa Tam Thai, Linh Ứng được ban sắc tứ, trở thành quốc tự của triều đình. Sử nhà Nguyễn cho biết: “Mùa hạ, tháng 5 Minh Mạng thứ 6, vua xa giá tam tuần. Ngày Mậu Tuất, thuyền ngự đến bến Hóa Khuê. Hạ lệnh xa giá lên Ngũ Hành, đến hai chùa Trang Nghiêm và Bảo Đài xem khắp hang động và các bi ký. Bảo thị thần rằng: “Núi này là danh thắng bậc nhất, các thánh triều ta khi rỗi công việc thường đến chơi đây”. Sau chuyến đi trở về, vua Minh Mạng đã lệnh cho tôn tạo Ngũ Hành Sơn, trong đó chủ yếu là xây dựng và sửa sang các chùa chiền, tô tượng, đúc chuông, ban cấp kinh sách. Công việc đều do quan chế triều đình quản lý trông nom, gồm Thiêm sự Bộ Công, Liên Hòa Hầu Nguyễn Công Liêu, Hàn Lâm viện Thị độc, sung Hành tẩu văn thư phòng, Văn Đức Bá Vương Hưng Văn, Cai đội thừa biện ở Vũ Khố, Hiệu Tài Hầu Trần Văn Hiệu. Mọi chi phí đều do triều đình quyết định, dùng tiền, thóc ở kho Quảng Nam để chi trả. Đặc biệt, hoàng thái hậu cũng ban cho hàng trăm lạng bạc. Sự kiện này được Châu bản triều Nguyễn cho biết kỹ: ngày mồng 1 tháng 6 năm Minh Mạng thứ sáu “truyền phái Thiêm sự Bộ Công là Nguyễn Công Liêu, Lang trung nội tạo là Vương Hưng Văn trông coi việc tu bổ, cho xuất tiền kho Quảng Nam ba ngàn quan cùng với số tiền ba trăm lượng bạc của Hoàng thái hậu ban cho công trình tu bổ. Còn các thứ đồng, sắt, gạch, vôi nếu cần chi tiêu, chuẩn cho tư trình nha môn này cấp phát, xong việc tâu luôn một thể…” Do khối lượng công việc nhiều, chi phí lớn nên chỉ 20 ngày sau, ngày 20 tháng 6 năm Minh Mạng thứ 6, vua đã truyền chỉ cho Nguyễn Hữu Thận, Nguyễn Văn Thục nói rõ: “Nay nghĩ vì công trình khá lớn, truyền cho xuất thêm lúa kho dinh ấy phát giao 500 hộc cho nguyên phái viên Nguyễn Công Liêu và Vương Hưng Văn nhận lãnh chước lượng thuê cấp nhân công làm việc”. “Tháng 6 sửa hành cung và chùa miếu ở núi Tam Thai, tỉnh Quảng Nam. (Một sở hành cung “Động thiên phúc địa”, một chùa Tam Thai, một chùa Trang Nghiêm, một miếu Thiên Y Ana Diễn Ngọc Phi, một chùa Ứng Chân, một miếu Tượng Thành, một chùa Từ Tâm và các sở cửa Vân Căn Nguyệt Quật, cửa Tam Quan, cửa Linh Quan, sơn phòng và nghi môn)”.
Ngoài hai chùa nói trên, còn các tự viện ở Ngũ Hành Sơn có được vua Minh Mạng ban cấp gì không thì không thấy sử liệu nào nhắc đến. Song, chúng tôi (Lê Xuân Thông nhà nghiên cứu lịch sử nổi) nghĩ rằng, vua Minh Mạng đã từng lưu lại ở động thiên Phước Địa (Ngũ Hành Sơn) đến bốn ngày, cũng đủ để cho thấy thái độ của nhà vua đối với Phật giáo Ngũ Hành Sơn là cởi mở, quan tâm và trong một chừng mực nhất định nào đó có cả sự nể trọng. Bởi lẽ, thời gian trên quá thừa để nhà vua ngự lãm cảnh quan, mặc dù đây đã là lần thứ hai hoàng đế triều Nguyễn xa giá đến Ngũ Hành Sơn. Chắc chắn nhà vua còn bận chuyện đàm đạo với các danh tăng và có lẽ, còn thực hiện các nghi lễ Phật giáo tại đây.
Sau chuyến đi này, đúng 10 năm sau, tháng 4 năm Minh Mạng thứ 18 (1837), vua Minh Mạng trở lại Ngũ Hành Sơn. Sử nhà Nguyễn chép: “Khi trẫm bắt đầu ra đi, trước mặt đã vâng lời Từ Dụ, nên cúng 100 lạng bạc ở núi Ngũ Hành, vậy cho phát bạc ở kho Quảng Nam 100 lạng và trẫm cũng bố thí 1000 quan tiền, giao cả cho bố án để chi tiêu thay vào các tiết hằng năm, và ngày Thánh thọ đại khánh tụng kinh làm phúc để cầu Thánh mẫu Hoàng thái hậu ta sống lâu mãi mãi; dưới đến thần dân đều được khỏe mạnh vui vẻ”. Lần này Ngũ Hành Sơn không chỉ nhận được sự quan tâm của vua Minh Mạng mà còn cả ân huệ của bà Hoàng thái hậu Trần Thị Đang.
Tiếp sau vua Minh Mạng, Phật giáo Ngũ Hành Sơn vẫn nhận được sự ưu ái của các vua Thiệu Trị, Tự Đức và cả vua Thành Thái sau này. Đối với vua Thiệu Trị, ông nối ngôi ngày Bính Ngọ 20 tháng giêng năm Tân Sửu (1841). Sau lễ đăng quang tại điện Thái Hòa, ngày 16 tháng 2 năm Tân Sửu, vua đã xuống dụ tổ chức lễ trai đàn tại các chùa ở Ngũ Hành Sơn để khao mừng. Nhà vua vẫn duy trì việc ban cấp kinh phí cúng tế cho các chùa Tam Thai và Ứng Chân theo quy chế chùa quan đã có từ tiền triều; mặt khác, quan trọng hơn, vua Tự Đức còn ban cấp ruộng đất cho các chùa trên để có thêm nguồn thu trang trải công tác Phật sự.
Trong mười mấy năm trị vì của mình, vua Thành Thái cũng ban những ân điển và vinh hạnh cho Phật giáo Ngũ Hành Sơn. Niên hiệu Thành Thái thứ 6 (1894), vua đã chuẩn y đề xuất của quan tổng đốc Nam Nghĩa được bộ Lễ tâu trình về việc tu sửa chùa Tam Thai và Linh Ứng; đến năm thứ 9 (1897) lại cấp cho kinh phí để tạo khắc lại các tấm biển ở các chùa. Cũng trong năm này, vua còn chuẩn cho xây dựng thêm một nhà ở cho vị tăng cang (chức phẩm cao cấp nhất của Phật giáo Việt Nam thời bấy giờ) mới được bổ nhiệm kiêm quản hai chùa Tam Thai và Linh Ứng. Đặc biệt, theo tấm văn bia chùa Linh Ứng lập năm Ất Mão Duy Tân thứ 9 (1915) cho biết, năm Thành Thái thứ 14 (1902) vua đã “đích thân ngự giá đến chùa Tam Thai, Linh Ứng để tổ chức trai đàn cầu nguyện”, đồng thời ban thưởng hậu cho thiền sư trụ trì.
Tổ chức, sinh hoạt Phật giáo Ngũ Hành Sơn dưới sự hộ trì của nhà Nguyễn:
Là một trung tâm Phật giáo được nhà Nguyễn nâng đỡ, ngay từ thời Minh Mạng, việc gánh vác công tác Phật sự ở Ngũ Hành Sơn đều do triều đình lựa chọn và cắt đặt những danh tăng ưu tú. Vị thiền sư đầu tiên được vua Minh Mạng bổ về làm trụ trì chùa Tam Thai năm 1826, là Viên Trừng đại sư. Còn chùa Ứng Chân, vua Minh Mạng đã sắc dụ Chân Như đại sư giữ chức trụ trì. Đúng như nhận định của A.Sallet là “cách phân phối các thầy tu đến với các chùa không lệ thuộc vào ý muốn riêng tư mà vào các quy tắc trong các sắc lệnh của triều đình. Cấp bậc và danh hiệu của các thầy tu cũng như vậy”. Theo Ngũ Hành Sơn lục, thì sau một thời gian hai vị trụ trì đã “tăng mộ thêm 11 vị tăng chúng, tổng cộng là 17 người. Chùa Ứng Chân trụ trì 1 người, đại sư 2 người, tăng chúng 4 người”. Sau lần điều chuyển tăng sư trụ trì từ kinh đô Huế về quản lý, lãnh đạo tại Phật giáo Ngũ Hành Sơn nói trên của triều đình, trong suốt thế kỉ XIX, việc quản lý, điều hành sơn môn tại đây đều được lựa chọn từ những thiền sư tinh nghiêm giới luật, am tường khoa phạm chủ yếu tại hai quốc tự Tam Thai, Ứng Chân và ở khu vực Hội An. Điều đặc biệt trong việc tổ chức tăng chế ở Phật giáo Ngũ Hành Sơn là vào tháng 10 năm Thành Thái thứ 7 (1895) triều đình còn sắc chuẩn thêm một vị tăng cang cai quản chung hai chùa Tam Thai và Linh Ứng. Trong khi, ở mỗi chùa vẫn duy trì chức trụ trì để cai quản riêng. Tăng cang được triều đình chuẩn cấp cho xây dựng nhà ở riêng biệt. Người đầu tiên được vinh dự này là thiền sư Ấn Lan – Tổ Huệ – Từ Trí, lúc bấy giờ đang giữ chức trụ trì chùa Linh Ứng.
Sinh hoạt của các sư tăng ở Ngũ Hành Sơn có thể nói là đạm bạc và khắc khổ, lấy sự tu chứng đạt quả làm mục đích để từng bước từ bỏ những giả hoặc của cõi đời ô trọc, giả tạm. A.Sallet miêu tả: “Các thầy tu tại núi này có cuộc sống giống như các thầy tu tại các núi cao khác, hay tại các hòn đảo trên sông biển, nhưng dầu sao thì cũng có chút ít đặc biệt do bởi khung cảnh núi non riêng của nó, và bởi sự thờ cúng được phân bố thể theo sự phân tán của các địa điểm thờ cúng”. Bởi vậy, những đệ tử thiền môn nơi đây “phải có tấm lòng sùng kính đối với sự huyền nhiệm cao sâu, cũng như ý tưởng dứt khoát từ bỏ mọi điều trần giới thì mới có thể dấn thân vào cái lam chướng của các hòn núi, và vào cái u buồn hoang dại, của một sự yên lặng gần như tuyệt đối ở giữa thế giới loài người”. Thực ra, trước A.Sallet đã có nhiều người Pháp, phần nhiều là quân nhân, đến viếng Ngũ Hành Sơn và đã có những ghi chép, nhận định về đời sống tu hành của các nhà sư nơi đây, nhưng có vẻ như thiếu một thái độ thiện chí và sự nhìn nhận tinh tế, nên lời lẽ của họ không mấy nhã nhặn, và quan trọng hơn là không phản ánh được sự thật.
Các nhà sư không chỉ trì giới, giữ phép tam quy mà nhất là các thiền sư đạo hạnh uyên thâm còn chăm lo đến việc hoằng pháp, dẫn dắt và đào tạo đệ tử, tăng chúng sớm giác ngộ, đắc pháp. Một trong những việc làm quan trọng là mở các giới đàn truyền giới cho tăng chúng. Ngũ Hành Sơn lục đã chép về cuộc lễ này như sau: “Trước đó một năm, thỉnh chư tăng các chùa định ước ngày họp bàn về việc mở đại giới đàn để tiến dẫn tăng chúng. Chư tăng đồng tâm hỗ trợ, sau đó, công bố cho chư tăng các chùa đều biết mà chuẩn bị chọn ngày. Trước lễ ba ngày, rước thỉnh chư tăng quang lâm đến chùa đã được định trước, cung thỉnh chư tôn an bài chức sự: một vị hòa thượng chỉ kỳ, một vị hòa thượng đàn đầu, một vị hòa thượng yết ma, một vị hòa thượng giáo thụ, bảy vị xà lê tôn chứng, bốn vị dẫn lễ, một vị tuyên luật sư, hai vị sa di thủ vĩ.
A.Sallet khi đến Ngũ Hành Sơn, thông qua lời kể trực tiếp của thiền sư Từ Trí, đã cung cấp thêm: khi tiến hành lễ, người ta đánh chuông gõ mõ ăn nhịp đều đặn; rồi đọc kinh; tiếp theo là nói về bổn phận của người tu hành; sau đó thì các người phát nguyện dự thi tiến hành cuộc thi. “Người ta đặt một hạt nhựa có mùi thơm tại một điểm được ấn định trên đầu và đốt nó, nhựa thơm bốc cháy (…). Sau hết là hòa thượng trao bằng cho thầy nào đã chịu đựng được ba vết cháy của ba hạt nhựa thơm, nhằm công nhận họ đã trúng tuyển để đảm nhận chức vụ thiêng liêng”.
Năm 1893, khai mở đại giới đàn tại chùa Chúc Thánh (Hội An), với sự chứng đắc của nhiều vị thiền sư danh tiếng đất Quảng, trong đó có Phật giáo Ngũ Hành Sơn. Thiền sư Ấn Thanh – Tổ Đạo – Chí Thành lúc bấy giờ đang làm trụ trì chùa Tam Thai (Ngũ Hành Sơn) được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu. Giáo thọ A xà lê là thiền sư Vĩnh Gia (trụ trì chùa Phước Lâm Hội An), Yết ma A xà lê là thiền sư Chân Tâm – Pháp Tạng (trụ trì chùa Phước Sơn – Phú Yên). Những sinh hoạt Phật giáo như trên đã ít nhiều phản ánh mối quan hệ của các tăng sư giữa các nhà chùa, các địa phương khác nhau trong hoạt động hoằng dương Phật pháp. Mặt khác, nó cũng cho thấy uy tín, đạo hạnh của các thiền tăng Phật giáo Ngũ Hành Sơn.
Như vậy từ năm 1825, Phật giáo Ngũ Hành Sơn đã nhận được ân điển của vua triều Nguyễn, xây dựng và tu sửa các chùa chiền. Trong đó chùa Tam Thai và chùa Ứng Chơn là hai ngôi chùa được vua Minh Mạng ban biển ngạch sắc tứ, được triều đình liệt vào hạng chùa quan, trở thành quốc tự của triều Nguyễn. Vì vậy, mọi việc liên quan ở đây đều do triều đình bao cấp và quản lý. Triều đình đã ban cấp ruộng đất và tiền bạc để đảm bảo đời sống và sinh hoạt cho sư tăng cũng như tôn tạo các cơ sở thờ tự. Những ghi chép rải rác trong chính sử nhà Nguyễn cùng với truyền khẩu của các sư tăng ở Ngũ Hành Sơn và những đoạn miêu tả của A.Sallet khi ông đến khảo sát ở đây vào đầu thế kỷ XX, cho chúng ta một hình dung tối thiểu về kiến trúc cơ bản của các chùa Tam Thai và Linh Ứng lúc bấy giờ. Cả hai chùa đều có các công trình gồm nhà chính điện, nhà tổ và nhà tăng, riêng chùa Tam Thai có thêm cổng tam quan kiểu vòm cuốn có cổ lâu. Cổng này đến nay vẫn còn giữ được kiểu thức cơ bản. Song, có lẽ do sự biến động dữ dội của hoàn cảnh lịch sử – xã hội Việt Nam cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, chùa chiền Ngũ Hành Sơn không còn được triều đình quan tâm như trước. Sự ảnh hưởng, hủy hoại của chiến tranh, tín hữu ly tán nên thiền môn cũng nhanh chóng rơi vào cảnh ngộ là nạn nhân của thời tao loạn, sự nghèo nàn và lạnh lẽo đã phủ một lớp dày lên những công trình là nơi đón vua một thuở.
Nguồn: Nhà nghiên cứu lịch sử Lê Xuân Thông (tapchisonghuong.com.vn)