Giải thích tên gọi Lang Biang:
Người Cơ Ho lý giải rằng: Klăng – Biêng là Núi Bà – Núi Ông. Từ tên gọi này, người Pháp phiên
âm là Lang Biang hay Langbian, sau đó người Kinh phiên âm thành Lâm Viên. Từ đó đến nay,
tên gọi cao nguyên Lâm Viên đã trở thành quen thuộc với tất cả mọi người.
Còn có một truyền thuyết khác nói về tình yêu của một đôi trai gái, một mối tình thuỷ chung son
sắc làm cảm động cả đất trời. Chuyện kể rằng: Ngày xưa, xưa lắm, tại vùng núi này có người con
trai tên Lang, con tù trưởng bộ tộc Lạch thương người con gái tên Biang, con tù trưởng bộ tộc
Chil. Do khác bộ tộc nên nàng Biang không cưới được chàng Lang, vì vậy cuối cùng chàng Lang
và nàng Biang phải chấp nhận cái chết cho trọn tình để phản đối luật tục khắc khe này. Khi
chàng Lang và nàng Biang mất, cha của nàng Biang hối hận, nhận trách nhiệm thống nhất các bộ
tộc người Lạch, Chil, Srê,… thành chung một dân tộc Cơ Ho. Từ đó, thanh niên nam nữ các bộ
tộc đều dễ dàng yêu nhau, cưới nhau. Mộ hai người dần trở thành hai ngọn núi cao sừng sững
nằm cạnh nhau và dân làng đặt tên cho ngọn núi này là núi Lang Biang.
Giải thích tên gọi Đồi thông hai mộ:
Chuyện kể rằng, người con trai tên là Tâm, con của đại điền chủ ở Gò Công. Vì là con một nên
cha mẹ bắt có vợ sớm để có con nối dõi. Chàng vì một phần chưa muốn có gia đình, phần khác
lại không muốn làm cha mẹ buồn nên lén đầu quân vào trường Võ Bị Đà Lạt. Thời gian học ở
đây, chàng có quen một người con gái gia đình là công chức, cô gái tên Thảo.
Hai người tâm đầu ý hợp, yêu nhau tha thiết, hẹn biển thề non. Ra trường, Tâm về xin cha mẹ
trầu cau cưới hỏi… nhưng gặp phải sự cản trở quyết liệt của gia đình. Cha mẹ chàng bắt chàng đi
cưới người con gái mà chàng không hề yêu mến. Vì lẽ đó Tâm đã xin chuyển đến một vùng
tuyến đầu lửa đạn.
Từ khi Tâm rời trường Võ Bị ra chiến trường, Thảo vô cùng đau khổ khi biết cha Mẹ Tâm không
chấp nhận chuyện của hai người và còn thêm nỗi buồn lo cho người yêu đang vì mình mà lao
vào tuyến đầu lửa đạn nên dù cha mẹ hết lòng khuyên lơn, dù không biết bao nhiêu người mối
mai dạm hỏi, nàng cứ một mực đợi chờ chàng trở lại Những cánh thư từ chiến trường gửi về bây
giờ là niềm vui, là lẽ sống của nàng .Cho đến một ngày, nàng nhận được tin báo tử từ chiến
trường gửi đến. Quá buồn rầu nàng tìm đến khu đồi thông bên bờ hồ Sương Mai (nay là hồ Than
Thở), nơi hai người xưa kia từng hò hẹn, tâm sự và tự tử chết (ngày 15/3/1956), trên tay vẫn còn
nắm chặt bức thư tình gửi người yêu. Trước khi chết nàng để lại bức thư xin người nhà chôn
nàng trên đồi thông. Nhưng thật ra Tâm chưa chết – người ta đã nhầm khi báo tử. Khi trở về Tâm
mới hay Thảo đã chết và được chôn trên đồi thông vi vu gió ngàn. Vì quá đau buồn, sau đó cũng
tự tử chết theo để giữ trọn lời thề non hẹn biển với người con gái anh yêu thương. Trước khi
chết, anh để lại bức thư tuyệt mệnh với ước nguyện được chôn xác bên cạnh mộ nàng để hai
người mãi mãi được gần nhau. Gia đình, bạn bè đã chôn xác anh kề bên ngôi mộ Thảo và tạo
thành ngôi mộ đôi nổi tiếng. Thế nhưng, sau ngày giải phóng, cha mẹ Tâm đã thuê người lên Đà
Lạt bốc phần mộ anh đưa về quê vì lúc này họ đã tuổi cao sức yếu, không thể thường xuyên lên
thăm mộ con. Dù phần mộ chàng trai đã được dời đi nhưng cảm thương mối tình của người con
gái, cha mẹ, người thân của nàng vẫn để ngôi mộ đôi. Sau này chính quyền Đà Lạt đã sửa sang,
xây lại ngôi mộ khang trang, trở thành điểm tham quan du lịch độc đáo trên thành phố hoa thơ
mộng.
(Sưu tầm)