Chào các bạn thân mến. Trong đợt về Gò Công vừa qua giữa 01/2019, lần đầu tiên tôi có điều kiện thăm viếng đền Võ Tánh (đường Nguyễn Thìn, ấp Gò Tre, xã Long Thuận, thị xã Gò Công) một cách thong thả. Tôi rất mừng là cuối cùng ở Gò Công, người dân đã có một nơi thờ cúng Võ Tánh xứng đáng.
Như tôi đã trình bầy trong các bài trước, Võ Tánh là người anh hùng được dân Gò Công đặc biệt kính ngưỡng. Trước hết, là vì công lao của ông trong việc khai hoang lập ấp, dẫn thủy nhập điền (rửa phèn mặn) biến Gò Công thành một vùng đất đai canh tác trù phú. Sau nữa, là việc ông có công “diệt gian trừ bạo”, bảo vệ cuộc sống yên lành cho người dân, và mang lại danh tiếng, mang lại cái tên Gò Công cho đất Lôi Lạp (tên ban đầu của Gò Công).
Cụ thể, khi chiêu mộ đạo quân Kiến Hòa trên nền tảng chính sách “ngụ binh ư nông”, Võ Tánh đã lập Tổng Dinh tại Gò Tre, và biến khu cánh đồng rộng lớn chung quanh trồng tre thành một thành lũy. Nhờ vậy, đội quân Kiến Hòa của Võ Tánh không những “diệt gian trừ bạo” trong khu vực Gò Công, mà còn đẩy lùi được nhiều đợt tấn công bình định của Tây Sơn.
Khi Kiến Hòa đã trở thành một đạo quân hùng mạnh, Võ Tánh đã dựng cờ “Khổng Tước Nguyên Võ”, mang lại cho đất Lôi Lạp cái tên mới. Đồng thời, danh tiếng Võ Tánh (một trong Gia Định tam hùng) cũng vang xa toàn cõi Nam Hà, vượt sang tận Vọng Các, nơi Nguyễn Ánh lưu vong. Năm 1788, khi hội quân với Nguyễn Ánh ở Nước Xoáy (Sa Đéc) quân số của quân Kiến Hòa đã lên hơn 10.000 người. Góp phần làm thay đổi cán cân lực lượng cuộc chiến Nhà Nguyễn-Tây Sơn.
Cuối cùng, năm 1801, sau khi nghe tin quân Nhà Nguyễn chiếm được Phú Xuân và đuổi được Cảnh Thịnh ra Bắc Hà. Võ Tánh đã quyết định trao thành Bình Định bị quân Tây Sơn vây hãm cho Trần Quang Diệu, để cứu mạng hàng vạn quân dân trong thành. Còn ông và Ngô Tùng Châu đã tử tiết (27/05 âm lịch) để bảo toàn danh dự.
Trong số binh sỹ được cứu mạng và bình yên trở về cùng gia đình, có hàng ngàn con em Gò Công vốn thuộc đạo quân Kiến Hòa xưa. Đó là lý do thứ hai, tại sao người dân Gò Công đời đời nhớ ơn, kính ngưỡng và thành tâm thờ cúng Võ Tánh. Đồng thời, người dân Gò Công cũng không quên thờ cúng Bà Cố (mẹ nuôi Võ Tánh, người đã chết vì tay quân Tây Sơn do kiên quyết che dấu Võ Tánh bị truy bắt).
Theo ký ức của dân địa phương Gò công, năm 1802, sau khi Gia Long nhất thống sơn hà, các nhà hào sỹ và phú hộ ấp Gò Tre đã thành lập Tập Nghĩa Hội và vận động dân chúng trong vùng hiến ruộng hương hỏa, lập đến thờ Võ Tánh ngay tại nơi ông đã từng khởi binh, thành lập đạo quân Kiến Hòa và dựng cờ “Khổng Tước Nguyên Võ”.
Một hào phú trong ấp là ông Ngô Văn Lầu đã hiến tặng 7 công đất (7.000m2) để xây dựng ngôi đền thờ Võ Tánh đầu tiên, ngay cạnh ngôi mộ Bà Cố (Hình 7). Ban đầu đền thờ Võ Tánh có tên là Lăng Ông.
Năm 1916, Tập Nghĩa Hội được người Pháp chính thức cấp phép hoạt động và phát triển mạnh nhờ hai vị kỳ hào Gò Công là cựu Phó Tổng Võ Văn Hườn và ông Hội đồng Địa Hạt Trần Văn Quảng… Từ đó, lễ giỗ Võ Tánh vào ngày ông tử tiết 27/05 âm lịch, đã trở thành một lễ giỗ chính thức có hàng ngàn dân địa phương tham dự. Về sau ông Lê Quang Liêm, một nhân sỹ Gò Công là Đốc Phủ Sứ về hưu gia nhập Tập Nghĩa Hội, đã đứng ra xin và được triều đình Huế ban sắc phong cho Võ Tánh là “Trác Vĩ Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần” (năm 1943).
Tuy nhiên, thời đó đền Võ Tánh vẫn chỉ là một ngôi miếu khá đơn sơ, như trong một cuốn sách về Gò Công mô tả: “Ban đầu, miếu Võ Quốc Công cất tại căn nhà lợp tôn phía trái bấy giờ, bên phải là nhà khách nơi tổ chức các buổi lễ. Trong nhà khách thờ Bà Cố (mẹ nuôi của Võ Quốc Công) …”.
Miếu thờ Võ Tánh chỉ trở thành một ngôi đền thực sự năm 1956, khi chính quyền tỉnh Gò Công xuất 120.000 đồng VNCH để trùng tu. Tuy nhiên, diện mạo đền Võ Tánh (như trong Hình 1), chỉ có từ năm 1973, sau khi khu vực này được quân đội VNCH trao trả, và chính quyền xã Long Thuận đã cấp 500.000 cộng với 150.000 đồng VNCH, do dân chúng đóng góp để tu bổ, chỉnh trang lại.
Từ sau năm 1975, đền Võ Tánh hầu như bị quên lãng và dần xuống cấp theo thời gian, tuy vậy người dân địa phương vẫn duy trì đều đặn việc thờ cúng ông. Nhờ vậy, ngày 27/05/2005, UBND Tiền Giang đã chấp thuận xếp hạng đền Võ Tánh là di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh.
Đồng thời tháng 12/2014, qua nhiều cuộc trao đổi, vận động của giới học giả địa phương, Sài Gòn và Hà Nội, lần đầu tiên Tiền Giang tổ chức Hội thảo Khoa học với chủ đề “Võ Tánh trong bối cảnh lịch sử Việt Nam nửa cuối thế kỷ 18”, cho phép tìm hiểu, phân tích, đánh giá khách quan và công bằng hơn về tầm vóc lịch sử, cũng như những đóng góp của Võ Tánh vào quá trình hình thành và phát triển vùng đất Gò Công xưa.
Kết quả là năm 2016, tỉnh Tiền Giang đã đầu tư hơn 6 tỷ đồng để trùng tu trên cơ sở bảo tồn khuôn viên di tích đền Võ Tánh cũ (1956). Trong đợt trùng tu vừa qua, không những ngôi nhà chính điện đền Võ Tánh và nhà khách được tôn tạo, nâng nền, mà cả cổng tam quan và hàng rào cũng được xây mới. Ao nước được kè và sân đền được lát gạch cẩn thân. Toàn bộ khuôn viên đền được trồng thêm cây cảnh và bài trí rất dễ chịu.
PS. Công trình đền Võ Tánh mới được hoàn thành vào đúng ngày giỗ Võ Tánh 21/06 /2017 (27/05 Đinh Dậu) và chính thức khánh thành 18/10/2017. Tóm lại, khi người dân (ít khi thờ sai ai bao giờ), giới học giả và những người có trách nhiệm trong các cấp chính quyền đồng thuận trên cơ sở có chung một ký ức lịch sử (về một nhân vật lịch sử), thì mọi chuyện đều thuận lợi và tốt đẹp.
Để đi đến được sự đồng thuận này, chúng ta phải cảm ơn các học giả địa phương (hàng đầu là thầy Phan Thanh Sắc kính mến), các học giả Sài Gòn và Hà Nội, cũng như những người quan tâm đã nhiều năm kiên trì tìm hiểu, trao đổi, phân tích và đánh giá khách quan nhân vật Võ Tánh trong bối cảnh lịch sử cụ thể, và trong toàn bộ quá trình lịch sử Việt Nam. Công sức của họ giúp chúng ta có nhận thức cấn thiết về nhân vật Võ Tánh như hiện có.
Tôi cũng hy vọng là một thế hệ học giả, những người quan tâm trẻ và mới hơn, sẽ giúp chúng ta tiếp tục thay đổi nhận thức về công lao và tầm vóc lịch sử đích thực của ông.
Nguồn: FB Tam Tran