Chào các bạn thân mến. Trong bài viết trước đây “Những giá trị không bao giờ cũ”, tôi đã đề cập đến việc Gò Công là một vùng đất cũ của Miền Tây Nam Bộ. Gò Công trong nhiều thời kỳ lịch sử thế kỷ 20, đã từng là một tỉnh riêng biệt (1900-1913, 1924-1956, 1963-1976). Tuy là tỉnh nhỏ nhất Việt Nam với diện tích chỉ khoảng 570km2.
Gò Công là một trong những nơi đầu tiên người Pháp tổ chức bộ máy hành chính thuộc địa. Vì vậy ngoài Sài Gòn, Dinh Tỉnh trưởng Gò Công (hay còn gọi là Dinh Chánh Tham biện, Hình 1,2,3) là một trong những dinh tỉnh trưởng được xây dựng đầu tiên và cũng lớn nhất ở Miền Tây Nam Bộ (to đẹp hơn Dinh Tỉnh trưởng Mỹ Tho và các tỉnh khác).
Dinh thự này (hiện nằm trên Đường Nguyễn Văn Côn, phường 2, thị xã Gò Công), là một ngôi nhà hai tầng đồ sộ với tổng diện tích sử dụng là 1400m2 tọa lạc trong một khuôn viên rất đẹp và rộng rãi. Công trình được xây dựng rất chắc chắn, tường dày gần 0.5m và một hệ thống cửa ra vào, cửa sổ to lớn và dầy dặn với toàn bộ nguyên vật liệu mang sang từ Pháp.
Dưới thời Pháp, thời VNCH và sau 1975, dinh Tỉnh trưởng (DTT) đều được dùng làm trụ sở của cơ quan công quyến đầu não tỉnh, quận , huyện cho đến tận năm 1979. Nhưng từ sau 1979, dinh thự này được giao cho nhiều cơ quan khác nhau quản lý và khai thác sử dụng. Phải nói rằng việc sử dụng có lẽ là rất tùy tiện và thiếu chuyên nghiệp (có thời kỳ Đoàn thanh niên đã từng sử dụng DTT làm địa điểm tập văn nghệ phong trào, quần chúng), nên dinh thự đã xuống cấp nhanh chóng.
Năm 1985, Cơ quan Quốc gia quản lý di sản văn hóa Pháp (lịch sử im lặng về chuyện, từ đâu mà người Pháp biết được tình trạng và việc sử dụng công trình này), đã gửi một công văn cho UBND thị xã Gò Công khẩn thiết đề nghị dừng ngay việc khai thác và sử dụng DTT, do công trình quá thời hạn sử dụng (100năm). Phía Pháp thông báo, nếu không bảo dưỡng sửa chữa kịp thời mà vẫn tiếp tục khai thác sử dụng, công trình có thể sập bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên việc khai thác sử dụng ít nhiều vẫn được tiếp tục. Đỉnh điểm là DTT đã từng được chính quyền địa phương cho công ty TNHH Yến Gò Công thuê để nuôi yến. Không hiểu vì lý do gì, chim yến bay về làm tổ bên trong DTT Gò Công rất nhiều. Của trời cho, năm 2006 dinh được chính quyền ký hợp đồng cho Công ty TNHH Yến Gò Công thuê (hợp đồng chỉ kết thúc 2011) để… làm nơi nuôi yến!
Về kỹ thuật nuôi yến, nơi ở của chim phải có ánh sáng từ mờ tối đến tối, nhiệt độ không khí khoảng 28ºC, độ ẩm 80%, lại còn phải tạo độ ẩm bằng cách phun sương. Đơn vị thuê đã thực hiện những điều đó, khiến ngôi nhà đã hết niên hạn sử dụng lại càng nhanh xuống cấp.
Công ty Yến Gò Công có lẽ làm ăn phát đạt và nổi danh đến mức DTT trở thành một “điểm nhấn” của nghề nuôi yến toàn miền Nam. Một du khách (hay là nhà nuôi yến) tên là Anh Thi Nguyen đã viếng thăm và quay một videoclip khá dài với tiêu đề “Yến sào Dinh Tỉnh trưởng Gò Công” và đưa lên MXH.
https://www.youtube.com/watch?v=EJVm8i_l0cg
Tôi xin phép giới thiệu lời bình kèm (nguyên trạng) kèm theo videoclip của tác giả:
“Dinh tỉnh trưởng Gò Công trước đây cho công ty TNHH Yến Gò Công thuê , sau đó bị báo chí bắt giò nên UBND thị Xã Gò Công chấm dứt hợp đồn với Cty TNHH Yến Gò Công . Bây giờ dinh đã bị đóng hết các cửa vào nên bọ chim bay lẩn quẩn xung quanh .
Nghe nói phía thị xã đang có dự định tôn tạo Dinh làm bảo tàng hay gì gì đó , theo tôi thì nếu làm bảo tàng thì củng chá có mấy móng khách nào tới , lại tốn thêm tiền ngân sách nhà nước . Chi bằng bây giờ tận dung , chỉnh sửa lại làm nhà yến luôn , tỉnh hoạt thị xã đứng ra tiếp quản . Có thể nói lộc trời đã ban cho tỉnh Tiền Giang khiến chim yến ngày càng nhiều . Nếu với mật độ yến đông như vậy , thì một năm chỗ này đóng góp ngân sách vài tỷ đồng , nguồn thu không nhỏ cho tỉnh cho thị xã nhỏ bé Gò Công”.
Một phát biểu rất đặc trưng cho thời đại chúng ta. Chẳng biết nói sao nữa. Amen.
Hiện nay, DTT thuộc sự quản lý của Trung tâm Văn Hoá Thể thao thị xã Gò Công và đã hoàn toàn đóng cửa. Tuy nhiên, DTT Gò Công đã xuống cấp, hư hỏng nặng. Hầu hết các bức tường, trụ cột của dinh thự đều bị bong tróc, nứt nẻ, một số điểm có những viên gạch thẻ trồi sụt … (Hình 4,5,6). Trong khi đó, đây là điểm có nhiều du khách, thanh thiếu niên tụ tập sinh hoạt, vui chơi, chụp ảnh lưu niệm nên dễ gây nguy hiểm.
Qua câu chuyện trao đổi trực tiếp với ông Trưởng Phòng Văn hóa Giáo dục thị xã Gò Công, cũng như những người thân quen, chúng tôi được biết chủ trương của tỉnh Tiền Giang và thị xã Gò Công, là sẽ cố gắng bảo tồn công trình kiến trúc lịch sử văn hóa này, để làm nơi sinh hoạt văn hóa, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Theo uớc tính, kinh phí trùng tu, bảo tồn dinh Tỉnh Trưởng Gò Công là khá lớn.
Còn theo đại diện của Trung tâm Văn hóa – Thể thao Gò Công, thì những năm gần đây, UBND thị xã Gò Công đã nhiều lần gửi công văn đề nghị cấp kinh phí sửa chữa, trùng tu lại Dinh tỉnh trưởng Gò Công, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Một dự án trùng tu, bảo tồn DTT Gò Công (tương tự DTT Mỹ Tho) đang được lập với nguồn kinh phí dự toán hơn 35 tỷ đồng, nhưng chưa được triển khai. Trong khi DTT ngày càng xuống cấp trầm trọng và có thể đỗ sập bất cứ lúc nào

 

 

https://www.youtube.com/watch?v=8WDfoEiVSw8
PS. Có thể nói, DTT Gò Công là một công trình kiến trúc lịch sử văn hóa khá độc đáo, gắn liền với lịch sử và ký ức êm đẹp của bao nhiêu thế hệ người dân Gò Công. Đồng thời DTT cũng gắn với quá khứ của Gò Công, một đơn vị hành chính hàng tỉnh danh tiếng một thời. Rõ ràng, đối với các thế hệ Gò Công tương lai, DTT chính là chứng tích trực tiếp, tiêu biểu và thuyết phục nhất về quá khứ này. Ngoài ra, DTT sau khi trùng tu chắc chắn sẽ trở thành một “điểm nhấn” du lịch đáng chú ý của Gò Công. Vì vậy, theo tôi, DTT Gò Công cần được bảo tồn bằng mọi giá. Rất mong các bạn gần xa tư vấn thêm.
Nguồn: FB Tam Tran