Giới thiệu về Cồn Phụng
Cồn Phụng, còn có tên là cồn Tân Vinh, là một cù lao nổi giữa sông Tiền thuộc xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Cồn Phụng nằm cạnh tuyến phà Rạch Miễu của quốc lộ 60 từ Mỹ Tho sang Bến Tre.
Đây là một trong bốn cồn nằm trên đoạn sông Mỹ Tho được đặt theo quan niệm tứ linh mang điềm an lành hạnh phúc: Long, Lân, Quy, Phụng. Cồn Rồng là “Long”, cồn Thới Sơn là “Lân”, cồn Quy (nằm phía sông Ba Lai) là “Quy”, và Cồn Phụng (còn gọi là cù lao Đạo Dừa) là “Phụng”.
Lịch sử và tên gọi của Cồn Phụng
Tên gọi Cồn Phụng có từ khi ông Nguyễn Thành Nam đến đây xây dựng chùa Nam Quốc Phật. Khi công trình này đang xây dựng, họ thu lượm được một cái chén cổ có hình con chim Phụng. Ngoài ra, sở dĩ nó còn có tên gọi khác là cù lao Đạo Dừa là do ông Nguyễn Thành Nam khi đến đây xây chùa Nam Quốc Phật, đã thành lập nên một giáo phái gọi là Đạo Dừa. Đạo Dừa chủ trương mang lại hòa bình, sống bằng hoa trái.
Ông Đạo Dừa là ai?
Sinh ngày 25/12/1909 tại làng Phước Thạnh, tổng An Hòa, quận Trúc Giang, tỉnh Kiến Hòa (nay là xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre), Nguyễn Thành Nam là con cả trong một gia đình gồm 14 anh em. Cha ông là cai tổng Nguyễn Thành Trúc, có hai vợ. Vì là con cả nên khi lập ra Đạo Dừa, Nguyễn Thành Nam được các tín đồ gọi là “cậu Hai”.
Sau khi hoàn tất bậc sơ học ở An Hòa, ông sang Mỹ Tho học tiếp rồi lên Sài Gòn, vào Trường Pétrus Ký (Trương Vĩnh Ký). Năm 1928, Nguyễn Thành Nam qua Pháp, học ngành Hóa tại Trường Cao đẳng Hóa chất ở thành phố Rouen, cách Paris khoảng 150 km về phía đông bắc. Cũng có tin nói rằng ông đã tốt nghiệp kỹ sư Hóa ở Đại học Sorbonne nhưng theo nhà báo Wilbur E. Garrett, ông chỉ học bậc cao đẳng, mà học trường tư.
Năm 1932, Nguyễn Thành Nam về nước. Cuối năm 1935, đám cưới “cậu Hai” với cô Lộ Thị Nga, người Gò Công, được tổ chức linh đình, kéo dài suốt 4 ngày. Hai năm sau, bà Nga sinh con gái đầu lòng, đặt tên là Nguyễn Thị Khiêm. Đó cũng là người vợ và đứa con duy nhất của ông Đạo Dừa.
Thất bại trong kinh doanh, năm 1945 Nguyễn Thành Nam bỏ nhà ra đi. Cho đến bây giờ, chuyện “cậu Hai” lên núi này, chùa kia tu hành chỉ là chuyện “nghe kể lại” nhưng 5 năm sau, khi trở về xã Phước Thạnh, “cậu Hai” dựng đài bát quái cao 14 m, đêm đêm lên ngồi tu niệm, thức ăn chủ yếu là trái dừa vào những ngày lẻ, còn ngày chẵn thì bắp nấu, đậu luộc, trái cây và chỉ ăn đúng giờ Ngọ.
Mỗi năm “cậu” tắm một lần vào rằm tháng 4 âm lịch. Nhà báo Wilbur E. Garrett viết: “Sát bờ Cồn Phụng, ông Đạo Dừa thuê làm một chiếc tàu bằng sắt, trang trí rồng phượng cùng hoa hòe hoa sói lòe loẹt, gọi là thuyền Bát Nhã. Ở khoảng trống trước mũi thuyền, ông đặt những chiếc ghế cho khách ngồi. Mỗi khi có các nhà báo đến phỏng vấn, quay phim, ông ngồi trên chiếc đôn bằng đá, hai đệ tử đứng hai bên, trước mặt đặt cái điện thoại đã cắt đứt dây mà theo lời ông, ông chỉ cần liên lạc bằng tâm linh! Chính hai đệ tử này là người trả lời những câu hỏi của khách, thỉnh thoảng ông mới viết ra giấy để họ kể thêm về những chi tiết ông quên nói ra…”.
Những hành động của ông Đạo Dừa
1. Bàn giải pháp hòa bình
Năm 1960, ông Đạo Dừa gây ra một chuyện kinh thiên động địa. Ấy là ông viết thư cho Ngô Đình Diệm để bàn về giải pháp hòa bình, trong đó ông đề nghị Diệm cho tất cả các sĩ quan, tướng tá, binh lính giải ngũ về làm dân, không còn ai cầm súng là sẽ có hòa bình ngay tắp lự! Trong thư, ông tự xưng mình là “Thiên Nhơn Giáo Chủ”, có nhiệm vụ xuống thế gian để khôi phục lại nền hòa bình vĩnh cửu cho loài người, và “Hòa Đồng Tôn Giáo” do ông lập ra (bao gồm Phật giáo, Lão giáo, Nho giáo và đạo Thiên Chúa) là cứu tinh của nhân loại. Cuối thư, ông đề nghị Diệm công nhận “Hòa Đồng Tôn Giáo” là… quốc giáo!
2. Những hành động của ông Đạo Dừa
Trở lại quê nhà, ông Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam chọn Cồn Phụng làm nơi tu hành. Việc xây chùa Nam Quốc Phật, sân Chín Rồng, đóng thuyền Bát Nhã, tháp Hòa Bình (gồm hai tháp là “miền Bắc Hà Nội, miền Nam Sài Gòn”) với màu sắc rực rỡ, cờ phướn lòe loẹt đã khiến nhiều người đến xem vì tò mò. Dần dà, nghe ông Nam giảng đạo, số đệ tử gia nhập Đạo Dừa ngày một tăng lên.
Tuy nhiên, từ cuối năm 1960 trở đi, càng ngày “cậu Hai” càng “lâm” nặng những chuyện mê tín dị đoan. Mỗi lần mở lời, ông Nam đều xưng mình là người từ cõi trên xuống, được giao sứ mệnh “giữ yên vận mạng quốc gia, kiến tạo hòa bình thế giới”. Ông cho rằng chỉ một mình ông mới đủ tư cách đại diện Việt Nam để gặp gỡ ngang hàng với bất kỳ một tổng thống, quốc vương hay thủ tướng nào trên thế giới. Ông coi Đức Giáo hoàng, người lãnh đạo tinh thần của Thiên Chúa giáo, Đức Tăng thống, lãnh đạo tinh thần của Phật giáo là những người “bằng vai phải lứa” với ông vì theo ông: “Mai mốt Hòa Đồng Tôn Giáo sẽ thống lĩnh tất cả”.
3. Chở 1 triệu đồng đi ứng cử… Tổng thống!
Sáng ngày 1/8/1971, một toán Giang cảnh (là đơn vị thuộc quân đội Sài Gòn, phụ trách an ninh đường sông) trong lúc chốt chặn tại ngã ba sông Tiền và kênh Chợ Gạo đã tiến hành kiểm tra một chiếc ghe giăng đầy những lá cờ đuôi nheo ngũ sắc, trên mui ghe có tấm biểu ngữ nền vàng chữ đỏ: “Tôn giáo Hòa Đồng – Ứng cử Tổng thống”.
Trước mũi ghe, một người đàn ông tuổi trạc 40, mặt mũi quắt queo, đầu trọc nhưng phần tóc sau ót lại được để dài rồi vấn thành một vòng ngang trán. Ông ta ở trần, mình khoác tấm vải màu vàng, có dây thắt ngang lưng và kèm theo là một chiếc chìa khóa to đùng, ngồi xếp bằng, hai tay chắp trước ngực. Sau lưng ông có 6, 7 người khác, quần áo nâu, tóc búi tó củ hành, đầu bịt khăn, đứng thành hai hàng như thể đang “hộ giá” ông áo vàng kia.
4. Năm 1974, ông Đạo Dừa lại gây ra một chuyện động trời
Năm 1974, ông Đạo Dừa lại gây ra một chuyện động trời nữa nhưng lần này nó chỉ liên quan đến cá nhân ông chứ không dính líu gì đến “hòa bình thế giới”. Ông N. (lúc ấy là Quận trưởng Cảnh sát của một quận ở Kiến Hòa – Bến Tre ngày nay), hiện sống ở TP HCM, kể rằng khi đó, ông cùng một số nhân viên sang Cồn Phụng để truy nã một đối tượng hình sự. Tại đây, ông được biết có một gái mại dâm tên Mỹ, hành nghề tại Mỹ Tho, chẳng hiểu gặp chuyện buồn phiền chi đó nên cô ta tự tử.
Được cứu sống rồi được bà Huyền – cháu ruột ông Đạo Dừa – đưa về Cồn Phụng nuôi dưỡng. Thế nhưng chỉ một thời gian sau, bỗng dưng ông Đạo Dừa đưa cô này lên “đài bát quái”, ở luôn với ông. Ông N. cho biết theo lời kể của bà Huyền thì hằng ngày, đệ tử của ông bỏ dừa, bắp, đậu, khoai, trái cây vào một cái giỏ để ông Đạo Dừa kéo lên. Còn tất cả những thứ phóng uế của cả hai người, ông Đạo Dừa cũng bỏ hết vào giỏ, thả xuống cho đệ tử mang đổ.
Hành động của ông đã khiến các đệ tử đâm ra nghi ngờ về những lời rao giảng của ông, nhất là khi ông chủ trương Đạo Dừa là đạo “bất tạo” – nghĩa là trai gái trần truồng sống chung với nhau nhưng không quan hệ tình dục. Từ đó, nhiều người lặng lẽ ra khỏi đạo.
Cuộc cờ tàn
Sau năm 1975, Đạo Dừa bị cấm, tài sản bị nhà nước trưng dụng, ông tìm cách vượt biên nhưng không thành và bị đưa đi học tập cải tạo. Về sau, ông được người thân trong gia đình lãnh về sống tại Phú An Hòa.
Sau khi được tự do, thấy đệ tử bá tánh đến thăm ngày càng đông, ông Đạo Dừa bắt đầu hoạt động trở lại như trước. Nơi ở của ông biến thành nơi tu đạo, cũng thờ tượng Phật, Chúa gọi là “Hòa Đồng Tôn Giáo”, mua ghe làm thuyền Bát Nhã và thỉnh thoảng xuống ghe “tu”. Ban đầu, ông Đạo Dừa trích ra một phần tiền cúng dường của tín đồ để tu sửa cầu đường ở hai xã Phú An Hòa và An Phước và đòi chính quyền địa phương cho đặt tên đường mang tên ông là “đường Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam”.
Chính quyền không đồng ý, chỉ cấp bằng khen hộ Nguyễn Thành Nam có thiện chí đóng góp xây dựng nông thôn ở quê nhà. Ông Đạo Dừa còn thành lập đài phát thanh từ trên ghe nơi ông cư trú, mục đích là truyền bá nội dung “đạo bất tạo con” do ông sáng chế.
Theo một người từng được ông phân công tuyển lựa tín đồ theo “Đạo Bất tạo con” thì phương pháp dạy, hành đạo này là nam nữ trần truồng ở chung với cậu Hai (tức Nguyễn Thành Nam), ai phạm tội giao cấu bị phạt 10 năm tù hoặc tử hình. Chính quyền tỉnh Bến Tre đã ra quyết định ngưng toàn bộ hoạt động phát thanh của ông Đạo Dừa, tịch thu toàn bộ máy móc phương tiện, kiểm điểm những sai phạm của ông và một số tay chân thân cận.
Chiều ngày 12 tháng 5 năm 1990, công an Bến Tre cùng công an địa phương đến yêu cầu ông trở về nơi cư trú cũ vì ông có hành vi tuyên truyền mê tín dị đoan. Một số người thân cận ông chống lại lực lượng thi hành công vụ, họ đã níu kéo ông lại khiến ông rơi từ trên gác xuống nền nhà bị chấn thương nặng. Ông qua đời vào sáng hôm sau tại bệnh viện ở tuổi 81.
Có chuyện kể rằng khi ông Đạo Dừa bị bắt thì anh là quản giáo trại giam. Nghe đồn ông Đạo Dừa chỉ ăn dừa, uống dừa nên hằng ngày, anh mở cửa buồng giam đưa cho ông, sáng 1 trái, trưa 1 trái, chiều 1 trái đã chặt sẵn. Đến ngày thứ ba, lúc vừa đưa dừa vào thì ông Đạo Dừa bỗng nói: “Cán bộ ơi, cho tôi xin cơm”. Rất ngạc nhiên, anh hỏi: “Ủa, nghe nói ông tu theo ‘Đạo Dừa’, ăn dừa, uống dừa mà sao còn xin cơm?”
Ông Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam phều phào: “Dừa thì dừa nhưng cũng phải có chút cơm chứ!”
(Sưu tầm và tổng hợp)
Tham khảo: https://cand.com.vn/Tu-lieu-antg/Ky-cuoi-Tan-theo-bong-dua-i364947/