( Phần 2 : Từ Minh Lâu đến Mộ Vua )

Thưa quý khách, quý khách vừa đi qua cây cầu có tên là “ Trung Đạo kiều ” và trước
mặt quý khách đây là Minh Lâu. Như quý khách cũng thấy, tòa Minh Lâu này có dạng hình
vuông, nằm trên quả đồi có tên là Tam Tài Sơn. Minh Lâu cũng là một điểm nằm trên trục
chính của đường Thần đạo và là công trình có vị trí cao nhất tính theo mặt bằng của lăng.
Minh Lâu có nghĩa là lầu sáng, là nơi đi về của linh hồn tiên đế. Đây là nơi dừng chân của
Vua trên đường bước vào cõi thiên thai và cũng được hiểu là nơi nhà Vua suy tư vào những
đêm hè trăng thanh gió mát. Minh Lâu được xem như là “ Bộ ngực kiêu hãnh ” của con người
được ví bởi hình dáng của khu lăng và là công trình có giá trị đặc sắc nhất của lăng Minh
Mạng.
Kính thưa quý khách, Minh Lâu là tòa nhà gỗ 2 tầng với lối kiến trúc chồng rường giả thủ: 2
lớp mái biểu trưng: Dương nhẹ ở trên và Âm nặng ở dưới thật hài hòa, 4 mặt biểu trưng cho
tứ tượng và 8 mái là biểu trưng cho bát quái. Ở trên đỉnh là bình hồ lô lưỡng nghi để hút lấy
sinh khí của trời đất. Hôm qua quý khách đã đi tham quan lăng Tự Đức và lăng Khải
Định và giờ đây là lăng Minh Mạng thì hẳn quý khách sẽ nhận thấy một điều rằng : chỉ mỗi
lăng Minh Mạng là có Minh Lâu, điều này thể hiện tư tưởng thoáng đạt và tầm nhìn thật trí
tuệ của vua Minh Mạng.
Bây giờ xin mời quý khách vào bên trong Minh Lâu: ở bên trên quý khách có thể thấy các bộ
vì kèo hình cánh ác, trạm trổ đầu rồng liên kết với nhau thật chặt chẽ, vững chắc. Số lượng
các cột vì kèo là 5 và 9 mà theo quan niệm của người phương Đông và trong kinh dịch thì con
số 5 và số 9 là những con số đẹp và may mắn. Số 5 là biểu tượng cho ngũ hành : Kim, Mộc,
Thủy, Hỏa, Thổ, còn số 9 là biểu tượng cho Thiên tử là nhà Vua. Chính vì lẽ đó mà các Vua
đã vận dụng trong việc xây dựng cho các lăng tẩm, chùa chiền và lăng Minh Mạng là một
điển hình, thể hiện rõ quan niệm sống : “ Sinh ký, Tử quy ” có nghĩa là “ Sống chỉ là tạm, và
khi chết mới là vĩnh hằng”. Chính vì quan niệm sau khi chết đi, cái còn lại là cái vĩnh hằng
mà Vua Minh Mạng, ngay từ khi còn sống đã cho xây dựng lăng tẩm cho mình. Đây là sự
chuẩn bị cho một cái chết vĩnh hằng, điều này thể hiện cách lý giải về vũ trụ và nhân sinh
quan của người xưa.
Ở ngay chính giữa tòa nhà, sập gỗ liêm này là chỗ giành cho nhà Vua ngã lưng vào buổi trưa
để hóng mát, nhưng sự thật thì vua Minh Mạng chưa một lần lên đây để nằm nghỉ thì đã băng
hà và Minh Lâu được dựng lên chỉ là tượng trưng. Sau này, con cháu vua Minh Mạng lên
viếng mộ Vua cha thì dừng chân nghỉ ở tòa nhà này.
Quý khách cũng có thể thấy ở bên trên, xung quanh là những ô hợp được trang trí hoa lá hoặc
khắc in những bài thơ, câu thơ. Tất cả được sơn son thiếp vàng rất đẹp. Những đường nét hoa
văn được chạm khắc tinh tế, nhẹ nhàng, phản ánh những hình ảnh rất gần gũi với con người
và với cuộc sống. Những bài thơ này nói về nông thôn , cây lúa và con người. Có ý kiến cho
rằng, những bài thơ này được Vua Thiệu Trị ( là con Vua Minh Mạng ) trong thời gian tiếp
tục cho thi công công trình lăng đã cho in khắc vào, nhưng qua tìm hiểu và xét ở một khía
cạnh khác thì có thể cho rằng hầu hết những bài thơ này đã được chính Vua Minh Mạng phê
duyệt từ trước, bởi Ông là một người có tâm huyết và đồng điệu với làng quê, đất nước. Và
một trong những bài thơ hay, là bài thơ vịnh ngôi nhà người đạo sĩ ở ẩn rất đẹp, được Hoàng
Phủ Ngọc Tường tạm dịch :

“ Long lanh ngọc đính trên sa
Thảnh thơi một mái khuất xa thị thành

Thú vui cao sĩ ẩn mình

Nằm trong mây khói bồng bềnh khói thu. ”

Không những là một “ thi sĩ ”, Minh Mạng còn là một vị Vua năng động và rất quan tâm đến
võ bị, nhất là thủy quân. Điều này thể hiện qua việc trong thời gian trị vì, Vua đã sai người đi
tìm hiểu cách đóng tàu của người Châu Âu và ước vọng làm sao cho người Việt đóng được
tàu kiểu Tây và biết lái tàu vượt đại dương.
Kính thưa quý khách, Tôi xin nhắc lại với quý khách một lần nữa rằng : Quý khách đang
đứng trong tòa Minh Lâu này đây, là công trình có vị trí cao nhất so với các công trình kiến
trúc khác của lăng. Từ đây, quý khách có thể thấy được các công trình ở phía trước và cả ở
đằng sau Minh Lâu. Như ở phía trước Minh Lâu này nhìn ra quý khách có thể thấy Trung
Đạo kiều, Hoằng Trạch Môn, điện Sùng Ân và cả Bi Đình còn ở phía sau là Bửu
Thành mà quý khách có thể thấy ở đằng xa kia
Kính thưa quý khách, xuyên suốt trục Thần đạo của lăng từ Đại Hồng Môn đến Bửu Thành,
tất cả các công trình chính được bố trí ở 5 tầng sân tượng trưng cho Ngũ hành, còn các công
trình phụ được bố trí đối xứng 2 bên, từng cặp một qua trục chính xuyên tâm lăng. Trên mặt
cắt kiến trúc dọc theo đường Thần đạo, các công trình cao thấp theo một nhịp điệu vần luật
nhất quán, âm và dương xen kẽ nhau, tạo nên một nét đẹp riêng cho công trình kiến trúc lăng
tẩm này. Tất cả đã được sắp đặt theo một trật tự chặt chẽ, có hệ thống, giống như xã hội
đương thời – một xã hội được tổ chức theo chính sách trung ương tập quyền của chế độ quân
chủ tôn sùng nho học đến mức tối đa. Bố cục kiến trúc ấy cũng phản ánh và nói lên tính cách,
phong cách của chính vua Minh Mạng.
Và nếu được nhìn từ trên cao, quý khách có thể thấy các hạng mục kiến trúc chính xếp thành
một cành hoa, với bông hoa là khu mộ vua, những chiếc lá đối xứng 2 bên là các phần công
trình kiến trúc phụ khác ở 2 bên hồ nước. Cũng có quan niệm, có thể suy tưởng rằng : toàn bộ
quần thể lăng giống như phần trên của cơ thể con người, với đầy đủ tim, phổi là khu tưởng
niệm, và đầu óc là phần mộ Vua. Hình thể lăng tựa dáng một người nằm nghỉ trong tư thế
thoải mái, đầu gối lên núi Kim Phụng, chân duỗi thẳng ra ngã 3 sông trước mặt, 2 nữa hồ
Trừng Minh như đôi cánh tay buông xuôi một cách tự nhiên.
Các nhà kiến trúc thời ấy đã khôn khéo lợi dụng được thế đất và các ngọn đồi để nâng chiều
cao của các công trình kiến trúc lên, làm cho lăng Minh Mạng trở thành một kỳ quan được
thiết kế xây dựng kỳ công trong một không gian hoành tráng hùng vĩ, toát lên vẻ đường bệ, uy
nghiêm nhưng vẫn hài hòa với cảnh quan thiên nhiên một cách tuyệt vời. Bố cục lăng tạo hình
gợi cảm, tiết điệu, có giá trị thẩm mỹ cao, phản ánh tâm linh, quan niệm vĩnh cửu và huyền bí
phương Đông.
Và bây giờ, mời quý khách nhìn ra bên ngoài, sau Minh Lâu này, quý khách có thấy 2 vườn
hoa ở đằng kia không: 2 vườn hoa này được thiết kế và xây dựng theo hình chữ Thọ đối xứng
nhau qua đường Thần đạo. Điều này càng phản ánh và tô đậm nên tính cách và khao khát của
vị Vua này : đó là biểu tượng cầu mong sự vĩnh cửu của vương nghiệp nhà vua dưới âm phần
và sự trường tồn của vương triều nhà Nguyễn ( con cháu Vua ) trên dương thế. Ở bên ngoài 2
vườn hoa này, quý khách có thể thấy 2 trụ biểu uy nghi được dựng lên. Hai trụ biểu này thể
hiện uy quyền, ý chí và khát vọng vươn xa, đưa đất nước đi lên của Vua Minh Mạng. Ở bên
trên 2 trụ biểu là 2 hoa sen mà quý khách có thể thấy như 2 ngọn đuốc tỏa sáng cho cuộc đời.
Hai trụ biểu này được dựng lên mang ý nghĩa nhà Vua đã “ bình thành công đức ” trước khi
về cõi vĩnh hằng. Ở bên cạnh 2 trụ biểu là 2 non bộ với hình tượng Rồng và Hổ : Tả Thanh

Long với hình tượng Rồng bay lên biểu hiện cho cho sự vươn đến tầm cao, tầm xa trong cuộc
sống. Hữu Bạch Hổ thể hiện sự uy quyền của vị Vua trong xã hội quân chủ ấy.
Bây giờ, xin mời quý khách theo chân tôi, chúng ta sẽ đến với cây cầu Thông Minh Chính
Trực.. Kính thưa quý khách, quý khách đang đứng trên cây cầu có tên là Thông Minh Chinh
Trực, đây là cây cầu nối liền Minh Lâu với mộ Vua. Khi nghe đến tên cây cầu này thì hẳn quý
khách cũng hiểu được phần nào ý nghĩa của nó : Chính cái tên này đã phản ánh và nói lên tính
cách quang minh của vị vua này : Minh Mạng là một người thông minh, chính trực và cũng
rất quyết đoán. Ông là người tinh thâm nho học và sùng đạo Khổng Mạnh. Minh Mạng rất
quan tâm đến chuyện học hành, khoa cử và tuyển chọn người tài : Chính Minh Mạng đã cho
dựng Quốc Tử Giám ( 1821 ). Một trong những việc đầu tiên khi lên làm vua là Minh Mạng
đã cho xuống chiếu cầu hiền, tìm người tài giỏi. Ông cho tổ chức các khoa thi, chính vì vậy
mà trong tổng số gần 300 vị tiến sĩ của triều đình nhà Nguyễn thời ấy, đã có đến 54 vị tiến sĩ
thuộc đời Vua Minh Mạng.
Thưa quý khách, bên dưới cây cầu này, ở hai bên quý khách đây là hồ Tân Nguyệt. Hồ Tân
Nguyệt này ôm lấy một phần khu mộ Vua ( là Bửu Thành ) ở trước mặt quý khách. Hồ Tân
Nguyệt có dạng hình trăng non, với ý nhĩa trăng vơi hôm nay, nhưng ngày mai lại đầy, ví như
hình ảnh con cháu nhà Vua sẽ kế tục sự nghiệp vững bền của Vua cha trên dương thế. Phong
cảnh ở đây thì thật hữu tình và ngoạn mục với hồ nước ngát hương sen, mặt nước phẳng lặng
in hình những bóng thông mát rượi xuống dưới hồ.
Hồ Tân Nguyệt được ví như yếu tố “Âm ” bao bọc và che chở cho yếu tố “ Dương ” là Bửu
Thành – khu lăng mộ nhà vua – là biểu tượng của mặt trời. Kết cấu kiến trúc này thể hiện
quan niệm của cổ nhân về sự biến hóa ra muôn vật, đó là nhân tố tác thành vũ trụ. Lão Tử đã
có câu : “ Vạn vật phụ âm nhi bảo dương, sung khí dĩ nhi hòa ” có nghĩa là : “ Vạn vật khí âm
nằm bên ngoài, ôm lấy khí dương ở bên trong, 2 khí sung mãn thì có hòa khí ”. Quả thật, đây
là một sự kết hợp hết sức hài hòa theo quan niệm của người phương Đông: Ở đâu có âm và
dương hài hòa thì ở đó có sự sinh sôi, nẩy nở của vạn vật.
Hồ Tân Nguyệt đã được bàn tay con người tạo ra như những nốt nhạc trầm, làm cho toàn bộ
kiến trúc và thiên nhiên trong lăng trở thành một khúc nhạc rất phong phú về âm điệu và tiết
tấu.
Thưa quý khách, xin mời quý khách hãy ngước tầm nhìn về hai phía của hồ Tân Nguyệt. Theo
hướng tay tôi chỉ đây, ở đằng kia, trước đây là 2 khu Tả Tùng Phòng và Hữu Tùng Phòng.
Đây là nơi ở của các cung nhân. Ở phía bên tay phải quý khách là Tả Tùng Phòng : là nơi ở
của các quan lại, còn ở bên trái quý khách là Hữu Tùng Phòng: là nơi ở của các tỳ nữ. Những
cung nhân này có nhiệm vụ trông nom và chăm sóc khu mộ Vua. Tả Tùng Phòng và Hữu
Tùng Phòng là 2 công trình phụ đối xứng nhau thành 1 cặp qua trục chính của lăng là đường
Thần đạo. Hai công trình này, cũng giống như những cặp công trình đăng đối khác, tạo nên
một nét đẹp riêng với vẻ uy nghiêm cần có của một công trình lăng mộ. Do thời tiết và chiến
tranh tàn phá nên hiện nay 2 công trình này chỉ còn lại là vết tích của các công trình phụ trong
tổng thể kiến trúc lăng Minh Mạng.
Kính thưa quý khách, mời quý khách tiếp tục theo chân tôi, chúng ta sẽ đến khu mộ vua Minh
Mạng…Trước mặt quý khách là Bửu Thành – mộ Vua, đây là điểm cuối cùng nằm trên trục
Thần đạo. Bửu Thành là trung tâm vũ trụ và là công trình chính của lăng. Quý khách có thể
thấy Bửu Thành có dạng hình tròn, nằm trên quả đồi thông mang tên Khải Trạch Sơn. Bửu
Thành được bao quanh bởi tường thành, ở bên trong, sâu bên dưới là mộ Vua. Vua được biểu

thị như là mặt trời, là trung tâm tỏa sáng, là đấng chí tôn có quyền chi phối toàn bộ xã hội
quân chủ ấy. Và nếu để ý một chút, quý khách có thể thấy hình tròn Bửu Thành, nằm giữa
những vòng tròn đồng tâm biểu trưng, được tạo nên từ hồ Tân Nguyệt, La Thành, núi non và
đường chân trời ở xa, như muốn thể hiện khát vọng ôm choàng lấy trời đất và ước muốn làm
bá chủ vũ trụ của vị vua quá cố này. Đó là khát khao lớn mà vua Minh Mạng muốn gởi gắm
vào công trình lăng mộ của mình.
Thưa quý khách, ở bên trong cổng sắt này, qua 33 bậc tầng cấp sẽ đưa quý khách đến Huyền
Cung, là nơi yên nghỉ của nhà Vua. Huyền Cung là một cung điện được đặt ngầm trong lòng
đất, là nơi đặt thi hài của nhà Vua. Sau khi vua Minh Mạng mất ( 01/1841 ), nhưng mãi đến
ngày 20/08/1841 thì thi hài vua Minh Mạng mới được đưa vào lăng, qua một đường hầm gọi
là toại đạo và chôn ở Huyền Cung này vĩnh viễn. Bình thường thì Bửu Thành được tách biệt
với bên ngoài bằng 2 cánh cổng lớn được khóa lại, trước mặt quý khách đây. Và Bửu Thành
chỉ được mở mỗi năm một lần vào đúng ngày giỗ Vua, vì thực ra người ta cũng không rõ Vua
được chôn chính xác ở chỗ nào, sợ vô ý giẫm lên long thể nhà Vua.
Ở phía sau Bửu Thành này là rừng thông xanh thẳm, đem lại một cảm giác u tịch cho lăng mộ
Vua. Ở trong lăng Minh Mạng, quý khách cũng thấy có rất nhiều cây cối. Đây là những cây
ăn trái đặc sản được vua Minh Mạng cho đưa về từ 3 miền : Bắc, Trung, Nam. Bởi nhà Vua
cho rằng, khi những người dân ở những vùng này đến đây, khi nhìn thấy những cây trái vùng
mình, sẽ có được một cảm giác ấm lòng. Nhà vua ví công viên trong lăng này như là một
công viên Đại Nam thu nhỏ, điều này nói lên khát khao rất lớn của nhà vua đối với non sông,
đất nước.
Kính thưa quý khách, từ một núi đồi hoang vu, qua bàn tay lao động và óc sáng tạo của con
người, Minh Mạng đã biến nơi đây trở thành một khu lăng tẩm uy nghi, vừa rực rỡ về kiến
trúc, vừa hài hòa với thiên nhiên, lại vừa sâu sắc bởi giá trị tư tưởng. Có thể nói, lăng Minh
Mạng là một trong những lăng có vị thế đẹp nhất trong tổng thể 7 lăng ở kinh thành Huế.
Thưa quý khách, thăm lăng Minh Mạng, quý khách ngỡ mình như lạc vào không gian của hội
họa, thi ca và triết học. Sự uy nghi, nét tĩnh tại của kiến trúc và khung cảnh gợi tình của thiên
nhiên, hoa cỏ thể hiện tích cách nghiêm túc, tri thức uyên bác và tâm hồn lãng mạng của nhà
vua. Hai mươi năm trị vì, Minh Mạng đã đem đến cho giang sơn Đại Nam sự vững mạnh, cho
vương nghiệp họ Nguyễn một tiền đồ mới. Và con người đó đã nằm xuống giữa
giữa chốn “ thiên đường trần gian ” đầy tiếng chim hót, hoa đua với sự thanh thản và mãn
nguyện hoàn toàn.
Kính thưa quý khách, điểm thăm lăng Minh Mạng kết thúc ở đây, Tôi xin điểm lược lại cho
quý khách về toàn bộ tổng thể lăng Minh Mạng dọc theo trục thần đạo : Từ cổng đi vào là Đại
Hồng Môn, qua Sân chầu là Bái Đình, tiếp theo là Bi Đình, điện Sùng Ân, Minh Lâu và qua
cầu Thông Minh Chính Trực là đến Bửu Thành. Và bây giờ, quý khách có 15 phút để đi xem
và chụp hình lưu niệm. Đúng 11h chúng ta sẽ có mặt tại xe để trở về khách sạn.

(Nguồn: citytourdanang.com)