Đây là lần thứ hai tôi đến Qui Nhơn và Đầm Thị Nại, lần trước đã cách đây hơn 30 năm. Lần trước tôi đến Qui Nhơn vì tò mò. Một, là muốn tìm theo dấu chân anh em Tây Sơn và hai, là tìm theo dấu chân Hàn Mặc Tử và nhóm thơ “Bàn Thành tứ hữu” (Quách Tấn, Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Chế Lan Viên).Đầm Thị Nại – Wikipedia tiếng Việt
Hàn Mặc Tử là một nhà thơ gây tò mò đặc biệt cho bạn đọc thơ miền Bắc. Thứ nhất, là vì số phận bi thảm của mình. Thứ hai, khác với các nhà thơ chính thống Chế Lan Viên, Yến Lan ở miền Bắc, hay Quách Tấn “không chính thống” ở miền Nam, chúng tôi những người trẻ lớn lên ở miền Bắc sau 1954, hoàn toàn không biết gì về Hàn Mặc Tử và thơ ông. Đúng hơn là trong giáo trình văn học nhà trường miền Bắc thập niên 1960, Hàn Mặc Tử được nhắc đến như đại diện tiêu biểu của trường phái thơ Điên, thơ Loạn, hoàn toàn xa lạ với chủ nghĩa yêu nước.
Vì vậy, sự trở lại chính thức của Hàn Mạc Tử những năm cuối thập niên 1980, sau hơn 30 năm vắng bóng đã gây một “cơn địa chấn” thực sự cho những ngươi yêu thơ miền Bắc. Kể cả đối với tôi, một người vốn khá bàng quan với thơ.
Thơ Hàn Mặc Tử thực sự cuốn hút tôi, bằng sự thành thực đến tận cùng, bằng sự nhân cách hoá thiên nhiên cháy bỏng và những xúc cảm vô cùng tinh tế, cũng như tình cảm hướng đến Thiên Chúa mạnh mẽ của một tín đồ mang một hồn thơ đích thực. Tóm lại, lần đầu tiên tôi được đọc những vần thơ như vậy bằng tiếng Việt.
Đầm Thị Nại thu hút nhiều lượt khách du lịch - ALONGWALKER
Lần này đến Qui Nhơn, ngoài việc gia đình, tôi có một mong muốn hoàn toàn khác, là đi tìm dấu vết những sự kiện đầu thế kỷ 19, đã làm thay đổi hoàn toàn lịch sử Việt Nam 150 năm tiếp theo. Có thể nói, đầm Thị Nại và thành Bình Định đã từng là tâm điểm của những sự kiện này. Riêng đầm Thị Nại còn liên quan đến nhiều sự kiện lịch sử rất trọng đại khác của Đại Việt.
Ngày xưa khi còn trẻ, đứng trước cái mênh mang của đầm nước Thị Nại, nơi chôn vùi bao tang thương dâu bể lịch sử, Quách Tấn đã viết những vần thơ cảm hoài day dứt: “Thị Nại xưa kia vũng chiến trường/ Nổi chìm thế sự mấy triều vương …”. Có thể nói những tứ thơ này hoàn toàn phù hợp với sự thật lịch sử.
Sự kiện lớn thứ nhất, tương truyền là năm 1086, vua Lý Thánh Tông giao việc nước cho Ỷ Lan nguyên phi và tể tướng Lý Đạo Thành rồi cùng Lý Thường Kiệt đem quân đánh Chiêm Thành. Ngày 03/04 /1069, thủy quân Đại Việt vào cửa Thi Nại, cạnh thành Đồ Bàn, sau đó đổ bộ ở ven bờ vũng Nước Mặn. Đại Việt tiến đến sông Tu Mao và đánh tan quân Chiêm Thành.
Đầm Thị Nại - Du lịch Quy Nhơn - Quy Nhơn Service
Về cuộc chiến năm 1069, Đại Việt Sử ký Toàn thư có ghi nhận như sau:
“Mùa xuân, tháng 2, vua thân đi đánh Chiêm Thành, bắt được vua nước ấy là Chế Củ và dân chúng 5 vạn người”.
Sau đó Chế Củ phải dâng 3 châu là Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính (thuộc địa phận Quảng Bình và Quảng Trị ngày nay) để được tự do.
Hiện vẫn chưa có những nghiên cứu đầy đủ về tầm vóc ảnh hưởng của tù binh Chiêm Thành, bao gồm rất nhiều thợ khéo và những vũ công tuyệt vời đến văn hóa, đặc biệt là đến sự hưng vong của nhà Lý (1009-1225) Đại Việt. Chỉ biết rằng, các vị vua và các đại thần nhà Lý từng đua nhau xây cất chùa chiền và rất mê thích các vũ nữ Chiêm Thành, đặc biệt là Lý Cao Tông vị vua cuối cùng của nhà Lý. Một vị vua nổi tiếng thích chơi bời, cho phép mua bán chức tước, khiến xã hội bất ổn, bọn bất tài cứ có nhiều tiền là làm quan gây phiền nhiễu cho dân chúng.
Sự kiện thứ hai, năm 1377 (Đinh Tỵ), Trần Duệ Tông cho quân tiến vào cửa Thị Nại và kéo lên đánh thành Đồ Bàn. Quân Chiêm do vua Chế Bồng Nga chỉ huy đã phục kích tiêu diệt gần hết tướng sỹ Đại Việt. Duệ Tông bị hãm trong trận, cùng các tướng Đỗ Lễ, Nguyễn Lạp Hòa, Hành khiển Phạm Huyền Linh đều tử trận. Từ đó Chế Bồng Nga ra vào Thăng Long như vào chỗ không người (4 lần). Tiền đề cho sự suy vong của nhà Trần.
Sự kiện thứ ba, năm 1403 (Quý Mùi) Hồ Hán Thương (Hồ Quý Ly) sai đại tướng quân Phạm Nguyên Khôi đem 20 vạn quân thủy bộ vào Thị Nại để vây đánh Đồ Bàn, nhưng thua trận. Từ đó nhà Hồ bắt đầu suy yếu và năm 1407 đã để mất Đại Việt (Đại Ngu) về tay nhà Minh.
Dự án nạo vét luồng tàu tại đầm Thị Nại tìm được nhà đầu tư đủ năng lực |  Tin nhanh chứng khoán
Sự kiện thứ tư, năm 1470 (Canh Thìn), Lê Thánh Tông thân chinh cầm 20 vạn tinh binh vào đánh Thị Nại. Quân Chiêm Thành chống giữ kịch liệt, vua Chiêm Thành là Trà Toàn phải bỏ Thị Nại, rút quân về giữ thành Đồ Bàn. Quân Đại Việt hạ thành Đồ Bàn, giết 40.000 người, bắt Trà Toàn và hơn 30.000 tù binh, kết thúc triều đại thứ mười bốn của Chiêm Thành. Đó cũng là bước khởi đầu sự tàn lụi và diệt vong sau đó của quốc gia Chiêm Thành.
Tiếc rằng sau khi hạ thành Đồ Bàn, Lê Thánh Tông ra lệnh tàn sát 30.000 tù binh Chiêm Thành, mặc dù khi đó vua Chiêm Thành Trà Toàn đã bị bắt và quân Chiêm đã hoàn mất ý chí và khả năng kháng cự. Ảnh hưởng của sự kiện này đến sự hưng vong của nhà Lê thế nào, hiện vẫn là một câu hỏi lịch sử bỏ ngỏ. Tuy nhiên có một thực tế lịch sử, là sự cường thịnh của Đại Việt kết thúc khá nhanh chóng sau Lê Thánh Tông.
Như chúng ta biết, Nguyễn Hoàng và các Chúa Nguyễn không lặp lại sai lầm này trong quá trình Nam Tiến. Nhưng rất tiếc là Minh Mạng nhà Nguyễn, một vị vua từng học theo Lê Thánh Tông trong việc copy mô hình chính quyền quân chủ chuyên chế tập quyền Trung Hoa. Về sau cũng lặp lại sai lầm của Lê Thánh Tông đối với Chiêm Thành, dù là mức độ tàn sát nhỏ hơn rất nhiều. Đồng thời, nhà Nguyễn sau Minh Mạng, cũng dần dần suy vong, giống nhà Lê sau Lê Thánh Tông.
Sự kiện thứ năm, là năm 1799, sau khi quân nhà Nguyễn do Võ Tánh thống lĩnh chiếm được thành Qui Nhơn của Tây Sơn, Nguyễn Ánh đổi tên thành là Bình Định và giao cho Võ Tánh cùng Lễ bộ tham tri Ngô Tùng Châu ở lại trấn giữ. Vì thành Qui Nhơn là đất phát tích của nhà Tây Sơn, nên Quang Toàn lập tức sai Thiếu phó Trần Quang Diệu mang hơn 45.000 quân bộ và Đại Tư đồ Võ Văn Dũng mang 24.000 thủy binh tìm cách giành lại.
Do lực lượng qua chênh lệch (quân nhà Nguyễn ở Qui Nhơn chỉ khoảng hơn 10.000 người), Võ Tánh đã quyết định đóng chặt cửa thành phòng thủ. Trần Quang Diệu đã cho quân đắp lũy vây chặt thành Qui Nhơn, còn Hạm đội của Vũ Văn Dũng khóa chặt cửa biển Thị Nại Qui Nhơn.
Tuy Nguyễn Ánh và Lê Văn Duyệt đã đưa ngay quân ra giải vây Qui Nhơn, nhưng cuộc chiến kéo dài suốt năm 1799 không kết quả.
Ngày 27/02/1801, sau một trận thủy chiến khốc liệt ở Đầm Thị Nại, thủy quân nhà Nguyễn do Nguyễn Ánh, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Thành, Võ Di Nguy và Nguyễn Văn Trương chỉ huy đã dùng mưu tiêu diệt hầu như toàn bộ Hạm đội Tây Sơn của Vũ Văn Dũng (1800 trong số 2000 chiến thuyền và hơn 20.000 thủy binh Tây Sơn. Thiệt hại về phía Nguyễn Ánh là hơn 4000 quân).
Cuộc hải chiến Tây Sơn-Chúa Nguyễn 1801 này, về sau được các sử gia nhà Nguyễn gọi là Xích Bích Việt Nam, xét theo mức độ khốc liệt và việc dùng hoả công để đốt chiến thuyền Tây Sơn. Đồng thời các sử gia Việt Nam cũng coi đây là cuộc hải chiến lớn nhất trong lịch sử nước ta. Để so sánh, số chiến thuyền của Ô Mã Nhi bị quân Trần Hưng Đạo đánh đắm ở cửa sông Bạch Đằng chỉ bằng một phần tư.
Trong trận này Lê Văn Duyệt đã tỏ ra uy mãnh vô song. Dưới làn đạn như mưa của hỏa pháo Tây Sơn, trước mắt ba quân Đô đốc Võ Di Nguy bị trúng đạn pháo mất đầu, Nguyễn Ánh nao núng định lui quân. Không nghe lệnh Nguyễn Ánh, Lê Văn Duyệt cương quyết đốc thúc binh sỹ, dẫn đầu tiến công và giành được thắng lợi. Tuy nhiên Nguyễn Ánh và Lê Văn Duyệt vẫn không thể nào giải vây được thành Qui Nhơn.
Nhận thức được tình hình, Võ Tánh đã cử người đưa thư ra cho Nguyễn Ánh. Trong thư, Võ Tánh khuyên Nguyễn Ánh nhân lúc binh lực Tây Sơn tập trung ở Qui Nhơn và hải quân Tây Sơn đã bị đánh tan, nên lập tức kéo quân đi đường biển ra đánh Phú Xuân. Nghe lời Võ Tánh, Nguyễn Ánh đưa quân ra Phú Xuân đánh Quang Toản và chiếm được Phú Xuân (13/06/1801). Quang Toàn phải chạy ra Bắc Hà. Cuộc chiến 25 năm Tây Sơn-Chúa Nguyễn coi như đã ngã ngũ.
Kết quả của trận hải chiến này là sự sụp đổ của nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh thống nhất đất nước. Khác với tất cả các sự kiện Thị Nại trước đây, chỉ có ảnh hưởng gián tiếp, đây là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, những sự kiện Thị Nại cách xa Thăng Long hàng ngàn dặm, đã trực tiếp quyết định tương lai của cả dân tộc Việt Nam. Đồng thời mở đầu cho một thời kỳ mới của Đại Việt: quyền lực chính trị, quân sự, kinh tế và văn hoá được phân bố đều khắp 3 miền đất nước.
PS. Thị Nại là một đầm nước lợ rộng lớn ở cửa biển Qui Nhơn, chiều dài gần 10km, chiều rộng hơn 5km với tổng diện tích hơn 5000ha.
   Nguồn: FB Tam Tran