Sau khi quyết định xóa bỏ Champa ra khỏi bản đồ thế giới vào năm 1832, Minh Mệnh tiếp tục thực hiện chính sách hà khắc đối với người dân Champa như lao động khổ sai, thuế nặng, nhất là chính sách đồng hóa bằng cách xóa bỏ những luật tục, lễ tục, hệ thống tín ngưỡng của thần dân Champa, v.v. Đề trả lời cho chính sách tàn bạo này, nhân dân Champa đã vùng dậy chống lại kẻ xâm lược nhằm giải phóng vương quốc C hampa khỏi ách thống trị của Minh Mệnh. Trong thời kỳ này có rất nhiều cuộc nổi dậy chống triều đình Huế, tiêu biểu có 2 cuộc khởi nghĩa lớn là cuộc khởi nghĩa của Katip Sumat (1833-1834) và cuộc khởi nghĩa của Ja Thak Wa (1834- 1835).
Katip Ja Thak Wa một vị tu sĩ Hồi Giáo gốc Palei Ram, Panduranga (Văn Lâm, Ninh Thuận ngày nay). Để trả lời cho chính sách “chiến trường đỏ lửa” do vua Minh Mệnh đề ra nhằm giết hại thần dân Champa một cách vô tội vạ về tội theo Lê Văn Duyệt và đốt phá tất cả làng mạc người Chăm, đặc biệt là các làng nằm dọc theo bờ biển, Katip Ja Thak Wa đứng ra kêu gọi các dân tộc Champa gồm có người Chăm, Churu, Raglai và Kaho,… từ khu vực Phú Yên đến Bình Thuận vùng dậy tham gia vào mặt trận vũ trang đấu tranh nhằm giải phóng Champa ra khỏi ách thống trị của triều đình Huế.
Trước hết, Ja Thak Wa thành lập một chính phủ Champa lâm thời trên lãnh thổ Panduranga Champa (Ninh Thuận và Bình Thuận) và Kauthara (Khánh Hòa). Sau đó, triệu tập một hội đồng Champa để tôn vinh Po War Palei, làm quốc vương Champa với chức phong là Po Patrai (quốc vương). Po War Palei là gốc người Raglai thuộc làng Cadang, là em rể của phó vương Po Dhar Kaok (Nguyễn Văn Nguyên). Ja Thak Wa còn chỉ định một nhân vật gốc Churu làm thái tử Champa mang chức phong Yang Harei (hoàng tử mặt trời). Một nhân vật gốc Chăm là Ja Yok Ai mang danh hiệu Panraong Sa-ai, làm đại tướng đặt trách về quân sự và phong chức cho những quan lại khác.
Trong cuộc chiến, Ja Thak Wa đứng ra điều hành trực tiếp phong trào và kêu gọi sự yểm trợ của các dân tộc miền núi như Churu, Raglai, Kaho,… vận động quần chúng Chăm phải tham gia tích cực vào phong trào đấu tranh nhằm khôi phục lại vương quốc Champa độc lập.
Tháng 7 Chăm lịch (1834) cuộc chiến bắt đầu vô cùng khốc liệt. Tất cả làng palei Chăm đã bị lửa thiêng (Apuei Kadhir) thiêu rụi, dân chúng Champa khiếp vía trước chính sách trừng trị của triều đình Huế nhầm ngăn chận những ai theo Ja Thak Wa. Tháng 10 năm Ngọ Chăm lịch, Ja Thak Wa ra lệnh cho chiến sĩ Churu và Raglai trừng trị thẳng tay những người Chăm không tham gia phong trào kháng chiến.
Đầu năm Ất Vị (1835), phong trào Ja Thak Wa đã giành thắng lợi to lớn, vì quân đội của triều đình Huế đã rút khỏi các huyện An Phước, Hòa Ða, Tuy Tịnh và xung quanh phủ Bình Thuận. Toàn bộ lãnh thổ Champa đã được Katip Ja Thak Wa nắm giữ.
Nhằm dập tan cuộc khởi nghĩa của Ja Thak Wa, vua Minh Mệnh lúc đầu ra chỉ dụ thưởng ba quan tiền mang phù hiệu “phi long” cho những ai giết được một quân phiến loạn hay bắt được một thành viên ủng hộ Ja Thak Wa. Sau đó Minh Mệnh ra lệnh mỗi binh lính người Kinh ở phủ Bình Thuận phải chặt ba cái đầu của người Chăm vào mỗi buổi sáng mới nhận được tiền lương. Từ đó, binh lính của triều đình Huế tha hồ chém giết người dân Chăm vô tội để được nhận tiền thưởng.
Tháng 6 năm Ất Vị (1835) lực lượng của Ja Thak Wa tiếp tục tấn công khu vực Hòa Thuận và Long Bàn, sau đó rút lui về mật khu.
Tháng 7 năm Ât Vị (1835), thành Phiên An ở Gia Ðịnh, nơi trú ẩn cuối cùng của Lê Văn Khôi đã bị thất thủ, đánh dấu cho sự tàn rụi của cuộc khởi nghĩa ở 6 tỉnh miền nam. Kể từ đó Minh Mệnh làm chủ phía nam của vương quốc Việt Nam và tiếp tục trừng trị dân tộc Chăm và thần dân Champa đã tham gia vào các phong trào nổi dậy.
Mặc dù bị triều đình Huế đàn áp dã mang và cuộc khởi nghĩa dẫn đến thất bại hoàn toàn, nhưng sức mạnh của tinh thần dân tộc và truyền thống đấu tranh chống áp bức của dân tộc Champa thể hiện qua hai phong trào Katip Sumat và Katip Ja Thak Wa đã để lại một dấu ấn lịch sử sâu sắc.
Kỷ niệm 180 năm phong trào khởi nghĩa này nhằm nhắc nhở cho thần dân Champa nhớ đến tinh thần bất khuất, kiên cường của Katip Ja Thak Wa. Cuộc khởi nghĩa của Katip Ja Thak Wa một lần nữa đã khẳng định về lòng yêu nước, sự gan dạ, dũng cảm, quyết tranh đấu và sẵn sàng hy sinh vì sự độc lập của dân tộc và mong muốn khôi phục lại vương triều Champa. Chính vì thế thần dân Champa luôn luôn tôn vinh và nhớ ơn Ja Thak Wa như những vị anh hùng dân tộc.