Ngã Ba Giồng xã Xuân Thới Thượng là vùng đất chuyển tiếp giữa cánh đồng phèn chua sâu trũng sang vùng đất gò cao hơn (gọi là giồng), ngày xưa trên có nhiều cây bằng lăng mọc nên tên cũ gọi đầy đủ là Ngã Ba Giồng Bằng Lăng. Đây là điểm giao nhau giữa Tỉnh lộ 9 từ Đức Hòa về Hóc Môn với Tỉnh lộ 14 (nay là Phan Văn Hớn), xuất phát từ Ngã Ba Giồng đi Tham Lương hướng về chợ Bến Thành, Bến Nghé xưa.
Kỷ niệm 72 năm khởi nghĩa Nam Kỳ (23/11/1940-23/11/2012): Trường bắn Ngã Ba Giồng – Khúc tráng ca của những người anh hùng bất tử.
Sách Gia Định xưa của Huỳnh Minh có đoạn ghi lại: từng đoàn người gánh gồng cau trầu, sản vật, tụ lại chờ nhau để hợp lực vượt qua vùng rừng có nhiều cọp dữ lẫn cướp cạn, gánh hàng về bán ở chợ thành. Đến thời thực dân Pháp khai thác thuộc địa lần nhứt, năm 1890, chúng đã qui hoạch giao thông thủy toàn Nam kỳ, cho đào loạt kinh An Hạ, kinh Thầy Cai nối sông Đồng Nai, thượng nguồn sông Sài Gòn với sông Vàm Cỏ Đông… Giúp lưu lượng ghe thuyền, vận chuyển hàng hóa gạo thóc lu khạp, qua vùng này ngày càng nhiều. Vùng đất quanh Ngã Ba Giồng, bắt đầu có người tụ về sinh sống, thuê đất làm tá điền hoặc khẩn hoang làm ruộng nộp tô cho bọn địa chủ, quan làng, hương quản. Người Pháp còn khảo sát địa nhưỡng, dự định thử nghiệm lập trang trại nuôi bò thả đàn qui mô lớn ở vùng này.
Trãi suốt chiều dài lịch sử, vùng đất Ngã Ba Giồng đã trở thành điểm hội tụ của người dân 3 địa phương Hóc Môn, Bà Điểm, Đức Hòa luôn gắn bó nhau trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là điểm tập hợp, xuất phát của các cánh quân trong các các cuộc khởi nghĩa của Trương Định, Trương Quyền năm 1860- 1865; Nguyễn Ảnh Thủ đánh đồn Thuận Kiều năm 1870; đặc biệt là cuộc khởi nghĩa 18 Thôn Vườn Trầu do hai ông Phan Văn Hớn, quê ở làng Tân Thới Nhất (nay là xã Bà Điểm) làm Chánh lãnh binh và ông Nguyễn Văn Quá quê ở làng Mỹ Hạnh làm Tổng lãnh binh tấn công đốt cháy Dinh quận Bình Long (nay là huyện Hóc Môn), giết chết vợ chồng Đốc phủ gian ác Trần Tử Ca mùa xuân năm Ất Dậu 1885. Sau đó để cứu dân khỏi bị thực dân Pháp và tay sai khủng bố trả thù, hai Ông Hớn, Quá đã ra nộp mình, chịu án hành hình trước chợ Bình Long (chợ Hóc Môn ngày nay), để lại nhiều thương tiếc trong lòng nhân dân.
Đến thời trước khi có Đảng Cộng sản ra đời, năm 1925- 1930, nhiều người dân ở làng Xuân Thới Thượng, Xuân Thới Sơn, Bà Điểm- Hóc Môn; làng Mỹ Hạnh- Đức Hòa- Long An đã tham gia nhiều hoạt động yêu nước chống Pháp xâm lược, trong phong trào Thanh niên Cao vọng, rồi Hội kín Nguyễn An Ninh. Khi Nhà chí sĩ Nguyễn An Ninh- Người đứng đầu phong trào này bị thực dân Pháp giam cầm ở Côn Đảo nhiều lần. Ông đã từng tiếp xúc với Nguyễn Ái Quốc ở Paris thời kỳ 1920- 1923, nay trong tù gặp gở những người cộng sản, được giác ngộ. Ông càng nhận thức rỏ con đường cách mạng của những người cộng sản do Nguyễn Ái Quốc huấn luyện là đúng đắn, căn cơ hơn, nên đã tin tưởng và chuyển giao danh sách hội viên Hội kín Nguyễn An Ninh trở thành những đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam trên quê hương Hóc Môn, Bà Điểm, Đức Hòa…
Vùng đất Ngã Ba Giồng lại trở thành điểm hẹn lịch sử, chứng kiến biết bao sự kiện oai hùng của nhũng đoàn quân yêu nước cách mạng. Nơi ghi dấu hoạt động nhiều nhà lãnh đạo của Đảng các cấp trong suốt thời kỳ 1936- 1939, những tên tuổi Phan Văn Đối, Phan Văn Nối, Bùi Văn Ngữ là những Bí thư chi bộ Đảng đầu tiên ở vùng Tân Thới Nhất, Bà Điểm; cùng với Võ Văn Tần, Võ Văn Ngân ở Đức Hòa- Long An; Phạm Văn Sáng, Đặng Công Bỉnh ở Hóc Môn và rất nhiều đồng bào, đồng chí khác không thể nào ghi hết, luôn phát huy truyền thống yêu nước cách mạng hào hùng của dân tộc, quyết tâm tới đích dù phải hy sinh vô bờ bến trên con đường cách mạng. Đặc biệt, sau cuộc Khởi nghĩa toàn Xứ Nam kỳ bùng nổ đêm 22 rạng ngày 23/11/1940, dài đến năm 1941, 1942, thực dân Pháp đã dựng nên ở Ngã Ba Giồng 1 trường bắn để sát hại rất nhiều đồng bào, đồng chí kiên cường, lỗi lạc của Đảng ta như cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ, ủy viên Trung ương Đảng Phan Đăng Lưu… Trong Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng 8/1945, Ngã Ba Giồng là nơi hẹn gặp của những đồng bào yêu nước dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng, kéo về tham gia giành lại chính quyền ở Hóc Môn, sau đó nhập với các đoàn Thanh niên Tiền phong, Thanh niên Giải phóng kéo về hưởng ứng mitting ra mắt Chính quyền cách mạng ở Sài Gòn, Gia Định vào sáng sớm ngày 25/8/1945.
Thời kháng chiến chống Pháp 9 năm (1945- 1954), nơi đây từng là chiến trường hoạt động qua lại tập kích, đánh giặc vang lừng chiến công của các chiến sĩ Đại đội 306 thuộc Giải phóng quân liên quận Hóc Môn- Bà Điểm- Đức Hòa, dưới sự lãnh đạo của Ông Tô Ký, sau này là Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Hình ảnh có liên quan
Riêng mảnh đất Hóc Môn và Củ Chi đã có biết bao người con ưu tú ở mọi miền đất nước đã hi sinh, được nhân dân và chính quyền ghi công, thờ tự.
Thời chống Mỹ cứu nước, vùng đất Ngã Ba Giồng gắn liền với những chiến công của quân và dân xã anh hùng Xuân Thới Thượng, của Trung đoàn Quyết Thắng (Trung đoàn Gia Định)… Đây cũng là một hướng cửa ngõ phía Tây Bắc ra vào thành phố, là địa bàn tranh chấp, xen cài, chiến đấu quyết liệt giữa địch và ta, nhất là trong các năm Đồng Khởi 1960, 1961; 1965; tổng tấn công Mậu Thân 1968; mùa hè 1972; chiến dịch Hồ Chí Minh 1975… nhằm nắm quyền kiểm soát chiến trường vùng ven. Sau 30/4/1975, Ngã Ba Giồng trở về là vùng đất thanh bình, khát khao đựợc phục dựng, hồi sinh sau chiến tranh. Tuy nhiên, do là vùng đất giồng bị hoang hóa trong suốt thời gian dài. Chung quanh thế đất thấp trũng, nhiễm phèn khá nặng, nên năng suất trồng trọt không cao. Cần có thời gian đầu tư thủy lợi, tháo chua rửa phèn, chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, giá trị kinh tế cao, kết hợp phát triển ngành nghề thương mại, dịch vụ, nâng cao đời sống người dân, đem lại bộ mặt xanh tươi, trù phú, đổi mới hoàn toàn vùng đất giàu truyền thống cách mạng, mang hồn linh thiêng của Dân tộc hùng anh.
Ngã Ba Giồng – nơi ghi dấu lịch sử oai hùng - Báo Công an Nhân dân điện tử
Thời chống Mỹ cứu nước, vùng đất Ngã Ba Giồng gắn liền với những chiến công của quân và dân xã anh hùng Xuân Thới Thượng, của Trung đoàn Quyết Thắng
Đến với Khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng ngày nay, hãy cảm nhận những giá trị tinh thần, thông qua cụm tượng đài Bất khuất, Chiến sĩ khuyết danh trân trọng thành kính trước những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trái tim, khối óc cuộc đời vì Độc lập, tự do cho Tổ quốc. Đứng trước phù điêu tái hiện cách điệu hàng cọc bắn, người ra đi trong tư thế ngẫng đầu, thấy tội ác quân thù để luôn cảnh giác tội ác chiến tranh xâm lược. Đến Quảng trường, đài nước lung linh trước khu Đền Chính, hãy dừng chân đọc bản Văn bia của giáo sư Vũ Khiêu để thấy được hành trình gian lao mà vĩ đại của bao thế hệ anh hùng trên quê hương Hóc Môn, Bà Điểm hơn 300 năm qua. Vào Nhà trưng bày truyền thống để bồi hồi nhớ lại cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ trên đất Hóc Môn, cùng 18 tỉnh, thành Nam bộ đêm 22 rạng ngày 23/11/1940. Đừng quên dạo quanh những con đường Trúc vàng, ghé đến Hồ sen, tham quan mô hình Vườn trầu hàng cau, thả hồn về với nét đẹp quê hương 18 thôn Vườn trầu ngày xưa để thấy tâm hồn luôn thanh tân, tươi trẻ. Lưu ý, đến với Khu TNLS Ngã Ba Giồng, bạn hãy đi từ cổng chính phía Tây, ngay đỉnh khu tam giác xanh, bắt đầu đường Phan Văn Hớn hướng về khu Đền Chính ở hướng Đông, để cảm nhận cội nguồn từng sự vật nơi đây. Chúc Khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng luôn được chăm sóc, tôn tạo, trở thành một điểm hẹn tâm linh, điểm hẹn văn hóa đặc sắc trên quê hương Hóc Môn, Bà Điểm.
NGUYÊN PHONG