VĂN HÓA ĐÌNH LÀNG – Giáo sư Nguyễn Đăng Thục

Cơ cấu tổ chức căn bản của xã hội nông dân Việt Nam là cái Làng do
chữ Lang là bộ lạc cổ xưa để lại. Lang vốn là một thị tộc, góp thị tộc
lại thành Làng. Làng là đơn vị xã hội công cộng nguyên thủy sót lại, cho
nên nguyên tắc tổ chức căn cứ vào tinh thần dân chủ công cộng nguyên
thuỷ.

Trong làng ấy, tất cả sinh hoạt tinh thần và vật chất công cộng đều
tập trung chung quanh cái “nhà chung” gọi là Đình làng, hay là cái Đình.
Cái Đình trong tâm hồn nông dân có một hình ảnh thân mật, một ý nghĩa
linh động như thế nào, thì chỉ xem như nó phản chiếu qua những câu ca
dao sau đây đủ biết:
Đêm qua tát nứơc đầu Đình
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen
Em được thì cho anh xin
Hay là em để làm tin trong nhà…
Lại như:
Trúc xinh trúc mọc đầu Đình
Em xinh em đứng một mình cũng xinh.
Đã thấy hình ảnh cái Đình đã in sâu trong tâm khảm người nông dân
Việt, luôn luôn được nhắc nhở đến. Các nhà văn hóa Pháp trước đây đã sớm
nhận thấy, như P.Giran viết:
“Cái Đình là nơi thờ thần bảo hộ mỗi làng, chính là trung tâm đời
sống công cộng của đoàn thể; chính ở đấy có những hội đồng kỳ mục, chính
ở tại đấy họ giải quyết các vấn đề hành chính và tư pháp nội bộ; chính ở
tại đấy có những cuộc tế lễ, tóm lại tất cả hành vi sinh hoạt xã hội
Việt Nam đều diễn ra ở đây.
“Thần bảo hộ hay Thành hoàng đại biểu linh động tổng số những kỷ niệm
chung, những nguyện vọng chung. Ngài hiện thân cho tục lệ, luân lý và
đồng thời sự thưởng phạt trừng giới; chính Ngài thưởng phạt khi nào dân
làng có người phạm lệ hay tôn trong lệ làng. Sau cùng Ngài còn là hiện
thân đại diện cho cái quyền tối cao bắt nguồn và lấy hiệu lực ở chính xã
hội nhân quần. Hơn nữa Ngài còn là môi giới của tất cả phần tử của đoàn
thể, Ngài kết thành khối, như là một thứ nhân cách tinh thần mà tất cả
thuộc tính cốt yếu đều có thấy ở mỗi cá nhân” (P.Giran, Magie et
religions Annamites, 1918 trang 334-335).
Và J.Y.Claeys cũng viết: “Chắc hẳn qua cái Đình người ta có thể
nghiên cứu chắc chắn hơn cả về những tập tục nhiều khi rất phức tạp,
thường là cảm động; luôn luôn mới lạ, biểu lộ đặc trưng đời sống tinh
thần của xã thôn Việt Nam”. (J.Y.Claeys, Introduction à l’étude l’Annam
et du Champa, Hanoi 1934)
Vậy Đình là linh hồn của Làng, hưng thịnh cũng vì hướng Đình, suy bại
cũng vì hướng Đình. Muốn biết vận mệnh của một Làng, kẻ hay người dở,
tính tình nhân sự của nó hãy còn hướng Đình. Đủ biết vai trò của Đình
trọng đại đối với dân làng đến thế nào. Chung quanh Đình là Chùa thờ
Phật, là Văn chỉ thờ chư hiền Nho giáo, xa xa là Điện là Miếu thờ chư vị
lão giáo. Duy Đình thờ Thành hoàng của làng là tín ngưỡng chung bắt
buộc tất cả dân làng. Đủ tỏ Thần đạo là tôn giáo chính, bản lai của dân
tộc. Vậy Đình trước hết là nơi thờ tự Thành hoàng, vị thần chung của
toàn thể dân làng tín ngưỡng chung thờ, ngoài tín ngưỡng cá nhân riêng
hoặc Phật giáo hoặc tín đồ Phật tử, hoặc Lão giáo hoặc tín đồ Vật linh,
Chư vị, Thần tiên, hoặc Nho giáo của tín độ Văn học, Tư văn. Thần đạo
mới là công giáo của một làng vậy. Thứ đến Đình còn là nơi hội họp việc
làng, bầu cử ngôi thứ trong ban kỳ mục để cai quản tất cả công việc
chung, từ việc sinh tử giá thú của cá nhân, cho đến việc phạt tạ, xử án
vi cảnh. Bảo vệ thuần phong mỹ tục của đoàn thể, việc an ninh trật tự
đến việc phân chia điền địa hoa màu. Tóm lại Đình là một công sở của
làng như tòa đô sảnh của một đô thị ngày nay.
Đình còn là nơi hội hè, sau khi tế lễ, các đại biểu của làng từ đàn
anh đến đàn em ăn uống, chia phần lộc thánh có ý nghĩa thiêng liêng vì
“một miếng ở làng còn hơn một sàng xó bếp”.
Sau khi ăn uống rồi, thường có các cuộc biểu diễn văn nghệ bình dân,
ca hát, đánh cờ, đánh bạc tất cả các trò tiêu khiển tập thể của nông
dân. Ngày thường, sân Đình còn là nơi họp chợ làng, hành lang có khi
dùng làm trường học làng, Đình trung còn là nơi nghỉ chân của vua quan
triều đình đi tuần thú dừng chân v.v…
Nay hãy tuần tự xét cứu các phương diện văn hóa dân tộc của Đình làng như sau:
NGUYÊN LAI CỦA ĐÌNH LÀNG
Cũng như chữ Làng do danh từ Lang cổ xưa để lại, Đình là cái nhà thờ
tổ chung cho các thị tộc cũng phải có từ thời cổ xưa, như chúng ta vẫn
thấy hiện nay ở các nhóm đồng bào miền núi, gọi là Mường hay đồng bào
Thượng, dòng dõi Việt Nam cổ thuộc thời chủng tộc Anh-đô-nê-diêng,
Mã-lai-nê-diêng. Theo Nguyễn Văn Huyên nghiên cứu về kiểu nhà sàn cao
cẳng ở Đông Nam Á châu (Introduction à l’étude des maisons sur pilotis
dans l’Asie du S.E 1934), kết luận về kiến trúc Đình Yên sở cho là giống
hệt với kiến trúc nhà cửa dân Minangkabas đảo Sumatra.
L.Bezacier trường Viễn Đông Bác Cổ viết về cái Đình rằng:
“Cái Đình với cái Chùa là một trong những kiến trúc nhiều ý nghĩa
nhất ở Bắc Việt. Nguyên lai của nó chưa rõ lắm. Có khi muốn cho là ở
Tàu. Sách Ying Tsao fa che nói rằng kiến trúc ấy có ở bên Tàu từ thời
Hán. Đình là một nơi yên cư của dân. Chữ Đình nghĩa là dừng chân hay ở
lại, phán xét hay xếp đặt.
Như thế chẳng chứng minh gì về nguyên lai Tàu cả, chúng ta có khuynh hướng tin rằng nguyên lai của nó là Anh-đô-nê-diêng.
Nên để ý rằng đấy là cái kiến trúc độc nhất của Việt Nam xây dựng
trên cột. Chúng ta không thấy có sử kiện nào khác với nguyên tắc ấy. Ở
Tàu, phương pháp kiến trúc ấy hình như người ta không biết. Và cái Đình
của Tàu thì xây dựng ngay trên mặt đất. Trái lại tất cả kiến trúc
Anh-đô-nê-diêng đều xây trên cột. Hơn nữa chúng ta thấy ở tất cả dân tộc
Anh-đô-nê-diêng gồm cả dân Mọi, kiểu nhà chung trên cột là nơi để hành
khách dừng chân yên nghỉ theo nghĩa đen của chữ Đình.
Chúng ta cũng lại thấy lối kiến trúc ấy trên mặt trống đồng Đông Sơn.
Kiểu mẫu rõ ràng là Anh-đô-nê-diêng như ông Goloubew đã chứng minh, cho
đến khi nào có thêm tài liệu khác. Hiện nay kiến trúc này như đã đem
vào Tàu do tay các nhà chinh phục đời Hán, khi dân Hán đô hộ phương Nam
nước Tàu với Bắc Việt ở những thế kỷ đầu kỷ nguyên.
Vả lại đấy không phải một ảnh hưởng Việt Nam hay Anh-đô-nê-diêng độc nhất mà chúng ta nhận thấy ở các kiến trúc Tàu.”
(L.Bezacier, Essais sur l’art Annamite, 1944)
Vậy kiểu mẫu kiến trúc Đình làng phải tìm nguyên lai ở văn hóa Đông
Sơn trên đặc trưng kỹ thuật trống đồng hay Đồng Cổ. Và như các nhà khảo
cổ đã chứng minh, văn h1oa Đông Sơn Trống đồng có trước khi văn hóa
Trung Hoa của Hán tộc tràn xuống miền Nam nước Tàu, vượt dãy Ngũ lĩnh du
nhập vào cõi đất Lĩnh Nam gồm Phiêu Ngung (Quảng Châu ngày nay) Giao
Chỉ (Bắc Việt) Nhật Nam (Bắc Trung Việt).
Ông Nguyễn Văn Khoan có tả đặc chất một ngôi Đình như sau:
“Đình là đền thờ Thành hoàng làng. Đình được xây cất ở một nơi hơi xa
cách với nhà ở. Nó thường gồm một bộ những gian nhà khá rộng có thể
chứa được bàn thờ thần, đồ thờ, và chỗ để cho nhân dân đến hội họp trong
những ngày lễ.
Nói chung, Đình trước hết gồm có một tòa nhà hình chữ Đinh T ngược,
mà đường chính giữa dựng ngược là cung điện còn đường ngang là nhà tế.
Gian ấy gọi là hậu cung hay đình trong. Trước mặt có một gian nhà khác.
Gần dài như gian hậu cung độ 3, 5 hay 7 hàng cột tuỳ theo từng làng giàu
hay nghèo. Chính gian này gọi là Tiền tế hay Đình ngoài mà các kỳ mục
mặc áo thụng xanh làm lễ thần vào ngày lễ chính thức. Giữa hậu cung và
Tiền tế có một cái sân ngăn cách.
Kế nhà Tiền tế, ở đàng trước có hai hàng nhà dọc xây ở bên trái và
bên phải đối diện nhau, đấy là 2 bên hành lang. Chúng dài chừng 3 đến 7
hàng cột, có khi nhiều hơn. Chính ở tại hai bên hành lang ấy người ta
sửa soạn việc tế lễ, nào là đồ sính tế trâu, bò, lợn, gà và xôi cúng,
cùng là dọn cỗ bàn ăn ở Đình.
Sân Đình có thể có cửa ba cánh đồ sộ đóng lại giữa khoảng đầu hồi hai
hành lang. Thường thì sân Đình bỏ ngỏ cửa ra vào chỉ có bốn cột xây, có
khi nối với nhau bằng những bức tường.
Trong hậu cung có bàn thờ thần, hoặc là tượng hay thói thường là một
cái Ngai hay Ỷ, phủ lụa đỏ hay vàng, ở trên đặt một chiếc mũ quan và đôi
ủng. Linh hồn hay vía thần được biểu hiệu bằng sắc phong của nhà vua,
mà người ta dựng trong hôm sắc sơn son thiếp vàng. Hậu cung luôn luôn
đóng kín ngày thường ngăn cách với gian Tiến tế bằng những cánh cửa đặc
hay lủng, chỉ được mở vào ngày lễ. Vì thế mới gọi hậu cung là cung cấm,
chỉ có người kỳ mục làm chức cai đám hay tế đám với ngừơi thủ từ có
quyền ra vào mà thôi.
Ở khoảng hàng cột chính giữa gian tiền tế và ngay trước mặt hậu cung
có dựng cái hương án bằng gỗ trạm và sơn, ở trên mặt có bầy đồ thờ:
những đỉnh trầm, cây nến, đèn treo, ống bình nhang, bình cắm hoa, cờ
quạt, lộ bộ và bát bửu. (Bát bửu: đàn sáo, lẵng hoa, thư kiếm, bầu rượu,
túi thơ, thơ, bút, khánh, quạt).
Ở các gian giữa các hàng cột khác, đất được kê cao lên thành một cái
bục sàn bằng gỗ hay nền xây. Trên nền ấy có trải chiếu, các vị bô lão
đứng với kỳ mục vào những ngày lễ và hội đồng.
Ở gian Tiền tế cũng thế: gian hàng cột giữa dành cho việc thờ cúng
nghi lễ. Trên các bục là các ngừơi không thuộc hạng bô lão và kỳ mục
đứng dự lễ.
Trong các Đình thờ nam thần thường thấy có một con ngựa gỗ sơn đỏ hay
trắng kích thước bằng ngựa thật, đặt trên cái thùng gỗ có bánh xe. Nó
được đặt ở một trong các gian trên, hay ở một gian riêng biệt của nó.
Khi nào Đình thờ nữ thần thì con ngựa kia được thay thế bằng cái võng
gai điều mắc vào đòn trạm trồng ở hai đầu. Cái đòn ấy đặt trên cái giá
ba gian chéo, lợp mái tre đan theo hình mai rùa.
Ngày lễ lớn, ngựa được đóng yên cương rực rỡ, cáng được kết lụa và phủ màn the màu.
Ở trong ấy ngụ có linh hồn thần linh. Người ta rước ra khỏi Đình
trong cuộc rước long trọng đi theo xe thần, ngựa được giắt đi bằng dây
lụa, võng cáng được các cô con gái đồng trinh khiêng.
Xe của thần tức là kiệu cũng thuộc vào bộ đồ lễ là một cái ngai hay
long đình làm bằng gỗ trạm và sơn son thiếp vàng. Có từ 8, 12 đến 16
người đàn ông khiêng trên cái khung chữ nhật bằng gỗ trạm rồng, sơn son
thiếp vàng do các đòn hợp thành. Đấy là yếu tố chính trong cuộc rước.
(Nguyễn Văn Khoan, Essai sur le Đình, BEFEO, t.30 p.107-139)
ĐÌNH VỚI TÍN NGƯỠNG NÔNG DÂN VIỆT NAM.
“Thần Đạo”
Đình là trung tâm tín ngữơng của làng, điều ấy đã hiển nhiên. Nhưng
tín ngưỡng ấy là tín ngưỡng gì, như thế nào, từ đâu xuất hiện, đấy là
những vấn đề quan hệ mật thiết đến văn hóa của một nhóm người sống thành
đoàn thể. Nguyễn Văn Huyên, sau khi đã nghiên cứu công phu về các hội
hè ở Đình làng như (Les fêtes de Phù Đổng – Hanoi 1948, Chants et danses
d’Ailao aux fêtes de Phù Đổng (Bắc Ninh) trong BEFEO, t.39;
Contribution à l’étude d’un génie tutilaire annamite Li Phuc Man trong
BEFEO t.38) có kết luận về cái loại tôn giáo Đình làng đối với nông dân
Việt như sau:
“Tất cả làng tham gia vào đấy (các hội tế lễ ở Đình Làng) trong hạnh
phúc cũng như trong đau khổ. Tín ngưỡng ấy được truyền tụng chắc hẳn
không có chi thay đổi trải hàng mấy thế kỷ. Tất cả năng lực hoạt động
của đoàn thể công xã đều tập trung vào đấy và tan biến vào đấy. Những
năng lực ấy đã đem cho sự sùng bái kia một khuôn khổ tổ chức vững chắc
hơn cả khuôn tổ chức của một tôn giáo thông thường”. (Nguyễn Văn Huyên,
La civilisation annamite, Hanoi 1944)
Sau khi thiết lập phả đồ lịch sử các Đình thờ Thành hoàng làng kể từ
thời tiền sử Việt Nam, ông Nguyễn Văn Huyên đã rút ra một kết luận về
duy cách xa xăm của tôn giáo xã thôn. Ông viết: “Người ta có thể giả
thuyết rằng những miền thờ các vị thần ấy đều là những đất chiếm cứ đầu
tiên bởi ngừơi Việt đi từ phương Bắc xuống hay từ bờ biển lên để tìm đất
phù sa màu mỡ. Cái giả thuyết ấy được chứng nhận bằng những di tích
lịch sử cổ xưa người ta có thể khám phá ở các địa hạt như Phú Thọ, Vĩnh
Yên trước hết. Ninh Bình, Bắc Ninh về sau với đền thờ các vua chúa quốc
tộc đầu tiên như Hùng Vương (Phú Thọ), lăng Thái Phú Sĩ Vương (Bắc
Ninh), nhà mồ Nghi Vệ (Bắc Ninh), chùa Khám hay Ngọc khám (Bắc Ninh),
Bút Tháp (Bắc Ninh), Khương Tự (Bắc Ninh), thành Cổ Loa (Vĩnh Yên), động
Hoa Lư (Ninh Bình), đấy là sào huyệt đầu tiên của người Việt.” (Nguyễn
Văn Huyên, Etude d’un génie tutilais Annamite p.15-16 BEFEO 1939)
Như thế đủ tỏ cái tục sùng bái Thành hoàng hay là Thần đạo vốn là một
tín ngưỡng cố hữu của dân tộc vậy. Nay hãy theo ông Nguyễn Văn Khoan
trong khảo luận “Essai sur le Đình et le culte du génie tutilaire des
villages au Tonkin. BEFEO t.30 p.107-139” để định vị trí cho những tục
sùng bái ở Đình trong toàn bộ hệ thống tín ngưỡng của người Việt, hết
sức phức tạp. Người Việt sùng bái Trời Đất, Thần linh trong ấy, Phật,
vong hồn, anh hùng và danh nhân. Ông khoan phân ra làm ba nhóm các loại
sùng bái:
Nhóm thứ nhất gồm:
– Sùng bái chính thức: thờ Trời Đất, Thần Nông, Khổng Tử
– Sùng bái nông thôn: thờ Thành hoàng làng, thổ thần, Phật.
– Sùng bái gia đình: thờ Tổ tiên, ông Táo quân.
Những sự thờ cúng ấy là phổ thông thường xuyên, có những ngày lễ nhất
định. Chủ lễ do nhà nước hay đoàn thể chỉ định: Quan lại và kỳ mục
trong làng tế Trời Đất, Thần nông, Thành hoàng. Sư vãi lễ Phật, trưởng
tộc hay gia trưởng lễ tổ tiên. Đền được xây cất và giữ gìn với tiền của
chính phủ khi nào thuộc về sùng bái quốc gia như Văn miếu, xã tắc, tịch
điền. Nếu là sùng bái nông thôn thì quỹ làng phải đài thọ.
Các ngày lễ đã chỉ định ở trong “Khâm định đại nam hội diễn sử lệ”
đối với sùng bái chính thức, và đối với sùng bái nông thôn đã có lệ làng
quyết định. Sùng bái tổ tiên thì do sách “Gia lệ” của Chu Hy quy định,
trong đã có một chương dành cho sùng bái táo quân. Thí dụ ngày lễ Khổng
Tử mỗi năm 2 lần, ngày đinh đầu xuân và thu, còn ngày lễ thần làng là
ngày huý kỵ trong tiểu sử của Thần, đản nhật hay tử nhật, hay một ngày
nào khác tuỳ theo lệ làng.
Lễ nghi rất tỉ mỉ, và nếu ai làm sai tục lệ thì sẽ bị thánh phạt hay làng phạt.
Nhóm thứ hai gồm:
Những sùng bái bình dân: sùng bái vong hồn, thần linh chư vị nghĩa là
tất cả thần linh nhiều vô kể theo hầu Liễu Hạnh thánh Mẫu hay các tướng
tá của Trần Hưng Đạo thánh Phụ, tóm lại tất cả thần linh có ảnh hưởng
vào đời sống của người.
Có ba loại sùng bái bình dân chính được quần chúng tin mộ là sùng bái
chư vị, tướng tá của Thánh Trần và thần các quan của pháp sư.
Có nhiều loại kiến trúc dùng vào việc thờ cúng trên đây ở Bắc Việt.
Người ta gặp thấy khắp nơi, trong làng, giữa đồng ruộng, bên đường, với
diện tích quy mô lớn nhỏ khác nhau kể từ dinh thự rộng lớn có vườn tược
cổ kính cho đến những ổ con con trên cành cây hay những nền gạch bệ xây
góc đường. Mỗi thứ kiến trúc ấy mang một tên khác nhau tuỳ theo với vị
thần được thờ cúng như:
Đình làng là nhà làng ở trong có bàn thờ một hay nhiều vị Thành hoàng
hay thần bảo trợ làng. Đền là một cung điện của cả nước hay của một địa
phương, một xứ, quy mô lớn rộng dựng lên để kỷ niệm một ông vua, vị
thần hay một danh nhân lịch sử có công ơn với dân với nước. Đền thờ phụ
nữ thì gọi là Phủ, như Phủ Giày thờ Liễu Hạnh ở Nam Định chẳng hạn.
Chùa là một cung điện thờ Phật có nhiều tòa nhà gạch với tường, tháp,
nhà thất cho sư tiểu. Chùa nhỏ ở nơi hẻo lánh chân núi hay cửa rừng
thường gọi là Am. Ngừơi ta hay xây Am ở bên cạnh nghĩa địa để thờ vong
hồn, gọi là chùa Âm hồn hay Am chúng sinh.
Miếu là một cái cung nhỏ, có khi chỉ có mấy cái bệ trên một nền gạch ở
giữa đồng, dứơi gốc cây để thờ thần canh nông thổ thần hay nhân vật bất
đắc kỳ tử.
Điện là một cái đền nhỏ thờ quan binh hầu đức Thánh Trần Hưng Đạo, hay thờ các quan âm binh của pháp sư.
Tĩnh để thờ chưa vị thì thường cũng như cái điện nhỏ của tư nhân.
Cây hương hay cây Nhang là một cái nóc con hay bệ xây dứơi mái nhà,
hoặc ở trước sân nhà, hay trong vườn để thờ thần sao của chủ nhà. Văn
miếu là một ngôi đền thờ Khổng Tử với chư hiền đệ tử của Ngài, xây dựng ở
các tỉnh lỵ. Đấy là đền Văn học. Ở phủ huyện thì gọi là Văn chỉ. Ở
tổng, xã thì gọi là Từ chỉ.
Ngoài ra ở thời vua chúa, còn có nền Nam giáo, nền xã tắc, nền Tịch
điền. Vọng hay Hành cung nữa, để cho vua quan làm lễ Thiên Địa, Ruộng
đất hay bái vọng vào triều đình.
HỘI HÈ ĐÌNH ĐÁM
Phương ngôn nói “đình đám người mẹ con ta” đủ tỏ sự chú ý của nhân
dân trong làng vào việc đình đám hội hè của mỗi làng cùng nhau chia sẻ
nỗi vui buồn sướng khổ của đoàn thể làng chung quanh cái Đình.
Các hội hè tế lễ ở Đình tỏ lòng tín ngưỡng đối với Thành hoàng của làng được định lệ như sau:
Vào ngày 1 (sóc) và 15 (vọng) mỗi tháng. Ngoài ra còn có xuân tế vào
ngày đinh đầu tháng 2, và thu tế vào ngày đình đầu tháng 8. Lễ hạ điền
khi cấy lúa, thượng điền khi cấy xong, lễ thượng tân dâng lúa mới vào
tháng 9, lễ thượng nguyên vào 15 tháng giêng hàng năm, cũng gọi là lễ kỳ
yên, lễ trung nguyên vào 15 tháng 7 là lễ xá tội vong linh của nhà chùa
mà dân làng đã phụ họa vào cả cho Đình, lễ động thổ hay khai ấn vào 7
tháng giêng bắt đầu các công việc làm ăn. Vào dịp tết 3 tháng 3 hay hàn
thực (ăn nguội), tết 5 tháng 5, tết 15 tháng 8 hay trung thu, lễ lạp
tiết vào 2 tháng 12 là lễ hết năm…
Vào những ngày lễ ấy đều có cúng thần ở Đình. Ngoài ra còn những lễ
bất thường như sinh tử giá thú khao vọng của cá nhân trong làng.
Trên Đình có thứ tự giữ việc đèn nhang quanh năm, cũng gọi là cai
đám. Ngày lễ trọng đại nhất trong năm là vào đám hay vào hội, thường vào
mùa xuân hay mùa thu, nhân dịp kỷ niệm vị Thành hoàng.
Tháng giêng ăn tết ở nhà
Tháng hai cờ bạc
Tháng ba hội hè
Hội hè là nói về hội hè đình đám của dân làng. Trong năm vào hội ấy, 5
hay 10 ngày trước khi mở hội, người ta phải trai giới, tẩy uế.
Suốt trong ngày hội, hàng ngày có tế lễ trên Đình như tế Thần và rước
sách linh đình, cỗ bàn cờ quạt, hát xướng cả trò giải trí công cộng
được phô diễn trình bày, nào hát bội, hát chèo, đánh vợt, chọi gà, đánh
cờ, thi đua đủ thứ…
Làng ta mở hội vui mừng
Chuông kêu, trống đóng vang lừng đôi bên
Lòng ngai thánh ngự ở trên
Tả văn, hữu vũ bốn bên rồng chầu
Sinh ra nam tử công hầu
Sinh ra con gái vào chầu thánh quân.
(Ca dao)
TẾ LỄ, HÌNH THỨC THỜ PHỤNG
Nghi lễ thờ phụng trong thần đạo ở đình làng có hai loại: lễ thường và đại lễ hay tế, khác nhau về số lạy và tuần rượu.
Trong lễ thường thì đồ cúng đặt trên bàn thờ, người thủ từ hay cai
đám đốt nhang, lạy bốn lạy để nghênh thần, rồi quỳ xuống, chắp tay vòng
cánh tay đưa lên ngang trán theo kiểu khấn. Trong khi ấy, một ngừơi phụ
tá rót rượu lần thứ nhất vào 3 cái ly trên bàn thờ, người phụ tá thứ hai
đọc lời khấn, khấn xong lại rót rượu lần thứ hai. Chủ sự đứng lên, lễ
hai lễ, người ta lại rót rượu lần thứ ba. Chủ sự lễ bốn lễ gọi là lễ tạ,
người ta hóa tờ văn khấn, và lễ tất. Hai người phụ tế đến lễ bốn trước
bàn thờ. Trong khi lễn, âm nhạc chỉ thu lại có hồi chiêng hồi trống
thôi.
Đại lễ hay tế đình đòi sự công tác của nhiều kỳ mục:1 chủ tế, 1 bồi
tế, 1 đông xướng, 1 tây xướng, nhiều chấp sự từ 2 người trở lên. Tất cả
đều phải mặc áo thụng xanh, đội mũ tế, đi hài, quan thì đội mũ cánh
chuồn, đi hia, mặc áo trào, tay cầm hốt, có 3 hàng chiếu trải trước bàn
thờ, cái nọ sau cái kia. Chiếu thứ nhất liền với bàn thờ, người ta dâng
rượu và khấn; chiếu thứ hai để ẩm phúc; chiếu thứ ba là chính chỗ đứng
của chủ tế mỗi khi hành lễ ở hai chiếu trên xong. Bồi tế luôn luôn theo
sau chủ tế, và chấp sự thì đứng thành hai hàng bên phải và bên trái.
Xướng tế cũng đứng hai bên chủ tế ở đàng trước mặt. Tất cả cử động của
chủ tế, bồi tế, chấp sự trong khi tế đều do đông xướng hô to lên và tây
xướng nhắc lại.
Trước hết đông xướng hô:
1) Khởi chinh cổ tức là nổi chiêng trống lên! Tức thì có 3 hồi chiêng trống bắt đầu chậm rãi để rồi đổ hồi.
2) Cử nhạc: phường bát âm cử hành.
Sau đấy bắt đầu vào các trình tự hành lễ, vẫn theo lời xướng như sau:
a. Cử sát tế vật: xem lại đồ tế, hai người chấp sự cầm nến theo chân chủ tế giúp làm việc ấy.
b. Ế mao huyết: chôn lông và máu sinh tế.
c. Chấp sự giả các tư kỳ sự: các chấp sự viên sửa soạn, ai nấy đứng vào chỗ.
d. Tế quan dữ chấp sự quan các nghệ quán tẩy sở chấp sự viên và chủ tế đến chỗ rửa tay.
đ. Quán tẩy: rửa tay. Họ rửa tay vào cái chậu nước bưng đến.
e. Thuế câu: lau tay vào cái khăn tay đỏ.
g. Bồi tế quan tựu vị: các bồi tế trở về chỗ chiếu hàng thứ ba, xếp hàng trông vào bàn thờ.
h. Tế quan tựu vĩ: chủ tế về chỗ đứng ở giữa chiếu thứ ba trứơc hàng bồi tế.
i. Thượng hưởng: Dâng nhang, một chấp sự viên đem nhang trầm, một
người đem đỉnh trầm cho chủ tế đốt lên, giơ lên trước mặt rồi trao cho
chấp sự viên đem đặt trên bàn thờ.
k. Nghênh thần cúc cung bái: lạy để tiếp nhận thần, chủ tế và bồi tế lễ bốn lễ, theo lời xướng.
l. Hương: đứng lên
m. Bình thân: thẳng người chỉnh tề.
n. Hành sơ hiến lễ: dâng lễ rượu lần thứ nhất.
p. Nghệ tửu tôn sở: bò đến chỗ để rượu, chủ tế đến bàn rượu.
q. Tư tôn giá cử mịch: người hầu rượu này cất khăn phủ bàn rượu đi.
r. Trước tửu: chủ tế rót rượu vào chén.
s. Nghệ đại vương thần vị tiền: chủ tế đến chiếu thứ nhất, hai chấp
sự viên cầm bầu rượu và đài chén cùng đến đấy để dâng rượu tế thần.
t. Quị: chủ tế quỳ xuống giữa chiếu thứ nhất, chấp sự quỳ hai bên chầu vào chủ tế.
u. Tiến tước: chấp sự bưng chén đến cho chủ tế, chủ tế cầm lấy dâng lên ngang mây, rồi trả lại cho chấp sự.
v. Hiến tước: chấp sự bưng bầu rượu và khay chén rượu lên bàn thờ, người thủ từ đỡ lấy đặt vào bàn thờ.
x. Phủ phục: chủ tế lễ rạp xuống.
y. Hương: chủ tế đứng lên.
1. Bình thân: chủ tế đứng thẳng tề chỉnh.
2. Phục vị: chủ tế trở lại chỗ cũ chiếu thứ ba
3. Độc chúc: đọc văn tế, do một ngừơi bưng bài văn tế để trên cái giá đến trước mặt chủ tế.
4. Nghệ độc chúc vị: chủ tế trở lại chiếu thứ nhất. Người lý tưởng hay tư văn chuyên đọc văn tế đến bên trái chủ tế.
5. Đại quỵ: tất cả chủ tế, bồi tế, độc giả đều quỳ.
6. Chuyển chúc: người bưng giá văn đặt xuống bên trái chủ tế và bắt đầu đọc văn tế.
7. Phủ phục: chủ tế và bồi tế cùng lạy hai lễ theo lời xướng ngôn.
8. Hương: đứng lên.
9. Bình thân: đứng ngay ngắn.
10. Phục vị: chủ tế trở về chỗ cũ chiếu thứ ba, thế là xong tuần rượu thứ nhất.
11. Hành á hiến lễ: lại cử hành tuần rượu thứ hai bắt đầu từ “Nghệ tửu tôn sơ” đến “Phục vị”.
12. Hành chung hiến lễ: lại cử hành tuần thứ ba cũng như trên.
Sau ba tuần tiến rượu, đến phút trịnh trọng nhất của buổi lễ là đại
biểu của làng (cai đám) tiếp nhận trực tiếp ân đức của thần bằng cách ăn
một miếng đồ cúng trên bàn thờ, ấy là lúc tham thông giữ y với Thành
hoàng làng.
13. Ẩm phúc: uống phúc, một chén rượu và ăn miếng trầu cúng trên bàn thờ.
14. Nghê ẩm phúc vị: chủ tế đến giữa chiếu thứ hai để uống phúc thần ban.
15. Quỵ: chủ tề quỳ xuống
16. Ẩm phúc: chủ tế uống chén rượu cúng.
17. Thụ tộ: nhận miếng thịt phần. Thịt phần có khi thay bằng miếng trầu.
18. Phủ phục: lễ hai lễ để tạ thần.
19. Hương: đứng lên.
20. Bình thân: đứng thẳng.
21. Phục vị: trở lại chỗ cũ, hàng chiếu thứ ba.
22. Lễ từ cúc cung bái: chủ tế và bồi tế lễ bốn lễ để tạ thần, theo lời xướng.
23. Hương: đứng lên.
1. Bình thân: đứng ngay ngắn.
2. Phần chúc: đốt tờ văn tế.
3. Lễ tất: tế xong.
Dân làng lần lượt vào lễ bốn lễ.
Trong suốt buổi tế, âm nhạc nổi lên, gồm có chiêng trống, kèn, trống
con, và phường bát âm: sênh tiêu, đàn nguyệt, đàn tằm, đàn nhị, sáo
trống bốc một mặt, tiu và cảnh).
Trên đây là hình thức tín ngưỡng Thần đạo trong ấy chúng ta đã nhận
thấy cái điểm chính này là tinh thần tham thông giữa Thành hoàng với đại
biểu của đoàn thể, tham thông trực tiếp cụ thể bằng sự ẩm phúc cụ thể
trong buổi tế, còn về sau thì các phần tử làng chia nhau phần cúng thần.
Cho nên mới có phương ngôn:
Một miếng ở làng bằng một sàng xó bếp.
Vì “một” miếng ở làng là phần lộc thánh, không phải miếng ăn vật chất
mà là cái phần thánh linh có tính chất tâm linh siêu nhiên nuôi dưỡng
đời sống tinh thần. Do đấy mà thần Thành hoàng được lấy làm tiêu chuẩn
tối cao của đoàn thể để quyết định giá trị, ngôi thứ trong làng vậy.
Ngôi quý trọng nhất dĩ nhiên, căn cứ theo hàng tế tự gần hay xa thần
Thành hoàng, ấy là ngôi chủ tế hay Tế đám. Ông đứng đầu hàng 12 quan
viên, có quyền quyết định ưu tiên về tất cả việc làng trừ việc vi cảnh,
công dịch, và giao dịch với chính quyền trung ương. Ông được hỏi về chi
thu của làng và là đại biểu của làng với thần Thành hoàng.
Dân đinh trong một làng có đẳng cấp:
Trước hết là các cụ hay bô lão trong làng, gồm những vị đến tuổi nào
được miễn dịch, dự vào tế tự và chiếu hương ẩm không phải lý gì đến việc
làng vì đã làm xong phận sự.
Sau các cụ thì đến 12 quan viên đảm đương tất cả công việc tế tự
Thành hoàng làng. Người đứng đầu trong 12 quan viên ấy tự nhiên được cử
ra làm Tế đám hay Chủ tế, giữ sổ chi thu và cùng với tất cả quyền lợi
của quan viên giống như quyền lợi của các cụ bô lão. Quan viên hợp thành
chiếu thứ nhất trong Đình cùng với các cụ. Chiếu thứ hai là chiếu của
sáu Lềnh mà nhiệm vụ là mua sắm đồ tế lễ.
Chiếu thứ 3 và thứ 4, mỗi chiếu 6 ngừơi mà nhiệm vụ là trông nom bày biện đồ tế tự trong ngày vào đám và tế lễ.
Chiếu thứ 5 gồm 6 người nhiệm vụ hầu cỗ bàn.
Sự phân ngôi thứ trong Đình làng như thế là căn cứ vào tuổi tác trong hương ẩm bạ.
Ngoài các ngôi thứ trên còn có cấp tư văn là một hội bán công trong
làng, gồm các vị có chức tước khoa bảng với triều đình. Họ có dự vào tế
lễ của Đình làng nhân dịp xuân tế hay thu tế. Tư văn lập thành cái hội
hầu như biệt lập ở trong làng đối với các ngôi thứ trong Đình làng căn
cứ vào tế lễ trên kia.
Nay hãy xét về nội dung tôn giáo Thần Đạo cổ truyền của dân tộc nông nghiệp Á Đông.
“Thiên sinh thần vật, thánh nhân tắc chi” (Dịch), “Trời sinh ra vật
thần, bậc thánh lấy làm phép tắc”. Vậy thần hay thần linh trong trí óc
dân Việt có ý nghĩa thế nào?
Chẳng thiêng ai gọi là Thần (phương ngôn). Thần là ngụ ý một quyền
năng siêu phàm, thiêng liêng hay linh thiêng, cho nên thường hay nói
Thần linh, danh từ Hoa Việt. Sở dĩ là Thần vì có cái đức Linh vậy. Chữ
Linh đứng một mình hay là đi đôi với một chữ nữa như Anh, hoặc Linh ta
thường gặp thấy ở các miếu, đền thờ Thiên Nhân trong đám dân Việt Nam.
“Nó chõ vào cái đà thúc đẩy của nhựa cây mùa xuân, cái mana (khí năng
lực nảy nở của thảo mộc cỏ cây, cái sức màu mỡ của đất cũng như cái sức
nảy nở của cây cỏ” (Elles (Anh Linh) désignent la pensée de la sève au
printemps le mana, la force génératrice de la végétation, la fertilité
autant que la fécondité – Rolfstein BEFEO 1942, t.XLII).
Vậy thần linh có nghĩa là những năng lực thiên nhiên, đặc biệt nhất
là cái sinh lực được nhân cách hóa của nhân dân nông nghiệp để thờ
phụng. Đạo Thần như thế đặt trọng tâm vào ý nghĩa Linh là Nguồn sống,
sinh thành khắp vũ trụ theo như tin tưởng cổ truyền của xã hội nông
nghiệp Á Đông.
“Thiên địa chi đại đức viết sinh”. Cái đức vô hạn của Trời Đất là
sinh thành (Dịch). Đấy cũng là trọng tâm của giáo lý Áo Nghĩa Thư
(Upanisads) Life is immense: Prano virat: “Nguồn sống thì vô biên”. Bởi
vì nguồn sống vĩnh cửu, miên trường tồn tục là lý tưởng tối cao của nhân
dân Á châu xưa nay, sớm trực giác thấy rằng:
“Everything has sprung from immortal life and is vibrating with life”
(Sadhana, Tagore). “Tất cả đã từ trong nguồn sống vĩnh cửu phát xuất và
đều rung động với nguồn sống”.
Cho nên thi hào R.Tagore mới tiếp tục dẫn chứng Áo Nghĩa Thư (Upanisads) để giải thích tín ngưỡng truyền thống Á châu.
“Chúng ta được dạy để nhìn nhận bất cứ sự vật gì trong thế giới như là được Thượng Đế bao bọc che chở.
Ta quỳ vái và quỳ vái Thượng Đế ngự tại ngọn lửa và dòng nước, thấm
nhuần toàn thế giới, ngự tại mùa màng hàng năm cũng như tại những cây cổ
thụ”
(We are enjoined to see whatever there is in the world is being enveloped by God.
I bow to God over and over again who is in fire and water, who
permeates the whole world, who is in the crops as well as in the
perennial trees) (Sadhana, R.Tagore).
Cái tín ngưỡng truyền thống ấy, chính linh mục L.Cadière cùng các nhà
nhân chủng học trường Viễn Đông Bác Cổ đã nhận thấy ở bình dân Việt Nam
vậy. Linh mục L.Cadière viết trong Tín ngưỡng và tập tục tôn giáo của
dân Việt (Croyances et pratiques religieuses des Vietnamiens, t.III
tr.68-70, BEFEO)
“Danh từ tôn giáo ngụ có nhiều trình độ, nhiều sắc thái. Nếu người ta
hiểu tôn giáo là tín ngưỡng vào một Đấng Tuyệt đối, lớn vô cùng, hoàn
toàn vô cùng; vào sự phối hợp bằng tinh thần với Đấng vô sở bất tại, ở
đâu cũng có; vào sự phối hợp bằng lòng bồng bột với Đấng chí thiện ngự
trị và bảo vệ tất cả; sau hết là vào sự biết ơn về những đức toàn vẹn vô
hạn của Ngài bằng một nghi thức phụng thờ xứng đáng, hiểu tôn giáo như
thế thì người Việt không có tín ngưỡng. Quan niệm về một Đấng tuyệt đối
không được họ để ý. Họ sống không có Thượng Đế. Nhưng nếu người ta hiểu
tôn giáo là tín ngưỡng, tín ngưỡng thực tế ảnh hưởng hành vi nhân sinh,
vào một thế giới siêu nhiên, thì phải nhận rằng dân Việt có cái đức tính
ấy ở trình độ rất cao.
“Người dân Việt, có thể nói rằng sống trong không khí siêu nhiên. Họ
thấy khắp nơi ảnh hưởng của những quyền năng thần bí hành động vào cuộc
đời họ cách xấu hay tốt. Bất cứ một người Việt nào thuộc về bất cứ giai
cấp nào trong xã hội đều không thoát khỏi sự ám ảnh của siêu nhiên.
Người gánh hàng rong chạy trên đường; người thợ cầy dưới ruộng, ông quan
ngồi bàn giấy, bà mẹ trong gia đình, người tiều phu trên sườn núi,
người ngư phủ chăng lưới, hết thảy đều bận tâm về ảnh hưởng của Thần
linh vào hành động đang làm của họ, tất cả đối với họ đều là điềm báo
rằng bên cạnh họ, trên đầu họ còn có những hành động khác đi đôi với họ,
thế lực hơn họ và chính nhờ vào những thế lực vô hình hợp tác ấy mà
những cố gắng của họ thành công hay thất bại. Con nhện sa, tiếng chuột
rúc, con quạ bay, con gà gáy, người ăn xin hiện ra trước mặt, ra ngõ gặp
người, con chim kêu, chiếc đũa rơi xuống đất khi ngồi vào ăn, ngọn lửa
trong bếp than hay hát, hàng ngàn sự việc vô ý nghĩa biểu lộ cho mắt họ
tính cách điềm lành hay dữ. Tất cả sự việc lành hay dữ, nhất dữ đều quy
vào cho Thần linh.
“Người ta sẽ chê trách rằng đấy là sự sợ hãi đã gây ra những tín
ngưỡng ấy. Mặc dù nguyên nhân hoặc là một tính tình này hay tính tình
khác, sự thật thì người Việt vẫn tin hành động và cử chỉ trong bầu không
khí siêu nhiên. Siêu nhiên ám ảnh họ, họ không thoát khỏi ban ngày, ban
đêm giấc mộng cũng không thể giải thoát cho họ vì mộng cũng là những
biểu hiện của Thần linh.
“ Thần linh vô sở tại; một tảng đá rơi, cây cổ thụ đổ, rừng âm u, vực
sâu trong con sông, ngọn núi cao, một việc nước giản dị giữa cánh đồng,
mỗi một miếng đất, thửa ruộng một xó tối đều là cư sở của Thần linh.
Thần linh ở khắp nơi nhập vào khắp cả, tất cả đều thuộc về Thần linh.
“Cái tín ngưỡng vào thế giới Thần linh ấy, bao bọc lấy đời sống của
người Việt, thúc giục họ phải cúng lễ. Trước khi hành động phải cầu xin
sức phù hộ của Thần, gạt những động cơ có thể làm cho Ngài bất bình; nếu
trong khi đang hành động Thần linh tỏ ý bất bình, thì mau sớm phải lễ
tạ.
“Sùng bái tổ tiên cao quý hơn, nhưng tại căn bản, cả hai tín ngưỡng
mật thiết quan hệ với nhau. Tổ tiên mất đi rồi, không còn nhìn thấy
người nữa, nhưng các ngài không từng rời khỏi gia đình. Các ngài lưu ý
đến con cháu các ngài, ảnh hưởng vào hạnh phúc hay bất hạnh của chúng
tuỳ theo trương hợp chúng có làm tròn hay không làm tròn những bổn phận
của đạo hiếu. Hơn nữa các ngài ngự ở tại trong gia đình và hiên tại trên
bài vị Tổ tiên. Vị nào không sờ đấy, đã được rước sang nhà thơ họ, đều
được mời về ngày giỗ ngày tết để cùng san sẻ vui buồn với toàn thể gia
đình. Người ta luôn luôn nghĩ đến mời các ngài tham dự các việc lớn
trong đời sống chung cưới hỏi, sinh nở của một phần tử gia đình. Tư
tưởng tổ tiên chi phối toàn thể đời sống gia đình cũng như tư tưởng thần
linh chi phối đời sống hằng ngày của người dân Việt. Chủ gia đình là
một giáo chủ tôn giáo ấy và y truyền lại giáo chức ấy cho người con
trưởng trong gia đình. Gia đình nào mà dòng giáo chức ấy tắt là một điều
bất thường vậy.
Đời sống xã hội, đối với người dân Việt chỉ là đời sống gia đình mở
rông thì cũng thấm nhuần tín ngưỡng. Thành hoàng hay Thần bảo hộ mỗi
cộng đồng, có sắc phong của triều đình hay không, là những quyền nămg
làm ra mưa và được mùa; dẹp hỏa tai hạn hán, dịch tễ. Bởi thế cho nên
nhân danh các ngài mà nắm mạ đầu tiên cấy xuốn cũng như giạ lúa đầu tiên
gặt lên đầu tiên gặt lên đều được đoàn thể biết ơn dâng lên cho Thành
hoàng. Và vào những ngày nhất định hàng năm, dân làng tế lễ linh đình.
Các kỳ mục hay chức sắc trong làng đều là cha mẹ trong làng, được chọn
ra làm chủ tế cho các cuộc tế lễ ở Đình, trên đấy có những giáo sĩ khác
chủ tế cho cuộc tế phổ quát hơn, như các quan làm chủ tế cho hàng tỉnh,
vua làm chủ tế cho toàn quốc. Xem thế biết rằng không có gì trong đời
sống của nhân dân Việt Nam thoát khỏi ảnh hưởng của tôn giáo. Tôn giáo
đón nhận con người Việt từ lúc mới sinh ra, dắt dẫn y cho đến khi xuống
nhà mồ, và sau khi chết đi còn giữ y trong vòng ảnh hưởng. Khi người ta
nhận thấy gốc rễ thâm sâu của những thể siêu nhiên ở trong tâm hồn Việt
Nam, người ta không thể đừng không nhận cho rằng dân tộc này tín ngưỡng
rất thâm trầm.
“Và nếu người ta ngược lại về mấy thế kỷ trước kỷ nguyên Thiên Chúa,
thì những tín ngưỡng vẫn như thế, những tập tục vẫn giống nhau, ít nhất
về những điểm cốt yếu. Khổng Tử viết:
“Quỷ thân chi vị đức, kỳ thịnh kỹ hồ! Thị chi nhị phất kiến thính chi
nhi phất văn, thể vật nhi bất khả di, sử thiên hạ chi nhân, trai minh
thịnh phục dĩ thừa tế tự. Dương dương hồ như tại kỳ thượng, như tại kỳ
tả hữu. Thi viết: Thần chi cách ti bất khả độ ti, thần khả dịch ti. Phù
vi chi hiển thành chi bất khả yểm như thử phù” (Trung Dung).
“Cái đức linh của Quỷ Thần thịnh vượng lắm thay! Nhìn mà chẳng thấy,
nghe mà không thông, thể hết mọi vật mà không sót, khiến trong thiên hạ
phải trai giới tinh khiết, ăn mặc nghiêm trang để tế lễ, rực rỡ như ở
trên đầu, như ở bên trái bên phải khắp nơi. Kinh Thi viết: Việc quỷ thần
đến không thể lường, huống hồ lại có thể lờn được sao?” Ôi tế văn hiển
hiện, thành thật không che dấu như thế đấy!”
Vậy Thần đạo là cái tín ngưỡng đức linh, nguồn sống cửu tràn ngập vũ
trụ, tức là thế giới siêu nhiên thấm nhuần bao phủ đời sống của nhân
loại Á châu. Cái tín ngưỡng ấy thuộc về tín ngưỡng tâm linh đòi có sự
sống toàn diện hơn là hiểu biết, bằng lý trí, phát triển trực giác sáng
tạo hơn là ý niệm minh bạc có hệ thống. Radhakrishnan viết trong “East
and West in Religion”:
“Ở Đông phương tôn giáo là đời sống của tâm linh hơn cả. Nó là tri
giác về sự đồng nhất của người ta với tinh thần, chân lý, tình yêu và mỹ
cảm trong vũ trụ. Quan điểm ấy không quan trọng hóa vai trò của những
mệnh đề tri thức. Nó thừa nhận chúng như là những cố gắng rụt rè để đơn
giản hóa thực tại. Nó tin tưởng Thần linh thì bất tận và khả năng biểu
hiện của Ngài thì vô hạn số. Có một cái gì siêu ngôn ngữ mà không một
danh từ nào đạt tới được tuy rằng nó linh động tất cả danh từ và đem cho
chúng thể chất và ý nghĩa. Hàng thế kỷ trước Do Thái và thánh ca David
chúng ta nghe thấy lời cầu khấn của một thi sĩ Ai Cập vô danh lên Thượng
Đế không phải là bạn hay cứu thế, không phải phỏng theo hình ảnh nhân
loại hay tượng trưng vào khám thờ bằng đá. Không nhìn thấy được Ngài;
Ngài không có thủ từ hay đồ lễ. Người ta không thờ Ngài trong đền; Ngài
không biết có định sở nào hết. Không có ngai thờ Ngài được tô vẽ hình
ảnh. Không một dinh thự kiến trúc nào có thể giữ được Ngài. Vô danh là
tên Ngài trên trời, và hình Ngài không biểu hiện, bởi vì tất cả hình ảnh
Ngài đều sai lầm, nhà của Ngài là vũ trụ, chứ không phải một dinh sở
nào của con người làm ra.
“Hình thức tín ngưỡng xa vời sự thật cũng như với ý nghĩa. Ý nghĩa
không cho phép đo lường bằng mực thước bề ngoài. Muốn thẩm định ý nghĩa
của một ý niệm hay tượng trưng tôn giáo, chúng ta phải khám phá giá trị
nó diễn tả và thành tựu. Tinh thần không bị bó buộc vào một hình thức
nào cả, dù hình thức ấy có thích hợp mấy đi nữa. Các tôn giáo Đông
phương đều phi tín điều (non-dogmatic) và tín đồ của chúng theo lẽ
thường đều có gì có thể gọi là tư cách tâm linh. Họ không bài bác điều
thiện chỉ vì không phải chí thiện. Họ kính trọng cá nhân vì nó như thế
chứ không cố tìm cách tu sửa nó trái cả với ý muốn của nó nữa. Trên trời
không những có nhiều lâu đài mà cũng có nhiều đường lối để đi đến nữa.
Ấn Độ giáo và Phật giáo công nhận rằng mỗi hình thức tín ngưỡng đều có
hàm ngụ một trình độ chân lý nào, với hậu quả đáng ngờ rằng tất cả các
loại sùng bái và mê tín ngoại lai đều có thể thấy được trong khu vực của
hai tôn giáo trên kia.
“Một kết quả tự nhiên của sự khác nhau về khuynh hướng là ở Đông
phương, tôn giáo là một vấn đề tu tĩnh tin thần hơn là học vấn phiền
tỏa. Chúng ta học vấn chân lý không bằng phê phán và biện luận mà là
bằng cách sống thâm trầm và biến đổi bình diện ý thức. Thượng Đế không
phải hình thức tối cao để hiểu biết mà là bản thể tối cao để thực hiện”.
Có lẽ chính vì “God is not the highest form to be known but the
highest being to be realised” như Radhakrishnan đã phân biệt hai tinh
thần tôn giáo Tây phương và Đông phương, một đằng thiên về trí thức
(intellectualism) một đằng thiên về tâm linh (spiritualism), mà đối với
dân Việt Nam, như lời LM. Cadière đã nói: dân Việt “sống không có Thượng
Đế, sống trong siêu nhiên!”
Như thế chẳng phải tinh thần thực hiện của tôn giáo đấy ư? Thực hiện
cái gì, nếu chẳng phải cái tri giác về đồng nhất thể của người với tinh
thần Chân Thiện Mỹ ở vũ trụ đấy ư?.
Như thế là thiếu về “ý niệm Thượng Đế”, là thiếu về lý trí hiểu biết,
nhưng “sống trong siêu nhiên” là sống cảm thông bằng tình cảm và ý chí
để mở rộng triển khai tâm hồn hướng về cao cả đại đồng. Bởi vậy mà đời
sống tín ngưỡng của nhân dân Việt Nam là cả một lịch trình thực hiện cái
đức Linh, là Nguồn sống tràn ngập vô biên qua tất cả các trình độ biểu
hiện, kể từ ngọn cỏ, lá cây, hòn đá, dòng nước cho đến hang động đầu
tiên, Tổ tiên thần thánh, từ Thổ thần, Thành hoàng ở địa phương cho đến
Quốc giáo Thiên Địa.
Nay hãy tuần tự theo dõi lịch trình tín ngưỡng thực hiện ấy như sau:
Tục sùng bái cây
Ở Bắc Việt có tục sùng bái cây. Dưới gốc cây người ta hay đặt những
bình vôi mẻ sứt là thứ đồ gia dụng của gia đình Việt Nam có tục cổ
truyền ăn trầu. Tục ăn trầu, là một truyền thống của dân tộc theo truyện
cổ tích Trầu Cau hay Tân Lang phải có đá tô thành vôi, trái cau với lá
trầu không, hợp thành bộ ba là “miếng trầu làm đầu câu chuyện”. Bình vôi
chứa đựng vôi tô lá thứ đồ dùng được trọng đãi cho nên khi nào bể vỡ,
người ta không vứt đi mà phải tàng trữ lại ở gốc cây. Vứt đi là một điều
tối kỵ.
Ở đây không phải là một tục lễ giáo mà người ta đặt bình vôi dưới gốc
cây. Đây là một tín ngưỡng có tính cách ma thuật như sự hợp hóa mầu
nhiệm của đá với cây. Bình vôi chưa đựng sức ma thuật, một quyền năng
huyền bí mật thiết quan hệ đến mệnh vận trong nhà. Nếu vôi bám thành bờ
trên miệng bình thì trong nhà làm ăn thịnh vượng. Bình vôi bể vỡ là một
điềm gở báo trước việc dữ sắp xảy đến. Bởi thế nên mỗi khi có bình chẳng
may bể vỡ ngừơi ta kiêng không dám vứt đi vào chỗ tạp uế mả phải đem
chồng chất dưới gốc cây vì gốc cây là nơi đặc biệt hình như có duyên
nghiệp với chất đá vôi, và cũng là nơi tụ sinh khí rất hợp cho sự lưu
trữ những đồ dùng cũ; nhằm làm bình vôi ở gốc cây lại càng tụ được nhiều
sinh khí hay thần linh (prana = mana). Vì thế mới phát xuất ra tục thờ
Cây vậy. Hoặc tục thờ Cây có từ trước vì lý do huyền bí mầu nhiệm của
sức nẩy nở sinh sôi ở thảo mộc.
“Người trồng cây lúa hành động với cách thức tương tự với cách thức
ma thuật (magique) hay tôn giáo (religieux) nhưng hành động của họ không
có hiệu quả ngay. Gặp thời tiết nhất định trong một năm, tuỳ theo vị
trí các ngôi sao quyết định, nó bắt đầu làm đất, một công việc lạ kỳ
không trông thấy kết quả tức thì. Trong đống đất đã vun xới ấy, nó vùi
những củ hay hạt giống ăn được mà nó cần dùng để nuôi thân. Sau đấy, một
khi làm xong công tác tập truyền ấy rồi, nó chờ đợi. Nó giữ gìn các
mảnh đất đã cấy hay đã gieo hạt bằng một hàng rào để ngăn cản các muông
thú không được quấy nhiễu đến sự ấp ủ nẩy nở của các mầm hạt kia. Nó tự
bảo vệ một cách tiêu cực. Một vài tháng sau nó thu hoạch gấp bội phần
kết quả của những vật nó đã vùi xuống đất”. (René de Hetrelon, Essai sur
l’origine des différences de mentalité entre l’Occident et
l’Extrême-Orient).
Bởi thế mà người nông dân Việt Nam mới chọn gốc cây, nhất là cây cổ
thụ làm nơi tụ khí linh thiêng, nhân đấy gửi gắm những bình vôi gia dụng
lâu đời. Vôi là chất đá, lâu đời đá kết thành tinh, tụ lại gốc cây là
giống thảo mộc cùng với đá trầu có tiền duyên thì càng làm tăng quyền
năng linh thiêng ma thuật. Một gốc cây nào có nhiều bình vôi cũ sẽ biến
thành nơi thờ cúng. Từ đây ma thuật biến sang tôn giáo rồi vậy.
Có hai dòng tín ngưỡng sùng bái, một thuộc về Nữ thần, một thuộc về
Nam thần. Bản tính Đất Cây đồng nhất phần lớn thần linh ngự trong Cây
Đất hay Đá, cho nên có thể bảo rằng Đá, Đất thuộc về Nam thần, Cây Cỏ
thuộc về Nữ thần.
Nam thần = Địa linh nhân kiệt.
Thường thấy giữa đồng ruộng Bắc Việt một cái gò, cái đống đất có cây
cổ thụ che phủ một cái bệ xây làm nền. Nông dân chung quanh đem hương
hoa, rượu, xôi, gà đến cúng tế, vì đấy là một đền hay nền thờ Thổ Thần.
Ngừơi ta kiêng xâm phạm vào khu vực này, cây không được chặt, đất không
được cuốc. Nhiều khi nền thờ xây cũng không có, cây với gò bằng với mặt
bờ ruộng.
Nền thờ Tổ tiên có 3 hình thức:
– một cái gò có cây cổ thụ che phủ
– một cái gò ở trên có xây cái bệ dưới cây cổ thụ
– một gốc cây với một bệ xây.
Hình thức thứ hai đủ bộ hơn cả, người ta đem đến gốc cây bầy hiện
trên bệ thờ các đồ lễ. Gia chủ quỳ vái khấn khứa, vào ngày 1 hay 15 mỗi
tháng. Cũng có khi vào ngày, thường là đặc biệt. Ở đây chỉ thấy có đàn
ông đến lễ chứ không thấy đàn bà vì đàn bà không biết khấn Thổ Thần. Bởi
thế mà có thể nói rằng đàn ông lễ Thổ Thần thuộc về Nam tính, gò đất là
chính, cây chỉ là phụ.
Những Thổ Thần hành động trong một phạm vi nhất định. Nông dân tin
các ngài trông nom che chở phù hộ cho ruộng đất của một làng, một xóm,
cho nên ở một làng người ta thấy có nhiều bệ thờ Thổ Thần, hay Thần
Đống.
Những đồ lễ cúng Thổ thần không phải chỉ có Thổ thần hưởng mà thôi.
Ngoài đồ lễ Thổ thần còn có đồ lễ cúng cho vong linh chúng sinh nữa. Đấy
là những cô hồn không thừa tự, chết đường chết chợ, xa cửa xa nhà, vô
thừa nhận, không nơi nương tựa cho nên quây quần chung quanh Thổ thần
làm môn hả. Những cô hồn ấy rất nguy hiểm có thể quấy rối địa phương
bằng dịch tễ. Bởi thế nhân dân phải cúng lễ cầu yên hàng năm vào mùa hè.
Lễ này thường làm tại nơi thờ Thổ thần. Các thần bảo hộ cho làng gọi là
Thành hoàng cũng thuộc về một hạng Thần linh. Thành hoàng cũng như Thổ
thần chủ tế của làng; được thờ ở trong Đình làng, nơi họp bàn việc làng
của các đàn anh trong làng. Như thế chứng tỏ đàn ông mới cúng Thần. Gần
Đình thường thấy những cây cổ thụ không ai được xâm phạm. Cái Đình ở đây
thay cho cái bệ ở giữa đồng cho nên người ta cúng tế ở trong Đình chứ
không ở tại gốc cây.
Đến đây tục thờ Cây hay thần linh trên cây đã tiến hóa. Trọng tâm đã
từ cây truyền vào Đền, Đình. Tuy thế mà Cây cối vẫn giữ tính cách linh
thiêng vì là thuộc về thần, nhưng bàn thờ thần Thành hoàng là bài vị,
sắc phong thần của nhà vua để ở trong cung Đình hay torng Khám trên kiệu
khi rước sách. Sự tương tự giữa Thổ thần và Thành hoàng là ở chỗ Thành
hoàng cũng cai quản chúng sinh của một địa hạt mình bảo hộ. Hai lần một
năm nhân dân cũng làm lễ kỳ yên chúng sinh ở cửa Đình và chúng sinh
không có quyền vào trong Đình của Thành hoàng.
Cả hai, Thổ thần và Thành hoàng đều là thần linh. Nghi lễ thuộc về
địa phương. Rõi theo sự tiến triển về cấp trật Thần đạo thì người đi đầu
từ chúng sinh, Thổ thần, Thành hoàng đến Đức Thánh. Uy quyền đức Thánh
lan ra khắp một xứ, ở đâu cũng có tín đồ, và nghi lễ được quy định theo
quốc giáo. Đức Thánh thuần tuý Việt Nam của nhân dân sùng bái thì có đức
Thánh Trần Hưng Đạo Vương, đức Thánh Ông hay Lê Văn Duyệt là phổ thông
hơn cả, bên cạnh đức Thánh Khổng hay Khổng Phu tử ở Trung Hoa đem vào
được thờ ở Văn miếu thuộc tín đồ Nho sĩ.
Thế lực đức Thánh như đức Thánh Trần lan khắp cả nước từ Lạng Sơn,
Thanh Hóa. Sự tích Thánh Trần thuộc về lịch sử cũng như sự tích Đức Ông
vậy. Riêng Thánh Trần là vị anh hùng vĩ đại của dân tộc, sau khi giải
cứu quốc gia khỏi cuộc xâm lăng Mông Cổ, Ngài rút về yên nghỉ và quy
tiên ở Phả Lại. Cho nên ở đấy có đền thờ Ngài gọi là đền Kiếp bạc hàng
năm xưa kia quốc dân tấp nập đến hành hương vào ngày 15 tháng 8, là ngày
kỵ có mở hội 5 ngày. Phương ngôn nói:
Tháng 8 giỗ cha tháng 3 giỗ mẹ.
Giỗ cha tức là quốc phụ Trần Hưng Đạo Vương hay là Thiên phụ so với Địa mẫu là thánh mẫu Liễu Hạnh giỗ vào tháng ba.
Từ đằng xa, đền hiện ra đàng sau đám cây cổ thụ nguy nga mà nhân dân
cho là linh thiêng, có quyền năng thần bí siêu nhiên. Theo sách Cương
Mục thì vào thời Lê, vua Thái Tông có sắc lệnh cấm không được chặt những
cây ấy và dân tin rằng chỉ hái một cái lá cũng đủ ốm đau. Đức tính linh
thiêng của những cây ấy là do thuộc quyền sở hữu của Thánh Trần, nên
phần quyền năng thiêng liêng của Ngài đã ngụ ở tại đấy. Ngoài ra một
điểm đặc biệt là nhân dân đến hành hương ở đền Kiếp bạc gồm có một số
lớn phụ nữ nữa, thành ra nghi lễ Nam Thần một khi trở nên quốc giáo đã
mất tính cách nguyên thuỷ, không còn nghi lễ thuộc riêng cho đàn ông.
Người ta tin rằng quyền năng hay đức tính của Thánh Trần ngự trị tất
cả chúng sinh ma quỷ bởi thế mà người ta đến cầu xin đức Thánh trừ tà
trị bịnh. Hàng năm đức Thánh đã chứng tỏ trị được các bệnh hiểm nghèo và
giải trừ tà ma ôn dịch. Ngài chữa bằng phép thần kỳ trong những ngày
hội. Đức Thánh giáng hiện xuống để sai khiến một số thầy pháp, thầy bùa,
cô đồng bà cốt. Các người Thánh ấy mất hẳn cá tính ngày thường, cử động
như có thần lực sai khiến thật, nào thắt cổ, nào cắt lưỡi. Thánh Trần
cũng giáng ngự xuống các bà đồng khiến cho mất cả ý thức phụ nữ để cử
động như đàn ông vậy. Họ ăn mặc khăn trầu áo ngự mầu ngũ sắc loè loẹt.
Sau buổi lễ hành hương họ về làng họ để bắt tà ma cùng chữa bệnh. Một ký
giả ngoại quốc được mục kích đám rước Thánh Trần ở Hà Nội ngày
31-5-1908 kể lại rằng có nhiều ông đồng xuyên thiết lạch thủng qua má và
rạch lưỡi bằng dao, máu chảy đầm đìa. Máu ấy được hứng vào các tờ giấy
bản để phân phat cho tín đồ dùng làm bùa trừ tà chữa bệnh. Ý nghĩa những
hành vi ấy thật rõ rệt: đức Thánh Trần có quyền linh thiêng đã truyền
một thần quyền năng ấy vào ông đồng, bà đồng và máu kia thấm vào giấy
bùa cũng có đặc tính ma thuật như chính máu của Ngài vậy. đấy là đại
khái lịch trình tiến hóa của thần linh thuộc Nam tính có liên hệ mật
thiết với cây cối cổ thụ linh thiêng, kể từ Thổ thần địa phương đến
Thành hoàng và đức Thánh ở quốc gia, ba cấp thần linh chi phối lễ nghi
của toàn quốc.
Nữ thần
Phàm cây linh thiêng thuộc về Nữ thần thì người ta nhận thấy ngay ở
những đồ mã treo trên cành: nào hài, nón lá, đồ dùng của phụ nữ. Những
đồ lễ ở gốc Cây của Nữ thần là do phụ nữ đem cúng vào ngày sóc (1) và
vọng (2) hằng tháng. Cũng có trường hợp đặc biệt đàn ông đến cúng lễ ở
cây Nữ thần nhưng là trường hợp ít nhất, còn phổ thông thì chỉ phụ nữ
mới đến cúng lễ Cây Nữ thần.
Khi nào Cây linh được thờ chưa lâu thì ở dứơi gốc không có xây cất
chi cả. Người ta cúng bái ngay tại bên đường. Rồi chợt một ngày kia,
người đến lễ bái đông đảo, lối xóm xây cất ở gốc Cây một cái lều tranh
hay một bệ thờ cao chừng 1m50 kiểu mẫu phổ thông của nhiều Đền, Miếu sau
này. Miếu có kiểu diện tích chừng 4 hay 5 thước vuông, trong đó không
phải chỉ có 1 bệ thờ mà còn cả những bài vị thần linh nữa. Bài vị này
còn để đem đi rước, vì tất cả thần linh đều tập trung ở đấy. Và cũng như
miếu Thổ thần, miếu Bà cô, sẽ dần dần thay thế cho Cây trở nên danh
tiếng linh thiêng vì n hiều kỳ tính uy linh hiệu nghiệm, các nơi người
ta kéo đến hành hương và bấy giờ Miếu đã trở nên Đền, như đền Sòng ở
Thanh Hóa, chẳng hạn. Giữa Miếu và Đền không có chi khác về nghi lễ cũng
như đối với Cây. Vẫn là nơi của đa số phụ nữ đến lễ bái Nữ thần. Trong
hàng các đền ngoài Bắc Việt có tiếng linh thiêng là đền Sòng, đền Phủ
Giầy, huyện Vụ bản tỉnh Nam Định thờ thánh mẫu Liễu Hạnh công chúa. Hàng
năm vào 3 tháng 3 nhân dân đến hành hương tấp nập. Có nhiều cung điện
được xây cất chung quanh ngôi đền chính, trước mặt có hai gốc Cây cổ thụ
tại cửa vào đền. Ở đây đa số tín đồ là phụ nữ, nhưng vì Nữ thần đến bậc
quốc tế, có sắc vua phong cho nên cũng có cả tín đồ đàn ông đến lễ bái
cầu khấn. Cũng như ở Kiếp bạc, các ông đồng bà đồng có hai nhân cách,
nhưng ở đây cử động êm đềm không quá dữ tợn như ở Kiếp bạc.
Tóm lại, Cây linh được sùng bái là nguyên lai của đạo thờ Thần mà trình độ có sai khác như sau:
1. Cây đứng không.
2. Cây có phủ một bệ xây
3. Cây có miếu
4. Cây có đền
5. Cây vừa có đền lẫn miếu
Trong hàng các Nữ thần được cúng bái ở Cây hay trong đền miếu, có
thần cao thấp, bà chúa, đệ tử, như ở trần gian. Nữ thần có ba hạng: cô,
bà cô, đức mẫu hay thánh mẫu. Cô là con gái, bà là gái có chồng nhưng
chết trẻ, đức bà có thể là bà chúa. Tất cả đều là linh hồn phụ nữ xưa
kia sống ở thế gian. Đức linh của các vị ấy là trinh tiết đến lúc chết.
Thánh mẫu Phủ Giầy tuy có chồng nhưng lòng trinh tiết suốt đời.
Trên đây là đại khái tín ngưỡng thần đạo Nam và Nữ của nhân dân nông
nghiệp Việt Nam, chưa có pha trộn với những yếu tố ngoại lai. Những tín
ngưỡng cổ xưa của bình dân về Cây linh về sau còn châm chước với tín
ngưỡng ngoại lai như Phật giáo và Đạo giáo. Trong một ngôi chùa Bắc Việt
người ta thường thấy chia ra làm 2 khu thờ lớn nhỏ khác nhau, và ngoài
cửa còn có một vài cây cổ thụ như cây Bồ đề, hay cây Đa, cây Gạo. Tục
ngữ nói:
Thần cây Đa, ma cây Gạo”. Cung giữa chùa là để thờ Phật có tượng.
Gian bên có 3 pho tượng Nữ thần ở trên bệ, dưới có tượng quan tướng Ngũ
Hổ. Như vậy đủ thấy chùa Việt Nam thờ hỗn hợp hai yếu tố với nhau là
Phật giáo ngoại lai và Thần đạo bản xứ. Ba tượng Đức bà trong chùa có
thuộc tính riêng. Đức bà ở giữa là thánh mẫu Cửu Thiên Huyền Nữ coi việc
trên trời. bên phải là Đức bà địa mẫu coi việc trên mặt đất. Bên trái
là Đức bà mẫu Thoải coi thuỷ phủ. Đấy là đủ cả Tam phủ: Thiên phủ, Địa
phủ, Thuỷ phủ thuộc về tín ngưỡng của Đạo giáo, và tín ngưỡng phổ thông
còn tin rằng do Ngọc hoàng tối cao đã chỉ định mỗi Đức bà phải trông coi
một khu vực.
Mặc dầu có ảnh hưởng pha trộn của tín ngưỡng Phật giáo và Đạo giáo,
tín ngưỡng thờ phụng Đức bà do sùng bái đức linh của Cây biến hóa ra,
vẫn giữ được đặc tính cốt yếu và nguyên thuỷ của nó. Trong gian thờ ở
chùa nghi lễ thờ cúng chư vị vẫn là nghi lễ ở Miếu, Đền. Tín đồ đến lễ
Phật trước rồi mới xuống lễ Chư Vị với những lời khấn riêng, lễ vật
riêng. Phần nhiều là phụ nữ đến lễ chùa và đền, miếu, đàn ông rất thưa. Ở
chùa phụ nữ tín đồ có nhiều tục lệ kiêng kỵ; họ họp thành một hội Bà
vãi, ngày rằm, mùng một tụ họp đến ăn chay niệm Phật. Những bữa ăn ấy
cũng tựa như bữa ăn ở Đình làng của phái đàn ông, cũng chia ngôi thứ lộc
phần khác nhau, vãi trong xã hội cũng thuộc vào hạng có tuổi, có hạnh
được kính trọng cũng như các bô lão đàn ông trong làng vậy.
Tổng chi tục sùng bái Cây linh ở Việt Nam xưa có hai phương diện, một
nghi lễ cho đàn ông thờ cúng Nam thần, và một nghi lễ cho đàn bà thờ
cúng Nữ thần. Hình như nhân dân chia làm hai xã hội tôn giáo khác nhau,
và trạng thái lưỡng diện ấy chính là đặc trưng của văn minh Bắc Việt hay
Việt tộc xưa. Bắt đầu người ta đến lễ bái ở Cây linh, rồi dần dần người
ta xây bệ dưới gốc Cây, kế đến miếu, để rồi trở nên Đền, ảnh hưởng đi
từ địa phương nhỏ ra khắp nước. Đàn ông là Đình làng, đàn bà đi chùa
làng. Đình chùa là hai đầu cực đoan, đầu Âm và đầu Dương của một cái
trục duy nhất của xã hội Việt Nam vậy.
Tóm lại Thần đạo bắt nguồn từ tục thờ Cây đầy nhựa sống mầu nhiệm,
tượng trưng cho đức hóa dục nảy nở sinh thành và hiểu biết – vì ở đâu có
sự sống là có hiểu biết. Rồi Cây trở nên Cây Nêu trồng trước cửa Đình
hay trước sân nhà vào dịp tết Nguyên Đán đầu năm. Rồi cái đức linh ở Cây
được nhân cách hóa thành Thần linh thiện hay ác, nam hay nữ có liên
quan ít nhiều đến quyền năng ma thuật thiên nhiên.
Nghiên cứu kinh điển cổ Ấn Độ liên quan đến tục thờ Cây, Odette
Viennot trong sách Le culte de l’Arbre dans l’Inde ancienne, có kết
luận: “Trong những văn kiện ấy, cây thường được coi như có những đức
tính mầu nhiệm và bản chất thì đồng nhất với nguyên lý linh thiêng. Còn
về nghi thức quy định những tế lễ của triều đình hay của gia đình trong
những lời chú giải Bàlamôn giáo, thì Cây được họ coi như trung tâm linh
địa với đá và nước. Đi đôi với bản tính mầu nhiệm mà có thật của thần
linh biến hóa thì có sự sáng tạo hữu ý về một Linh Địa, trong đó các yếu
tố thiên nhiên trở nên tượng trưng được xếp đặt vào trong một khoảng
vây bọc.
“Như vậy là Cây thần thoại đầy mầu nhiệm phân phát tất cả phúc lành
siêu phàm và tượng trưng cho trí thức sinh sống và nẩy nở. Nhưng trong
nghi thức đối chiếu, cột tế (yupa) Cây hương ở trung tâm Thánh đường là
một cái cây bật rễ, trơ trợi, mất cành, sau cùng được trồng lại nhà nhờ
bùa chú, nước phép phục hồi lại cho nó những đức tính cơ bản được siêu
hóa. Lễ nghi đã làm cho nó mạnh thêm khi trước và nhờ vào những thủ tục
ấy nó có thể làm môi giới với thần linh.
“Nhưng chúng ta nhận thấy rằng cái quan niệm Cây hương cột thiêng
dựng ở giữa Linh địa để mang lên Thần linh lễ phẩm cũng như cây vũ trụ
vừa từ dưới đất mọc lên, vừa từ trên trời xuống, để bảo vệ hai cõi thế
giới cách biệt không làm cho tư tưởng bình dân đãng trí mất những tín
ngưỡng cổ truyền về đức thiêng của Cây. Cái tín ngưỡng ấy diễn tả ra
bằng nhiều cách: nhất là tục lệ ma thuật có mục đích mang lại cho tín đồ
những phúc lành, nó có thể cầu mong và bằng những chỉ giáo cho chủ nhà
cúng tế trong gia đình những lời khấn với điều giới có liên hệ đến Cây”.

Và cái tục thờ Cây cổ truyền ở Ấn Độ đã được Phật giáo thâu nhận,
nhất là ở hình thức cây nhân cách hóa cho nên ở thần thoại về những kiếp
trước của đức Phật Thích Ca Mâu Ni ngừơi ta thấy rất nhiều sự tích liên
hệ đến thần linh cây cối. Và chính tại dưới cây Bồ Đề mà Đức Thích Ca
đã đắc đạo Chính giác.

Giáo Sư NGUYỄN ĐĂNG THỤC