LỊCH SỬ LÀNG MINH HƯƠNG
Tác giả : Nguyễn Thanh Quang
Minh Hương (chữ Hán: 明鄉) là tên gọi Người Hoa (Việt Nam) ở vùng Nam Bộ. Tên Minh Hương có nguồn gốc từ tên triều đại mà những người này đã sinh sống: nhà Minh. Đến khi nhà Thanh thay thế nhà Minh ở Trung Quốc và bắt đầu có những thay đổi về quản lý đất nước, những người này đã chạy sang Việt Nam.
Ban đầu chữ “hương” dùng chữ 香 có nghĩa là “offspring”(香火), đến năm 1827 đổi sang chữ 鄉 nghĩa là “làng”. Như vậy Minh Hương có thể hiểu là “làng của người Minh” và cũng có thể hiểu là “làng sáng sủa”, sau được dùng để gọi cộng đồng người Hoa ở Việt Nam.
Năm 1698, ở vùng Phiên Trấn – Bến Nghé – Sài Gòn đã hình thành nên làng Minh Hương ở Gia Thạnh, Chợ Lớn cũ.
Tấm biển khắc 4 chữ thiện tục khả phong do vua Tự Đức ban tặng năm 1863 nay vẫn còn treo trước chính điện đình Minh Hương Gia Thạnh. Có thể nói đây là làng duy nhất hoặc hiếm hoi có hương ước ở Nam Bộ thời nhà Nguyễn: Minh Hương xã hương ước khoán văn.
Ca dao có câu nói về phong hóa làng Minh Hương:
Gỏi chi ngon bằng gỏi tôm càng
Đố ai lịch sự cho bằng làng Minh Hương.
Minh Hương Hội QuánMột thời “thương cảng” Minh Hương
Lịch sử ghi lại sự kiện năm Kỷ Mùi (1679) một đoàn người gồm khoảng 3.000 dân – binh Trung Hoa đi trên 80 chiến thuyền vượt biển đến Đà Nẵng đệ đơn xin chúa Nguyễn cho phép tỵ nạn chính trị. Chúa Nguyễn chấp nhận thỉnh cầu và cử người hộ tống đoàn trực chỉ về phương Nam.
Nhóm người này thực chất là những người Trung Hoa trung thành với triều đại nhà Minh. Khi nhà Minh suy tàn bị nhà Mãn Thanh từ phía Bắc tràn xuống tiêu diệt, họ không thần phục nhà Mãn Thanh nên tìm nơi lánh nạn. Do lo ngạI thế lực nhà Thanh nên đoàn người tìm cách chạy càng xa đất nước Trung Hoa càng tốt. Họ không dám dừng lại xứ đàng ngoài của chúa Trịnh vì sợ bị “dẫn độ” về nước. Ở đàng trong, chúa Nguyễn thuận cho nhóm người chạy nạn nhập cư nhưng để đề phòng trở ngạI về ngoạI giao với nhà Thanh, đồng thời có thêm nhân lực chinh phục đồng bằng sông Cửu Long nên chúa Nguyễn đưa họ về phương Nam.
Chúa Nguyễn cắt đặt cho nhóm của Tổng binh ba châu Cao – Lôi – Liêm là Trần Thượng Xuyên (tức Trần Thắng Tài ) định cư ở Biên Hòa, nhóm của Tổng binh Long Môn Trương Ngạn Địch định cư ở Mỹ Tho. Một nhóm khác tìm nơi sinh cơ lập nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long. Chúa Nguyễn đặt tên làng của người Hoa nhập cư là “làng Minh Hương”. Làng Minh Hương lúc đó mang ý nghĩa là “hương hỏa cho triều đại nhà Minh” (đến đời Minh Mạng, Minh Hương chuyển sang ý nghĩa là “quê hương của người Minh” cho phù hợp quan hệ bang giao với nhà Thanh).
Bằng tài năng, kinh nghiệm thương mại của cộng đồng Minh Hương việc buôn bán, kinh doanh ở Nam bộ phát triển nhanh chóng. Nông Nại Đại Phố (Biên Hòa) và Mỹ Tho đại phố lần lượt ra đời. Để quản lý hoạt động thương mại của người Minh Hương chúa Nguyễn cho phép Dương Ngạn Địch được quyền thu thuế khóa. Chín trường thu thuế ra đời, đặt rải rác từ Biên Hòa xuống Vĩnh Thanh Trấn.
Năm Thái Đức thứ 6 (1784) của Triều đại Tây Sơn, cộng đồng Minh Hương ở Vĩnh Long Trấn có 53 nhân khẩu, do Trần Tấn Lộc và Trần Thành Công lãnh đạo, việc thuế khóa do Thành Gia Định trực tiếp quán xuyến.
Năm Gia Long thứ tư (1805) phân xã Minh Hương ở Vĩnh Thanh Trấn chính thức ra đời. Ông Liêu Tấn Phụng được cử làm Hương trưởng. Việc thuế khóa vẫn còn lệ thuộc Thành Gia Định.
Năm 1811, ông Liêu Tấn Ngoạn cùng ông Trần Công Thái đệ đơn xin tách phân xã Minh Hương Vĩnh Thanh ra khỏi Thành Gia Định và nhập vào Trấn Vĩnh Thanh.
Làng Minh Hương tồn tại dướI hình thức đặc biệt, tương tự như “Lãnh sự quán”, không có địa giới hành chánh riêng biệt, người Minh Hương ở xen kẽ với dân cư của làng Việt. Trong giao dịch hành chánh làng Minh Hương quan hệ trực tiếp với Trấn, Dinh, không qua Tổng, Phủ. Ngược lại, Trấn, Dinh, sau này là, tỉnh, quản lý trực tiếp làng Minh Hương. Người Minh Hương có đầy đủ quyền sản xuất, kinh doanh, tạo sắm điền sản hệt người Việt và có nghĩa vụ nộp thuế đầy đủ cho Nhà nước. Đối với cộng đồng Minh Hương họ còn có nghĩa vụ đóng góp theo qui chế riêng của cộng đồng.
Khi trở thành đơn vị hành chánh trực thuộc Trấn Vĩnh Thanh ông Lâm Hạc Thanh đứng ra vận động xây dựng Minh Hương Hội Quán. Hội quán là nơi sinh hoạt cộng đồng mang đậm truyền thống của thương nhân Trung Hoa. Hội quán đồng thời là cơ sở tín ngưỡng. Như ở Gia Định có Minh Hương Gia Thạnh, Biên Hòa có miếu Quan đế, Hà Tiên có Miếu Quan Công, Định Tường có miếu Quan Đế… Lúc đầu Minh Hương Hội Quán ở Vĩnh Thanh thờ Phước Đức Chánh Thần. Năm 1834 do ảnh hưởng của tín ngưỡng Thiên Hậu Thánh Mẫu nên Hội quán Minh Hương đổi cách thờ tự. Thiên Hậu Thánh Mẫu được đưa vào thờ chính, phối tự cùng Phước Đức Chánh Thần và Chúa Sanh Nương Nương.
Năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), xã trưởng Minh Hương Vĩnh Long, Trương Ngọc Bạch (anh ruột bá hộ Trương Ngọc Lang), xây dựng võ ca Minh Hương Hội quán.
Năm Tự Đức thứ 8 (1855), bá Hộ Trương Ngọc Lang trùng tu chính điện Minh Hương Hội Quán. Năm 1858, trong chuyến về thăm cố hương Trung Hoa, ông Trương Ngọc Lang thỉnh về ba bộ tượng, tôn trí tại Hội Quán.
Khi thực dân Pháp xâm chiếm lục tỉnh Nam Kỳ, chúng áp đặt bộ máy cai trị ngoạI bang lên xứ sở này. Xã hội Nam kỳ vì thế có nhiều biến đổi sâu sắc. Cộng đồng Minh Hương cũng không nằm ngoài vòng ảnh hưởng ấy. Trong đó, về mặt hành chánh các làng Minh Hương bị xóa sổ, cư dân ở đâu phải nhập hộ khẩu vào địa phương đó. Các Hội quán Minh Hương vì vậy chỉ còn lại chức năng tín ngưỡng thuần túy.
Trong quá trình hình thành và phát triển cộng đồng người Minh Hương ở Vĩnh Long tuy lực lượng không đông, tiềm lực kinh tế không mạnh bằng cộng đồng Minh hương cư trú ở Gia Định, Biên Hòa, Mỹ Tho nhưng họ đã từng có hoạt động kinh doanh phát đạt, những thành tựu văn hóa có ý nghĩa lịch sử.
Hiện nay di tích Minh Hương Hội Quán rộng lớn vẫn tồn tại trên nền xưa ở phường 5, thị xã Vĩnh Long. Trong di tích lưu giữ nhiều hiện vật quí. Bên cạnh những hiện vật tín ngưỡng lưu truyền nhiều đời, còn có hơn 3.000 trang tư liệu Hán – Nôm, Việt ngữ, Pháp ngữ. Khối tư liệu này đa phần là Hán – Nôm, ghi nhận mọi mặt đời sống, từ giao dịch hành chánh với trấn Vĩnh Thanh, giao dịch thương mại, mua bán đất đai, tập tục thờ cúng… đến giá cả các loại hàng hóa thông thường, họp hành, bầu bán….Do tính cẩn thận, người xưa ghi chép tỉ mỉ mọi việc, đều đặn, liên tục từ lúc hình thành cộng đồng Minh Hương cho mãi đến những năm gần đây. Vì vậy, đây là khối tài liệu có giá trị về nhiều mặt rất cần được tiếp tục giữ gìn và khai thác.
Cũng ở trong di tích, còn tìm thấy nhiều hiện vật liên quan tới các nhân vật lịch sử gốc Minh Hương. Như bảng vàng của Vua Thiệu Trị tặng cho bà Liên Thị Tánh danh hiệu “Trinh tiết khả phong”; bảng vàng “Lạc Quyên Nghĩa Môn” vua KhảI Định ban cho gia đình ông Trương Ngọc Lang do có nhiều đóng góp về văn hóa xã hội như cải táng mộ cụ Võ Trường Toản từ Gia Định về Bến Tre, góp phần xây dựng Văn Thánh Miếu, Công Thần Miếu, chùa Long Phước….
__________________
Người Minh Hương ở Bình Định
Từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX, làn sóng di cư của người Trung Hoa sang Việt Nam khá ồ ạt bởi hai lý do: tỵ nạn chính trị và buôn bán. Họ được các chúa Nguyễn khuyến khích, ưu đãi… và đã trở thành một bộ phận cấu thành của dân tộc Việt Nam. Một số người Hoa đến lập các Minh Hương phố buôn bán nhộn nhịp ở Bình Định và có nhiều đóng góp đáng kể.
1. Mỗi khi ở Trung Quốc thay đổi triều đại thì một số quan, binh và cả thảo dân trung thành với triều đại cũ lại rời bỏ tổ quốc tìm nơi lập nghiệp, nhiều người đã chọn Việt Nam. Đợt di cư lớn nhất của người Trung Hoa sang lập nghiệp ở Việt Nam là năm Kỷ Mùi (1679), đời Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần. Khi ấy Tổng binh Dương Ngạn Địch và Tổng binh Trần Thắng Tài, tướng cũ nhà Minh không hàng phục nhà Thanh, đã đem cả quan quân và gia quyến hơn 3.000 người lên thuyền sang nước ta xin nhập cư vùng Đồng Phố (Đồng Nai).
Ở Bình Định vào khoảng năm 1610 thuyền buôn người Hoa đã vào cửa Thị Nại theo sông Côn ngược lên vạn Gò Bồi lập phố buôn bán. Phố cảng Nước Mặn đã hình thành, nhanh chóng phát triển và chiếm một vị trí quan trọng trên bản đồ thương mại Đàng Trong cũng như trên nhiều hải đồ hàng hải quốc tế lúc ấy. Cùng với Nước Mặn nhiều phố mới của người Hoa lần lượt mọc lên ở một số địa phương khác trong tỉnh. Họ vào cửa Đề Gi (Phù Cát) lập Trà Quang phố, vào cửa Kim Bồng (Bồng Sơn) lập Hòa Quang phố… Cũng thời kỳ đó, còn có những nhóm vài ba chục hoặc một vài trăm người đến buôn bán làm ăn rải rác khắp trong tỉnh, ở lại lập nghiệp, sinh con đẻ cháu và lập thành những làng Minh Hương. Minh Hương phố ở Bình Định được hình thành tương đối sớm, chỉ sau Hội An (Quảng Nam) và cùng thời với Thanh Hà (Huế).
Minh Hương nghĩa là làng của người Minh. Người Hoa sang Việt Nam thế kỷ XVII, XVIII và đầu thế kỷ XIX, họ tự xưng mình là thần dân của nhà Minh chứ không phải là thần dân của nhà Thanh. Riêng những người Hoa đến Việt Nam lập nghiệp từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX thì xưng là Hoa kiều chứ không gọi là Minh Hương bởi vì họ giữ quốc tịch Trung Hoa. Và có lẽ lúc này chuyện nhà Thanh hay nhà Minh cũng đã nhạt dần trong tâm thức của họ. Mối bận tâm của người Hoa bây giờ là định cư, giữ quan hệ tốt với người Việt, buôn bán và làm sao có nhiều lời lãi.
2. Để tiện việc quản lý những công dân mới này, Chúa Nguyễn đã cho lập làng của người Minh Hương, lập bộ hộ tịch riêng của người Hoa và người lai Hoa – Việt. Từ đó, làng người Hoa được chính thức thừa nhận, gọi tắt là làng Minh Hương hoặc Minh Hương xã. Bình Định lúc bấy giờ có Minh Hương xã Nước Mặn phố (ngày nay thuộc xã Phước Quang – Tuy Phước), Minh Hương xã Trà Quang phố (thị trấn Phù Mỹ), Minh Hương xã Hòa Quang phố (Tam Quan Bắc – Hoài Nhơn) và Minh Hương xã An Thái phố (Nhơn Phúc – An Nhơn).
Đến đời Chúa Nguyễn Phúc Chu (1698), làng người Việt được gọi là thôn, làng của người Minh Hương gọi là trang, trưởng làng Minh Hương gọi là Trang trưởng (tương đương lý trưởng của người Việt). Vài ba trang lập thành một thuộc, người đứng đầu thuộc là thuộc trưởng (tương đương chánh tổng).
Do vậy, Minh Hương xã Nước Mặn phố có tên làng gọi là Minh Hương xã Vĩnh An trang, Minh Hương xã An Thái phố có tên làng là Minh Hương xã An Hòa trang, Minh Hương xã Trà Quang phố có tên làng là Minh Hương xã Trà Quang trang và Minh Hương xã Hòa Quang phố có tên làng là Minh Hương xã Hòa Quang trang. Đầu thế kỷ XIX có một bộ phận người Hoa đến An Thái lập nghiệp cũng được nhà Nguyễn cho lập làng có tên gọi là: Minh Hương xã Tân thuộc Xuân Quang trang (để phân biệt với nhóm người lập nghiệp trước là cựu thuộc). Ngoài ra, người Minh Hương còn ở định cư rải rác ở: Phú Phong, Vĩnh Thạnh, An Khê (nay thuộc tỉnh Gia Lai)…
Người Việt rất ngại tiếng ngụ cư (ở nhờ), lại càng ngại tiếng ngụ canh (nhờ nơi làm việc). Khác với người Việt, người Minh Hương không ngại chuyện ngụ canh, ngụ cư. Dân của làng Minh Hương An Hòa (Nhơn Phúc) có thể làm ăn sinh sống có nhà cửa ruộng vườn ở An Khê hoặc ở Quy Nhơn và được đối xử công bằng. Đa phần người Hoa đến Việt Nam làm nghề buôn bán, bốc thuốc bắc, làm một số nghề thủ công… Họ nhanh giàu và cung nạp các thứ thuế rất nặng. Bù lại họ được miễn thuế thân, miễn trừ quân dịch, sưu dịch, tạp dịch. Đến năm Thành Thái thứ 10 (1898), thuế, lệ của người Minh Hương mới giống với người Việt. Tuy nhiên, việc thu thuế thân và cấp bài chỉ (biên nhận) vẫn do Trang trưởng thu hồi nộp cho phủ vì huyện không quản lý người Minh Hương. Về sau những người Hoa sang làm ăn buôn bán thông thường (không có tư tưởng phản Thanh) không nhập tịch các làng Minh Hương mà do các Bang trưởng quản lý theo cơ chế “Ngũ bang” gồm: Triều Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông, Hải Nam và Hẹ (quy chế này được được ban hành từ đầu triều Gia Long – 1802).
3. Đặc điểm của người Minh Hương là ở đâu có làng Minh Hương ở đó đều có Miếu Ông, Miếu Bà mà người dân quen gọi là “chùa” Ông, “chùa” Bà mặc dù ngay trước cửa “chùa” nào cũng có tấm biển rất lớn sơn son thếp vàng đề: Quan Thánh Đế Miếu hoặc Thiên Hậu Miếu có nơi còn gọi là Thiên Hậu Cung. Ngoài việc thờ Thiên hậu thánh mẫu, người Minh Hương còn có miếu thờ Bà Chúa Thai Sinh – Bảo Sản, những người đàn bà hiếm muộn thường đến đây cầu nguyện về đường con cái hoặc được sanh đẻ mẹ tròn con vuông. Ngoài “chùa” Ông, “chùa” Bà, ở một số làng Minh Hương còn xây “chùa” Ngũ Bang như ở An Thái, Tam Quan.
Bên cạnh việc giúp Chúa Nguyễn khai hoang lập ấp, mở mang bờ cõi về phương Nam, người Minh Hương cũng đã góp phần tạo ra một diện mạo mới ở một số vùng nông thôn miền Trung vào thế kỷ XVIII, XIX. Các Minh Hương phố tạo ra các trung tâm kinh tế của một vùng thường dựa trên ven các dòng sông để tiện việc giao thông lúc bấy giờ. Tuy nhiên khi giao thông đường bộ ngày càng phát triển thì vai trò và chức năng của Minh Hương phố cũng ngày càng yếu dần, một số người Minh Hương lại đi tìm các trung tâm kinh tế khác để tiếp tục phát triển thương nghiệp.
Người Minh Hương, Minh Hương phố, Minh Hương trang… như những dòng sông nhỏ dần dần đã hòa nhập vào biển lớn cộng đồng các dân tộc anh em một nhà. Ở Bình Định cộng đồng Minh Hương cũng có nhiều đóng góp nhất định, nhất là vào hệ thống thương nghiệp, phát triển đô thị, thể dục thể thao… Người Minh Hương ở Bình Định thật sự trở thành một bộ phận của gia đình Việt Nam.Về lịch sử người Minh Hương và người Hoa ở Nam Bộ