Giới thiệu chung
Di tích lịch sử Ngã Ba Giồng thuộc xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn—nơi trước kia giặc Pháp đã tổ chức một trường bắn lớn để tử hình nhiều chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước tham gia Khởi nghĩa Nam Kỳ. Trong đó có nhiều đồng chí là Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, Xứ ủy Nam Kỳ, Tỉnh ủy Gia Định, Quận ủy Hóc Môn và đồng bào yêu nước tham gia khởi nghĩa.
Các chiến sĩ đã hy sinh
Một số đồng chí đã hy sinh:
- Hà Huy Tập
- Nguyễn Văn Cừ
- Võ Văn Tần
- Nguyễn Thị Minh Khai
- Phan Đăng Lưu
- Đỗ Văn Dậy
- Phạm Công Bỉnh
- Nguyễn Thị Thử
- Phạm Văn Sáng
- …
Đôi nét về khu di tích Ngã Ba Giồng
- Vị trí: Ngã Ba Giồng (còn có tên gọi đầy đủ là Ngã Ba Giồng Bằng Lăng) nằm trên địa phận thôn Xuân Thới Tây thuộc 18 thôn vườn trầu xưa được hình thành từ những năm 1698 đến năm 1731.
- Nguồn gốc tên gọi: Tục truyền rằng xưa kia nơi đây là một vùng đất giồng tương đối cao ráo và là nơi mọc nhiều cây bằng lăng nên địa danh này có tên gọi từ đó.
- Lịch sử:
- Sau khi cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ (23/11/1940) bị thất bại, thực dân Pháp đã tăng cường đàn áp, khủng bố khốc liệt phong trào cách mạng vùng Hóc Môn – Bà Điểm.
- Chúng đã lập ra ở Hóc Môn 03 trường bắn để giết hại các đồng chí lãnh đạo Đảng, các đồng chí đồng bào yêu nước của quê hương Hóc Môn và các vùng lân cận.
- Ngã Ba Giồng là trường bắn thứ ba ghi lại tội ác tày trời của giặc Pháp và bọn tay sai đối với nhân dân Hóc Môn.
- Rút kinh nghiệm từ 02 trường bắn trước (01 tại rạp hát cũ trung tâm Quận lỵ Hóc Môn, 01 cạnh giếng nước sau Bệnh viện Hóc Môn ngày nay), chúng xử bắn công khai, bắt nhân dân đến xem nhằm mục đích uy hiếp tinh thần cách mạng của nhân dân Hóc Môn. Nhưng cách xử bắn đó đã phản tác dụng, nhân dân Hóc Môn đã tận mắt chứng kiến sự tàn ác của thực dân Pháp, sự hy sinh cao cả của các chiến sĩ cộng sản nên ngọn lửa yêu nước của họ càng bùng lên mãnh liệt.
- Trường bắn thứ ba này, chúng không dám xây dựng gần trung tâm Quận lỵ nữa mà đưa ra khu vực Ngã Ba Giồng là vùng hoang vắng, thưa dân để tránh sự phản kháng của nhân dân.
- Tại đây, chúng xây dựng thành một trường bắn có mô đất kiên cố dài 12m, cao 2,2m, phía trước có trồng 06 cột bắn, mỗi cột cao 1,7m, hướng bắn quay về phía đồng ruộng (bưng Tràm Lạc).
- Vào năm 1941, tại đây chúng lén lút xử bắn rất nhiều lần, không cho nhân dân xem, hàng trăm chiến sĩ cộng sản và đồng bào yêu nước bị chúng giết hại.
Ý nghĩa xây dựng Khu Tưởng niệm Liệt sĩ Ngã Ba Giồng
- Lịch sử Khởi nghĩa Nam Kỳ:
- Khởi nghĩa Nam Kỳ diễn ra vào đêm 22 rạng 23 tháng 11 năm 1940 ở 18/21 tỉnh thành ở Nam Kỳ là cuộc khởi nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo có quy mô lớn ở Việt Nam kể từ khi Đảng ra đời và trước Tổng khởi nghĩa toàn quốc mùa thu năm 1945.
- Đây là khởi nghĩa được đánh giá là cuộc khởi nghĩa lớn nhất ở Nam Kỳ từ sau khởi nghĩa Trương Định.
- Hóc Môn là nơi phát nguồn đầu tiên, nơi diễn ra cuộc họp Xứ ủy Nam Kỳ (tháng 9-1940) đã quyết định thời gian diễn ra khởi nghĩa.
- Lần đầu tiên ở Nam Kỳ, chính quyền cách mạng đã được thành lập ở một số tỉnh thành với thời gian khá lâu (như Mỹ Tho 49 ngày) và lá cờ đỏ sao vàng đã được treo ở nhiều nơi ngay sào huyệt của thực dân Pháp trong cuộc khởi nghĩa.
- Đây cũng là cuộc khởi nghĩa diễn ra ác liệt nhất, bị giặc Pháp đàn áp dã man nhất từ khi thực dân Pháp xâm lược Nam Kỳ đến 1940.
- Sự ghi nhận của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
- Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập.
- Giữa lúc tiến hành cuộc kháng chiến toàn quốc năm 1948, ngày 14-4-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh tặng Huân chương Quân công đầu tiên (Huân chương Quân công hạng nhất) cho ba lực lượng được coi là tiền thân của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam. Đó là Đội quân du kích, Đội quân khởi nghĩa Nam Kỳ và Đội Tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân trực tiếp của Quân đội nhân dân Việt Nam như sắc lệnh đã khẳng định vì: “đã biểu dương được ý chí quật cường của dân tộc”.
- Mục đích xây dựng khu tưởng niệm:
- Với tấm lòng tri ân, tưởng niệm các đồng chí lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương và đồng bào đã hy sinh trong Khởi nghĩa Nam Kỳ.
- Góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước của dân tộc ta cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay.
- Thường trực Huyện ủy và Ủy ban nhân dân huyện Hóc Môn đã quan tâm chỉ đạo sát sao để thực hiện thành công Công trình xây dựng Khu Tưởng niệm Liệt sĩ Ngã Ba Giồng—một công trình trọng điểm của huyện có ý nghĩa lớn về mặt văn hóa, lịch sử với các giá trị vật thể và phi vật thể, không chỉ ở cấp thành phố mà còn ở tầm vùng Nam Bộ.
Khu di tích
- Khởi công: 30/04/2005
- Thi công Đền chính: 27/07/2008
- Tổ chức Lễ Kỷ niệm 70 năm Ngày Nam Kỳ Khởi Nghĩa: 22–23/11/2010
- Tổng diện tích quy hoạch: 73.708 m² và đường dẫn 2.366 m²
Xây dựng công trình (9.155 m²)
- Đền chính: 1.168 m²
- Nhà truyền thống: 455 m²
- Nhà hành chính: 155 m²
- Nhà dịch vụ: 155 m²
- Quảng trường: 5.830 m² (Trục chính)
- Tượng đài:
- Chiến sĩ vô danh: 200 m²
- Bất khuất: 154 m²
- Trường bắn: 516 m²
- 5 Cổng vào: 220 m²
- 5 Nhà vệ sinh: 88 m²
Cây xanh – hồ nước (45.132 m²)
- Cây xanh – thảm cỏ: 43.365 m²
- 2 hồ phun nước: 301 m²
- 1 hồ khu cắm trại: 1.466 m²
Giao thông – sân bãi (19.421 m²)
- Bãi đậu xe: 1.440 m²
- Đường giao thông: 16.025 m²
- Bó vỉa – vỉa hè: 1.956 m²
Giữ gìn và phát huy khu di tích lịch sử Ngã Ba Giồng
- Gần 80 năm đã trôi qua kể từ ngày Khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra và một số đồng chí Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương cũng như nghĩa quân và nhân dân bị giặc Pháp giết hại đi vào cõi vĩnh hằng.
- Tên tuổi của những chiến sĩ cộng sản nổi tiếng đã và sẽ mãi mãi sống trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, đồng hành cùng Đảng và dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam hôm nay.
- Nơi đây đã trở thành điểm tham quan, nơi tổ chức lễ hội truyền thống trong những ngày lễ lớn hàng năm của huyện Hóc Môn và thành phố, đặc biệt là lễ kỷ niệm ngày Nam Kỳ Khởi nghĩa (23/11).
- Hiện nay, được sự nhất trí của thành phố, huyện tiến hành tôn tạo xây dựng Ngã Ba Giồng thành “Khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng”.
- Ngày 30/12/2002, Di tích lịch sử Ngã Ba Giồng được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia theo Quyết định số 39/QĐ-BVHTT của Bộ Văn hóa và Thông tin.
- Nhằm tiếp nối truyền thống đấu tranh giữ gìn bờ cõi và uống nước nhớ nguồn cho thế hệ trẻ cũng như giới thiệu cho bạn bè quốc tế, Đảng và Nhà nước tạo mọi điều kiện cho tất cả đến Khu tưởng niệm để tham quan trong sự đón tiếp nhiệt tình.