1. MỞ ĐẦU
Khi thời đại Đá Cũ chấm dứt nhân loại thức dậy chào đón buổi binh minh trên quả địa cầu đang ngũ quá dài. Cuộc Cách Mạng Đá Mới khởi động êm ái với những sáng tạo công cụ hoạt động từ những hòn đá cuội dùng dập đẻo trở nên những mảnh đá được ghè đẻo một, hai hoặc nhiều mặt sắc sảo, hoàn chỉnh những chiếc rìu, cuốc… để hỗ trợ hiệu quả cho sinh hoạt hàng ngày – chủ yếu săn bắt và hái lượm. Từ đó, nền nông nghiệp sơ khai ra đời, cư dân theo thời gian biết thuần hóa thảo mộc và động vật để sản xuất đủ lương thực đáp ứng dân số ngày càng thêm đông. Bộ lạc trồng lúa xuất hiện khắp nơi với lúa rẫy trên sườn đồi núi, đất cao quanh nơi cư trú. Khi mực nước biển lui dần, cư dân rời hang động, mái đá để sống ngoài trời và xuống vùng đất thấp khai thác nông nghiệp lúa nước, chăn nuôi gia súc và định cư lâu dài trên các gò đất cao, ven đầm lầy, sông rạch và biển. Khi thời đại Kim Khí bùng phát với các công cụ hoạt động bằng đồng thau và nghề luyện kim, đời sống cư dân lại bước sang trang mới với đầu óc khôn ngoan hơn, hoạt động tay chân khéo léo và tinh thần mở mang với bằng chứng đồ gốm ngày càng có phong cách riêng, nghệ thuật cao, đa dạng trông đẹp mắt.
Những kinh nghiệm sáng tạo tích lũy hàng ngàn năm nêu trên của cư dân Việt cổ qua các nền văn hóa nổi tiếng Hòa Bình-Bắc Sơn-Đa Bút là cơ sở quan trọng cho sự tiến bộ mới, lớn mạnh của cộng đồng Việt Cổ và hình thành đất nước Văn Lang vào thiên kỷ II và I trước CN; đồng thời khai sáng nền văn hóa Đông Sơn danh tiếng thế giới và phát huy thời đại văn minh lúa nước rỡ ràng, trong khi các nhà nước Hùng Vương-An Dương Vương lớn mạnh hùng cứ một thời trên bờ biển Thái Bình Dương.
2. Nền Văn Hóa Đông Sơn (cách nay 2.800 – 1.800 năm)
Vào thời đại Kim Khí cách nay khoảng 4.000 năm, nghề trồng lúa nước ngày càng bành trướng lớn mạnh, có thể chia làm 2 giai đoạn: thời kỳ tiền bán và hậu bán thời đại Hùng Vương. Trong nửa trước thời đại Hùng Vương, người Văn Lang trồng lúa nước sơ kỳ song song với trồng lúa rẫy khi mực nước biển rút lui; nhưng nghề lúa rẫy vẫn còn chiếm ưu thế. Đến nền văn hóa Gò Mun, với phát triển công cụ sản xuất đồng thau, nghề trồng lúa nước đã vượt lên ngang hàng hoặc hơn ngành lúa rẫy. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện một hầm lúa thối nát, chứng tỏ chủ nhân sản xuất dư thừa, gia đình cư dân no ấm. Ngành trồng lúa nước càng phát triển đời sống người Văn Lang thêm phồn thịnh sung túc để rồi nền văn hóa Đông Sơn ló dạng và kéo dài cả ngàn năm.
Di tích Đông Sơn được khai quật vào năm 1924 bởi ông L. Pajot. Di tích này thuộc làng Đông Sơn, phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa, nằm ở hữu ngạn sông Mã. Nền văn hóa bao gồm các tỉnh miền núi, đồng bằng và ven biển của Miền Bắc đến Quảng Bình, nhưng địa bàn gốc là đồng bằng và trung du Miền Bắc (vùng sông Hồng) và vùng bắc Trung Phần (vùng sông Mã). Nền văn hóa Đông Sơn đã phát triển lâu dài từ thế kỷ VIII-VII tr CN đến thế kỷ I – II sau CN. Các di tích tìm thấy ở nhiều địa điểm, nhưng thường phân bố trên các vùng đất cao, chân đồi, ven sông và ven suối. Tầng văn hóa trung bình dày 0,60-1,00 m. Ngoài các di chỉ cư trú riêng biệt, còn có loại di tích hỗn hợp của cả di chỉ cư trú và khu mộ táng.
Các đặc trưng của nền văn hóa Đông Sơn được tìm thấy ở các loại đồ đồng, sắt, đá, đồ thủy tinh, gốm, xương và đồ tre gỗ. Đồ đồng chiếm một số lượng lớn, đặc biệt công cụ liên quan đến phát triển sản xuất nông nghiệp lúa.
Đồ đồng: Nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng nhứt là bộ đồ đồng rất phong phú về số lượng, hình dạng, trình độ kỹ thuật chế tạo và năng khiếu thẩm mỹ của người dân. Nhạc cụ của nền văn hóa này nổi bật nhứt là trống đồng và chuông. Trống đồng là một di vật tiêu biểu cho nền văn minh người Việt cổ thời dựng nước, ngoài nhiệm vụ nhạc khí còn là biểu tượng của quyền lực, lễ hội, tôn giáo…(Hình 1). Trống đồng cũng là đặc trưng nổi bật của nền văn hóa Đông Sơn, nay gọi là trống Đông Sơn. Đến nay đã phát hiện gần 1000 trống lớn, không kể những trống vỡ nát và gần 100 chiếc trống minh khí (Hoàng Minh Chính, 2012) ở miền Bắc khu vực văn hóa Đông Sơn và các nơi khác ở Việt Nam như Thừa Thiên – Huế, Gia Rai – Kontum, Quảng Nam – Đà Nẵng, Bình Định, Nha Trang, Bình Dương, Vũng Tàu, Đồng Nai, Kiên Giang… Trống Đông Sơn có địa bàn phân phối rộng không những ở Việt Nam, còn tìm thấy ở nhiều nước Đông Nam Á như: Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và miền nam Trung Quốc, chứng tỏ Việt Nam có giao lưu thương mại khá rộng lớn lúc bấy giờ. Trống đồng được các nhà khảo cổ học phân ra 5 loại A,B,C,D và Đ, căn cứ vào kích thước, dáng cân đối và hoa văn.
Một số hoạt động nông nghiệp trong thời Cổ Đại được khắc ghi trên các trống đồng Đông Sơn, qua các hình ảnh hoa văn rất điêu luyện và mỹ thuật. Các hoa văn trang trí trên trống đồng rất đa dạng, thể hiện nhiều góc cạnh của xã hội thời bấy giờ dưới triều đại Hùng Vương- An Dương Vương. Các hoa văn này xuất hiện trên mặt, tang, thân và ngay cả chân trống đồng, chủ yếu gồm có các loại văn mặt trời, văn kỷ hà, văn tả cảnh sinh hoạt và văn hình động vật. Trống đồng Đông Sơn đã để lại cho hậu thế một thông điệp lịch sử sống động rõ ràng cách đây ít nhứt 3.000 năm, người Việt cổ đã lập quốc và có nền văn minh nông nghiệp rực rỡ, như sản xuất lúa gạo, đánh cá, chăn nuôi, săn bắn qua những họa tiết khắc trên các trống đồng (Hình 1).
Nhóm công cụ sản xuất bằng đồng thau của văn hóa Đông Sơn khá phong phú, trong đó rìu chiếm một số lượng quan trọng (Hình 1 và 3) (Viện Khảo Cổ Học, 1999).
  • Rìu: Đặc điểm chung là rìu có họng để tra cán, gồm có 2 loại rìu cân xứng và rìu không cân xứng: rìu xéo (không cân xứng), rìu hình hia gót tròn, gót vuông, rìu xoè cân, rìu có vai.
  • Lưỡi cày đồng tiêu biểu cho ngành nông nghiệp. Cho tới nay có gần 200 hiện vật, gồm có 4 loại: lưỡi cày hình tam giác (còn hiếm), lưỡi cày hình tim (nhiều nhứt chiếm 50%), lưỡi cày hình cánh bướm hay chân vịt và lưỡi cày có vai ngang hay vai nhọn (ít) (Hình 2).
  • Cuốc đồng: Chiếc cuốc lớn ở Bãi Phủ (Đông Hà, Thanh Hóa) có kích thước: dài 16,5 cm, rộng 11,7 cm. Kiểu cuốc hình chữ U tùy theo cách lắp cán với lưỡi hình cung hoặc hình tam giác. Kiểu cuốc có vai và phần họng tra cán ăn sâu xuống lưỡi. Kiểu cuốc có họng tra cán, lưỡi gồm có hình tam giác, hoặc lưỡi hình cung.
  • Xẻng: công cụ này được phát hiện còn rất ít. Họng xẻng có cấu tạo giống như họng lưỡi cày hình tim. Có xẻng không có họng mà liền với lưỡi thành một khối.
  • Nhóm thuổng hay mai thường được xếp vào nhóm rìu có vai cân xứng, nhưng chắc và khoẻ hơn lưỡi rìu, rất thích hợp cho đào đất hay dầm đất.
  • Nhóm công cụ thu hoạch: Gồm có lưỡi dao gặt hay còn gọi là nhíp được dùng để gặt lúa.
  • Ngoài ra, nhóm công cụ sản xuất còn có nhóm dùi, đục, dũa, lưỡi câu, kim, đinh ba, đinh hai, móc, dao, dao khắc.
Đa số các công cụ sản xuất này cho biết ngành nông nghiệp lúa đã tiến bộ nhiều trong nền văn hóa Đông Sơn. Cư dân Việt đã tích tụ được nhiều kinh nghiệm trồng lúa nước, biết dùng cuốc cày bằng đồng và sắt để nâng hiệu năng sản xuất, biết dùng trâu để thay thế phần nào sức lao động, có kho vựa chứa thóc và biết giã gạo thay vì dùng bàn nghiền do sản xuất lúa quá nhiều. Bằng chứng của nền nông nghiệp lúa nước trong giai đoạn này là các hoa văn trống đồng hình cặp đôi giã gạo, bông lúa trên quay trống đồng, vựa lúa, cóc, rắn, cá…
Ngoài ra, đồ đồng còn là dụng cụ sinh hoạt (thạp, thố, bình, khai, đĩa, chậu…), đồ trang sức (vòng tai, vòng tay, trâm cài, khóa thắt lưng, tượng đồng…), vũ khí (giáo, lao, mũi tên, dao găm), nhạc cụ và tượng đồng.
Image result for văn minh lúa nước
Hình 1: Trống đồng Đông Sơn (2500-3000 năm trước) (Ảnh: N. K. Quỳnh)
Hình 2: Lưỡi cày bằng đồng vào thời kỳ văn hóa Đông Sơn (2.500-3.000 năm trước) (Ảnh: N. K. Quỳnh)
LSLVN-do dong van hoa Dong Son
Hình 3: Đồ đồng văn hóa Đông Sơn
1: Rìu bôn; 2: rìu hình chữ nhựt; 3-8: rìu xoè cân; 9: rìu xéo hình thuyền; 10,11: rìu xéo hình dao xén; 12,13: rìu xéo gót vuông; 14,15: đục; 16: dùi; 17: lưỡi câu; 18: nhíp; 19: dũa; 20: cuốc chữ U; 21: xẻng; 22: thuổng; 23: lưỡi cày (Viện Khảo Cổ Học, 1999)
Đồ sắt trong văn hóa Đông Sơn là công cụ và vũ khí. Công cụ sản xuất gồm lưỡi cuốc chiếm số lượng nhiều nhứt. Lưỡi cuốc là công cụ làm đất, gồm có 2 loại: kiểu lưỡi cuốc có vai, có họng tra cán gần hình chữ nhựt, và kiểu cuốc có họng tra cán hình chữ U, lưỡi xoè rộng hình cung. Ngoài ra, còn có rìu để chặt cây, liềm dáng cong hình cung dùng thu hoạch. Ở Gò Chiền Vậy, mẫu than để xác định niên đại nằm sâu dưới lớp đất có cuốc sắt với niên đại 2.350+100 cách ngày nay (Viện Khảo Cổ Học, 1999)
Đồ đá gồm có hai nhóm công cụ sản xuất và đồ trang sức (vòng tay, vòng tai). Số lượng công cụ sản xuất còn rất ít, chủ yếu rìu (rìu tứ giác và rìu có vai), bôn. Ngoài ra, còn có hòn kê, hòn ghè, cối, chày, bàn mài với các kiểu gần giống như thời kỳ tiền Đông Sơn. Về trang sức có kiểu vòng tay, vòng tai, các hạt chuỗi bằng đá mã não
Ngoài ra, còn có đồ thủy tinh được tìm thấy trong các ngôi mộ niên đại muộn, như hạt chuổi màu xanh, vòng tai, vòng tay có màu xanh thẫm; và các đồ gốm như nồi, bình, chõ, chậu, bát, chì lưới, dọi xe gần giống với giai đoạn tiền Đông Sơn, nhưng số lượng phong phú, đa dạng hơn và hoa văn trang trí còn nghèo nàn. Đồ dùng bằng tre gỗ cũng được người Đông Sơn dùng phổ biến, nhưng dễ bị hủy hoại nên rất hiếm tìm thấy: cán giáo, mái chèo, mâm gỗ, phao gỗ, tượng người bằng gỗ…
3. Nền văn minh lúa nước
Ở Việt Nam, nền văn minh lúa nước được nhắc đến rất nhiều trong sách sử, ca dao, là niềm tự hào của dân tộc, đã xuất hiện rõ nét từ nền văn hóa Phùng Nguyên cách nay 4 thiên kỷ khi người Việt cổ biết dùng các dụng cụ hoạt động nông nghiệp bằng đá mài và đồng thau để chuyển đổi nghề trồng lúa rẫy trên đất cao qua cách trồng lúa nước ở các thung lũng, đầm lầy, ven sông rạch. Họ đã hiểu biết ít nhiều làm thủy lợi để canh tác, sản xuất bền vững với truyền thuyết Sơn tinh Thủy tinh. Nhờ đó, sản xuất thực phẩm, nhứt là lúa gạo tăng cao đủ đáp ứng đòi hỏi dân số ngày càng đông tập trung ở các làng xã.
Từ các thành tựu vượt bực của ngành khảo cổ học trong nước, nhiều chuyên gia liên hệ xác định thời đại Hùng Vương khởi sự từ thời sơ kỳ Đồng Thau đến sơ kỳ Sắt cách nay khoảng 4.000 đến 2.258 năm (từ nền văn hóa Phùng Nguyên đến Đồng Đậu, Gò Mun và Đông Sơn), và là thời kỳ chuyển biến quan trọng để thành lập nước đầu tiên của lịch sử Việt tộc, đó là nước Văn Lang. Tuy nhiên, lịch sử đến nay ghi thời đại này chỉ có 18 đời Vua Hùng (khoảng 700 năm tr. CN), cho nên đây có thể là hậu kỳ thời đại Hùng Vương trong khi thời sơ kỳ còn khiếm khuyết, dù các công cụ hoạt động nông nghiệp bằng đá và đồng thau được các nhà khảo cổ học khám phá. Kinh đô Văn Lang đặt ở Phong Châu, tỉnh Phú Thọ ngày trước. Ngưòi Việt cổ thời Hùng Vương có nguồn gốc đa tộc, mà hạt nhân của cộng đồng là người Tày-Thái cổ với sự tham gia của các nhóm tộc khác như Malayô, Môn-Khmer… thuộc tiểu chũng Mongoloid phương nam (Viện Khảo cổ học, 1999 và 2002).
● Địa lý và tổ chức xã hội sơ lược: Nước Văn Lang của thời đại Hùng Vương gồm có vùng Bắc Việt, bắc Trung Việt và một phần phía nam tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Quốc (Nguyễn Phan Quang & Võ Xuân Đàn, 2000 và Văn Tấn và cộng sự viên, 2008). Nước có 15 bộ (bộ lạc cũ) và có tổ chức xã hội tương đối rõ ràng như Lạc Vương (vua), Lạc Hầu (văn), Lạc Tướng (võ), Quan Lang (con trai vua), Mỵ Nương (con gái vua), Bố Chính (quan lại), ở làng xã có chế độ tù trưởng và mỗi gia đình có chế độ gia tộc, gia trưởng. Người dân gọi là Lạc Dân. 15 bộ tộc gồm có:
– Văn Lang (Bạch Hạt, Vĩnh Yên),
– Châu Diên (Sơn Tây),
– Phúc Lộc (Sơn Tây),
– Tân Hưng (Hưng Hóa, Tuyên Quang),
– Vũ Định (Thái Nguyên, Cao Bằng),
– Vũ Ninh (Bắc Ninh),
– Lục Hải (Lạng Sơn),
– Ninh Hải (Quảng Yên),
– Dương Tuyền (Hải Dương),
– Giao Chỉ (Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình),
– Cửu Chân (Thanh Hóa),
– Hoài Hoan (Nghệ An),
– Cửu Dương (Hà Tỉnh),
– Việt Thường (Quảng Bình, Quảng Trị),
– Bình Văn (?).
● Đời sống văn hóa và phong tục
Cư dân thời Hùng Vương đã tập hợp sinh sống ở các xóm làng ven chân núi, sườn đồi, gò cao hay những doi đất để tránh thú dữ và ngập úng; nhưng gần với nguồn nước sông rạch, đầm hồ ven biển để thuận lợi cho hoạt động hàng ngày: vào rừng, lên nương, xuống sông, ra biển… để trồng trọt, săn bắn, chài lưới, đánh cá. Lúc bấy giờ xã hội chưa phân hóa nhiều. Họ sống trong những nhà sàn còn thô sơ, có mái cong hình thuyền và đuôi mái sát đến sàn nhà. Có cầu thang lên đặt trước nhà. Hình ảnh ngôi nhà được khắc ghi trên nhiều trống đồng và vết tích nhà sàn còn được tìm thấy ở mốt số địa điểm thuộc di chỉ Đông Sơn, gồm những cột gỗ, những dóng tre, mảng phên đan… (Lê Thái Dũng, 2017) (Hình 4).
Sự thật có bao nhiêu đời vua Hùng? Giỗ Tổ 10/3 là giỗ vị vua nào? - Ảnh 1.
Hình 4: Thời đại Hùng Vương
(http://kenh14.vn/su-that-co-bao-nhieu-doi-vua-hung-gio-to-10-3-la-gio-vi-vua-nao-20180424202211674.chn)
Trang phục của nam và nữ khác nhau, nam giới đóng khố, nữ giới mặc váy, cởi trần, đi chân đất. Vào dịp lễ hội, người Văn Lang ca hát, nhảy múa, hóa trang với váy xòe làm bằng lông vũ hoặc lá cây kết lại, đầu đội mũ cài bông lau hoặc mũ gắn lông chim phía trước, như thấy trên các hoa văn trống đồng. Cối chày giã gạo có thể là nhạc khí trong lễ hội (Hình 5). Đồ trang sức của cả nam lẫn nữ gồm có vòng đeo tai, nhẫn, hạt chuỗi, vòng đeo tay. Do đời sống sông nước, núi rừng, họ có tập tục xăm mình để tránh cá sấu, thuồng luồng kéo dài đến vua Trần Anh Tông (1.293-1.314) mới chắm dứt; đầu tóc nam lẫn nữ cắt ngắn để dễ dàng làm việc hàng ngày, đi vào rừng sắn bắn. Họ còn có búi tóc, tết tóc nhưng ít hơn. Tục lệ phổ biến của người Việt cổ còn có nhuộm răng đen, ăn trầu với tích trầu cau.
Hình 5: Hoa văn giã gạo trên trống đồng Đông Sơn
Về hôn nhân, tục ăn cơm chung của trai gái trước khi thành vợ chồng được ghi trong Lĩnh Nam Chích Quái: “ … trai gái cưới nhau trước hết lấy muối làm lễ hỏi, rồi sau mới giết trâu dê làm lễ thành hôn, đem cơm nếp vào trong phòng cùng ăn với nhau cho hết, rồi sau mới thương thông; lúc bấy giờ chưa có trầu cau nên phải thế.” Lúc sinh sản “…con đẻ ra lót lá chuối cho nằm; nhà có người chết thì giã gạo để cho hàng xóm nghe mà chạy đến cứu giúp”. Tục giã cối (Hình 10) được khắc trên trống đồng không những là hoạt động sản xuất còn được xem là một loại nhạc cụ và hình thức giao duyên giữa nam nữ trong ngày lễ hội.
Về đời sống tinh thần, cư dân thời Hùng Vương có nhiều hình thức tín ngưỡng, như thờ vật tổ hay “Tô tem” (chim Lạc, rồng), sùng bái thiên nhiên (thần Mặt Trời, thần Mưa, thần Sấm, thần Chớp, thần Núi, thần Nước…), sùng bái con người (Tổ tiên, anh hùng có công với đất nước), tín ngưỡng phồn thực (mong được mùa, mong giống loài sinh sản…). Các tập tục cá biệt nêu trên giúp cho dân Việt giữ bản sắc dân tộc, không chịu khuất phục đồng hóa với kẻ thù xâm lăng từ phương Bắc.
Trong tinh thần sùng bái con người, cư dân Việt cổ thời Hùng Vương nấu gạo nếp làm cơm, xôi, hay chế biến ra bánh chưng, bánh dày để cúng tế trong các lễ hội, cúng tổ tiên vào Tết Nguyên đán. Ngoài ra, còn có tục thờ cơm sống vào ngày 10 thán 03 âm lịch để tưởng nhớ vua Hùng. Còn có tục thi nấu cơm vào dịp Tết, đặc biệt tại xã Kinh Kệ ở Lâm Thao, Phú Thọ. Về sau, cuộc thi lan rộng tới nhiều vùng, nhứt là ở đồng bằng và trung du Miền Bắc. Mỗi vùng có nghi thức lễ khác nhau, nhưng đều có ý nghĩa nhắc đến các vị thánh tổ Hùng Vương, làm nổi bậc tài nấu nướng khéo léo trong gia đinh và cầu may mắn sung túc nhân dịp Xuần về (Lê Thái Dũng, 2017). Hiện nay, nước ta vẫn còn nhiều lễ hội ẩm thực hàng năm được tổ chức tại một số nơi Miền Bắc, Miền Trung và Tây Nguyên, như lễ Thượng điền, Gạo mới, Tết Cơm mới… (Xem thêm Chương 1: Tầm quan trọng ngành trồng lúa)
Ngoài ra, dân gian còn truyền miệng nhiều chuyện thần thoại từ đời này đến đời khác cho đến ngày nay, giúp chúng ta biết được một số khái niệm về văn hóa và tinh thần cư dân Việt cổ vào thời đại Hùng Vương. Chẳng hạn, truyện bánh chưng bánh dày cho biết người bấy giờ tin tưởng trời tròn đất vuông và sùng bái tổ tiên qua việc cúng bái và sản xuất nhiều lúa gạo. Truyện Sơn tinh Thủy tinh thể hiện sự phấn đấu khó khăn của con ngưới với vạn vật, ngoài ra còn nói lên vấn đề kiềm chế lũ lụt, biết làm thủy lợi trong mùa mưa tại nhiều nơi. Truyện Phù Đổng Thiên Vương hay Thánh Gióng vừa cho thấy giặc Ân ngoài biên giới, tinh thần yêu nước và thời ấy cư dân đã biết dùng kim loại sắt (ngựa sắt, roi sắt). Tích Trầu cau gợi lên tình người, tình huynh đệ cao cả, cũng như cư dân biết trồng cây ăn quả, rau hoa. Truyện Tiên Dung và Chử Đồng Tử cho biết hình ảnh đầm Dạ Trạch và bãi Tự Nhiên, và chế độ mẫu hệ còn chi phối xã hội thời bấy giờ…
● Đời sống kinh tế:
Vào buổi đầu thời đại Hùng Vương trong nền văn hóa Phùng Nguyên, hoạt động săn bắt và hái lượm vẫn còn đóng vai trò quan trọng, nhưng nghề nông, chài lưới và chăn nuôi đã tiến bộ rất nhiều. Thật vậy, trong giai đoạn đầu với nền văn hóa Phùng Nguyên, dụng cụ sản xuất bằng đá vẫn còn chiếm vị thế quan trọng, chứng minh nghề trồng lúa của người Việt cổ còn thô sơ trong những tháng ngày mới lập quốc. Sự kiện này được thể hiện qua truyền thuyết như sau: “Ban đầu, quốc dân ăn mặc chưa đủ, phải lấy vỏ cây làm áo mặc, dệt cỏ ống làm chiếu nằm; lấy gạo ngâm làm rượu, lấy cây quang lang (bột báng), cây soa-đồng làm bánh; lấy cầm thú, cá tôm làm nước mắm, lấy rễ gừng làm muối; lấy dao cày, lấy nước cấy: đất trồng nhiều gạo nếp, lấy ống tre thổi cơm… “Lạc Long Quân dạy dân việc cày cấy làm ruộng”, “…phát nương đổ rẫy. Đất sản xuất được nhiều gạo nếp”. (Lĩnh Nam Chích Quái, 1960).
Đến khoảng 700 năm tr. CN, nông nghiệp chính là nghề trồng lúa nước và chài lưới được xác nhận với các hoa văn thể hiện trên nhiều trống đồng tìm thấy; ngoài ra, họ còn trồng rau củ, trầu cau, dưa hấu (sử tích), khoai đậu, trồng dâu, nuôi tằm, chăn nuôi gia súc…
  • Nghề trồng lúa: Trong nền văn hóa Phùng Nguyên, người Việt cổ vẫn tiếp tục làm nương rẫy truyền thống từ thời tiền sử cho đến khi có hiện tượng biển lùi xảy ra, họ tràn xuống vùng đất thấp hơn khai thác các thung lũng, đầm lầy có nước quanh năm để trồng lúa trong nền văn hóa Đồng Đậu, Gò Mun và phát triển mạnh trong nền văn hóa Đông Sơn. Sau cùng, họ định cư trên các vùng đồi, gò cao, ven đầm lầy, sông rạch, biển và khai phá rừng rậm để trồng trọt sinh sống, như đã chứng kiến từ cuộc di dân thời Nhà Nguyễn để khai khẩn đất hoang của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Nền văn minh lúa nước lộ nét rõ ràng trên nước Văn Lang trong nền văn hóa Đông Sơn, với các khám phá khảo cổ học, như các công cụ sinh hoạt bằng đá, đồng, thau và sắt: rìu, lưỡi cày, cuốc; công cụ thu hoạch như lưỡi liềm, vòng hái, dao; hậu thu hoạch như thạp, vò, kho vựa, hầm gạo… Hơn nữa, trống đồng Đông Sơn còn để lại hậu thế một thông điệp lý thú và một bức tranh lịch sử sống động về nông nghiệp lúa nước, qua các họa tiết được khắc ghi trên trống đồng. Đó là những bằng chứng sống thực của nền văn minh nổi tiếng này của tộc Việt:
  • Họa tiết bông lúa trên quai của trống đồng Ngọc Lũ (Hình 6).
  • Họa tiết kho vựa lúa trên nhiều trống đồng (Hình 7)
  • Họa tiết mặt trời, nhà sàn, ruộng nước, sông ngòi, thuyền cổ, trâu bò, chim cò bay, trích, gà, cóc, cá, rắn… (Hình 1 & 9)
  • Họa tiết hai người đứng giã gạo (Hình 5).
  • Họa tiết lễ hội mừng thu hoạch cuối vụ: múa hát, người hóa trang kiểu cờ bay (Hình 1, 5 và 9)

Hình 6: Họa tiết bông lúa trên quai trống đồng Ngọc Lũ
C:UsersPinkeyAppDataLocalMicrosoftWindowsINetCacheContent.MSO493C09CF.tmp
Hình 7: Vựa thóc và hai con gà
Ngoài ra, do tập quán trồng lúa rẫy nhiều thế kỷ, cư dân Việt cổ có thể trồng lúa nước theo lề lối du canh lâu đời của lúa rẫy; nghĩa là họ vẫn dùng phương pháp gieo thẳng hạt giống trên ruộng sau vài trận mưa đầu mùa và chờ thu hoạch, như trồng lúa nổi ở ĐBSCL. Sau ít năm khai thác, họ di chuyển tìm nơi khác trồng trọt vì ruộng kém phì nhiêu, như từng thấy bộ lạc Bambara ở miền Tây Phi Châu (Guinea, Guinea-Bissau, Senegal…) hiện nay còn thực hành cách trồng lúa này đối với loại ruộng ngập mặn ven biển và sông rạch. Tuy nhiên, sau nhiều năm kinh nghiệm, cư dân Việt biết lợi dụng thủy triều lên xuống để đem phù sa vào ruộng lúa và chăm sóc vụ mùa chu đáo hơn; nên không còn thay đổi đất trồng nữa nhờ mức độ phì nhiêu được tái tạo.
Đến hậu kỳ thời đại Hùng Vương trong nền văn hóa Gò Mun – Đông Sơn, nghề trồng lúa nước (nếp) trở nên thịnh hành và đạt nhiều tiến bộ kỹ thuật. Họ đã biết sử dụng cày bừa để làm đất, phương pháp cấy lúa để chủ động trồng trọt trong điều kiện nước lũ và khí hậu gió mùa Tây Nam hàng năm. Công việc cấy lúa được nói đến trong Lĩnh Nam Chích Quái nêu trên: “Lạc Long Quân dạy dân cày cấy…”, “… lấy dao cày, lấy nước cấy”. Nhà khảo cổ học Maspéro (1918) nghiên cứu tài liệu Trung Quốc đã xác nhận dân tộc Lạc Việt có một xã hội phát triển khá cao, họ biết làm lúa nước, làm thủy lợi. làm lúa hai vụ, biết cấy lúa… trước khi Hán tộc xâm lăng.
Phương pháp cấy lúa có khả năng giúp cho cây lúa có xác suất sinh tồn cao hơn gieo thẳng khi mực nước lên xuống, như từng thấy kinh nghiệm trồng lúa sạ (lía nổi) và lúa cấy một hoặc hai lần ở ĐBSCL. Vào thời kỳ này, những kinh nghiệm sống đã giúp cho nông dân hoàn hảo lề lối canh tác để sản xuất lương thực nhiều hơn. Từ cách gieo sạ thẳng nông dân đã chuyển qua phương pháp làm mạ vào đầu mùa mưa để cấy vào ruộng ngập nước, chủ yếu giúp cây lúa cao, lớn có khả năng chịu đựng mực nước ruộng dâng cao trong mùa mưa. Do đó, người Việt có thể biết cấy lúa vào thời mới dựng nước, cách nay ít nhất 3.000 năm.
Ngành trồng lúa nước đã trở nên chủ lực của nền nông nghiệp bản xứ. Sử Trung Quốc ghi rằng: “Ngày xưa, Giao Chỉ khi chưa chia thành quận, huyện, ruộng đất có ruộng lạc, ruộng đó theo nước triều lên xuống, dân khẩn ruộng mà ăn nên gọi là dân lạc” (Hình 8). Như vậy, cư dân đã biết làm thủy lợi trên ruộng lúa đã cố định, có bờ đê ngăn giữ nước trồng lúa. Chuyện cổ tích Sơn Tinh Thủy Tinh có thể tượng trưng cho công tác đắp đập đê để ngăn ngừa lũ lụt ở Miền Bắc. An Nam chí lược có ghi chép cư dân Văn Lang “tưới ruộng theo nước triều lên xuống”. Hoặc vết tích một đoạn đê cổ của thành Cổ Loa trước thời Bắc thuộc cho người ta nghĩ rằng người dân tại một số vùng đã biết đắp bờ giữ nước, tháo nước bảo vệ cây lúa để tăng sản xuất.
Hình 8: Bút tích ruộng lạc và hai vụ lúa ở Giao Chỉ
(Ảnh: N. K. Quỳnh)
● Vụ lúa: Có lẽ dân tộc Việt vào hậu kỳ thời đại Hùng Vương đã biết trồng lúa 2 vụ mỗi năm khi có được giống “lúa Chiêm” của nước Chiêm Thành, vì giống lúa này có thể trồng bất cứ lúc nào trong năm, nhờ không chịu ảnh hưởng quang cảm (số giờ ánh sáng trong ngày). Lúa Chiêm này có thể được du nhập từ Ấn Độ, nơi có thủy lợi và làm lúa 2 vu lâu đời, vì văn hóa và tôn giáo của nước này ảnh hưởng rất lớn tại nước Chiêm. Mặc dù theo sử Trung Hoa, nước Chiêm Thành mới thành lập năm 192 sau CN, nhưng trước đó vùng đất này là một trong 15 Bộ Tộc của nước Văn Lang, cho nên lúa Chiêm có thể được người Giao Chỉ biết đến truớc CN.
Vụ Chiêm được trồng từ tháng 11 đến tháng giêng, gặt tháng 5; trong khi lúa Mùa trồng tháng 6 gặt tháng 11. Trong Di vật chí có ghi: “Lúa Giao Chỉ mỗi năm trồng hai lần, về mùa hạ và mùa đông” (Hình 8). Ông Maspéro (1918) và Bùi Huy Đáp (1980) đã ghi nhận dân tộc Việt trồng lúa hai mùa trước CN.
● Các loại lúa: Trong thời đại Hùng Vương có ít nhứt 3 loại lúa trồng ở 3 vùng sinh thái khác nhau: lúa rẫy trên đất cao, lúa thung lũng dưới chân đồi núi và lúa đất phù sa ở các đồng bằng. Mỗi loại lúa này có 2 thứ lúa tẻ còn ít phổ biến và lúa nếp rất phổ biến của cư dân từ đồi núi xuống thung lũng và đồng bằng. Theo Lĩnh Nam Chích Quái, vào thời Hùng Vương, “Đất sản xuất nhiều gạo nếp”. Ngoài ra, còn có hai vụ lúa mỗi năm: vụ Chiêm và vụ Mùa, nên mỗi vụ có nhiều giống lúa khác nhau. Do đó, vào cuối thời đại Hùng Vương, Viêt Nam có trên trăm giống lúa được nông dân trồng. Ở di chỉ văn hóa Đồng Đậu, các nhà khảo cổ học tìm được nhiều hạt gạo cháy có hình dáng khác nhau cách nay khoảng 3.000 năm: hình bầu, tròn, dài, thon, thon dài, bầu dài, tròn ngắn… (Đào Thế Tuấn, 1988); cho biết nơi đây cư dân đã trồng nhiều giống lúa khác nhau.
● Công cụ sản xuất (Hình 2 và 3, xem thêm nền văn hóa Đông Sơn): Đến đầu thiên kỷ II trước CN, công cụ đá, chủ yếu rìu đá vẫn còn phổ biến rộng rãi trong nền văn hóa Phùng Nguyên dù kỹ thuật luyện kim đã bắt đầu. Đến giai đoạn Đồng Đậu và Gò Mun, các dụng cụ bằng đá được thay thế dần bởi dụng cụ đồng, thau, rồi công cụ sắt xuất hiện ở hậu kỳ thời đại Hùng Vương. Các chiếc rìu đá, rìu đồng được cư dân sử dụng để chặt cây, làm đất trồng trọt, mặc dù các nơi khác đã dùng cuốc đá từ lâu như cư dân cổ ở Miền Đông Nam Bộ.
Càng về sau trong hậu kỳ thời đại Hùng Vương, các nhà khảo cổ tìm thấy lưỡi cày đồng (Hình 2) và cuốc, mai thuổng bằng sắt với số lượng lớn, trong khi các công cụ sản xuất bằng đá giảm dần. Các loại cày đồng với lưỡi hình tim và hình cánh bướm thông dụng hơn hết để cày ruộng. Các liềm đồng cũng được tìm thấy với số lượng khá lớn dùng để gặt lúa.
  • Chăn nuôi: Cư dân Việt cổ đã biết đến nghề chăn nuôi khá lâu. Trong di chỉ Đa Bút (khoảng 6.000-5.000 năm), Theo Nguyễn Phan Quang và Võ Xuân Đàn (2000), cư dân Phùng Nguyên đã biết chăn nuôi vì trong các di chỉ và mộ táng có những xương răng chó, lợn, trâu, bò… Tượng gà bằng đất nung được phát hiện ở di chỉ Đồng Đậu (Lê Thái Dũng, 2017). Các nhà khảo cổ tìm thấy xương trâu, lợn và suy đoán cư dân biết thuần dưỡng động vật (Patte 1932 và Vũ Thế Long, 1979). Điều này chứng minh rằng người Việt biết dùng sức kéo trâu bò để làm ruộng, biết cày cấy trước thời Bắc thuộc chứ không phải như đã ghi trong sử sách Trung Quốc (Hậu Hán Thư và Thủy Kinh Chú trong Bùi Thiết, 2000) cũng như các sách sử Việt viết theo tài liệu Trung Hoa: Thái thú Nhậm Diên dạy dân Cửu Chân cày bừa. Có thể người Trung Hoa đem các chiếc cày, cuốc bằng sắt vào xứ Giao Chỉ và Cửu Chân vào buổi đầu Bắc thuộc (Phạm Văn Sơn, 1960) giúp cho việc làm đất ruộng mau lẹ và cày sâu hơn. Tuy nhiên, dân tộc Việt đã biết sử dụng kim loại sắt vào buổi đầu lập quốc, với câu chuyện cổ tích Thánh Gióng vào đời vua Hùng Vương thứ ba, khoảng 700-600 năm trước CN.
  • Ngoài ra, nghề đánh cá trong các sông rạch, ven biển đã xuất hiện từ nền văn hóa Đa Bút-Quỳnh Văn đến Phùng Nguyên và các nền văn hóa tiếp theo. Các nhà khảo cổ học tìm thấy vỏ sò ốc, xương cá, răng cá, chì lưới, lưỡi câu, mãnh gốm có hình cá… trong nhiều di chỉ khảo cổ khai quật. Trong thời hậu kỳ Hùng Vương, đặc biệt trong nền văn hóa Đông Sơn, nghề đánh cá lớn mạnh hơn, cư dân biết đóng những chiếc ghe, thuyền lớn để đi trên sông, biển, được ghi khắc trên các trống đồng Đông Sơn (Hình 9).
  • Image result for ảnh trống đồng
Hình 9: Thuyền cổ trên trống đồng
Ngoài ra, cư dân còn trồng một số hoa màu khác như trầu cau, dưa hấu (sử tích), trồng dâu nuôi tầm, khoai, đậu,…, kết hợp với nghề chăn nuôi, đánh cá, săn bắn, nghề gốm, nghề luyện kim, thủ công nghiệp, thương nghiệp khác… trong các làng xóm năng động.
Ngành nông nghiệp lúa nước tiến bộ nhanh vào thời đại này, mặc dù đòi hỏi nhiều sức lao động so với nghề nương rẫy. Đó là nhờ cư dân Việt sớm biết chăn nuôi, sử dụng sức kéo trâu bò từ nền văn hóa Đa Bút, Phùng Nguyên, có kinh nghiệm về thủy triều lên xuống, lúa bậc thang, về khí hậu hai mùa mưa nắng mỗi năm, và đặc biệt xuất hiện các công cụ sản xuất bằng kim loại.
Trong giai đoạn hậu kỳ Đồng Thau đến sơ kỳ thời đại Sắt, dân Việt cổ đã nắm vững một số phương pháp canh tác tiến bộ của ngành làm ruộng nước và nương rẫy, nhằm khai thác đồng bằng sông Hồng, sông Mã và sông Cả ở Bắc Việt và Trung Việt. Đồng thời cư dân ở Miền Đông Nam Bộ và và ĐBSCL cũng đã trồng lúa rẫy trên đất cao và lúa nước ở đất thấp để sinh sống trong nền nông nghiệp dùng cuốc cách nay ít nhứt 4.000 năm. Hoạt động săn bắn và hái lượm vẫn còn hiện diện, nhưng đã trở thành thứ yếu, chỉ còn thấy ở các vùng đồi núi, rừng sâu.
Một cách tổng thể, vào thời đại Hùng Vương ngành sản xuất lúa gạo nước Văn Lang có 5 hiện tượng biến đổi lớn xảy ra, đẫn đến nền văn minh lúa nước sung túc, rỡ ràng một thời, như sau:
  1. Nền nông nghiệp dùng rìu trong thời tiền sử được chuyển qua nông nghiệp dùng cuốc cày;
  2. Công cụ sản xuất bằng đồ đá mài chuyển qua công cụ sản xuất bằng đồng, thau và sắt;
  3. Từ nghề làm nương rẫy du canh chuyển qua nghề trồng lúa nước cố định;
  4. Từ trồng lúa gieo thẳng trong thời tiền sử chuyển qua cấy lúa trong thời đại Hùng Vương. (Ngày nay ngược lại, từ cấy lúa chuyển qua gieo thẳng); và
  5. Cư dân di chuyển từ những vùng đất cao thưa thớt xuống sống tập trung làng ấp ở các gò đất cao, thung lũng và nhứt là đồng bằng ven sông rạch do hiện tượng biển thoái cuối cùng.
4. THỬ ƯỚC TÍNH NĂNG SUẤT VÀ DIỆN TÍCH LÚA THỜI CẬN CÔNG NGUYÊN
Đây chỉ là những ước tính sơ khởi để có được khái niệm về tình trạng trồng lúa trên đất Lạc Việt vào khoảng một vài thế kỷ trước và sau CN, dựa vào các con số ghi nhận trong sử sách và kiến thức trồng lúa hiện nay. Dĩ nhiên, các số liệu ước tính sau đây cần được điều chỉnh lại với các thông tin phát hiện trong tương lai để được chính xác hơn.
Năng suất: Theo sách Đông Quan Hán Ký (trong Bùi Thiết, 2.000), khoảng thế kỷ thứ II tr. CN, ruộng ở quận Cửu Chân (vùng Thanh-Nghệ-Tĩnh) có 156 gốc lúa cho 768 bông. Từ đó, chúng ta có thể suy tính năng suất khoảng 465 kg/ha, với giả thuyết như sau: (i) khoảng cách trồng ước độ 40 x 40 cm, (ii) mỗi bông lúa trung bình có 60 hạt và (iii) trọng lượng 1000 hạt là 25 gram[1]. Năng suất lúa Cửu Chân khoảng 465 kg/ha. Nhưng đất Cửu Chân xấu hơn đồng bằng sông Hồng, nên trong điều kiện bình thường, lúa Giao Chỉ vào buổi đầu Bắc thuộc có năng suất bình quân ước lượng khoảng 0,54[2] t/ha hoặc hơn (từ 500 đến 800 kg/ha)?
Diện tích: Theo sách Quảng Đông Tân Ngữ (trong Bùi Thiết, 2000), Giao Chỉ có dân số 746.237 người, vào đời nhà Hán mỗi năm phải nộp thuế đến 13.600.000 hộc lúa hay tương đương 136.000 tấn lúa (1 hộc lúa = 10 đấu, 1 đấu gần bằng 1kg). Từ đó, có thể suy tính như sau: Vì chế độ cai trị hà khắc, bóc lột của người Hán, thuế khóa rất nặng độ 70 – 80% số lượng sản xuất của dân Giao Chỉ, với 2 vụ lúa mỗi năm: vụ tháng 5 và vụ tháng 10 âm lịch. Cho nên, sản lượng thu hoạch của họ có thể ước tính độ 16.320.000 hộc lúa hay độ 163.200.000 kg lúa. Nếu năng suất bình quân độ 540 kg/ha, có thể suy ra dân Giao Chỉ lúc bấy giờ trồng 326.400 ha mỗi năm (2 vụ) hay diện tích đất ruộng khoảng 151.000 ha hoặc ít hơn (tùy theo năng suất)? Lúc bấy giờ, Giao Chỉ có 94.400 hộ, nên mỗi hộ có độ 1,6 ha.
5. KẾT LUẬN
Tóm lại, ngành trồng lúa Việt Nam đã tiến hóa lâu dài, chậm chạp theo trình độ văn minh dân tộc. Từ thời người Vượn cho đến 11.000 năm trước – thời nguyên thủy, con người chỉ biết săn bắt và hái lượm, chủ yếu cây có củ, đậu, cây ăn trái và sò ốc để sinh tồn và sống hòa đồng với thiên nhiên. Cho đến văn hóa Hòa Bình (cách nay12.000 – 10.000 năm), nền nông nghiệp sơ khai xuất hiện và cư dân bắt đầu hái lượm từng hạt lúa hoang và biết gỡ vỏ lúa để lấy hạt gạo có thêm lương thực. Đến nền văn hóa Bắc Sơn-Đa Bút (8.000 – 5.000 năm), cư dân Việt cổ đã thu thập được nhiều kinh nghiệm trồng lúa để làm thế nào sản xuất nhiều thóc gạo, họ đã bắt đầu thuần hóa cây lúa hoang, lấy hạt lúa gieo trồng gần nơi cư trú, thường là rẫy nương hoặc thung lũng, đầm lầy. Trong thời kỳ này, các Bộ lạc trồng lúa xuất hiện khắp Đông Nam Á, đánh dấu sự thay đổi lớn, ảnh hưởng sâu đậm đến nền văn minh người Việt cổ, vì nghề trồng lúa đã mang đến đời sống sung túc, ổn định.
Sau Cách Mạng Đá Mới độ 5.000 – 6.000 năm, thời đại Kim Khí ló dạng, mang luồng gió mới và năng lượng đến nhân loại, nhứt là nền nông nghiệp sơ khai có thêm sức sống và sáng tạo mới để nghề nông chủ yếu ngành trồng lúa có thêm các công cụ sản xuất tinh xảo và hữu hiệu làm tăng sản xuất lương thực; tạo ra nền văn hóa Đông Sơn nổi danh thế giới với nền văn minh lúa nước rực rỡ trong thời đại Hùng Vương của nước Văn Lang vừa được xây dựng. Nhưng tiếc thay góc trời phương Nam vừa ấm áp chan hòa ánh nắng ban mai của buổi bình minh thì tham vọng Bắc phương luôn rình rập kéo đến với lòng tham vô độ, làm cho đời sống của hơn một triệu người Việt cổ lặn ngụp trong cảnh lầm than cả ngàn năm dài!
Tác giả: Trần Văn Đạt
TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Bùi Huy Đáp. 1980. Các giống lúa Việt Nam. NXB Khoa Học và Kỹ Thuật, Hà Nội, 563 tr.
  2. Bùi Thiết. 2000. Việt Nam Thời Cổ Xưa. NXB Thanh Niên, T.P. Hồ Chí Minh, 463 tr.
  3. Đào Thế Tuấn. 1988. Về những hạt gạo cháy phát hiện ở Đồng Đậu (Vĩnh Phúc) năm 1984. Khảo Cổ Học, số 4, tr. 44-46.
  4. Lê Thái Dũng. 2017. Tìm hiểu văn hóa Thời Đại Hùng Vương. NXB Hồng Đức, Hà Nội, 255 tr.
  5. Lĩnh Nam Chích Quái. 1960. NXB Khai Trí, Sài Gòn, 134 tr.
  6. Maspéro, H. 1918. Le Royaume de Văn Lang. BEFEO, XVIII, fasc. 3, 1918.
  7. Nguyễn Phan Quang & Võ Xuân Đàn, 2.000. Lịch sử Việt Nam – Từ nguồn gốc đến năm 1884. NXB T.P. Hồ Chí Minh, 479 tr.
  8. Patte, E. 1932. Le Kjokkenmodding néolithique de Dabut et ses sépultures (province de Thanh Hóa, Indochine). Bulletin du Service Géologique d’Indochine (BSGI), vol. XIX, pt.3.
  9. Nguyễn Khắc Quỳnh. 2002. Các bức ảnh về khảo cổ, Viện Khoa Học Nông Nghiệp Việt Nam.
  10. Phạm Văn Sơn. 1960. Việt sử toàn thư. NXB Thư Lâm Ấn Quán, Sài Gòn, 738 tr.
  11. Viện Khảo Cổ Học. 1999. Khảo cổ học Việt NamTập II: Thời đại kim khí Việt Nam. NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 551 tr.
  12. Viện Khảo Cổ Học. 2002. Khảo cổ học Việt NamTập III: Khảo cổ học lịch sử Việt Nam. NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 519 tr.
  13. Vũ Thế Long. 1979. Di tích động vật ở di chỉ Đa Bút (Thanh Hóa). NPHM, Viện Khảo Cổ Học 1979.
  1. Với giả thuyết trên, 156 gốc lúa có 768 gié, 46.080 hạt, nặng 1152 gram, được trồng trên 24,76 m2 (hay 63.001 gốc/ha = 251×251). Cho nên, năng suất của lúa Cửu Chân là (1152 : 24,76) x 10.000 m2 = 465.267 gram hay 465 kg/ha. ↑
  2. Căn cứ thông tin năng suất ĐBSH hơn Miền Trung năm 2008 là 16%. ↑