CÂU CHUYỆN CỦA NHỮNG BỨC HỌA TRONG DINH ĐỘC LẬP
(Bài chia sẻ)

Phạm Công Luận (Sài Gòn chuyện đời của phố_Tập 1 và 3)

 

Giới thiệu những bức tranh trong Dinh Độc Lập trong bộ sách Sài gòn chuỵện đời của phố, tôi không cho đó là những tác phẩm hội họa Việt Nam tuyệt tác (những bức tuyệt tác, có chất nghệ thuật cao có chỗ trong bảo tàng mỹ thuật, mặc dù không phải lúc nào điều này cũng đúng). Những bức này được trưng bày trong Dinh Độc Lập từ khi dinh chỉ dành cho Tổng thống VNCH và nội các làm việc và tiếp khách. Ngoài tính mỹ thuật, tranh bày trong dinh phải mang ý nghĩa nhất định, thể hiện niềm tự hào về lịch sử, địa lý, văn hóa nghệ thuật và vẻ đẹp giang san đất nước của những người đứng đầu chính phủ miền Nam lúc đó, để có thể giới thiệu cho quốc khách. Một hội đồng đã chọn những bức tranh này, trong đó người có vai trò quan trọng là KTS Ngô Viết Thụ.
Sau 1975, dinh Độc Lập trở thành di tích lịch sử, được mở ra cho khách vào xem, những bức tranh nói trên được thấy thấp thoáng trong những phòng lớn có dây chăng bảo vệ.
Dưới đây chỉ là những bức tranh tôi tiếp cận được và có tài liệu.

BỨC BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO – H.S NGUYỄN VĂN MINH

Bức tranh này rất lớn tại phòng Trình Quốc thư ở tầng hai. Cho dù chỉ có thể ngắm bức tranh từ phía ngoài căn phòng, sau ba-ri-e, từng chi tiết của bức tranh hiện lên khá rõ. Đó là quang cảnh đất nước vừa lấy lại nền thái bình từ tay giặc Ngô (Minh) vào thế kỷ thứ 15. Là bức sơn mài trên nền dát vàng sang trọng, có phong cách thể hiện gần gũi với dạng tranh Byobu của Nhật Bản thời Shogun. Có thể nói đây là bức tranh có kích thước lớn nhất nhì của nghệ thuật sơn mài Việt Nam, dài 14 mét, cao 9 mét, được ghép lại từ 40 bức sơn mài khổ nhỏ mỗi bức 0,8 mét X 1,2 mét. Chi tiết trong tranh dày đặc, có khoảng 15 cảnh sinh họat đồng hiện trên tranh.
Bức Bình Ngô Đại Cáo có vị trí trang trọng trong phòng Trình quốc thư, toát lên từ nội dung thể hiện niềm tự hào của một đất nước có nền văn hiến lâu đời, đã chiến thắng quân xâm lược nhà Minh mạnh hơn gấp nhiều lần và xây dựng nền hòa bình trong độc lập cách nay 6 thế kỷ. Chất liệu sơn mài dân tộc sâu đằm nhưng sang trọng thể hiện một quang cảnh rộng lớn, đồng hiện nhiều sinh họat của dân tộc Việt còn đang ngây ngất bởi hào khí chiến thắng. Trong đó, là khí thế của đoàn quân chiến thắng kiêu hùng trên đường về kinh đô trẩy hội, sự uy nghi của triều đình nhà Lê, vẻ tưng bừng của đồng ruộng núi sông, của người nông dân vừa thoát khỏi ách thống trị của giặc ngoài xâm. Đó là không khí rộn rã của quê hương bừng bừng sức sống và hy vọng, thể hiện trong màu vàng rực rỡ như ánh nắng một ngày đầu xuân, báo hiệu bình minh của dân tộc.
Năm 1994, họa sĩ Nguyễn Văn Minh – người mà giới nghệ thuật Pháp xem là maitre lacquer (bận thầy sơn mài) – về Việt Nam và đến thăm lại bức tranh này, tác phẩm đánh dấu những năm tuổi trẻ của ông tại Sài Gòn.
Việc thực hiện bức tranh là cơ duyên chỉ có một lần trong đời. Năm 1966, khi đang làm Giám đốc Trung Tâm nghệ thuật và mỹ nghệ Mê Linh với hơn trăm nhân viên, ông được Họa sư Lê Văn Đệ tiến cử, để đảm nhận việc thực hiện một bức tranh lớn để trang trí Dinh Độc Lập vừa xây xong. Ông chỉ có hai tháng vừa vẽ phác thảo vừa thực hiện. Trong suốt thời gian ngắn ngủi đó, Họa sĩ Nguyễn Văn Minh cùng các phụ tá đã hoàn thành tốt đẹp công việc để đời này. Bên cạnh đó, ông còn thiết kế bộ bàn ghế có tay vịn bằng gỗ phủ sơn mài trong phòng, tấm thảm lớn và cả những chiếc đèn lớn đặt hai bên bức tranh và quanh phòng.
Hoạ sĩ Phi Mai, người đệ tử duy nhất của Hoạ sĩ Nguyễn Văn Minh kể với tôi: Lần về Việt Nam năm 1994, họa sĩ Nguyễn Văn Minh và chị mua vé vào cổng, lên tầng hai để xem lại bức tranh. Họa sĩ Nguyễn Văn Minh ngắm tranh thật kỹ, đánh giá là sau 27 năm, tranh đã bị hư hao nhiều chỗ. Chiếc bàn đặt phía trước và cặp đèn hai bên tranh vẫn còn. Bộ ghế sofa dọc hai bên căn phòng đã được thay vải bọc sau rất nhiều năm, tấm thảm trải dưới sàn cũng đã thay bằng tấm thảm khác. Khi biết ông là tác giả bức tranh này, Ban Giám đốc Dinh Độc Lập đã mời ông, họa sĩ Phi Mai cùng KTS Ngô Viết Thụ ăn bữa cơm thân mật. Sau cuộc gặp đó, năm 2003, những người quản lý Dinh có lời mời Họa sĩ Nguyễn Văn Minh phục chế toàn diện bức tranh Bình Ngô Đại Cáo. Cân nhắc các phí tổn, thời gian đi về giữa Mỹ và Việt Nam, Họa sĩ Nguyễn Văn Minh ra một chi phí tương xứng. Nhưng việc này đã không được tiến hành.

BỨC QUỐC TỔ HÙNG VƯƠNG – H.S TRỌNG NỘI

Trong phòng Khánh tiết dinh Độc Lập, bức tranh này có chiều dài 5,4 mét và chiều rộng 2, 34 mét. Bức tranh có tên là Quốc Tổ Hùng Vương. Đây là cái tên thường dùng, tuy nhiên lúc đầu, tác giả đặt tên cho tranh là Việt Nam Quốc Tổ. Người sáng tác bức tranh này là họa sĩ Trọng Nội.
Họa sĩ Trọng Nội tên thật là Trần Trọng Nội, được xem là thủy mặc gia Việt Nam. Ông chuyên thực hiện tranh bích họa đắp nổi cho các cơ sở tôn giáo. Ông là tác giả bức “Phật đản” tại chùa Phổ Quang, hai bức “Hội nghị Diên Hồng” và “Bạch Đằng Giang” ở đền thờ Trần Hưng Đạo, bức “Hội hoa nghiêm” cao 2,5 m, dài 8,5 m tại chùa Kim Cương, đường Trương Tấn Bửu (Trần Huy Liệu). Bức “Bồ tát Quảng Đức tự thiêu” cao 2 mét được vẽ bằng máu của chư Tăng Ni, Phật tử, do ông vẽ năm 1963 giữa mùa pháp nạn đặt tại phòng Khánh tiết của chùa Quan Thế Âm.
Trọng Nội sinh năm 1924 tại Hà Nội. Sở trường của ông là thủy mặc, vẽ mực tàu trên giấy bản, đề tài là hoa lá chim muông ghi lại cảnh sinh hoạt. Ông vẽ tranh về đề tài các trận đánh cổ xưa, trên giấy bản, mực tàu điểm xuyết bằng màu điểm xuyết màu hồng xạ, hoa hiên, chu sa nguyên chất thuần túy dân tộc… Từ năm 1957, ông chuyển hướng thực hiện tranh đắp nổi bằng xi măng. Ngoài ra còn khắc chân dung và phong cảnh trên ngà voi.
Ngày 22 tháng 6 năm 1966, họa sĩ Trọng Nội gửi thư đến Phủ Chủ tịch Ủy ban hành pháp trung ương và KTS trưởng Ngô Viết Thụ là tác giả đồ án dinh Độc Lập để xin tặng tác phẩm “Việt Nam Quốc tổ” để trưng bày trong Dinh Độc Lập mới xây xong. Trong thư ông nêu: “tác phẩm kể trên tượng trưng ý nghĩa đề cao dân tộc Việt Nam, tôi ước mong được góp phần bé nhỏ vào công trình kiến trúc dinh Độc Lập, nhân dịp khánh thành…”. Ngay trong ngày hôm đó, ban trang trí Công trường dinh Độc Lập sau khi nhận thư, đã có ý kiến ngay với các vị được nêu trong thư: “nhận thấy đây là một tác phong cao đẹp của một nghệ sĩ chân chính, nghèo tiền nhưng không nghèo lòng, sẵn sàng đóng góp phần mình vào kho tàng nghệ thuật quốc gia bằng một hy sinh lớn lao. Ban tôi trân trọng xin quý vị sớm cho biết tôn ý về vấn đề nêu trên, để việc sử dụng bức tranh, trong trường hợp thuận lợi, khỏi bị chậm trễ”.
Bốn ngày sau, Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ gửi một bức thư đến quản đốc công trường Dinh và Phủ chủ tịch Ủy ban hành pháp cho biết là ông “hết sức hoan hô nghĩa cử đó của họa sĩ” và đề nghị ra lệnh đóng gấp một cái khuôn dành cho bức tranh.
Bức tranh này được họa sĩ Trọng Nội hoàn thành đúng bốn tháng sau ngày viết thư đề nghị hiến tranh, ngày 22/10/1966, và kịp trước khi khánh thành 9 ngày. Tranh ghép gồm 8 tấm cốt gỗ, dán giấy xuyến chỉ phủ bề mặt. Họa sĩ Trọng Nội thể hiện tranh bằng chất liệu màu nước, diễn tả nhân vật và không gian theo lối đồ họa, chủ yếu diễn tả bằng nét, điểm màu có tiết chế. Nhân vật trung tâm được vẽ lớn hình ảnh đức Quốc Tổ Hùng Vương đang ngồi rất uy hùng giữa hai hàng văn võ bá quan, tay phải ông đang cầm bút viết hai chữ “Văn Lang”( bằng chữ Hán) quốc hiệu đầu tiên của nước Việt Nam, tay trái ông cầm mũi tên. Hậu cảnh vẽ cách điệu hoa văn sóng nước và mây. Mặt trước bệ gỗ đặt ghế ngồi có chữ “VIỆT NAM QUỐC TỔ”. Góc trái của bức tranh có đề tên tác giả “Trọng Nội” bằng chữ Hán ở trên, chữ Việt ở dưới, giữa là dấu triện màu đỏ. Góc phải của bức tranh có chữ “31-10-1966”, dưới là chữ “VIET NAM”.
Sau đó, khuôn bức tranh đã được đặt chính Họa sĩ Trọng Nội thực hiện với chi phí trị giá 106.000 đồng. Khung thể hiện bằng sơn mài màu vàng và đen, màu đen nhạt và đậm dần ra mép khung. Bản khung rộng một tấc, dày nửa tấc, phần đỡ khung tranh rộng 4cm. Trang được hai bo trên và dưới, bọc vải tơ tằm màu vàng nhạt và đỏ sậm.
Hiện nay, tranh vẫn được treo ở vị trí cũ, màu đã bị bạc theo thời gian. Bức tranh với phong cách, màu sắc và hình tượng cổ điển, gợi lên không khí cổ xưa đầy huyền thoại.

BỨC SƠN HÀ CẨM TÚ – KTS – HS NGÔ VIẾT THỤ

Trong buổi lễ khánh thành ngày 31 tháng 10 năm 1966, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ khi trình bày về những điểm chính của đồ án dinh Độc Lập đã dẫn bức tranh “ Sơn hà cẩm tú” do mình vẽ để nói lên quan điểm về kiến trúc của ông: “Như bức tranh Sơn hà cẩm tú mà chúng tôi đã vẽ để trang trí phòng đại yến của dinh này để nói lên sự cố gắng dùng một chất liệu, và kỹ thuật kim thời nếu không nói là Âu Mỹ để diễn tả một tâm hồn Việt Nam mà quý vị sẽ thấy trong phòng ăn lớn, tóm tắt các khuôn phép mà chúng tôi đã dùng khi nghiên cứu phối hợp Dinh này. Chúng tôi muốn đánh dấu trang sử giành độc lập của dân tộc trong các công trình có tánh cách văn hóa bằng cách thực hiện tác phẩm bằng vật liệu đương thời với tất cả phương thức của nó…”.
Bức tranh này, với phong cách tranh sơn thủy, thể hiện phong cảnh đất nước Việt Nam đồng hiện trong bức tranh các sắc thái riêng biệt của ba miền Bắc Trung Nam. Phía bên trái của tranh là phong cảnh miền Bắc với núi non trùng điệp, giữa là miền Trung với cảnh Ngọ môn Huế và bên phải là miền Nam với đồng bằng và sông ngòi. Phía trên bên trái của tranh có hai câu thơ bằng chữ Hán: “Cẩm tú sơn hà, thái bình thảo mộc” tạm dịch là: “Non sông gấm vóc, cây cỏ thái bình”. Góc dưới bên phải của tranh có bút tích của tác giả. Bộ tranh đồ sộ không kém các họa phẩm khác trong dinh, ghép lại từ 7 bức nhỏ, mỗi bức dài 2 m và rộng 1 m. Toàn tranh dài 7 mét, rộng 2 mét. Bức tranh hòan thành năm 1966 được treo trước khi khánh thành dinh.
Tuy được vẽ theo lối thủy mặc, bức tranh này lại được kiến trúc sư Ngô Viết Thụ vẽ bằng chất liệu sơn dầu hiện đại, chất sơn pha loãng hoặc đặc tùy theo nhu cầu vẽ khu vực phóng túng hay công bút, . Có lẽ đó chính là điểm mấu chốt ông nhắc tới khi phát biểu như trên (dùng một chất liệu, và kỹ thuật kim thời nếu không nói là Âu Mỹ để diễn tả một tâm hồn Việt Nam). Khung tranh bằng gỗ phủ sơn màu xanh lá mạ, sau đó thếp vàng, viền khung bên trong màu cánh dán. Ở góc dưới bên phải của tranh có bút tích của tác giả: “Ngo Viet Thu 1966”.

BỨC HAI NÀNG KIỀU – H.S LÊ CHÁNH

Bức tranh này xuất hiện tại dinh Độc Lập khá muộn, do họa sỹ Lê Chánh hoàn thành vào năm 1974 và được treo tại đầu hành lang lầu 3 của dinh. Hiện nay, tranh vẫn được treo ở vị trí như ban đầu.
Không có tài liệu nào cho biết bức tranh này được đặt mua hay được hiến tặng cho dinh Độc Lập và duyên cớ xuất hiện bức tranh này tại đây sau khi khánh thành dinh tám năm sau. Tranh được vẽ bằng chất liệu sơn dầu trên toan. Kích thước tranh nhỏ so với các bức trên, chỉ dài 3,85 mét và cao 1,75 mét. Tính cả khung là 3,89m X 1,79 m. Thành khung dày 9,2 cm. Tranh được lồng khung bằng gỗ, sơn vẹc ni màu nâu sậm. Góc trái của tranh có ghi tên tác giả và thời điểm sáng tác: “Lê Chánh 74”.
Nội dung tranh vẽ hai thiếu nữ trong trang phục áo dài chiếm khoảng lớn vị trí phía bến trái bức tranh, lớp cảnh giữa có hai nhân vật nam cùng hai tiểu đồng và một con ngựa trắng. Toàn thể là cảnh thiên nhiên, cận cảnh vẽ hoa cỏ, chim, hậu cảnh xa vẽ núi và trời. Thể hiện trọn vẹn đọan thơ tả cảnh hai chị em nhà họ Vương gặp Kim Trọng trong truyện Kim Vân Kiều:
“Trông chừng thấy một văn nhân
Lỏng buông tay khấu bước lần dặm băng.
Đề huề lưng túi gió trăng,
Sau chân theo một vài thằng con con

Chàng Vương quen mặt ra chào,
Hai kiều e lệ nép vào dưới hoa.
Nguyên người quanh quất đâu xa,
Họ Kim tên Trọng vốn nhà trâm anh”
Tác giả đã Việt hóa cảnh này bằng cách cho hai nhân vật nữ mặc trang phục áo dài.
Họa sĩ Lê Chánh sinh năm 1940 tại Sài Gòn, học trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn từ năm 1959 đến năm 1964.
Qua thời gian, bức tranh “Hai nàng kiều” đã bị rạn sơn, nhiều đường gập mặt sơn là dấu tích của tranh từng bị gấp lại.

Dinh Độc Lập - Nơi phải đến khi du lịch Sài Gòn - Lolivi