Truyền thuyết dân gian kể lại rằng, vào thời nhà Đường, có một thư sinh tên là Vi Cố, trên đường đi đến Tống thành nghỉ tại một nhà trọ. Buổi tối anh ta ra ngoài đi dạo bộ thì gặp một ông lão trên lưng khoác một chiếc túi vải đang ngồi đọc sách. Vi Cố kinh ngạc, lập tức tiến đến trước mặt ông lão hành lễ rồi hỏi: “Vì sao đã hơn nửa đêm rồi mà ông còn ngồi một mình ở đây?”
Ông lão trả lời: “Ta đang xem sách hôn nhân! Cuốn sách này ghi lại quan hệ nhân duyên của con người trong thế gian.”
Vi Cố nhìn thấy một túi gấm to bên cạnh ông lão thì lại hiếu kỳ mà hỏi. Ông lão không trực tiếp trả lời mà lấy ra một sợi chỉ hồng từ trong túi gấm, loáng một cái trong không trung xuất hiện một đường ánh sáng màu đỏ sáng rực rồi lấp lánh ở dưới chân của Vi Cố. Ông lão nói với Vi Cố rằng: “Sợi chỉ hồng này dùng để buộc chặt chân của hai người sẽ trở thành vợ chồng. Cho dù hai người là kẻ thù của nhau, dù là ở cách xa nhau vạn dặm, chỉ cần sợ chỉ này thắt vào chân hai người thì họ sẽ cả đời không thể tách rời nhau.”
Vi Cố nhìn thấy việc hôn sự của mình vừa được ông lão định rồi liền sốt ruột hỏi vợ mình là ai.
Ông lão chỉ nói một câu: “Con gái của bà lão bán rau ở chợ phía bắc”. Nói xong, ông lão liền biến mất.
Sáng sớm hôm sau, Vi Cố vì muốn nhìn thấy người vợ tương lai của mình như thế nào nên ăn mặc sạch đẹp đi về nơi mà ông lão đã nói. Anh ta chỉ nhìn thấy một bà lão bế một bé gái xấu xí nên vô cùng bực bội và buồn bã. Anh ta lệnh cho người hầu phải giết chết bé gái này. Người hầu sau khi đâm một nhát trúng lông mày của bé gái đó liền sợ hãi bỏ chạy.
Mười lăm năm sau, Vi Cố thành thân. Anh ta lấy con gái của vị quan thứ sử Tương Châu làm vợ. Lúc động phòng, nhìn thấy người vợ xinh đẹp như hoa, Vi Cố vô cùng ưng ý và mừng rỡ. Chỉ có điều, trên lông mày của người vợ này có một vết thương lớn. Vi Cố sau khi hỏi rõ nguyên do của vết thương này mới biết rằng, vợ anh ta chính là bé gái năm xưa từng bị chính mình ghét bỏ mà làm hại. Sau đó vì mất mẹ nên được vị quan thương tình nhận về làm con. Vi Cố vô cùng xấu hổ, cho nên càng dùng tâm đối xử thật tốt với vợ mình. Hai vợ chồng họ sống hạnh phúc đến lúc đầu bạc.
Sau này, câu chuyện của Vi Cố được truyền đến Tống thành. Người dân Tống thành vì để tưởng niệm Nguyệt lão liền đem “Nam điếm” đổi tên thành “Đính hôn điếm”. Từ đó về sau, câu chuyện về Nguyệt lão dần dần được lưu truyền cho đến ngày nay. Mọi người cũng tin tưởng rằng, nhân duyên giữa nam và nữ là do Nguyệt lão kết thành. Người ta bắt đầu dựng lập tượng và chùa thờ cúng Nguyệt lão. Các chàng trai và cô gái mong muốn có mối nhân duyên tốt đều đến những ngôi chùa này để cầu phúc, hy vọng Nguyệt lão cho mình một mối nhân duyên tốt đẹp.
Người Trung Quốc kể rằng ông gia ngồi dưới trăng chính là tiên trên trời xuống có trách nhiệm se duyên cho người trần thế. Từ đó, trong lễ cưới, trước khi lễ bái tổ tiên, đôi tân lang tân giai nhân của Trung Quốc thường phải lạy Nguyệt Lão Thiên Tiên trước để tạ ơn về việc se duyên, sau đó mới bái lạy tổ tiên, cho nên trong phim truyện Trung Quốc, chúng ta thấy cô dâu chú rể lạy theo lệnh của chủ hôn: “Nhất bái Thiên Địa (tức Nguyệt Lão Thiên Tiên xuống đất để se duyên), nhị bái cao đường”. (Điều này khác hoàn toàn với phong tục Việt Nam, cô dâu chú rể phải “nhất bái tổ tiên” – thứ nhất là lạy tổ tiên; rồi mới “nhị bái song thân” – thứ nhì là lạy cha mẹ hai bên)…
Truyền thuyết ở Trung Quốc chỉ kể về Nguyệt Lão Thiên Tiên, tức ông già ngồi dưới trăng vốn là tiên trên trời có nhiệm vụ se duyên cho người ở hạ giới. Tuy nhiên khi lưu truyền ở Việt Nam, một đất nước mang nặng tâm lý âm dương giao hòa, truyền thuyết nói trên đã biến thành sự tích Ông Tơ – Bà Nguyệt có trách nhiệm se duyên cho con người.
Từ đó, tranh dân gian Đông Hồ có tranh Ông Tơ, Bà Nguyệt với truyền thuyết như sau: ngày xưa nhà nào có con 10 tuổi mà chưa dựng vợ, gả chồng thì tết đến chơi đôi tranh này. Trên tranh có ông tơ cưỡi rồng, bà nguyệt cưỡi phượng đang xe tơ kết tóc cho đôi trai gái. Bên cạnh có đôi câu đối: “ông tơ xe chỉ thắm; bà nguyệt kết giải đào”.
Theo Fb Văn Hoá Việt Nam