1. Tháng Giêng là tháng mấy? Tại sao lại gọi là tháng Giêng?
Tháng Giêng là tháng 1 âm lịch, đây là cách gọi dân gian của ông bà ta từ xa xưa. Câu trả lời cho thắc mắc này cần phải được giải đáp bằng những thông tin mang yếu tố lịch sử từ liên quan tới văn hóa. Theo Giáo sư Kiều Thu Hoạch – Nghiên cứu viên cao cấp của Viện nghiên cứu Văn hóa dân gian thì xét về ngữ âm lịch sử, chữ Giêng bắt nguồn từ chữ Chính trong tiếng Hán.
“Người Trung Quốc gọi tháng 1 là Chính Nguyệt. Chữ Chính trong tiếng Hán khi chuyển sang chữ Nôm của ông cha ta thì có vần “iêng”. Chữ Nguyệt có nghĩa là trăng nhưng cũng mang nghĩa là “Tháng”. Vậy nên cách gọi “tháng Giêng” bắt nguồn từ đó” – GS nói. GS Hoạch cũng chia sẻ thêm một ví dụ về chữ “Chính” trong tiếng Hán, đó là: “tứ chính chấn” trong tiếng Hán khi sang chữ Nôm đọc là “tứ chiếng”. Vậy nên mới có câu nói “trai tứ chiếng, gái giang hồ”.
Theo GS Kiều Thu Hoạch, ngày đầu tiên của tháng Giêng (mồng 1) được gọi là ngày Tết Nguyên đán. Từ “Nguyên” ở đây nghĩa là đứng đầu, là thứ nhất giống như Nguyên thủ Quốc gia, Nguyên soái… Tháng Giêng (tháng 1 âm lịch) là tháng không được nhuận.
Tháng Giêng là tháng mà người ta luôn hướng tới những điều tốt lành, kiêng kỵ làm điều xấu, kiêng kỵ những điều không may vì quan niệm rằng những điều không tốt sẽ người ta bị dông cả năm. Một tục lệ rất tốt đẹp của dân tộc ta trong tháng Giêng đó là đi lễ chùa đầu năm cầu mong sức khỏe, bình an, vạn sự như ý, làm ăn phát đạt.
Tháng Giêng là tháng của những lễ hội, là thời gian có nhiều lễ hội nhất trong năm, chẳng thê mà có câu “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Người ta đi thăm, đi chơi, đi thưởng thức hương vị những ngày đầu xuân với tâm trạng hân hoan, phấn khởi để mong những điều tốt đẹp, thuận lợi sẽ đến trong năm mới.
2. Tháng Chạp là tháng mấy? Tại sao lại gọi là tháng chạp?
Tháng chạp là tháng 12 âm lịch. Việc gọi tháng 12 âm lịch là tháng Chạp bắt nguồn từ những nguyên nhân sau đây:
Thứ nhất: Giáo sư, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền cho biết: Chữ “Chạp” trong chữ Nôm của ông cha ta bắt nguồn từ chữ “Lạp” trong tiếng Hán. Tại Trung Quốc, tháng 12 âm lịch còn được gọi là Lạp Nguyệt. Khi nhắc tới chữ “Lạp” tức là nói tới hành động đi “Chạp mả”, đi thăm và dọn dẹp, sửa soạn lại mồ mả cho tổ tiên.
Thời điểm cuối năm cận Tết Nguyên đán, cả người Trung Quốc và người Việt đều đi thăm mộ, dọn dẹp mộ tổ tiên để mời những người quá cố về ăn Tết cùng gia đình. Đây là hành động mang ý nghĩa thể hiện sự hiếu thảo, tưởng nhớ tới người đã mất và uống nước nhớ nguồn.
Thứ hai: Chữ “Lạp” trong tiếng Hán cũng có nghĩa là Thịt. Thời gian cuối năm để chuẩn bị cho mùa đông buốt giá người ta phải tích trữ lương thực. thực phẩm để đương đầu với đói rét mà ở đây thịt là nguồn thực phẩm quan trọng. Người Việt chúng ta quen thuộc với chữ “Lạp” trong từ “Lạp xưởng”. Thực chất “Lạp xưởng” bắt nguồn từ món “Lạp trường” của người Hoa – một món ruột ban đầu dùng để cúng.
Tháng chạp là tháng rộn rã, là tháng vội vã, hối hả, là tháng vất vả mướt mồ hôi vì chạy. Tháng chạp cũng là tháng hết chầu nhậu này tới chầu liên hoan khác. Tháng chạp nghĩa là tháng công nhân chờ đợi lương thưởng tháng 13 để mua sắm cho con cái có cái ăn cái mặc với người. Là tháng mua sắm sau bao nhiêu tháng dụm dành tiết kiệm. Là tháng hết vé xe lửa chính thức, chỉ còn vé chợ đen. Tháng chạp là tháng đoàn tụ gia đình tứ xứ phương xa với những người con, người chồng, người vợ, người cha, người mẹ trở về.
Theo FB Văn Hoá Việt Nam