Có lẽ phố Tràng Tiền là phố nổi tiếng bậc nhất Hà Nội. Dù rằng xét theo chuẩn Hà Nội thế kỷ 21 hiện nay, Tràng Tiền chỉ là một phố nhỏ dài hơn 700 m. Bởi vì Tràng Tiền sẽ luôn luôn không chỉ là là trung tâm thương mại, văn hóa nghệ thuật, sách vở báo chí, mà còn là trung tâm ký ức lịch sử đô thị và lịch sử kiến trúc Hà Nội. Dù không phải phố cổ nhất, nhưng Tràng Tiền theo tôi, lại là nơi cất giữ “hồn cốt” đích thực của Hà Nội.
Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người và ngoài trời
Nhà Hát Lớn và khách sạn Hilton Plaza trên Quảng trường CMTT.
Hôm nay, tôi xin phép chỉ nói riêng một vài điều về bộ mặt kiến trúc của phố Tràng Tiền. Có thể nói ngoài Nhà Hát Lớn, Bảo tàng Lịch sử (Viện Viễn Đông Bác Cổ), trên phố Tràng Tiền còn nhiều ngôi nhà mang phong cách kiến trúc cổ điển và tân cổ điển Pháp. Những dấu ấn do các kiến trúc sư Pháp lưu lại, khi thực hiện Đồ án quy hoạch Hà Nội theo kiểu đô thị Châu Âu đầu tiên 1883. Phố Tràng Tiền chính là nơi bắt đầu của đồ án này.
Khác với khu phố cổ Hà Nội 36 phố phường, tất cả các nhà trên phố Tràng Tiền đều có mặt tiền rộng, cao ba bốn tầng, kiến trúc hầu như theo một phong cách tân cổ điển Châu Âu. Và có lẽ, trừ khu Ngoại Giao các Sứ quán ở quận Ba Đình, phố Tràng Tiền là nơi duy nhất ở Hà Nội, ít nhiều còn giữ được những tiêu chuẩn “vàng” trong việc xây dựng đô thị, của người Pháp đặt ra trước từ cuối thế kỷ 19. Tiêu chuẩn “vàng” đó là gì, tôi xin phép điểm lại đôi nét lịch sử.
Trong hình ảnh có thể có: bầu trời và ngoài trời
Mờ sáng. Nhìn từ Hồ Gươm về phía Nhà Hát Lớn.
Sau khi chiếm được thành Hà Nội năm 1882, chiếm Hà Nội năm 1883, Công sứ Bonnal đưa ra chủ trương cải tạo khu vực quanh Hồ Gươm. Việc đầu tiên, Bonnal cho làm con đường quan trọng từ khu nhượng địa Đồn Thủy (hiện nay tương ứng khu vực phố Phạm Ngũ Lão, khu Quân Y Viện 108 cạnh sông Hồng) vào Thành Hà Nội. Để chở vũ khí, lương thực cho binh lính Pháp đóng ở đây.
Con đường bắt đầu từ Đồn Thủy qua Hàng Khảm (nay là các phố Tràng Tiền và Hàng Khay), Tràng Thi đến Cửa Nam rồi vào Thành Hà Nội. Đường hoàn thành cuối năm 1885, rộng hơn 10 m, riêng đoạn phố Tràng Tiền hai bên có vỉa hè được lát đá, trồng cây phượng để giảm bớt nắng nóng vào mùa hè ở xứ Bắc Kỳ. Có thể nói vỉa hè Tràng Tiền là vỉa hè đầu tiên lát theo kiểu phương Tây ở Hà Nội. Phố Tràng Tiền lúc đó (từ 1886) mang tên là Rue Paul Bert.
Quy định về vật liệu làm vỉa hè cũng rất cụ thể: “Vỉa hè được lát bằng đá hình vuông khổ 30 x 30 cm, dày 3 cm, trên mặt khía chéo để tránh trơn trượt cho người đi đường. Mép hè là đá xanh chôn sâu xuống mặt đường vừa làm bờ rãnh thoát nước vừa làm vật chắn, phòng xe ngựa lao lên hè gây thương tích cho người đi bộ”.
Trong hình ảnh có thể có: đêm và ngoài trời
Mờ sáng. Vỉa hè “huyền thoại” phố Tràng Tiền.
Trên vỉa hè bao quanh nhà Godard (nay là Tràng Tiền Plaza), trước lối vào có dòng chữ tiếng Pháp “Khu vực cấm để xe đạp” bằng đá trắng gắn chìm vào vỉa hè. Phong cách lát vỉa hè này, đến tận hôm nay, có vẻ người Hà Nội vẫn còn bảo tồn được ở phố Tràng Tiền.
Trong hình ảnh có thể có: bầu trời và ngoài trời
Tràng Tiền nhìn về phía Hồ Gươm.
Sau khi hoàn thành việc xây dựng Nhà Hát Lớn vào những năm 1901-1910, một công trình kiến trúc tuyệt vời phỏng theo Opera Paris. Ở phố Tràng Tiền là người ta đã chặt bỏ toàn bộ cây xanh trồng trước đó, để không làm vướng tầm nhìn từ phía Hồ Gươm và ngược lại. Thay vào đó, hầu hết hai bên dãy phố đều được người Pháp thiết kế có mái hiên đủ che hết vỉa hè rộng đến 3-5 mét (nhiều đoạn còn có hàng cột chống).
Mái che này rất thuận tiện cho người đi lại tránh mưa, tránh nắng. Còn Tràng Tiền nhờ vậy, trông lại chẳng khác nào một đường phố cổ ở Paris. Hiện nay đó là một điểm nhấn kiến trúc đặc biệt của Tràng Tiền. Mà không một phố Hà Nội nào khác có được.
Trong hình ảnh có thể có: nhà, bầu trời và ngoài trời
Kiến trúc đặc trưng trên phồ Tràng Tiền.
Nhìn chung, tôi rất mừng là người Hà Nội đã biết giữ được cho mình, gần như nguyên vẹn toàn bộ không gian Tràng Tiền đặc biệt, tránh được mọi “bão tố” đô thị hóa thời gian vừa qua.
Và tôi, một người từng “lê la” cả tuổi thơ trên phố Tràng Tiền, hy vọng là sắp tới, người Hà Nội sẽ còn tiếp tục giữ được không gian Tràng Tiền đặc biệt này, cả cho những thế hệ mai sau nữa.
Các bạn thân mến, tôi xin phép post tặng các bạn một vài bức ảnh không gian phố Tràng Tiền buổi sáng sớm.
PS. Lịch sử tên gọi Tràng Tiền. Phố Tràng Tiền xưa kia vốn là một con đường đất nện rộng độ 3 m, không lát. Đường này phía tây giáp phủ Chúa Trịnh, phía đông giáp với cửa ô Tây Long, thông ra căn cứ thủy quân và bến sông Hồng. Đường này đi qua đất của ba thôn Tây Long, Thạch Tần, Cựu Lâu, thuộc tổng Phúc Lâm (Hữu Túc), huyện Thọ Xương cũ. Khoảng năm 1808, một xưởng đúc tiền được vua Gia Long nhà Nguyễn cho lập ra ở đây, tên chữ là Bảo Tuyền Cục, dân quen gọi là Tràng Tiền.
Cũng xin lưu ý các bạn, là phố Tràng Tiền bắt đầu không phải từ Nhà Hát Lớn. Mà từ Bảo tàng Lịch sử (Nhà Viễn Đông Bác Cổ cũ). Nơi tiếp giáp với các phố Trần Quang Khải và Trần Khánh Dư.
Trong hình ảnh có thể có: bầu trời và ngoài trời
Từ QT CMTT nhìn về đầu phố Tràng Tiền, Bảo tàng Lịch sử (Nhà Viễn đông Bác cổ).
Có thể nói phố Tràng Tiền còn có một điểm nhấn nhỏ nữa, rất đáng yêu. Là phố Tràng Tiền nhỏ thế mà có đến ba vườn hoa. Một ở trước Nhà Viễn Đông Bác cổ cũ, nằm giữa ba phố Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư và Tràng Tiền. Hai là vườn hoa nhìn thẳng vào tòa nhà thứ hai của Bảo tàng lịch sử. Nằm giữa ba phố Tôn Đản, Cổ Tân (phố ngắn nhất Hà Nội) và Tràng Tiền. Ba là vườn hoa đầu phố Lê Thánh Tông, nhìn ra Quảng trường Nhà Hát Lớn (nay là quảng trường CMTT), nằm giữa các phố Lê Thánh Tông, Phan Châu Trinh và Hai Bà Trưng.
Theo FB Tam Tran