VĂN HÓA ỨNG XỬ SÀI GÒN
Sự khác biệt giữa văn hóa ứng xử Sài Gòn và Hà Nội có thể đã có mầm mồng từ khá lâu trong lịch sử, đúng hơn là từ thời các xứ Đàng Trong và Đàng Ngoài thế kỷ 17-18. Nhìn lại cuộc Nam Tiến của Nguyễn Hoàng và các Chúa Nguyễn, ngoài việc mở rộng bờ cõi, chúng ta có thể thấy tầm nhìn chiến lược của Nguyễn Hoàng và con cháu ông thể hiện trong một vài khía cạnh.
Thứ nhất, đó là việc dứt khoát thoát khỏi truyền thống hư học khoa bảng Thăng Long Lê Trịnh (học để làm quan), đề cao thực học, trọng võ. Thứ hai, thoát khỏi tư tưởng trọng nông ức thương Lê Trịnh, khuyến khích trọng thương, đặc biệt là ngoại thương và tích cực học tập kinh nghiệm sản xuất hàng hóa để trao đổi buôn bán của người Hoa.
Thứ ba, chấn hưng Phật Giáo, khuyến khích Phật Khổng Đạo đồng lưu (khác với Tống Nho độc tôn Thăng Long), chủ động giao thoa văn hóa, kết giao và hòa huyết với người Chàm, Hoa, Khmer, Tây Nguyên, tạo nền tảng xây dựng một văn mới bao dung, dung nạp. Làm tiền đề cho một cuộc di dân mở đất khá nhịp nhàng theo cách thức “di dân đi trước khai phá làm chủ đất đai trên thực tế, chính quyền đi sau định chế hóa lãnh thổ”.
Thứ tư, là đề cao kỹ thuật hàng hải tiếp thu của người Chàm, xây dựng hải quân, phát triển giao thương hàng hải, xây dựng hàng loạt đô thị – thương cảng. Kết quả là ngay từ cuối thế kỷ 17, ở Xứ Đàng Trong, chính sách trọng thương và đặc biệt là ngoại thương của các Chúa Nguyễn đã tạo “cú huých” cho việc di dân ồ ạt của người Việt và người Hoa Minh Hương vào Nam Hà thiên nhiên ưu đãi.
Những cuộc di dân này đã thúc đẩy việc hình thành và phát triển nhanh chóng nền kinh tế hùng mạnh chuyên sản xuất nông phẩm và hàng hóa tiêu dùng, nhằm để buôn bán và xuất khẩu, cũng như xuất hiện các đô thị – thương cảng sầm uất.
Dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Nguyên, đó là Hội An, Thanh Hà. Dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Tần, ngoài Hội An, Thanh Hà còn có Gia Định (1698), Cù Lao Phố (1679-1776) do Trần Thượng Xuyên xây dựng, Mỹ Tho đại phố (1679-1785) do Dương Ngạn Địch tạo lập và Hà Tiên (1708) do Mạc Cửu đặt nền móng.
Đại Nam nhất thống chí mô tả Cù Lao Phố như sau: “Trần Thượng Xuyên chiêu nạp được người buôn nước Tàu, xây dựng đường phố, nhà lầu 2 tầng rực rỡ trên bờ sông, liền lạc năm dặm và phân hoạch ra ba nhai lộ: nhai lớn giữa phố lót đá trắng, nhai ngang lót đá ong, nhai nhỏ lót đá xanh, đường rộng bằng phẳng, người buôn tụ tập đông đúc, tàu biển, ghe sông đến đậu chen lấn nhau, còn những nhà buôn to ở đây thì nhiều hơn hết, lập thành một đại đô hội”.
Sang đầu thế kỷ 19, thời Gia Long và Minh Mạng Nhà Nguyễn, nền sản xuất hàng hóa nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hùng mạnh này, cùng với các đô thị – thương cảng (trước hết là Gia Định) sầm uất, hệ thống giao thông đường biển thuận tiện và hệ thống kênh rạch chằng chịt, đã góp phần biến Nam Kỳ thành một khu vực có kinh tế thương mại dịch vụ phát triển và biến Việt Nam trở thành cường quốc kinh tế hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Năm 1822, thời Tổng trấn Lê Văn Duyệt, một phái đoàn Anh do ông Crawfurd lãnh đạo, sau khi đến Gia Định giao thương, đã viết như sau: “Ở đây chúng tôi mua được rất nhiều lúa gạo, ngà voi, sừng tê giác, các hàng tơ lụa, đũi thật đẹp. Từ các nơi, dân đi thuyền theo các kênh rạch lên bán cho chúng tôi. Nhìn dân chúng hân hoan vui vẻ, chúng tôi biết dân no đủ. Nhiều người rất kính trọng vị Tổng Trấn của họ”.
Ở đây tôi xin phép nhấn mạnh một điểm, Lê văn Duyệt chính là học trò tinh thần của Võ Trường Toản, nhà cải cách giáo dục Việt Nam đầu tiên, người đã mang tư tưởng Minh Nho khai phóng của Vương Dương Minh và học thuyết “Tri ngôn dưỡng khí”, chủ trương “Tri hành hợp nhất, Vạn vật nhất thể, Chí lương tri … của ông này vào Việt Nam. Mở đầu cho một học phong Nam Kỳ khác biệt, trong đó yếu tố đạo nghĩa, trọng thực tiễn, học vì đời, được coi là những mục tiêu quan trọng nhất của sự học.
Bản thân Lê Văn Duyệt đã trở thành phúc thần của người Sài Gòn và những phẩm chất cá nhân của ông như công chính, chính trực, sòng phắng, phóng khoáng, hướng ngoại, hào sảng, bao dung, dung nạp, thực tiễn, tinh thần đạo nghĩa, xả thân vì việc chung đã trở thành những nét đặc trưng của tính cách Sài Gòn.
Nhìn chung, sự phát triển của nền kinh tế thương mại dịch vụ ở Nam Kỳ thời nhà Nguyễn, thời Pháp, có thể nhận biết gián tiêp qua tốc độ tăng trưởng dân số Sài Gòn (Gia Định).
Năm 1790, khi Nguyễn Ánh hoàn thành việc xây dựng kinh đô đầu tiên của mình là thành thành Bát Quái (Gia Định), lúc đó dân số Gia Định là khoảng 180.000 người (thành phố lớn nhất trên toàn bộ lãnh thổ Đại Việt lúc đó), thì dân số Sài Gòn năm 1909 theo kiểm kê của người Pháp là 223.000 người, còn đến năm 1940-1945 dân số Sài Gòn đã vào khoảng 500.000 người.
Năm 1955, Sài Gòn với tư cách một một thương cảng hàng đầu Đông Nam Á, với dân số hơn 1.9 triệu người đã trở thành một thành phố lớn trên thế giới, đủ khả năng tiếp nhận một khối lượng rất lớn người Hà Nội và miền Bắc di cư (để so sánh, dân số Paris thời kỳ đó là khoảng 2.8 triệu). Nghĩa là Sài Gòn từ lâu đã trở thành một đô thị đúng nghĩa về mọi phương diện. Để so sánh theo Wiki, dân số Hà Nội lúc đó từ 145.000 người đã giảm xuống còn 53.000 người, kể cả 4 huyện ngoại thành, do một số lượng lớn di cư vào Sài Gòn.
Ngoài ra, nền kinh tế thị trường khá hoàn chỉnh thời Pháp trước 1954, cùng với một lượng người Pháp và Châu Âu lớn (hơn 250.000 người so với Hà Nội chỉ vài ngàn người) thường trú ở Sài Gòn, đã giúp quá trình hình thành văn hóa đô thị hiện đại diến ra nhanh hơn. Kết quả, trên cơ sở một nền kinh tế thương mại dịch vụ phát triển của Sài Gòn vốn có, đã hình thành một văn hóa thương mại dịch vụ hiện đại phát triển, với một phong cách ứng xử tương ứng.
Bản chất của nền văn hóa thương mại và dịch vụ này, là hướng tới kinh doanh thành công. Vì vậy phong cách ứng xử của người Sài Gòn ngay từ trước 1954, đã bao hàm sự thân thiện, bình đẳng, dân chủ (không có chuyện ban phát, cửa quyền, không ai được phép “làm ơn” cho ai, không có chỗ cho sự kỳ thị giàu nghèo, vùng miền), cũng như việc cần phải chu đáo, ân cần và lịch sự (không thể có chỗ cho “bún mắng cháo chửi”).
Đồng thời, nền văn hóa thương mại và dịch vụ này luôn bao hàm một sự cạnh tranh tự do, sòng phẳng và có trách nhiệm (không thể có chỗ cho “chặt chém”). Ở Sài Gòn, người Sài Gòn cũng như người nhập cư từ bất cứ địa phương và khách viếng thăm Sài Gòn từ bất cứ tỉnh thành nào khác, đều có quyền đương nhiên được hưởng sự đối xử ân cần, chu đáo, lịch sự, kèm nụ cười của người bán hàng.
Với nền tảng cốt lõi là văn hóa ứng xử của những người hoạt động thương mại và dịch vụ hướng tới làm ăn thành công, cộng với thiên nhiên ưu đãi, khí hậu ôn hòa, sự đa dạng sắc tộc, văn hóa, bản tính bao dung, dung nạp và hào sảng của người Sài Gòn, ngay từ trước 1945, nền văn hóa ứng xử đặc trưng hiện nay của người Sài Gòn đã hình thành, và được tất cả mọi tầng lớp người Sài Gòn chấp nhận.
Từ năm 1954-1975 thời VNCH, dù trong hoàn cảnh chiến tranh, nhưng nền kinh tế thị trường và ngoại thương Sài Gòn vẫn tiếp tục phát triển. Đến 1975, dân số Sài Gòn đã là 3.498.000 người. Trong những năm đó, nét văn hóa ứng xử thương mại dịch vụ hướng tới kinh doanh thành công đặc trưng của người Sài Gòn, không chỉ lan tỏa vào những người nhập cư (kể cả rất đông đảo từ miền Bắc), mà còn đến cả đến đồng bằng sông Cửu Long và toàn bộ miền Nam trước 1975.
Sau thời kỳ cải tạo công thương nghiệp và kinh tế đình đốn (1975-1986), kinh tế Sài Gòn phát triển rất nhanh.
Dù chỉ chiếm 0,6% diện tích và dân số là hơn 9% cả nước, Nhưng Sài Gòn có đóng góp 22% vào GDP và khoảng 28% vào tổng thu ngân sách cả nước Việt Nam. Tăng trưởng kinh tế Sài Gòn trong 30 năm đổi mới bình quân đạt 10.7%/năm, gấp 1.6 lần bình quân cả nước. Năng suất lao động của Sài Gòn gấp 2.7 lần năng suất lao động bình quân cả nước. Sài Gòn cũng là thành phố có cơ cấu kinh tế hiện đại nhất Việt Nam.
Dù chỉ chiếm 0,6% diện tích và dân số là hơn 9% cả nước, Nhưng Sài Gòn có đóng góp 22% vào GDP và khoảng 28% vào tổng thu ngân sách cả nước Việt Nam. Tăng trưởng kinh tế Sài Gòn trong 30 năm đổi mới bình quân đạt 10.7%/năm, gấp 1.6 lần bình quân cả nước. Năng suất lao động của Sài Gòn gấp 2.7 lần năng suất lao động bình quân cả nước. Sài Gòn cũng là thành phố có cơ cấu kinh tế hiện đại nhất Việt Nam.
Ngay từ năm 1976, công nghiệp và dịch vụ đã chiếm hơn 90% và đến 2015, thì đã chiếm tỷ lệ hơn 99% cơ cấu kinh tế Sài Gòn. Ngoài ra, lao động tỷ lệ lao động có chuyên môn cao cũng lớn nhất Việt Nam. Sài Gòn còn là trung tâm tài chính lớn nhất Việt Nam, với số lượng doanh nghiệp chiếm 34% tổng số doanh nghiệp Việt Nam.
Đồng thời mô hình kinh tế Sài Gòn hiện nay cũng chính là mô hình kinh tế tương lai, mà cả Việt Nam muốn có và đang hướng tới. Chẳng hạn, đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân hiện nay là 62% (so với 42% trong cả nước Việt Nam) và của khu vực kinh tế vốn FDI chỉ là 15% (so với 20.7% trong cả nước Việt Nam).
Việt Nam đang cố gắng tăng tỷ lệ đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP, và giảm mức độ phụ thuộc vào khu vực kinh tế vốn FDI xuống tỷ lệ như Sài Gòn hiện nay. Điều này, dự kiến sẽ đạt được vào khoảng 2030-2035.
Tất cả những điều đã trình bầy ở trên giúp chúng ta hiểu rõ hơn, tại sao sau 1975, văn hóa quản lý đô thị xuống cấp , văn hóa ứng xử nói chung đã ít nhiều bị biến dạng và “phôi pha”, nhưng nhìn chung, nét văn hóa ứng xử thương mại dịch vụ hướng tới kinh doanh thành công, đặc trưng của người Sài Gòn vẫn được bảo tồn, và dần dần đã có thể lan tỏa ra cả nước Việt Nam.
Đồng thời, đó cũng là lý do tại sao ở Sài Gòn khác với Hà Nội, người nhập cư (dù từ địa phương Việt Nam hay quốc gia nào), cũng đã hoàn toàn “thất bại” trong việc áp đặt văn hóa nhập cư của mình, cả trước 1975 lẫn ngày nay.
Tuy nhiên mặt khác phải nói rằng, khác với Huế có một nền văn hóa độc đáo của riêng mình và cho riêng mình, hay Hà Nội quy tụ văn hóa của cả đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ, Sài Gòn quy tụ văn hóa của cả Việt Nam và phần nào của Đông Nam Á.
Đồng thời, trong văn hóa ứng xử đặc trưng Sài Gòn chẳng có gì quá đặc biệt, và càng không có gì bí hiểm. Đơn giản đó là văn hóa ứng xử đặc trưng của một đô thị Đông Nam Á hiện đại công thêm chút gia vị văn hóa Nam Kỳ.
PS. Nét thanh lịch tinh tế truyền thống Tràng An là một báu vật quốc gia dân tộc. Một báu vật hiện được bảo tồn trong một số không lớn gia đình Hà Nội. Tuy vậy, tôi luôn luôn mong và có đôi chút hy vọng là trong tương lai nào đó, người Hà Nội sẽ tìm lại được “cái tôi đã mất” của mình, dù chỉ một phần.
Nguồn: FB Tam Tran