Long Sơncó cái gì đó khá cuốn hút cho khách du lịch bởi vẻ đẹp và sự hoang dã từ núi, từ rừng, từ con sông, từ những mẫu đùng và từ con người chân chất ở đây. Đến với Long Sơn để khám phá một ngày chưa đủ, phải từ 2 đến 3 ngày mới thấy thỏa thích.
Xã đảo Long Sơn cách Tp Vũng Tàu khoảng 12km về phía Tây Nam theo đường bộ. Đây là xã ngoại thành duy nhất của thành phố này. Xã được nối với phường 12 qua cầu Gò Găng và với xã Tân Hải,thị xã Phú Mỹ qua cầu Bà Nanh. Tại đây đang có tổ hợp lọc hóa dầu và hóa chất, giờ được nối bởi đường Gò Găng – Vũng Tàu khiến giao thông thuận lợi hơn. Tuy vậy, sự huyên náo và đô thị hóa có lẽ sẽ dần mai một đi những giá trị văn hóa đặc biệt của vùng đất này.
Hoa phượng nở rực rỡ trên đường đến làng bè. Ảnh:@jsmhoang |
Trước năm 1997, Long Sơn là ốc đảo cách biệt hoàn toàn với đất liền.Từ năm 1997, cầu Bà Nanh được khánh thành nối liền xã Long Sơn với huyện Tân Thành (nay là thị xã Phú Mỹ) và lần lượt vào các năm 2008 và 2011, các cây cầu Gò Găng và Chà Và hoàn thành đã giúp cho giao thông từ trung tâm xã đi trung tâm thành phố Vũng Tàu thuận tiện hơn.
Long Sơn gồm 11 thôn có diện tích 92km² (diện tích đất đã được sử dụng tính đến năm 2003 là 57 km²) trong đó có đến 54 km² là đất liền, còn lại là đất mặn.Xã được bao bọc bởi kênh rạch, sông biển. Xã đảo Long Sơn gồm một đảo chính nằm men theo triền của núi Nứa,đoạn cuối của dãy núi Phước Hòa đâm ra biển và đảo nhỏ là đảo Gò Găng.
Nằm trên đảo nhỏ gần bờ cách đất liền chỉ 1 km, hơn một thế kỷ trước ông Lê Văn Mưu (ông Trần) cùng những người thân tín của ông từ quê Kiên Giang đến đây khai hoang mở đất. Những người nam bộ đầy khí phách đó đa số là dân nghèo, họ có lòng đoàn kết và yêu nước, từng tham gia nghĩa quân chống pháp nhưng thất bại nên mượn thuyền vượt biển đến tận nơi nầy. Dẫn đầu đoàn người đó chính là ông Lê Văn Mưu, ông là nông dân cự phách, gan dạ, khỏe mạnh, thạo việc đồng áng và đánh bắt. Ông lại có lòng thương yêu che chở mọi người, ai thất cơ lỡ vận, nghèo khó ông đều giúp đỡ. Dù ông giỏi giang như vậy, nhưng ông luôn khiêm cung, bình dị, mặc áo mỏng quần xăn, tự cho mình là kẻ nghèo hèn “mình trần thân trụi” nên xưng tục danh là “Trần”.
Ông dựng nhà gỗ lớn, xây điện thờ theo Tín ngưỡng Phật giáo Tứ Ân vì nghe đâu ông là đệ tử Ngô Lợi (người sáng lập Phật giáo Tứ Ân tại Thất sơn – An Giang năm 1885). Ông dạy người lấy Phật làm tâm, kính Trời, sống thiện lành đạo nghĩa, phải biết giữ 4 ân trọng:
– Ân Phật tổ (Tam bảo)
– Ân Cha Mẹ (hiếu đạo)
– Ân Sư (Trung quân ái quốc)
– Ân Phu thê – bằng hữu (đạo nghĩa vợ chồng, anh em) (Tứ ân hiếu nghĩa)
Ông vận dụng lời dạy của Thầy Ngô Lợi, nhưng diễn giải cho người nông dân chẳng học thức hiểu và hành được là một chuyện rất khó khăn. Nhưng họ đã tin và làm theo lời dạy ông, họ chỉ biết đó là đạo do ông dạy nên gọi là “đạo Ông Trần”. Ông cho người cơ nhỡ cùng sống chung, ăn chung trong Nhà Lớn, giúp họ làm ăn buôn bán đến khi nào khá giả thì sống riêng. Dân chúng theo ông ngày một nhiều, từ một vùng núi hoang vu gọi là núi Nứa, lập thành làng Long Sơn.
Thuở đó, trong làng lỡ có người chết phải đi đò sang Bà Rịa mua quan tài về làm đám tang, chi phí hình thức tốn kém. Ông Trần thấy vậy lên núi lấy tre nứa về chọn nứa tốt, vót kỹ đan thành vòm bao như mui thuyền, rồi phủ dầu chai bên ngoài. Lấy gỗ đóng thành 5 tấm ván bên dưới làm áo quan, vòm nứa là nắp đậy gọi là “bao quan”, đây là cái quan tài độc đáo nhất do ông sáng tạo. Ông dạy dân rằng: ” Thân người là cát bụi, khi chết trả về cho đất, quan trọng linh thần về chốn nghỉ ngơi. Đám tang là nghi lễ hình thức do con người lệ ra, vậy nên có quyền lược giản. Chết cần mau chóng đem chôn, không cần nghi lễ rườm rà, không tổ chức quá 1 ngày đêm (24 tiếng). Vì thế, gia đình có tang chế ông cho mượn “bao quan” về làm nghi thức tẩn liệm rồi bái tế. Khi mang đi chôn, đến huyệt mộ lấy xác ra ngoài (xác đã được quấn vải cẩn thận), lót 3 tấm lá dừa đã chằm bên dưới, táng xuống, dùng lá đậy phía trên và lấp huyệt. Gia đình mang “bao quan” trả lại nhà lớn giữ, đến khi có người khác chết trong làng thì lại thỉnh về làm đám.
Chúng ta sẽ không khỏi bất ngờ cho đến thế kỷ 21 nầy lại còn bảo lưu một phong tục táng chung quan tài kỳ lạ đến vậy. Nhưng đó là một sự thật, dù 20 năm nay Long Sơn thay đổi rất nhiều, nên tục táng chung quan tài còn tùy vào sự đồng ý hay không của những gia đình thế hệ mới. Nhưng quan tài vẫn còn giữ, những người xem là tín đồ thuần thành của ông Trần vẫn còn ước nguyện nằm chung trong một “bao quan” khi đám tang, vì đây còn là một quan niệm nhân nghĩa với cộng đồng, như một lời tâm sự: “sống đồng tịch đồng sàng, chết đồng quan đồng quách”.
Chiếc quan tài đã gần 100 năm tồn tại như một lời dạy răn đời bất hủ của ông Trần, nên sống có tình nghĩa yêu thương. Ông Trần quả thật là một ông già nam bộ bộc trực, hào sảng nhưng lại ấp ủ trong lòng một sứ mạng của Bồ tát. Ông là một Doanh điền không cần sản nghiệp riêng, nhà truyền giáo không cần địa vị, nhưng di sản của ông để lại là con người chân chất giản dị, sống hòa ái yêu thương trong đạo nghĩa cộng đồng. Mong sao những giá trị truyền thống tốt đẹp đó vẫn tiếp tục được thế hệ trẻ của Long Sơn trân trọng và gìn giữ!
DU SƠN QUÁN
Lần này mình xin giới thiệu đến các bạn một nơi thực sự thú vị, một “tuyệt tình cốc” khá đẹp và thanh tịnh đó là Du Sơn Quán và xã Long Sơn.
Mới đầu thấy cái cổng to đùng mà thấy vắng vắng nên không dám vào sợ giá cả chặt chém, nhưng sau đó gia đình anh bạn và gia đình mình quyết định vào để vừa ăn uống nghỉ ngơi và vừa khám phá. Nếu không nhờ chú bảo vệ ở cổng là tụi này quay ra rồi vì chạy vào sao không thấy gì cả ngoài mấy căn nhà cho thuê, thế là chú bảo vệ nói cứ đi theo con đường ngoằn nghèo này lên gần tới đỉnh núi Nứa là sẽ gặp quán, ở đó có nhiều du khách cũng đến ăn uống lắm.
OK thôi, đi tiếp thôi. Đúng là để làm được con đường nhựa nơi đây lên gần tới đỉnh núi Nứa thật là một kỳ công to lớn và nhiều chi phí. Con đường này đúng là đẹp mà nhiều chổ dốc nữa, xe ôtô phải cài số 1 hoặc số 2 mới lên nổi. Dân đi phượt xe moto xe máy cũng tìm đến địa điểm này. Quang cảnh nơi đây khá là đẹp.
Hơn nữa lưng chừng núi là đến nơi rồi. Nơi bãi đậu xe khá rộng rãi và mát mẻ. Không gian và khuôn viên ở Du Sơn Quán này khá yên tĩnh và thoải mái, không khí và cơn gió thoảng nhẹ nơi đây làm như nó cuốn trôi phăng hết sự mệt mỏi, sự căng thẳng. Nó làm cho tâm hồn mình cảm thấy thư thái hơn.
Khuôn viên này được chủ quán xây nhiều chồi riêng rẻ, đẹp và thông thoáng. Có khu vực nhà ăn lớn dành cho đoàn đông khách. Có những chiếc võng cho khách nằm nghỉ ngơi sau khi dùng bữa…Khi đến với xã đảo Long Sơn ngoài các món ăn về hải sản ngon bổ rẻ thì còn có gà nướng Long Sơn khá nổi tiếng. Du Sơn Quán cũng không ngoại lệ, có đầy đủ các món ăn ngon theo thực đơn và đặc biệt là gà Long Sơn được ướp và nướng ngay lò trong khá bắt mắt.
Trong không gian bếp củi này cũng khá thú vị nhỉ, nó làm tôi nhớ lại thời còn nhỏ mình từng đi nhặt củi và thổi bếp than.
Tôi thấy có nhiều phòng nghỉ nơi đây. Tôi không biết là dành cho khách dạng nào, tôi đoán là cho khách đoàn muốn ở lại cắm trại vui chơi qua đêm hoặc cho khách có nhu cầu ở lại để thưởng thức không gian cảnh núi rừng với sự yên tĩnh về đêm.
Theo Đna Thích