LỜI GIỚI THIỆU
Chào các bạn thân mến. Toàn bộ dã sử và cả chính sử Việt Nam là sự đan xen của vô số câu chuyện thực giả lẫn lộn, tạo ra từ vô số huyền thoại và huyền sử. Trong thần tích các làng xã, đương nhiên, huyền thoại và huyền sử lại càng phong phú hơn.
Có những huyền thoại (?) như câu chuyện về Lê Văn Tám, sinh ra ngay trước mắt thế hệ cha ông chúng ta. Lê Văn Tám đã trở thành nhân vật chính danh, nhưng luôn bị dư luận xã hội “đàm tiếu”, vậy mà đến nay, chính thức cũng chưa thấy ai bỏ công tìm hiểu “đến tận ngọn nguồn”.
Tại sao ư? Đơn giản là vì sáng tác và tiếp nhận huyền thoại, huyền sử là một công việc cao nhã được rất nhiều người tán thưởng, vì huyền thoại và huyền sử bao giờ cũng đẹp đẽ, sang trọng, cao thượng, bay bổng và lãng mạn, thỏa mãn vô thức của mỗi con người, mong muốn ly khai cuộc sống đời thường buồn tẻ, nhạt nhẽo, nhàm chán hay cay đắng.
Vì vậy, sáng tác huyền thoại và huyền sử, nơi trí tưởng tượng có quyền “bay bổng” không giới hạn, luôn là một thú vui cao nhã, lại nhiều khi có thưởng, kể cả từ các bậc quân vương.
Trong khi đó, ngược lại, giải ảo là một công việc tuy nhọc nhằn, công phu, cần sự cẩn trọng, nghiêm túc, tỷ mẩn, nhưng trong con mắt nhiều người, việc giải ảo mặc định, là không thể được coi là cao nhã, ngược lại đồng nghĩa với bới móc, nhỏ nhen và rất dễ bị soi là có “động cơ xấu”, hay là mưu toan xét lại, hoặc xuyên tạc lịch sử.
Còn kết quả của giải ảo, khi một huyền thoại bị bóc mẽ, hay một sự thật được xác lập minh định, đôi khi lại tầm thường, nhỏ bé đến đau đớn.
Tôi xin phép giới thiệu chùm 6 bài viết của nhà nghiên cứu Đặng Văn Sinh về gốm Chu Đậu và những “phát kiến”, những “công trình khoa học” lừng lẫy một thời về nguồn gốc dòng gốm Chu Đậu, với tiêu đề BÀ TỔ NGHỀ GỐM SỨ CHU ĐẬU LÀ MỘT NHÂN VẬT NGỤY TẠO đăng nhiều kỳ trên FB của ông, bắt đầu từ 08 đến 20.03.2019.
*************
LỜI DẪN
Vào hồi 20 giờ ngày 05 tháng 02 năm 2019 tức tối mồng 1 tết Kỷ Hợi, VTV4 (và mồng 2 tết là VTV1) của Đài Truyền hình Việt Nam phát chương trình “Gala ngày trở về giương buồm đón gió”, ngay ở phần đầu là nhân vật Bùi Thị Hý được vinh danh là “Bà tổ nghề gốm Chu Đậu”. Xen lẫn với lời đọc của phát thanh viên là hình ảnh minh họa.
Qua sự dàn dựng khá sống sượng của đạo diễn bất chấp sự thật lịch sử, khán giả màn ảnh nhỏ được chứng kiến một một người phụ nữ Xứ Đông nửa đầu thế kỷ XV, chẳng những xinh đẹp như tiên mà còn có tài kinh doanh nghề gốm sứ.
Bà là cháu nội danh tướng khai quốc công thần thời Lê Bùi Quốc Hưng, văn võ song toàn, từng giả trai đi thi Hội đỗ Tam trường, từng làm chủ lò gốm Chu Trang rồi còn tự lái thương thuyền vượt đại dương mang sản phẩm bán khắp thế giới. Bà Hý lấy hai đời chồng người họ Đặng nhưng không có con, về già hay làm từ thiện, đặc biệt là công đức nhiều tiền bạc xây chùa Viên Quang v.v…
Ngày nay Bùi Thị Hý được coi như là “Bà tổ nghề gốm Chu Đậu”, nữ doanh nhân kiệt xuất, đồng thời cũng là nhà hàng hải vĩ đại, trở thành biểu tượng sáng ngời của giới phụ nữ Việt Nam.
Cùng với lời bình có cánh là ngôn ngữ hình thể rất “sến” của người dẫn chương trình nói giọng Sài Gòn. Chốc chốc anh chàng này còn dang hai tay, ưỡn ngực về phía trước nhằm minh họa cho cánh buồm căng phồng gió đại dương dẫn dụ người xem nhập hồn vào lịch sử. Còn ông Tăng Bá Hoành, tác giả của nhân vật “Bùi Thị Hý” thỉnh thoảng lại xuất hiện trước khuôn hình “chém gói” dăm ba câu như kiểu kể giai thoại chỉ có giá trị định tính và không có giá trị định lượng.
Trong khi ấy, những vị khách được mời như Tiến sĩ Nguyễn Đình Chiến, người luôn coi “Bùi Thị Hý, bà tổ nghề gốm Chu Đậu” là nhân vật ngụy tạo, thì chỉ xuất hiện một vài giây, còn ý kiến phản biện của ông hoàn toàn bị cắt. Rõ ràng VTV4 hoàn toàn có ý đồ không lương thiện. Họ chỉ cần một chuyên gia gốm sứ xuất hiện diện để tạo sự thuyết phục, nếu để ông nói trên tinh thần học thuật thì sự việc bại lộ, kịch bản đổ bể.
Để rộng đường dư luận, xin lần lượt đăng lại 6 bài viết về “Bà tổ nghề gốm Chu Đậu là một nhân vật ngụy tạo” như một công trình phản biện, nhằm cung cấp cho bạn đọc những quan điểm của chúng tôi về nhân vật Bùi Thị Hý, đồng thời chỉ rõ sự thiếu minh bạch, cố tình đánh tráo khái niệm, nói lấy được, phủ định hoàn toàn sự thật lịch sử cũng như tính khoa học của VTV ở phần đầu chương trình “Gala ngày trở về giương buồm đón gió”…
BÀ TỔ NGHỀ GỐM SỨ CHU ĐẬU LÀ MỘT NHÂN VẬT NGỤY TẠO
BÀI 1 – KHÔNG ĐỌC ĐƯỢC VỠ CHỮ HÁN LÀM SAI LỆCH VĂN BẢN
Gần đây Đoàn Chèo tỉnh Hải Dương công diễn diễn vở chèo “Kỳ nữ xứ Đông” trên sân khấu ngoài trời mà kịch bản lấy cảm hứng từ nhân vật phụ nữ “nổi tiếng” Bùi Thị Hý, được suy tôn là bà tổ của nghề gốm Chu Trang đã thất truyền từ hơn bốn trăm năm. Chu Trang ngày nay chính là làng Chu Đậu, xã Thái Tân, huyện Nam Sách , tỉnh Hải Dương, từ lâu vốn chỉ được biết đến với nghề trồng cói dệt chiếu.
Nghề gốm Chu Đậu giờ có vẻ như đang dần phục hồi và, tất cả câu chuyện ly kỳ xung quanh “nhân vật huyền thoại” Bùi Thị Hý được thiên hạ vinh danh như một tài nữ thế kỷ XV lại bắt đầu bằng chiếc bình gốm hoa lam trưng bày ở bảo tàng Topkapi Saray, thành phố Istanbul nước Thổ Nhĩ Kỳ mãi vùng Trung Á.
Chiếc bình gốm Chu Đậu (dân gian gọi là bình củ hành hay củ tỏi) này do một viên chức sứ quán Nhật tên là Makoto Anabuki phát hiện ra trong chuyến công du Tây Nam Á. Ông ta đọc được những dòng chữ Hán trên lạc khoản, đã có nhã ý gửi thư cho người đứng đầu tỉnh Hải Hưng lúc bấy giờ là ông Ngô Duy Đông. Và, câu chuyện ly kỳ đã xẩy ra…
1) BẮT ĐẦU TỪ NHỮNG DÒNG CHỮ HÁN TRÊN CHIẾC BÌNH GỐM HOA LAM
Trên chiếc bình gốm hoa lam (tức bình củ hành, củ tỏi – HÌNH 1) hiện đang được lưu giữ trong bảo tàng Topkapi Saray mà nhà ngoại giao Nhật Bản phát hiện ra từ những năm tám mươi của thế kỷ XX có ghi dòng chữ Hán:
大和八年南策州匠人裴氏戲筆Phiên âm Hán Việt: “Thái Hòa bát niên Nam Sách châu tượng nhân Bùi thị, hý bút”. Chữ 大 (đại) trong dòng chữ Hán ở trên là chữ thông giả (通假字) của chữ 太 (thái) nên đọc là “thái”, không phải là “đại” (chữ thông giả 漢字的通用和假借 nghĩa là các ký tự Trung Quốc phổ biến và giả mạo).
Dịch nghĩa: Năm Thái Hòa thứ tám (1450 dương lịch), người thợ họ Bùi ở châu Nam Sách viết chơi.Chữ Hán cổ trong các thư tịch bao gồm cả văn bia, minh văn, gia phả, chúc văn… không có dấu ngắt câu và không thể viết hoa các danh từ riêng và có cấu trúc ngữ pháp khá rắc rối.
Người ít học hoặc học theo lối “cưỡi ngựa xem hoa” không nắm vững quy tắc diễn đạt câu văn, không am hiểu điển cố, rất dễ rơi vào tình trạng đọc không vỡ chữ, dịch sai văn bản dẫn đến hậu quả khôn lường.
Một vấn đề tưởng cũng cần phải nhắc lại nữa là, xã hội phong kiến Việt Nam từ cả ngàn năm qua, luôn lấy mô hình Trung Quốc làm khuôn mẫu; mà học thuyết Khổng Tử thì trọng nam khinh nữ. Thân phận người phụ nữ ngay cả cái tên thời con gái cũng ít khi được cộng đồng biết, nói gì đến chuyện học chữ “thánh hiền” rồi tự tay cầm bút ghi cả họ tên vào bình gốm “xuất khẩu”.
Trường hợp câu văn ở dòng lạc khoản trên chiếc bình cổ gốm hoa lam chỉ có một cách dịch duy nhất và chính xác nhất là “Năm Thái Hòa thứ tám (1450 dương lịch), người thợ họ Bùi ở châu Nam Sách viết chơi”, hay theo kiến giải của học giả An Chi là “nghịch bút”.
Còn giả thuyết về cách đọc thứ hai do ông Tăng Bá Hoành “sáng tạo”: “Thái Hòa bát niên, Nam Sách châu, TƯỢNG NHÂN BÙI THỊ HÝ, BÚT” (Năm Thái Hòa thứ tám người thợ BÙI THỊ HÝ ở châu Nam Sách viết”, thì có hai khả năng xảy ra, hoặc là vì dốt nát không đọc nổi văn bản cổ, hoặc đây là một ý đồ có tính toán trong kế hoạch ngụy tạo bằng chứng giả để trục lợi sau này.
Bởi lẽ, phải cho ra đời nhân vật huyền thoại Bùi Thị Hý thì mới có bằng chứng để gắn với những sản phẩm gốm vớt được từ con tàu đắm ngoài khơi vùng biển Cù Lao Chàm. Đồng thời đây cũng là điều kiện cần thiết cho cuộc hội thảo khoa học hoành tráng về tượng nhân BÙI THỊ HÝ tại xã Đồng Quang, huyện Gia Lộc năm 2009 nhằm quảng bá cho vùng gốm Chu Đậu, Hải Dương.
Tuy vậy, sau hội thảo, không phải nhà khoa học nào cũng bị lừa một cách ngọt ngào bằng văn hóa phong bì và nghệ thuật tiếp đãi cực kỳ nồng hậu của chủ nhà hiếu khách. Tiến sĩ Nguyễn Đình Chiến, cựu Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam nhận xét “Những tư liệu mang tính hư cấu chúng tôi không tin. Tự dạng đầy đủ được tra trong từ điển là ‘họ Bùi vẽ chơi’. Không thể ép lấy cái tượng trong tàu Cù Lao Chàm gán cho bà Bùi Thị Hý được”.
Từ “hý bút” (戲筆) nghĩa đen là “viết chơi”, “viết đùa”, nghĩa bóng là “viết một cách ngẫu hứng”. Đây cũng là phong cách phổ biến của những nghệ nhân dân gian mà ta thường bắt gặp trên sản phẩm gốm sứ ở mọi thời đại.
Tại cuộc triển lãm nghệ thuật gốm sứ Trung Quốc (Trung Hoa dân quốc) năm 1936 ở London Anh Quốc, cũng có một chiếc bình gốm được làm ở châu Nam Sách với dòng lạc khoản chữ Hán, trong đó cũng có hai chữ “hý bút”. Nguyên văn như sau: 大和八年匠人南策州裝氏戲筆Phiên âm Hán Việt: “Thái Hòa bát niên tượng nhân Nam Sách châu Trang thị hý bút”. Dịch nghĩa: Năm Thái Hòa thứ tám, người thợ họ Trang ở châu Nam Sách viết chơi.
Như vậy là đã rõ. Không hề có một nữ tượng nhân Bùi Thị Hý nào đó như ông Tăng Bá Hoành đã cố tình gán ghép mà đó chỉ là những người thợ (nam nhân) thỉnh thoảng viết họ của mình vào bình gốm nhân lúc ngẫu hứng mà thôi.
Về sự kiện này, trang Bách khoa toàn thư mở Wikipedia nhận xét như một kết luận có tính khoa học “Bùi Thị Hý là một người phụ nữ được ông Tăng Bá Hoành, nguyên trưởng ban Thông sử Tỉnh ủy Hải Hưng, nguyên giám đốc Bảo tàng Hải Dương, cho là cụ tổ của nghề gốm Chu Đậu.
Đây là một nhân vật không có thật, bắt nguồn từ việc hiểu sai ý nghĩa của một dòng chữ Hán trên một chiếc bình gốm Việt Nam ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Hoành đã chứng minh cho sự tồn tại của bà Bùi Thị Hý bằng các tư liệu ngụy tạo” (hết trích). Cám ơn ông Đặng Văn Sinh.
Nguồn:https://www.facebook.com/daothaivan/posts/2050117688429008
PS. Tóm lại, người ta đã xây dựng nguyên cả một “đế chế” trên những chứng cứ học thuật ngụy tao. Sau đó, họ còn tiếp tục phung phí vô số nguồn lực xã hội, để bảo vệ những chứng cứ, những kết luận sai lầm này. Và cũng chẳng hiểu có bao nhiêu luận văn (cử nhân, ThS, TS) thực sự có giá trị khoa học, liên quan đến đề tài này đã được bảo vệ?
Đến nay đã có thể nói chắc chắn một điều, là giữa gốm Chu Đậu ngày nay (Hình 2,3) và gốm Chu Đậu ngày xưa chẳng có gì liên quan.
Việc ưa thích huyền sử, huyền thoại, thuyết âm mưu, thần tượng (Khá Bảnh…) luôn đặc trưng cho một xã hội chưa trưởng thành về nhận thức, tư duy phân tích phản biện, tư duy độc lập. Điều này không chỉ đặc trưng cho những xã hội dân trí, học thức còn thấp, mà đôi khi điều này cũng diễn ra ở những xã hội tương đối phát triển.
Chẳng hạn hiện nay ở Nga, huyền thoại phổ biến nhất được đa số người Nga tin: “Nước Nga là một pháo đài bị bao vây” bởi các quốc gia, các thế lực thù địch, trước hết là Mỹ và Châu Âu. Điều này dẫn đến việc người Nga dễ dàng chấp nhận tình trạng nước Nga bị cô lập, “một mình chống lại thế giới” hiện nay, cũng như trước đây thời Liên Xô. Ngoài ra, còn khá nhiều huyền thoại, sự ngộ nhận, cũng như tôn sùng thần tượng khác nữa
Trong khi đó rõ ràng, người Nga là một dân tộc có học thức cao, tỷ lệ người tốt nghiệp đại học ở độ tuổi 25-64 là 55% thuộc loại cao nhất thế giới, đồng thời nước Nga có chỉ số phát triển con người HDI cũng rất cao là 0.816 (xếp hạng 49).
Tóm lại, để thoát khỏi việc ưa thích sáng tác và dụng nạp huyền thoại, huyền sử, thuyết âm mưu và sự say mê thái quá thần tượng (Khá Bảnh, ngội sao K-pop …) phải cố gắng trưởng thành, không chỉ về thu nhập và học vấn, mà còn về nhận thức Thế đấy.
Hinh 1. Lọ hoa lam gốm Chu Đậu cổ trưng bầy ở Bảo tàng Topkapi Saray (Istanbul, Turkey).
Hình 2,3. Gốm Chu Đậu ngày nay.
Không có mô tả ảnh.
Trong hình ảnh có thể có: trong nhà
Trong hình ảnh có thể có: trong nhà
Nguồn: FB Tam Tran