THẺ BÀI, KIM BÀI, KIM KHÁNH, KIM BỘI, NGỌC KHÁNH… LÀ CÁI CHI CHI?

Trần Đức Anh Sơn

 

Trong những di sản văn hóa do triều Nguyễn để lại, có một loại cổ vật có giá trị lịch sử, mỹ thuật và văn hóa rất cao, được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau, nhưng được gọi chung bằng một cái tên là thẻ bài. Đây là tên dùng để gọi một nhóm vật dụng, chữ Hán ghi là 牌 (bài), nghĩa là “cái bảng, mảnh ván đề chữ làm dấu hiệu để yết thị; chiếc thẻ dùng để làm tin”. Từ tên chung là thẻ bài, tùy theo chất liệu làm nên chiếc thẻ mà có sự phân biệt là: 金牌 (kim bài: bài bằng vàng); 銀牌 (ngân bài: bài bằng bạc); 木 牌 (mộc bài: bài bằng gỗ); 石牌 (thạch bài: bài bằng đá)…; hay tùy theo công năng của từng chiếc thẻ mà gọi là: 佩牌 (bội bài: bài để đeo); 信牌 (tín bài: bài làm tín vật); 令牌 (lệnh bài: bài giao việc)…
Những thẻ bài này là vật dụng đặc biệt, dùng để ghi công hay để phân biệt danh tính, phẩm hàm, địa vị, chức phận của các hạng quý tộc, quan binh thời Nguyễn. Theo khảo cứu của Đặng Ngọc Oánh trong bài “Les distintions honorifiques annamites” (B.A.V.H. No.4/1915) và của L. Sogny trong bài “Les plaquettes des dignitaires et des mandarins à la Cour d’Annam” (B.A.V.H. No.3/1926), thẻ bài gồm hai loại: một loại là những huân chương, huy chương để tưởng thưởng công trạng hay huy chương danh dự của triều đình ban tặng cho các bậc vương công, đại thần, binh sĩ và cả những người nước ngoài phụng sự cho triều Nguyễn. Loại kia là những “phục trang” đặc biệt để phân biệt địa vị, phẩm hàm của những hạng người khác nhau trong xã hội. Ngoài ra, còn có những chiếc thẻ bài có giá trị như giấy thông hành, dùng để ra vào nơi cung cấm, hay được dùng như giấy ủy nhiệm của quan lại cấp trên giao việc cho thuộc hạ.
Khởi thủy, triều Gia Long (1802 – 1820) cấp cho các đại thần trong triều một ngân bài (bài bằng bạc) để ra vào Đại Nội. Năm 1834, vua Minh Mạng (1820 – 1841) bắt đầu cho làm các thẻ bài bằng vàng, gọi là kim bài, có khắc bốn chữ Hán: 機密大臣(Cơ mật đại thần) để ban cho các quan lại cao cấp được sung vào Cơ Mật viện. Tùy theo chức tước và phận sự, các thẻ bài do triều Nguyễn ban tặng cho các quan được làm bằng vàng, bằng bạc mạ vàng hay bằng bạc. Từ năm Thành Thái thứ 16 (1906) trở đi, quan lại văn võ từ hàm thất phẩm trở lên nhận thẻ bài làm bằng ngà, từ thất phẩm trở xuống nhận thẻ bài làm bằng sừng trâu. Bài của quân lính phục vụ trong Đại Nội thì làm bằng chì, sau đổi làm bằng gỗ mun.
Quý nhất trong các loại thẻ bài chính là các kim bài của các bậc đế hậu hay quý tộc cao cấp. Đây là những món đồ trang sức của vua chúa, đồng thời cũng là vật thể hiện địa vị và đẳng cấp của người sở hữu chúng. Ngoài kim bài, vua, hoàng hậu, hoàng tử, công chúa và các vương tôn còn đeo kim khánh và ngọc khánh. Nhà vua còn dùng kim bài, kim khánh và ngọc khánh như vật phong tặng, quà kỷ niệm hay vật ân thưởng cho quý tộc và quan lại cao cấp trong những dịp đặc biệt.
Kim bài của các vua triều Nguyễn thường có hình chữ nhật (8,5cm x 5cm), có bốn chữ Hán: 太平天子 (Thái bình thiên tử) bằng vàng chạm nổi và nạm 10 viên kim cương. Ngoài ra còn có loại kim bài hạng hai, khắc bốn chữ Hán: 大邦維屏 (Đại bang duy bình) bằng vàng chạm nổi và nạm 10 hồng ngọc, xung quanh có viền hoa văn hình lưỡng long khắc chìm.
Kim khánh làm bằng vàng có đính các hạt trân châu, mã não, là thứ huy chương quan trọng bậc nhất của triều Nguyễn. Dưới triều Gia Long và Minh Mạng, kim khánh chỉ dành riêng cho các thành viên hoàng gia và các quan lại có hàm đại học sĩ. Dưới triều Thiệu Trị (1841 – 1847) và Tự Đức (1848 – 1883) kim khánh gồm hai hạng: đại kim khánh và kim khánh. Từ năm 1885 triều đình đổi thành bốn hạng: đại kim khánh có đề bốn chữ Hán: 報義酬勳 (Báo nghĩa thù huân); trung kim khánh (hình dáng như đại kim khánh như nhẹ hơn); kim khánh có đề bốn chữ Hán: 生善上公 (Sanh thiện thượng công) và tiểu kim khánh có khắc bốn chữ Hán: 勞能可獎 (Lao năng khả tưởng). Mặt sau các kim khánh thường khắc ghi niên hiệu của triều vua cho chế tác và ban tặng kim khánh. Năm Thành Thái thứ 2 (1900), triều đình bỏ hạng trung kim khánh và thiết lập hệ thống kim khánh mới gồm ba hạng: nhất hạng kim khánh, nhị hạng kim khánh và tam hạng kim khánh dùng để trao trặng cho quần thần và cho cả người Pháp. Mặt sau các kim khánh này có khắc các chữ Hán: 大南皇帝敕賜 (Đại Nam hoàng đế sắc tứ). Đến triều Khải Định (1916 – 1925), kim khánh làm bằng vàng, có khắc bốn chữ Hán: 啟定恩賜 (Khải Định ân tứ), được đựng trong một hộp bạc, chạm trổ hoa văn lưỡng long triều nhật, chính giữa mặt trong có một ô hình trái xoan khắc bốn chữ Hán: 啟定年造 (Khải Định niên tạo) và phía dưới có chữ ký nghệ nhân chế tác ở bên trái. Đối với các kim khánh ban cho phái nữ thì xung quanh các Hán tự có trang trí hai hình chim phụng.
Ngọc khánh có hình dáng tương tự như kim khánh nhưng được làm bằng ngọc quý, chủ yếu làm bằng cẩm thạch. Mặt trước ngọc khánh thường khắc bốn chữ Hán 受天永命 (Thụ thiên vĩnh mệnh). Mặt sau khắc niên hiệu của vị vua đang trị vì vào thời điểm ngọc khánh được chế tác hay ban tặng.
Kim bội là vật trang sức hoàng gia, chỉ xuất hiện từ năm 1889 trở đi. Kim là vàng, bội là đeo, treo. Kim bội là (vật bằng) vàng để treo, đeo. Kim bội dáng hình thuẫn hoặc hình chữ nhật cách điệu ở bốn góc. Một mặt của kim bội khắc các dòng chữ Hán ghi niên hiệu của vua như: 成泰年造 (Thành Thái niên tạo), 維年造年造 (Duy Tân niên tạo)…, mặt kia khắc dòng chữ Hán: 瓊搖永好 (Quỳnh diêu vĩnh hảo). Lúc đầu, vua Thành Thái cho đúc kim bội để thưởng cho những người có công, nhưng về sau kim bội chỉ được ban tặng cho phụ nữ, chủ yếu là các công chúa, để làm vật trang sức và thể hiện danh phận của họ. Do vậy nên dòng chữ Hán: 瓊搖永好 (Quỳnh diêu vĩnh hảo) trên kim bội được thay bằng các dòng chữ Hán: 皇長女公主 (Hoàng trưởng nữ công chúa), 皇次女公主 (Hoàng thứ nữ công chúa) hay 皇次女 (Hoàng thứ nữ). Hoa văn trang trí trên kim bội thường là thuộc đề tài hoa thảo hay các dạng hồi văn chữ Thọ, chữ Công liên hoàn.
Ngọc bội có hình dáng tương tự kim khánh nhưng được làm bằng ngọc quý, chủ yếu là bằng cẩm thạch. Một mặt của ngọc bội khắc chìm dòng chữ Hán thếp vàng 受天永命 (Thụ thiên vĩnh mệnh), mặt kia khắc niên hiệu của vị vua đang tại vị như: 紹治珍寶 (Thiệu Trị trân bửu), 啟定珍寶 (Khải Định trân bửu)… Thời Nguyễn sơ, ngọc bội được coi là hàm tước danh dự hay quan huy và được ban thưởng cho cả nam lẫn nữ. Từ triều Khải Định trở đi, ngọc bội chỉ còn là một thứ trang sức biểu trưng cho vương gia và quyền quý.
Việc chế tác các kim bài, kim khánh, kim bội và ngọc bội dưới thời Nguyễn được giao cho Kim ngân tượng cục thực hiện. Kim ngân tượng cục do vua Minh Mạng cho lập vào năm 1834, trực thuộc Sở Nội tạo. Đây là nơi trưng tập các thợ thủ công tài giỏi trong cả nước về nghề kim hoàn. Họ được tuyển vào làm việc ở Kim ngân tượng cục này để chuyên chế tác các vật dụng bằng vàng và bạc, cung ứng cho nhu cầu của hoàng gia và triều đình. Ngoài Kim ngân tượng cục, triều Nguyễn còn cho mở thêm hai tượng cục khác, chuyên chế tác các vật dụng liên quan đến vàng bạc. Đó là Kim mạo tượng ty chuyên chế tạo mũ mão bằng vàng cho vua và hoàng gia và Kim tương tượng ty chuyên chế tạo các vật phẩm có thếp vàng.
Vua, hoàng gia và đình thần thường đeo kim bài, kim khánh, kim bội và ngọc bội trong các dịp quốc lễ, triều hội hay trong những dịp nghinh tiếp quốc khách. Cùng với các bộ triều phục lộng lẫy, những kim bài, kim khánh, kim bội, ngọc bội… của triều Nguyễn là những trang sức không thể thiếu trong trang phục cung đình Huế. Riêng vua Khải Định, thì ngoài kim bài, kim khánh và ngọc khánh, nhà vua còn đeo thêm các huy chương như Bắc Đẩu bội tinh, Long bội tinh… mà Chính phủ Pháp trao tặng, nhất là trong các dịp lễ lạt có sự hiện diện của quan lại mẫu quốc.
Những trang sức ấy đã góp phần tạo dựng nét uy phong và quyền quý của một lớp người từng nắm giữ quyền lực ở Việt Nam một thuở. Để rồi giờ đây, khi buổi hoàng kim của triều Nguyễn đã trở thành quá vãng, những món trang sức ấy lại trở thành những cổ vật vô giá và là niềm mơ ước của những nhà sưu tập có tinh thần hoài cổ.
Sau ngày nhà Nguyễn cáo chung, phần lớn kim bài, kim khánh, ngọc khánh… của triều Nguyễn đã trở thành cổ vật trong các bảo tàng và sưu tập tư nhân ở nước ngoài. Trong một bài viết công bố năm 2011, nhà nghiên cứu Philippe Truong (hiện sống ở Pháp) cho biết: Tháng 2/2011 eBay có đưa ra đấu giá trên mạng một thẻ bài bằng bạc mạ vàng, giá bán cuối cùng lên đến 1.919 euro. Ngoài ra, trong sưu tập huy chương của đại sứ Ý Antonio Benedetto Spada, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Légion d’Honneur (Paris), có trưng bày 8 kim bài, 6 ngân bài và một số bài bằng ngà và sừng, kim khánh, ngân khánh, kim bội và kim tiền thời Nguyễn. Trong số đó, đáng chú ý nhất là kim bài khắc bốn chữ Hán: 大邦維屏 (Đại bang duy bình) của vua Khải Định làm bằng vàng nạm 10 hồng ngọc, viền hoa văn lưỡng long và kim khánh bằng vàng có đề bốn chữ Hán: 啟定恩賜 (Khải Định ân tứ), chứa trong một hộp bạc, khắc hoa văn lưỡng long triều nhật, chính giữa có một ô hình trái xoan đề bốn chữ: 啟定年造 (Khải Định niên tạo) và chữ ký của nghệ nhân khắc ở phía dưới bên trái.
Giới khảo cứu và dân chơi cổ ngoạn trong nước hiếm khi có dịp tận mắt chiêm ngưỡng những trân bảo ấy. May mắn lắm cũng chỉ nhìn thấy hình dáng “của hiếm” trong những catalogue in ấn ở ngoại quốc mà thôi. Âu đó cũng là một thiệt thòi cho giới sưu tầm và ưa chuộng cổ vật nước nhà vậy.
Tháng 5.2011
T.Đ.A.S.
Không có mô tả ảnh.
Kim bài khắc dòng chữ Thái bình thiên tử của vua Khải Định
Trong hình ảnh có thể có: trang sức
Kim bài khắc dòng chữ Đại bang duy bình của vua Khải Định
Không có mô tả ảnh.
Kim bài khắc dòng chữ Đại bang duy bình của vua Khải Định
Không có mô tả ảnh.
Kim bài khắc dòng chữ Đông cung hoàng thái tử của hoàng thái tử Vĩnh Thụy
Không có mô tả ảnh.
Kim bài khắc dòng chữ An Tĩnh công, triều Khải Định
Không có mô tả ảnh.
Kim khánh khắc hai chữ Ân tứ, triều Đồng Khánh
Không có mô tả ảnh.
Kim khánh khắc dòng chữ Báo nghĩa thù huân, triều Khải Định
Không có mô tả ảnh.
Kim khánh khắc dòng chữ Khải Định ân tặng
Không có mô tả ảnh.
Kim bội khắc dòng chữ Hoàng trưởng nữ công chúa
Không có mô tả ảnh.
Kim bội khắc dòng chữ Hoàng thứ nữ công chúa
Không có mô tả ảnh.
Kim bội khắc dòng chữ Hoàng thứ nữ
Không có mô tả ảnh.
Ngọc bội khắc dòng chữ Thiệu Trị trân bửu
Trong hình ảnh có thể có: trong nhà
Ngọc bội khắc dòng chữ Khải Định trân bửu
Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang đứng
Chân dung vua Đồng Khánh mặc hoàng bào, đeo ngọc khánh, tay cầm hốt trấn khuê, ngự trên ngai vàng
Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang đứng
Chân dung vua Thành Thái mặc long bào, đeo ngọc khánh và kim tiền, ngự trên ngai vàng
Trong hình ảnh có thể có: 1 người
Vua Thành Thái mặc long bào, đeo ngọc khánh và kim tiền
Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang ngồi
Vua Khải Định mặc trang phục thường triều, đeo kim bài, ngọc khánh và huy chương
Trong hình ảnh có thể có: 1 người, mũ
Vua Khải Định mặc trang phục kiểu Âu châu, đội nón, đeo kim bài, ngọc khánh và huy chương (do người Pháp tặng)
Trong hình ảnh có thể có: 1 người, cận cảnh
Vua Bảo Đại mặc quốc phục, đeo kim bài và huy chương (do người Pháp tặng)
Trong hình ảnh có thể có: 1 người, trẻ em và ngoài trời
Hoàng tử Bảo Long mặc quốc phục, đeo kim bài và ngọc khánh
Trong hình ảnh có thể có: 1 người, cận cảnh
Hoàng tử Bảo Long mặc quốc phục, đeo kim bài và huy chương (do người Pháp tặng)
Trong hình ảnh có thể có: 1 người
Hoàng tử Bảo Long mặc quốc phục, đeo kim bài và huy chương (do người Pháp tặng)