KHƯƠNG NINH CÁC. MỘT DI TÍCH LỊCH SỬ – TÔN GIÁO ĐỘC ĐÁO

Lời người viết: Trong bài viết XUNG QUANH NGHI VẤN “VUA TỰ ĐỨC LÀ CON
CỦA AI?” mà tôi tổng thuật từ cuốn sách BỨC MẬT THƯ ĐẤT – NƯỚC – GIÓ –
LỬA TRONG THƯƠNG SƠN THI TẬP của tác giả Trần Như Thổ (Nxb Văn hóa Thông
tin xuất bản năm 2005), có nhắc đến một công trình kiến trúc trong
Hoàng Thành Huế – KHƯƠNG NINH CÁC – được Trần Như Thổ coi là nơi khởi
nguồn của nghi vấn trên.
Vì công trình này khá khiêm tốn, lại ẩn
dật ở phía tây Diên Thọ Cung nên ít người biết đến, nên trong mấy ngày
qua có một số bằng hữu nhắn tin hỏi: Khương Ninh Các ở đâu? Công trình
này nay có còn không?
Tôi xin trả lời quý bằng hữu bằng bài viết sau
đây, đã in trong cuốn HUẾ – TRIỀU NGUYỄN MỘT CÁI NHÌN (Nxb Thế Giới và
Cty Sách Omega Việt Nam xuất bản, Hà Nội, 2018, tr. 207-217)
TRẦN ĐỨC ANH SƠN

Diên Thọ Cung trong Hoàng Thành Huế được xây dựng từ đầu triều Gia Long
(vào năm 1803) làm nơi ăn ở của các bà hoàng thái hậu, hoàng thái phi
của triều Nguyễn. Dưới các triều vua: Minh Mạng (1820 – 1841), Tự Đức
(1848 – 1883), Thành Thái (1889 – 1907), Khải Định (1916 – 1925), Diên
Thọ Cung đã được tu sửa, mở mang thành một hệ thống cung điện hoàn
chỉnh, gồm nhiều công trình kiến trúc, phục vụ cho nhu cầu ăn ở, sinh
hoạt, tiếp tân, nghỉ dưỡng… của các bà trong cung, như: chính điện
Diên Thọ là nơi ở của hoàng thái hậu; Thọ Ninh Điện là nơi ở của các
hoàng thái phi, mẹ thứ của vua; Tả Trà là nơi các bà tiếp khách; Trường
Du Tạ là nơi các bà đến thưởng ngoạn…
Vào năm Minh Mạng thứ 11
(1830), vua Minh Mạng đã cho xây dựng ở góc tây bắc Diên Thọ Cung một
công trình kiến trúc bằng gỗ hai tầng, đặt tên là Khương Ninh Các. Đây
là nơi thờ cúng các vị thần, Phật đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của các bà
thái hậu, thái phi ở trong cung. Việc xây dựng Khương Ninh Các trong
Diên Thọ Cung có ý nghĩa tương tự như việc triều Nguyễn đã cho dựng Nhật
Thành Lâu (bên trong Tử Cấm Thành) và chùa Giác Hoàng (bên trong Kinh
Thành) trước đó để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tinh thần, tín ngưỡng của
vua và hoàng gia.
Tầng trên Khương Ninh Các là nơi phụng thờ chư
Phật, các vị thần linh của nhiều tôn giáo khác nhau, cùng một số công
chúa và phi tần triều Nguyễn, trong khi tầng dưới lại là nơi tá túc cuối
đời của các bà. Chính điều này đã tạo nên sự độc đáo của di tích này:
tuy chỉ là một công trình kiến trúc khiêm tốn nhưng Khương Ninh Các lại
đảm nhận nhiều chức năng khác nhau: vừa là nơi thờ cúng, vừa là nơi trú
tất: vừa là nơi thờ Phật, đồng thời, cũng là nơi thờ thánh.
Tuy
Khương Ninh Các được xây dựng vào năm 1830, nhưng tiền đề cho sự ra đời
của di tích này đã được manh nha từ triều Gia Long (1802 – 1820) và có
liên quan đến bà Nguyễn Thị Hoàn, thân mẫu của vua Gia Long. Là một Phật
tử nhiệt thành, thân mẫu của vua Gia Long tin rằng nhờ Trời, Phật phù
hộ, nhà vua mới dựng được cơ đồ và thâu phục thiên hạ. Vì thế, bà thành
tâm quy y và chăm lo chuyện Phật sự ở trong hậu cung triều Nguyễn.

Vua Gia Long là một người rất có hiếu với mẹ. Sau khi xây dựng xong kinh
đô, nhà vua đã cho đón mẹ vào sống trong Hoàng Thành Huế. Vì là người
tin sùng đạo Phật, nên thái hậu mong muốn trong cung phải có nơi để bà
thờ Phật. Mặc dù vua Gia Long là theo Nho giáo, dùng Nho giáo làm kế
sách và khuôn phép để trị nước, nhưng ông lại chịu ảnh hưởng sùng tín
đạo Phật từ thân mẫu của mình và từ ái phi Trần Thị Đang (mẹ vua Minh
Mạng). Sự sùng tín Phật giáo của các bà này còn ảnh hưởng đến thái độ
ứng xử với Phật giáo của các vua Minh Mạng và Thiệu Trị sau này. Vì thế,
nhu cầu phải kiến tạo một nơi thờ Phật ở ngay trong hoàng cung, nhằm
phục vụ tín ngưỡng của các thái hậu, thái phi và các phi tần… trong
cung là chính đáng và cần thiết.
Ngoài ra, vì lý do phong thủy, nên
khi quy hoạch và kiến tạo Kinh Thành Huế, vua Gia Long đã tạo cho cuộc
đất này một thế đất “cán thủy thành hoàn” (nước bọc quanh thành) bằng
việc cho đào hệ thống “hộ thành hà” vây quanh Kinh Thành. Điều này vô
tình tạo ra sự ngăn cách giữa Kinh Thành với các vùng phụ cận; đồng
thời, khiến cho “con đường hành hương” của các bà từ hoàng cung lên chùa
Thiên Mụ bị ngăn trở bởi sông Kim Long (trước đó) và sông Kẻ Vạn (sau
này). Thêm vào đó, việc kiến thiết Kinh Thành trong thời gian quá dài
(27 năm), càng làm cho việc đi chùa lễ Phật của các bà trong cung thêm
phần gian khó, trong khi, các bà lại tuổi cao sức yếu, nên khó có thể
thường xuyên đi lên tận chùa Thiên Mụ để cúng Phật và hành lễ. Yêu cầu
bức thiết lúc bấy giờ là cần phải có một nơi thờ Phật để các bà có thể
thực thi tín ngưỡng và chăm lo Phật sự. Chính vì thế mà một ngôi chùa
thờ Phật, mang tên Khương Ninh Các, đã được vua Minh Mạng cho xây dựng
ngay trong Hoàng Thành vào năm 1830.
Tuy nhiên, Khương Ninh Các
không chỉ là nơi thờ Phật đơn thuần mà còn là nơi thờ cúng các vị thần
linh của nhiều tôn giáo khác nhau, phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng rất đa
đạng của các bà thái hậu, thái phi.
Bấy giờ ở Huế tồn tại nhiều
tôn giáo khác nhau. Tuy nhiên Phật Giáo và Thiên Tiên Thánh Giáo đã có
một chỗ đứng khá vững chắc trong đời sống tín ngưỡng bên trong cung cấm.
Bởi thế, Khương Ninh Các đã trở thành nơi thờ tự chư vị Phật, chư vị
Thánh Mẫu với hai tên gọi khác nhau: 康寧閣 (Khương Ninh Các) ở mặt trước
và 福壽庵 (Phước Thọ Am) ở mặt sau. Cả hai tên gọi này đều thể hiện ước
mong có được niềm vui, phúc lành và những điều tốt đẹp. Trong tên gọi
康寧閣, thì chữ 康 (khương) có nghĩa thịnh vượng, yên vui, còn chữ 寧 (ninh)
có nghĩa là yên ổn. Vậy 康寧閣 có nghĩa là tòa lầu (của/cầu) thịnh vượng,
yên ổn.
Trong khi đó, mặt sau tòa lầu lại có bức hoành phi đề ba
chữ 福壽庵 (Phước Thọ Am). 庵 (Am) có nghĩa là ngôi nhà nhỏ bằng tranh,
nhưng cũng có nghĩa là nơi thờ Phật. Nói cách khác, am cũng là chùa.
Nhưng hai chữ 福壽 (Phước Thọ) là thuộc về trần gian, không phải chữ nghĩa
của nhà Phật. Hơn nữa, trong Phước Thọ Am không thờ Phật, mà chỉ thờ
vong linh của những người đã khuất trong hoàng gia triều Nguyễn.

Như vậy, Khương Ninh Các – Phước Thọ Am là một công trình đặc biệt và
độc đáo trong lịch sử kiến trúc triều Nguyễn với hai tên gọi và nhiều
công năng khác nhau; cùng tô sùng, thờ tự hai hệ thống thần linh thuộc
hai tôn giáo khác nhau.
Việc tôn sùng không chỉ một tôn giáo, một
hệ thống thần linh là một đặc trưng trong tín ngưỡng đương thời. Cùng
lúc, họ tin và tôn sùng nhiều tôn giáo và nhiều vị thần linh khác nhau.
Đặc biệt, trong bối cảnh bấy giờ, Phật giáo và Thiên Tiên thánh giáo đều
có ảnh hưởng rất lớn và vững chắc trong hoàng gia triều Nguyễn cũng như
trong đại bộ phận người dân xứ Huế. Việc cùng lúc tôn sùng hai tôn giáo
này đã đưa đến hệ quả tất yếu là nhất thiết phải lập điện thờ Phật, Bồ
tát… cùng chư vị Thánh Mẫu ngay trong Hoàng Thành. Vô hình trung,
Khương Ninh Các trở thành nơi dung hòa và kết hợp giữa Phật giáo và
Thiên Tiên thánh giáo trong đời sống tinh thần của hoàng gia triều
Nguyễn. Điều này giải thích vì sao chỉ một tòa các khiêm tốn làm bằng gỗ
mà lại có đến hai tên gọi Khương Ninh Các và Phước Thọ Am, cùng đảm
nhiệm hai chức năng và thể hiện niềm tin vào hai tôn giáo khác nhau.
Về cấu trúc, Khương Ninh Các là một tòa lầu hai tầng bằng gỗ, kiến trúc
cân đối và xinh xắn. Toàn bộ kiến trúc nằm trong một khuôn viên độc
lập, được ngăn cách với “thế giới trần tục” bằng một vòng tường khép
kín, nhằm tạo ra một thế giới thanh tịnh, siêu thoát bên trong chốn cung
cấm u hoài. Tòa nhà chính quay mặt về phía tây. Tầng dưới cùng làm nơi
ăn ở, sinh hoạt của các bà lớn tuổi đã quy y hoặc xuất gia tu Phật. Tầng
trên chia làm hai phần: phía trước được trần thiết lộng lẫy, có đầy đủ
cờ phướn, khám thờ, tranh tượng, bài vị… với năm gian thờ: gian chánh
trung thờ ba pho tượng Phật: A Di Đà, Thích Ca và Di Lặc cùng các vị:
Dược Sư, Văn Thù Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát…; gian tả nhất thờ Quan Công,
có Quan Bình và Châu Xương phò tá hai bên cùng với ngựa Xích Thố, long
đao…; gian hữu nhất thờ tượng Phật A Di Đà, cùng các tượng: Quan Thế
Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát dưới dạng tranh thờ; các gian tả nhị và
hữu nhị, mỗi gian thờ tượng và bài vị của sáu vị Hộ Pháp trong Thập Nhị
Dược Xoa đại tướng… Đặc biệt, bộ tượng Tam Thế Phật gồm ba pho, do vua
Minh Mạng cho đúc vào năm 1831, được giới nghiên cứu mỹ thuật nhìn nhận
là một trong những bộ tượng Phật đẹp nhất thời Nguyễn. Tượng đúc bằng
gang, mạ vàng. Phía sau mỗi pho tượng đều có khắc bài minh ngự chế của
vua Minh Mạng và lạc khoản đề năm Minh Mạng thứ 12 (1831). Bộ tượng Phật
này đã được đưa đi trưng bày trong cuộc triển lãm mang tên Vietnam: Art
et Cultures de la préhistoire jusqu’ à nos jours (Việt Nam: Nghệ thuật
và văn hóa từ thời tiền sử đến ngày nay) do Bảo tàng Lịch sử và Nghệ
thuật Hoàng gia Bỉ tổ chức tại Bruxelles từ ngày 17.9.2003 đến ngày
29.2.2004. Sau đó, bộ tượng Phật này tiếp tục được trưng bày trong cuộc
triển lãm: Vietnam: Götter – Helden – Ahnen (Việt Nam: Thần linh – Anh
hùng – Tổ tiên) do Bảo tàng Dân tộc học Vienna tổ chức ở thành phố
Leoben (Áo) từ ngày 02.4 đến ngày 1.11.2004.
Phần phía sau của tầng
trên cũng có năm gian thờ, phía trên gian giữa có treo bức hoành phi
chạm nổi ba chữ Hán: 福壽庵 (Phước Thọ Am), phía dưới thờ tranh và bài vị
của Thiên Y A Na Thánh Mẫu; hai bên là bàn thờ các thần thánh thuộc hàng
đồ đệ của Mẫu; bài vị của Diên Phúc công chúa, Mỹ Tường công chúa, Cô
Hoàng Nữ Đệ Tam… Họ là những chị và cô của vua Gia Long. Đặc biệt, ở
đây còn thờ hai tượng Tổ của nghề hát bội. Đây là chi tiết thú vị và
khác biệt so với những di tích thờ phụng khác mà các vua nhà Nguyễn đã
cho xây cất trong và ngoài Hoàng Thành Huế.
Theo Thái Văn Kiểm trong
cuốn Cố đô Huế, thì các bà Thuận Thiên Cao hoàng hậu (mẹ vua Minh
Mạng), Nghi Thiên Chương hoàng hậu (mẹ vua Tự Đức), Phụ Thiện Thuần
hoàng hậu (mẹ vua Đồng Khánh), Đoan Huy hoàng thái hậu (mẹ vua Bảo
Đại)… đều từng sống trong Diên Thọ Cung. Khương Ninh Các đã trở thành
nơi lui tới thường xuyên của các bà trong các dịp lễ tế, sóc vọng… để
cúng kiến, cầu đảo. Vì thế trong những lần tu sửa Diên Thọ Cung, các vua
nhà Nguyễn đều chú ý trùng tu, tôn tạo Khương Ninh Các, phục vụ nhu cầu
lễ bái, tín ngưỡng của các bà mẹ mình.
Với hai tên gọi cho cùng
một công trình, hai tôn giáo được tôn sùng trong một nơi thờ tự, Khương
Ninh Các là nơi duy nhất trong các công trình kiến trúc Nguyễn có tên
gọi và chức năng lạ lùng như thế. Chúng ta đã biết đến sự dung hòa khá
nhuần nhuyễn trong lịch sử tư tưởng thời Nguyễn, sự dung hòa giữa Nho –
Phật – Lão. Với Khương Ninh Các, chúng ta còn biết thêm sự kết hợp tín
ngưỡng giữa Phật giáo và Thiên Tiên thánh giáo trong đời sống tinh thần
của hoàng gia triều Nguyễn. Mặt khác, những vấn đề thú vị về nghệ thuật
trang trí, cách thiết trí thờ tự và những vấn đề lịch sử được lưu giữ
nơi đây càng khiến di tích này có một giá trị văn hóa – lịch sử đáng
trân trọng và gìn giữ. Đến thăm Khương Ninh Các, du khách bắt gặp ở đây
những dấu vết lịch sử của các triều vua Minh Mạng, Tự Đức và Khải Định
qua các chi tiết kiến trúc, qua hiện vật và đồ tự khí. Vẫn còn đó những
bộ vì kèo “cánh ác” một thời phổ biến ở những kiến trúc đầu thời Nguyễn,
những lan can với chấn song chạm trổ kiểu con tiện như ở các lăng Tự
Đức, Đồng Khánh, hay những cửa sổ ghép kính màu theo “phong cách Khải
Định”…
Tất cả đã góp phần tạo nên nét riêng biệt và độc đáo cho di tích Khương Ninh Các và cho cả khu vực Diên Thọ Cung.
T.Đ.A.S.

Trong hình ảnh có thể có: bầu trời, cây và ngoài trời
Khương Ninh Các nhìn từ phía đông nam. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn
Trong hình ảnh có thể có: bầu trời, nhà và ngoài trời
Tòa Khương Ninh Các – Phước Thọ Am. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn
Trong hình ảnh có thể có: ngoài trời
Nguyệt môn tư Diên Thọ Cung dẫn vào Phước Thọ Am. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn
Trong hình ảnh có thể có: 2 người
Bộ tượng Tam Thế Phật đúc vào triều Minh Mạng đang thờ trong Khương Ninh Các. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn