Phong cách Đông Dương đã để lại nhiều công trình có giá trị ở các đô thị Việt Nam thời kỳ Pháp thuộc những năm 20-40 của Thế kỷ 20. Tuy nhiên, lâu nay chúng ta mới chỉ tập trung nghiên cứu trào lưu kiến trúc này qua các sáng tác chủ yếu xây dựng ở Hà Nội, Sài Gòn của các KTS người Pháp (Ernest Hebra, Arthur Kruze…). Nếu xem xét khái niệm “phong cách kiến trúc Đông Dương” không chỉ bó hẹp trong kiểu kiến trúc Pháp sử dụng hỗn hợp môtip Pháp-Hoa-Việt mà ở nghĩa rộng hơn, với tinh thần kết hợp các đặc điểm kiến trúc Á-Âu, thì chính người Việt trong bối cảnh lịch sử – văn hóa đặc biệt thời kì đó cũng đã sớm sáng tạo cho mình những kiến trúc mang phong cách Đông Dương mà minh chứng sống động là những công trình độc đáo đã được xây dựng ở thành phố Huế.
Sau khoảng hơn 2 thập kỷ các công trình kiến trúc thuộc địa tại Việt Nam được xây dựng chủ yếu theo các hình thức thuần túy kiểu Châu Âu (các phong cách Tân cổ điển Châu Âu, dân gian Pháp), đến những năm 20 của thế kỷ trước, một xu hướng kiến trúc mới kết hợp các đặc điểm kiến trúc Á – Âu đã được hình thành. Người được coi là khởi nguồn cho trào lưu mới này là KTS nổi tiếng người Pháp: Ernest Hebra, Giáo sư trường Mỹ thuật Đông Dương, Giám đốc sở Quy hoạch Kiến trúc Đông Dương thuộc Pháp. Ông đã đặt tên cho xu hướng kiến trúc mới này là “phong cách Đông Dương” (style Indochinois).
Không giản đơn như các công trình kiểu trại lính giai đoạn thuộc địa tiền kỳ, hay mang tính áp đặt văn hóa, thiếu tính bản địa như phong cách Tân cổ điển Châu Âu, dân gian Pháp, phong cách kiến trúc Đông Dương hài hòa được các yếu tố đó. Thực chất, đây là một xu hướng chiết trung Âu – Á, kết hợp văn hóa truyền thống bản địa với kỹ thuật xây dựng phương Tây, thích ứng với điều kiện khí hậu nhiệt đới. Các công trình kiến trúc thuộc trào lưu Đông Dương do các KTS Pháp thiết kế, mà tiêu biểu là Ernest Hebra, từ thập niên 20-40 của thế kỷ 20 mang một số đặc điểm chính như sau:
– Công trình có qui hoạch tổng thể, cấu trúc mặt bằng, công năng, hình khối hoàn toàn theo kiểu châu Âu hiện đại.
– Sử dụng rộng rãi các giải pháp kết cấu tiên tiến như BTCT, vì kèo thép… tạo ra các không gian lớn, nhiều tầng.
– Các giải pháp thích ứng với khí hậu nóng ẩm, nhiệt đới được lưu tâm giải quyết: Hành lang bao quanh, mái và ô văng vươn rộng, các lỗ thoáng sàn và trần, hệ thống cửa lấy sáng, thông gió tự nhiên.
– Hình thức kiến trúc bên ngoài và các chi tiết trang trí nội ngoại thất mang dáng dấp, đường nét Á đông (Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Lào, Campuchia), gần gũi với kiến trúc truyền thống bản địa.
Tư tưởng kiến trúc của Hebrard đã có ảnh hưởng lớn đến sáng tác của nhiều KTS Pháp làm việc ở Đông Dương những năm 30-45 của thế kỷ 20. Nhiều công trình kiến trúc của phong cách Đông Dương như Bảo tàng Louis Finot (KTS Ernest Hebra – nay là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Hà Nội), Nhà thờ Cửa Bắc (KTS. Ernest Hebra), Câu lạc bộ Thủy quân (KTS. Arthur Kruze – nay là trụ sở Tổng cục Thể dục Thể thao), Bảo tàng Blanchard de le Brosse (KTS. Delaval – nay là Bảo tàng Lịch sử tại TP.HCM)… cho đến ngày nay vẫn được các nhà phê bình kiến trúc đánh giá cao và coi như là phong cách kiến trúc thành công nhất của kiến trúc thuộc địa tại Việt Nam.
Tuy nhiên, sẽ là không đầy đủ khi chỉ giới hạn xu hướng chiết trung Á-Âu của phong cách kiến trúc Đông Dương trong khái niệm các công trình kiến trúc do các KTS người Pháp thiết kế tại Hà Nội, Sài Gòn hay một số thành phố khác ở Việt Nam. Trước khi tư tưởng kiến trúc Đông Dương của Ernest Hebra xuất hiện, trong bối cảnh lịch sử – xã hội với sự thâm nhập mạnh mẽ của văn hóa phương Tây , chính người Việt Nam cũng đã tự xây dựng cho mình các công trình kiến trúc với tinh thần đó. Điều này đặc biệt thể hiện rất rõ với các công trình được xây dựng trong thời kì thuộc địa ở thành phố Huế. Không có số lượng nhiều với quy mô lớn như Hà Nội – Thủ đô liên bang Đông Dương, không cởi mở, sôi động như Sài Gòn – Trung tâm của xứ thuộc địa Nam kỳ thuộc Pháp, Huế luôn giữ được nét truyền thống riêng của mình, kể cả những kiến trúc chịu ảnh hưởng rất lớn của văn hóa phương Tây trong thời kì thuộc địa.
KIẾN TRÚC ĐÔNG DƯƠNG
Ở Huế, kiến trúc thời kì thuộc địa mang đầy đủ hầu hết các phong cách kiến trúc đa dạng của thời kì này: Phong cách trại lính, phong cách Tân cổ điển, phong cách địa phương Pháp, Art-Deco… Các công trình mang phong cách Đông Dương với xu hướng chiết trung Âu-Á tuy không nhiều nhưng đều mang giá trị kiến trúc đặc sắc. Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin được tập trung vào 3 công trình mà cá nhân đánh giá là tiêu biểu nhất của xu hướng kết hợp Á-Âu của kiến trúc Đông Dương nơi đây, đồng thời mang những nét đặc trưng truyền thống bản địa riêng biệt của cố đô Huế.
Lăng Khải Định:
Lăng được khởi công từ ngày 4/9/1920 và phải 11 năm sau đó công việc xây dựng mới được hoàn thành.
Lăng Khải Định |
Ở công trình này, trừ việc lựa chọn địa điểm xây dựng và bố cục tổng thể công trình được áp dụng theo thuật phong thủy, các đặc điểm kiến trúc khác đều là sự pha trộn cao độ của rất nhiều các yếu tố Đông-Tây hỗn hợp. Kỹ thuật và vật liệu xây dựng hiện đại thời bấy giờ đều đã được sử dụng như bê tông cốt thép, cột thu lôi, đèn điện… Các hạng mục công trình với nhiều hình thức khác nhau như: Kiểu nhà có mái chồng diêm truyền thống nhưng lại có kết cấu mái, vì kèo bằng bê tông cốt thép lợp ngói đá đen của Pháp (ardoise); các trụ biểu, trụ cổng, nhà bia, hàng rào… mang dáng dấp của kiến trúc Ấn Độ giáo hay Gothic, Roman của Kito giáo… Giá trị đặc sắc nhất của lăng Khải Định là nghệ thuật trang trí tinh xảo trong nội thất, kết hợp hài hòa điêu khắc, hội họa. Các bức họa hoành tráng trên trần, các hình đắp nổi trên tường, cột, khảm mosaic sành sứ và thủy tinh màu với nhiều đề tài truyền thống và hiện đại, chiếc bửu tán ghép kính sứ bằng bê tông cốt thép nhưng mềm mại như dải lụa đang bay trước gió đều là những tác phẩm nghệ thuật kết hợp hài hòa các yếu tố Đông-Tây cực kỳ tinh xảo, độc đáo và hấp dẫn.
Đánh giá kiến trúc của lăng Khải Định còn nhiều ý kiến trái chiều, song ngày nay với độ lùi lịch sử cần thiết, nhiều nhà nghiên cứu đã nêu ý kiến nhận định rằng đây là một công trình mang phong cách kiến trúc Đông Dương cần được trân trọng, do chính người Việt Nam tạo ra.
Đánh giá kiến trúc của lăng Khải Định còn nhiều ý kiến trái chiều, song ngày nay với độ lùi lịch sử cần thiết, nhiều nhà nghiên cứu đã nêu ý kiến nhận định rằng đây là một công trình mang phong cách kiến trúc Đông Dương cần được trân trọng, do chính người Việt Nam tạo ra.
Cung An Định:
Được xây dựng từ năm 1917 và hoàn thành năm 1919, nghĩa là 4 năm trước khi Ernest Hebra đến làm việc tại Đông Dương (năm 1923). Đây là một quần thể kiến trúc cung điện khác biệt và độc đáo trong hệ thống cung điện triều Nguyễn tại Huế bởi vị trí tách biệt khỏi khu vực Đại Nội cũng như các đặc điểm kiến trúc châu Âu được phản ánh rất rõ nét. Tổng diện tích của quần thể kiến trúc khoảng 2,5ha gồm 10 hạng mục công trình lớn nhỏ. Đáng chú ý nhất là các hạng mục: Bến thuyền, cổng chính, đình Trung Lập, lầu Khải Tường, đài Cửu Tư (đã bị sập đổ), sân vườn, hồ nước. Các công trình được bố cục dọc theo trục Bắc – Nam nhìn ra bờ sông An Cựu, một chi lưu của sông Hương.
Có quy mô đồ sộ cùng cách thức trang trí hết sức hoa mỹ, cung An Định được xem là một đại diện tiêu biểu của phong cách kiến trúc tân – cổ điển ở Việt Nam. |
Trong các kiến trúc của cung An Định, lầu Khải Tường là công trình trung tâm có quy mô đồ sộ nhất. Tuy có một số chi tiết nhỏ vẫn được xử lý theo kiểu kiến trúc truyền thống Việt Nam nhưng đặc điểm chủ đạo ở công trình này là các hình thức kiến trúc Tân cổ điển Châu Âu, từ kĩ thuật, vật liệu xây dựng đến kiến trúc mặt ngoài và nghệ thuật trang trí nội thất. Nếu xem xét một cách tổng thể, trên phạm vi rộng hơn, ta có thể thấy tổng thể kiến trúc của Cung An Định thể hiện rất rõ nét những yếu tố của kiến trúc phương Đông và là sự kết hợp Đông-Tây khá độc đáo. Đó chính là quy hoạch mặt bằng tổng thể công trình mang các nguyên tắc bố cục truyền thống. Các công trình đều đối xứng qua đường trục chính, ở vào các vị trí tiền, hậu, tả hữu rất nhất quán. Hơn nữa, trong khi quy hoạch tổng thể của các cung điện châu Âu thường xoay mặt bên (cung điện Louvre, nay là Bảo tàng Louvre, Paris, Pháp) hoặc thậm chí quay lưng lại (Cung điện Mùa Đông, nay là Bảo tàng Hermitage, St.Petersburg, Nga) với dòng chảy gần đó thì cung An Định hướng mặt chính ra sông An Cựu ở hướng chính Nam. Đây là một phương thức quen thuộc trong truyền thống kiến trúc Việt, mặt chính nhà quay về hướng Nam, có dòng nước chảy ở phía trước. Sự kết nối giữa kiến trúc cung An Định với dòng sông còn được nhấn mạnh với một kiến trúc bến thuyền đặt phía trước cổng chính và nối đến sát mặt nước của con sông.
Về mặt kiến trúc công trình, đối lập với lầu Khải Tường hoàn toàn mang hình thức Tân cổ điển châu Âu như đã đề cập ở trên, trong kiến trúc các công trình phụ cận là Cổng chính và đình Trung Lập, các nét kiến trúc phương Đông lại đóng vai trò chủ đạo. Cổng chính là một kiến trúc hai tầng xây bằng gạch vữa và trang trí rất phong phú bằng nghệ thuật đắp nổi sành sứ và thủy tinh nhiều màu, đặc trưng vào thời Khải Định. Toàn bộ bề mặt trong và ngoài cổng được trang trí các hình ảnh đề tài trang trí truyền thống như rồng, phượng, lân, hổ, túi thơ, bầu rượu, hoa lá, cùng một số văn tự và câu đối bằng chữ Hán nằm đối xứng nhau. Yếu tố phương Tây được điểm xuyết trong một số chi tiết cột trụ mô phỏng phong cách nghệ thuật Roman. Ở đình Trung Lập, một kiến trúc nhỏ mặt bằng hình bát giác nằm ở ngay giữa sân trước, đặc điểm nổi bật nhất là hình thức và trang trí của các lớp mái đắp vữa giả ngói. Lớp mái dưới có 8 mái, lớp trên chỉ còn 4. Mười hai mảng mái đều xây giả ngói ống âm dương. Mười hai bờ quyết đắp nổi 12 con rồng nhìn ra 4 phương 8 hướng. Trên nóc đỉnh mái công trình đặt một thiên hồ (bầu rượu). Nét phương Tây thể hiện ở hàng lan can gạch trang trí gờ chỉ, con tiện ở nền đình và bậc thềm, khá ăn nhập với kiến trúc lầu Khải Tường. Cả hai công trình trên đều nằm ngay phía mặt tiền lầu Khải Tường, tạo nên sự hòa trộn các đặc điểm Á-Âu riêng có cho không gian kiến trúc nơi đây.
Lầu Tịnh Minh:
Là một công trình thuộc tổng thể cung Diên Thọ trong Hoàng thành Huế – nơi ở của các bà Hoàng Thái Hậu. Công trình tọa lạc trên nền cũ ban đầu là Hữu Trà gia (đối diện với Tả Trà gia qua sân trước tòa Diên Thọ chính điện) và sau này là Thông Minh Đường, tòa nhà xem hát, diễn trò. Năm 1927, sau khi lên ngôi, vua Bảo Đại đã cho dựng lầu Tịnh Minh ở đây làm nơi an dưỡng cho mẹ mình là bà Thái Hậu Từ Cung. Đây là một tòa nhà hai tầng, có mặt bằng hình vuông theo kiểu “Phương đình” bố cục đối xứng qua hai sảnh trước và sau, kiến trúc mang các đặc điểm kết hợp kiến trúc Đông-Tây hài hòa, trang nhã. Ngoài lầu Kiến Trung được xây dựng vào thời Khải Định đã bị sập đổ nay chỉ còn nền móng, lầu Tịnh Minh là kiến trúc còn lại duy nhất trong khu vực Đại Nội Huế mang những đặc điểm của một thời kì văn hóa Pháp, trong đó có kiến trúc, đã có ảnh hưởng lớn đối với tầng lớp trên của triều đình phong kiến Nam triều nhà Nguyễn.
Tịnh Minh Lâu |
Có thể nói, kiến trúc lầu Tịnh Minh là sự kết hợp khéo léo giữa kiến trúc cung đình Huế với sự chuyển hóa các nét kiến trúc, kỹ thuật xây dựng mới của phương Tây phù hợp với khí hậu và văn hóa bản địa, tạo nên một tổng thể cân đối, hài hòa có giá trị nghệ thuật cao. Trong tổng thể đó, ngoài bố cục mặt bằng theo kiểu “phương đình”, các đặc điểm truyền thống Việt Nam được thể hiện đậm nét ở cấu trúc và hình thức bộ mái công trình. Toàn bộ kết cấu mái tầng 2 được dựng bằng gỗ với hình thức cột – kèo giao nguyên trụ đội. Bờ nóc, các bờ quyết của mái mang hình thức quen thuộc của cung điện Huế với các trang trí đỉnh nóc và góc mái các hình tượng phượng đội mặt nguyệt, phượng bay. Diềm mái gỗ chạm khắc hình lá đề. Trang trí chữ Phúc, Thọ cách điệu, họa tiết con dơi, đào, lựu được sử dụng lặp lại theo bố cục cổ truyền trên các ô hộc mái sảnh, cột sảnh trước và sau. Hàng cột hiên bằng gỗ ở tầng 1 và hệ lan can gỗ bao quanh trên tầng 2 cũng thể hiện tinh thần kiến trúc truyền thống Việt rõ nét. Bên cạnh đó, các đặc điểm của kiến trúc Pháp ở đây được thể hiện ở phần chân móng công trình cao khoảng 80cm xây cuốn, trang trí ốp đá đều đặn hình lục lăng. Kết cấu công trình là sự kết hợp giữa cột bê tông cốt thép và tường gạch chịu lực ở tầng 1 cùng hệ sàn gỗ, khung cột-kèo gỗ truyền thống trên tầng 2, tuy rằng sự kết hợp này chưa thực sự hiệu quả xét về tính ổn định bền vững kết cấu. Tường gạch bao che dày 35cm cách nhiệt tốt, trên đó cửa sổ, cửa đi sử dụng kiểu trong kính ngoài chớp, đặc trưng của các kiến trúc thuộc địa Pháp đã được thích ứng hóa thành công với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm. Cùng với các cửa sổ chớp gỗ, các hệ lan can con tiện trang trí gờ phào trên mái sảnh và chạy bao quanh hiên tầng 1, nối tiếp với phần chân móng ốp đá, cũng mang đến những nét “Tây” cho kiến trúc mặt đứng công trình. Với tỉ lệ hài hòa, chúng kết hợp hiệu quả với các chi tiết kiến trúc trang trí truyền thống.
Ngoài các công trình nêu trên, ở Huế còn một số công trình được xây dựng vào những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 cũng biểu hiện những xu hướng kiến trúc kết hợp Á-Âu có thể kể đến như trạm bơm nước Vạn Niên hay công trình Viện Cơ Mật… Nhìn chung, đây đều là những công trình mang giá trị kiến trúc đáng ghi nhận, góp phần làm phong phú thêm cho bức tranh toàn cảnh kiến trúc đô thị Huế.
Ngoài các công trình nêu trên, ở Huế còn một số công trình được xây dựng vào những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 cũng biểu hiện những xu hướng kiến trúc kết hợp Á-Âu có thể kể đến như trạm bơm nước Vạn Niên hay công trình Viện Cơ Mật… Nhìn chung, đây đều là những công trình mang giá trị kiến trúc đáng ghi nhận, góp phần làm phong phú thêm cho bức tranh toàn cảnh kiến trúc đô thị Huế.
NHẬN XÉT
Qua những phân tích ở trên, ta có thể thấy một số các đặc điểm nổi bật của kiến trúc theo xu hướng kết hợp Á-Âu ở Huế cũng như một số khác biệt của nó so với các kiến trúc cùng xu hướng này ở các thành phố Việt Nam khác, đặc biệt là Hà Nội và Sài Gòn, như sau:
– Vào giai đoạn thập niên 20-40 của thế kỷ 20, ở Huế, phần lớn các công trình mang xu hướng kiến trúc Phương Đông này đều do chính người Việt Nam xây dựng sau khi tiếp thu những ảnh hưởng văn hóa cũng như kĩ thuật công nghệ hiện đại đương thời phương Tây. Đặc điểm này đã mang đến cho các công trình kiến trúc những sắc thái riêng, mang tính Việt hơn. Có thể nói, đây chính là phong cách kiến trúc Đông Dương do người Việt sáng tạo ra [2] và là những giá trị văn hóa – lịch sử đáng trân trọng.
– Sự giao thoa các đặc điểm Đông-Tây trên kiến trúc các công trình được thể hiện khá phong phú, đa dạng. Sự kết hợp có thể biểu hiện trên quy mô một quần thể công trình hoặc trên từng công trình kiến trúc riêng biệt [1], cũng có thể trên một chi tiết kiến trúc hoặc nhiều thành phần kiến trúc có liên quan đến nhau. Không có một công thức chung nào cho sự kết hợp này. Tùy thuộc từng công trình cụ thể mà sự giao thoa Á-Âu đó được thể hiện ở các mức độ khác nhau.
– Do được xây dựng từ chính bàn tay và trí tuệ người Việt, các đặc điểm truyền thống Việt Nam ở các công trình được thể hiện rõ ràng, khá nổi trội, dễ nhận biết. Hầu hết các chi tiết phương Đông đều mang nguồn gốc kiến trúc truyền thống Việt ở Huế. Các chi tiết Á Đông kiểu Trung Hoa, Khmer được sử dụng trong các công trình của Ernest Hebra và các KTS Pháp không xuất hiện tại đây.
– Các đặc điểm truyền thống Việt Nam thường thể hiện trong quy hoạch tổng thể công trình (thể hiện các quy tắc bố cục theo phong thủy), hình thức cấu trúc trang trí bộ mái, các chi tiết hoa văn trang trí trên mặt đứng. Bên cạnh đó, các yếu tố phương Tây được thể hiện rõ nhất ở kỹ thuật và vật liệu xây dựng công trình. Các mô típ trang trí kiểu châu Âu cũng được sử dụng, tuy nhiên chỉ ở mức độ vừa phải, không quá lấn át các trang trí kiểu truyền thống.
– Các giải pháp kiến trúc phù hợp cũng được quan tâm giúp công trình có khả năng thích ứng cao với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm. Ngoài các giải pháp kiến trúc vốn đã “tích hợp” sẵn có ở các yếu tố kiến trúc truyền thống như nhiều lớp mái, mái lợp ngói, vươn rộng chống nắng mưa, mặt bằng có hàng hiên bao quanh thì các giải pháp xử lý theo kiểu “Tây” cũng được áp dụng như các seno thu nước mái, nền móng gạch được xây cuốn để thông khí chống ẩm hay cửa trong kính ngoài chớp… Tất cả các giải pháp đều được áp dụng hài hòa, xử lý phù hợp với đặc điểm của bản thân từng công trình kiến trúc.
TS.KTS Hồ Hải Nam
Khoa Kiến trúc – Công trình, Trường đại học Phương Đông
Khoa Kiến trúc – Công trình, Trường đại học Phương Đông