Hồ Hoàn Kiếm, Tháp Rùa, Đền Ngọc Sơn là cụm di tích, thắng cảnh nổi tiếng, là niềm tự hào
của người Hà Nội và nhân dân cả nước khi hướng về Thủ đô nghìn năm văn hiến.
Khu Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào
ngày 10-7-1980.
Hồ Hoàn Kiếm
Hồ Hoàn Kiếm ( còn gọi là hồ Gươm) là một hồ nước ngọt nằm giữa Thủ đô Hà Nội. Hồ Hoàn
Kiếm có diện tích khoảng 12ha, chiều dài Nam-Bắc là 700m, chiều rộng Đông-Tây là 200m. Bao
quanh hồ là các phố Lê Thái Tổ ở phía tây, phố Đinh Tiên Hoàng phía đông, phố Hàng Khay
phía nam.
Tên hồ cũng được đặt cho một tên một quận của Hà Nội: quận Hoàn Kiếm.
– Lịch sử
Cách đây khoảng 6 thế kỷ, hồ Gươm gồm hai phần chạy dài từ phố Hàng Đào, qua phố Hai Bà
Trưng, Lý Thường Kiệt tới phố Hàng Chuối, thông với sông Hồng. Nước hồ quanh năm xanh
biếc nên hồ Gươm cũng được gọi là hồ Lục Thuỷ.
Tương truyền vào thế kỷ XV, hồ được đổi tên thành hồ Hoàn Kiếm, gắn liền với truyền thuyết
trả gươm thần cho Rùa Vàng: Khi Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế lấy niên hiệu là Lê Thái Tổ về đóng
đô ở Thăng Long. Trong một lần nhà vua đi chơi thuyền trên hồ Lục Thủy, bỗng một cụ rùa lớn
xuất hiện. Lê Thái Tổ giơ gươm ra thì gươm bay về phía cụ rùa. Rùa ngậm gươm lặn xuống đáy
hồ, và từ đó hồ Lục Thủy có tên gọi mới là hồ Hoàn Kiếm (trả gươm) hay hồ Gươm.
Trên hồ có hai hòn đảo: đảo Ngọc và đảo Rùa. Cuối thế kỷ XVI, chúa Trịnh dựng phủ Chúa ở
phường Báo Thiên (nay là Nhà Thờ Lớn) và ở chỗ phố Thợ Nhuộm gần hồ nên đặt tên cho hai
phần hồ là Hữu Vọng và Tả Vọng.
Năm 1865, danh sĩ Nguyễn Văn Siêu đã đứng ra sửa sang lại đền Ngọc Sơn trên đảo Ngọc. Trên
gò Ngọc Bội, ông cho xây một ngọn tháp hình bút. Đó là tháp Bút ngày nay và bắc một cầu từ bờ
Đông đi vào gọi là cầu Thê Húc.
– Quang cảnh Hồ Hoàn Kiếm
Hồ Hoàn Kiếm là một thắng cảnh của Hà Nội. Quanh hồ trồng nhiều loại hoa và cây cảnh. Giữa
hồ có tháp Rùa, trên hồ có đền Ngọc Sơn. Xung quanh hồ còn có những di tích lịch sử khác như
tượng vua Lê Thái Tổ, cầu Thê Húc, tháp Bút, đền Bà Kiệu…
+ Tháp Bút (hay là bút tháp) nằm ở cạnh hồ, đối với đài nghiên nằm ở bờ hồ. Mỗi ngày, bóng
của Tháp bút ngả xuống chấm mực trong đài nghiên, tạo thành một biểu tượng rất đẹp cho học
vấn: “Tháp Bút – đài nghiên – đề thơ lên trời xanh”.

+ Rùa:
Ngày trước rùa sống trong lòng Hồ Gươm, rất hiếm khi nổi lên mặt nước. Năm 1968, người ta
bắt được một cụ rùa nặng tới 230kg, dài 2,1m, ngang 1,2m, có độ tuổi từ 400-500 năm (tương
ứng với thời gian Lê Thái tổ trả gươm).
Đền Ngọc Sơn
– Lịch sử
Đền được xây dựng từ thế kỷ XIX. Lúc đầu được gọi là chùa Ngọc Sơn, sau đổi gọi là đền Ngọc
Sơn vì trong đền chỉ thờ thần Văn Xương là ngôi sao chủ việc văn chương khoa cử và thờ Đức
Đại vương Trần Hưng Đạo, vị anh hùng dân tộc có công lãnh đạo quân dân đánh thắng quân
Nguyên thế kỷ XIII.
Khởi nguyên, khi vua Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long đặt tên ngôi đền đã có tại đây là Ngọc
Tượng; đến đời nhà Trần đổi tên là Ngọc Sơn. Thời Trần, ngôi đền để thờ những người anh hùng
liệt sĩ đã hy sinh trong kháng chiến chống quân Nguyên-Mông.
Đến thời Vĩnh Hựu nhà Lê (năm 1735 – 1739), chúa Trịnh Giang đã dựng cung Thụy Khánh và
đắp quả núi đất ở trên bờ phía Đông đối diện với Ngọc Sơn gọi là núi Độc Tôn ( Ngọc Bội cũ).
Cuối đời nhà Lê, cung Thụy Khánh bị Lê Chiêu Thống phá huỷ.
– Kiến trúc
Trên núi Ngọc Bội (núi Độc Tôn) cũ, danh sĩ Nguyễn Văn Siêu cho xây một tháp đá, đỉnh tháp
hình ngọn bút lông, thân tháp có khắc ba chữ “Tả Thanh Thiên” (viết lên trời xanh), ngày nay
thường gọi đó là Tháp Bút. Tiếp đến là một cửa cuốn gọi là Đài Nghiên, trên có đặt một cái
nghiên mực bằng đá hình nửa quả đào bổ đôi theo chiều dọc, có hình ba con ếch đội.
Trên nghiên có khắc một bài minh nói về công dụng của cái nghiên mực xét về phương diện triết
học. Người đời sau ca ngợi là: “Nhất đài Phương Đình bút”. Từ cổng ngoài đi vào có hai bức
tường hai bên, một bên là bảng rồng, một bên là bảng hổ, tượng trưng cho hai bảng cao quý ghi
tên những người thi đỗ, khiến cho các sĩ tử đi qua càng gắng công học hành.
Đền chính gồm hai ngôi nối liền nhau, ngôi đền thứ nhất về phía Bắc thờ Đức Đại vương Trần
Hưng Đạo và thờ Đức Văn Xương Đế quân. Tượng đặt ở hậu cung trên bệ đá cao khoảng 1 m,
hai bên có hai cầu thang bằng đá. Tượng Đức Văn Xương đứng, tay cầm bút. Phía Nam có đình
Trấn Ba (đình chắn sóng). Đình hình vuông có tám mái, mái hai tầng có 8 cột chống đỡ, bốn cột
ngoài bằng đá, bốn cột trong bằng gỗ.
Các nhân vật được thờ trong đền, ngoài Trần Hưng Đạo, Văn Xương Đế Quân, Lã Động Tân,
Quan Vân Trường, còn thờ Đức Phật Adiđà. Điều này thể hiện quan niệm Tam giáo đồng
nguyên của người Việt.
Cầu Thê Húc

Tên cầu Thê Húc nghĩa là giữ lại ánh sáng đẹp của mặt trời. Cầu Thê Húc dẫn đến cổng đền
Ngọc Sơn, còn gọi là Đắc Nguyệt Lâu (lầu được trăng) dưới bóng cây đa cổ thụ, ở giữa một
vùng cây cối um tùm, trông như từ dưới nước nhô lên. Cầu được danh sĩ Nguyễn Văn Siêu cho
xây dựng vào năm 1865. Tên của cầu có nghĩa là “nơi đậu ánh sáng Mặt Trời buổi sáng sớm”.
– Kết cấu
Cầu Thê Húc được làm bằng gỗ rất thô sơ và sơn màu đỏ. Tương truyền cuối thế kỷ 19 cầu bị
gãy, người ta xây lại cầu mới có chân làm bằng xi măng cốt thép, sàn và lan can làm bằng gỗ.
Cầu có thiết kế cong cong và uốn như hình con tôm.
Tháp Rùa
– Lịch sử
Tháp xây trên đảo Rùa từ thời vua Lê Thánh Tông đã dựng Điếu Đài ở đó để nhà vua ra câu cá.
Sang thời Lê Trung Hưng (khoảng thế kỷ XVII-thế kỷ XVIII) thì chúa Trịnh Giang cho xây Tả
vọng dinh trên đảo rùa là nơi vui chơi hóng mát, sau bị phá hỏng khi Lê Chiêu Thống lên nắm
quyền.
Tháp Rùa được xây theo hình vuông có 3 tầng, tầng dưới xây rộng hơn, rồi thu nhỏ dần lên tầng
trên, các mặt phía đông và tây có 3 cửa cuốn. Phía nam và bắc có 2 cửa cuốn nhọn ở đầu. Đỉnh 2
tầng có lan can chạy xung quanh. Bốn đầu đao đắp uốn cong dần lên vào giữa đỉnh, trên đỉnh có
hình ngôi sao 5 cánh./.
Ngoài những công trình trên, hồ còn có nhiều công trình đặc biệt khác như: Tháp Bút, Đài
Nghiên,… Vì vậy cũng có thể hiểu được lý do Hồ Hoàn Kiếm trở thành điểm du lịch ấn tượng,
thu hút, là nơi những người Hà Nội xa quê nhớ về và là nguồn cảm hứng nghệ thuật bất tận của
những thi nhân, nhạc sĩ và văn nghệ sĩ. Trên tất cả, hồ gắn liền với huyền sử một thời, là biểu
tượng khát vọng hòa bình và đức văn tài võ trị của toàn dân tộc.
Trên đà phát triển ngày nay, người ta có thể xây dựng nên vô vàn những kiệt tác kì vĩ. Nhưng
người ta vẫn cảm nhận được đâu đây cái hồn cốt thủ đô, tâm hồn người Hà Nội giữa cái hồn
nước mênh mang, mơ màng ấy. Dạo quanh hồ là những thảm cỏ cắt tỉa công phu, những kè đá
quanh hồ, hàng cây bố trí, chăm sóc khéo léo cho ta thấy được vị trí của Hồ Gươm trong lòng
nhân dân thủ đô. Chính vì vậy, mỗi chúng ta cần bảo tồn những di tích ấy để giá trị của chúng
còn mãi với thời gian.
NGOÀI LỀ :
<3 Sự tích Hồ Hoàn Kiếm (Hồ Gươm)
Vào thời giặc Minh đặt ách đô hộ ở nước Nam, chúng coi dân ta như cỏ rác, làm nhiều điều bạo
ngược, thiên hạ căm giận chúng đến xương tủy. Bấy giờ ở vùng Lam Sơn, nghĩa quân nổi dậy
chống lại chúng, nhưng trong buổi đầu thế lực còn non yếu nên nhiều lần nghĩa quân bị thua.
Thấy vậy, đức Long Quân quyết định cho nghĩa quân mượn thanh gươm thần để họ giết giặc.
Hồi ấy, ở Thanh Hóa có một người làm nghề đánh cá tên là Lê Thận. Một đêm nọ, Thận thả lưới
ở một bến vắng như thường lệ. Khi kéo lưới lên, chàng thấy nằng nặng, trong bụng mừng thầm,

chắc là có cá to. Nhưng khi thò tay vào bắt cá, Thận chỉ thấy có một thanh sắt; chàng vứt luôn
xuống nước, rồi lại thả lưới ở một chỗ khác.
Lần thứ hai cất lưới lên cũng thấy nặng tay; Thận không ngờ thanh sắt vừa rồi lại chui vào lưới
mình. Chàng lại nhặt lên và ném xuống sông. Lần thứ ba, lại vẫn thanh sắt ấy mắc vào lưới. Lấy
làm quái lạ, Thận đưa lại mồi lửa nhìn xem. Bỗng chàng reo lên:
– Ha ha! Một lưỡi gươm!
Về sau Thận gia nhập đoàn quân khởi nghĩa Lam Sơn. Chàng hăng hái gan dạ không nề nguy
hiểm. Một hôm chủ tướng Lê Lợi cùng mấy người tùy tòng đến nhà Thận. Trong túp lều tối om,
thanh sắt hôm đó tự nhiên sáng rực lên ở xó nhà. Lấy làm lạ, Lê Lợi cầm lấy xem và thấy có hai
chữ “Thuận Thiên” khắc sâu vào lưỡi gươm. Song tất cả mọi người vẫn không biết đó là báu vật.
Một hôm, bị giặc đuổi, Lê Lợi và các tướng chạy tháo thân mỗi người một ngả. Lúc đi qua một
khu rừng, Lê Lợi bỗng thấy một ánh sáng lạ trên ngọn cây đa. Ông trèo lên mới biết đó là một
cái chuôi gươm nạm ngọc. Nhớ đến lưỡi gươm ở nhà Lê Thận, Lê Lợi rút lấy chuôi giắt vào
lưng.
Ba ngày sau, Lê Lợi gặp lại tất cả các bạn trong đó có Lê Thận. Lê Lợi mới đem chuyện bắt
được chuôi gươm kể lại cho mọi người nghe. Khi đem tra gươm vào chuôi thì vừa như in.
Lê Thận nâng gươm lên ngang đầu nói với Lê Lợi:
– Ðây là Trời có ý phó thác cho minh công làm việc lớn. Chúng tôi nguyện đem xương thịt của
mình theo minh công, cùng với thanh gươm thần này để báo đền Tổ quốc!
Từ đó nhuệ khí của nghĩa quân ngày một tăng tiến. Trong tay Lê Lợi, thanh gươm thần tung
hoành khắp các trận địa, làm cho quân Minh bạt vía. Uy thanh của nghĩa quân vang khắp nơi. Họ
không phải trốn tránh như trước mà xông xáo đi tìm giặc. Họ không phải ăn uống khổ cực như
trước nữa, đã có những kho lương của giặc mới cướp được tiếp tế cho họ. Gươm thần đã mở
đường cho họ đánh tràn ra mãi, cho đến lúc không còn bóng một tên giặc trên đất nước.
Một năm sau khi đuổi giặc Minh, một hôm Lê Lợi – bấy giờ đã làm vua – cưỡi thuyền rồng dạo
quanh hồ Tả Vọng trước kinh thành. Nhân dịp đó, Long Quân sai rùa vàng lên đòi lại thanh
gươm thần. Khi chiếc thuyền rồng tiến ra giữa hồ, tự nhiên có một con rùa lớn nhô đầu và mai
lên khỏi mặt nước. Theo lệnh vua, thuyền đi chậm lại. Ðứng ở mạn thuyền, vua thấy lưỡi gươm
thần đeo bên người tự nhiên động đậy. Con rùa vàng không sợ người, nhô đầu lên cao nữa và
tiến về phía thuyền vua. Nó đứng nổi trên mặt nước và nói: “Xin bệ hạ hoàn gươm lại cho Long
Quân!”.
Vua rút gươm quẳng về phía rùa vàng. Nhanh như cắt, rùa há miệng đớp lấy thanh gươm và lặn
xuống nước. Gươm và rùa đã chìm đáy nước, người ta vẫn còn thấy vật gì sáng le lói dưới mặt
hồ xanh.
Từ đó hồ Tả Vọng bắt đầu mang tên là hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm.
-st-