Niềm kiêu hãnh lớn nhất khi sang nước bạn là được bạn nhắc đến chiếc áo dài và chiếc áo bà ba.Bởi họ cho rằng: Tà áo thướt tha trên mọi phương diện làm cho người phụ nữ Việt Nam có nét rất riêng vừa tao nhã vừa quyến rũ đến lạ thường.Còn chiếc áo bà ba nhẹ nhàng hơn khi thấy các mẹ các chị đang trong công việc rất đời thường ở nhà càng làm tôn vinh cái tính cách nhân nhậu và thủy chung theo năm tháng.
Nếu như chiếc áo tứ thân,yếm đào, váy đụp, nón quai thau thường gắn liền với người Bắc bộ thì người miền Nam lại xem chiếc áo bà ba,khăn rằn,nón lá như một phục trang quen thuộc. Cứ về đến đất Nam bộ, thì hình ảnh quen thuộc mà chúng ta dễ dàng bắt gặp đó chính là các bà má, các cô gái mặc trên mình chiếc áo bà ba giản dị nhưng vẫn không hề kém phần quyến rũ.
Áo bà ba đã góp phần tôn lên vẻ đẹp thuần hậu, mộc mạc và dịu dàng của người phụ nữ vùng miệt vườn của sông nước Cửu Long. Áo bà ba thường được thiết kế không cổ, thân áo phía sau may bằng một mảnh vải nguyên, thân trước gồm hai mảnh, ở giữa có hai dải cúc chạy dài từ trên xuống. Áo chít eo, xẻ tà vừa phải ở hai bên hông. Áo có độ dài trùm qua mông, gần như bó sát thân làm tôn lên những đường cong của cơ thể người mặc”.

 Thí sinh cuộc thi Hoa hậu Việt Nam xinh tươi trong trang phục áo bà ba, nón lá, khăn rằn


Cho đến nay, chưa có tài liệu nào nói rõ áo bà ba xuất hiện ở thời điểm nào. Có một số giả thuyết:
Áo bà ba xuất hiện đầu tiên ở Nam Bộ vào thời Nhà Hậu Lê, ảnh hưởng từ trang phục người Chăm.
Áo bà ba xuất hiện vào nửa đầu thế kỷ 19, được Trương Vĩnh Ký cách tân từ áo của người dân đảo Pénang, Malaysia (người Malaysia gốc Hoa) cho phù hợp với người Việt.
“Áo bà ba được du nhập vào khoảng cuối thế kỷ 19, Bà-ba là người Hoa lai người Mã Lai ở Mã Lai hoặc Singapore. Vải đen được nhập cảng khá tốt, người Nam Bộ thích mặc kiểu áo vải đen của người Bà ba nên gọi là áo bà ba. Ngày nay, áo bà ba vẫn có thể gợi sự nghiêm túc nếu đừng loè loẹt, cần nhất là thái độ của người mặc”.
Có một giại thoại kể lại rằng :”Ngày xưa, từ vua quan đến người thường không phân biệt trai hay gái, điều mặc áo dài đúng theo cổ tục. Có một anh đánh cá ở ven biển rất nghèo túng mà vẫn phải mặc áo dài đàng hoàng như mọi người. Vì nghèo quá, túng trước hụt sau, cái áo dài rách thêm hoài, chẳng những không tiền để may áo khác mà còn không có vải vụn để vá làm cho cái áo có đốm có khoang như cái mai rùa.
Một hôm anh đang mặc cái áo cà khổ ấy đi dọc theo mé biển kiếm nơi đánh cá, thình lình nghe tiếng quân lính la ó vang dậy. Nhìn xa xa thấy cờ xí rợp trời, quan quân rầm rộ, anh sợ quá không biết làm sao. Từ chỗ anh đứng lội lên bờ thì quá xa, không thể nào chạy kịp. Trong lúc lính quýnh, chân lún sâu xuống bùn, anh phải chống hai tay xuống để rút chân lên, nhưng không được. Lúc đó vua quan đã đến gần, thấy anh mặc cái áo ngắn bị bùn khô dính dày cứng, màu móc thích, búi tóc vãn lên nhòn nhọn, trông xa anh giống như một con rùa to tướng.
Thấy lạ nhà vua truyền lính dừng chân ghé lại. Vua sai quân lính vội xuống bắt con vật ấy lên cho vua xem. Anh nghe toán lính vừa chạy vừa bàn tán: người thì bảo là con rùa, kẻ thì bảo là con ba ba, cãi nhau um sùm. Đến khi lại gần họ hết sức ngạc nhiên và bắt anh để trình vua. Anh run sợ, mếu máo nói rõ hoàn cảnh của mình.
Nhà vua thương hại mỉm cười bảo:
– Khanh đừng sợ! khanh không có tội gì đâu! Thế mà khi nãy trẫm ngỡ là con ba ba chớ đâu có ngờ khanh lại mặc cái áo “ba ba”!
Đoạn nhà vua đem vàng bạc, gấm vóc ban tặng cho anh đánh cá.
Anh tạ ơn vua ,về nhà lòng mừng khấp khởi. Nhờ số vàng bạc ấy, anh trở nên khá giả và anh vẫn giữ kỹ cái áo “ba ba” để có dịp là đem ra khoe với hàng xóm bạn bè.
Từ đó về sau, trong dân gian nhiều người nghèo khổ cũng bắt chước anh may áo ngắn để mặc cho đỡ tốn vải và cũng kêu là áo “ba ba”. Kiểu áo “ba ba” lần lần được nhiều người dùng vì nó gọn gàng, xoay trở không bị vướng víu khi làm lụng. Dần dần trong giới nữ thấy kiểu áo “ba ba ” gọn gàng và thanh lịch, kín đáo nên cũng may mặc. Các chàng trại thấy các cô mặc áo bèn gọi là: “bà ba”.
Từ đó hễ đàn ông con trai mặc thì gọi là áo “ba ba”, còn đàn bà, con gái mặc thì gọi là áo “bà ba”. Lâu dần người ta quên đi mất sự tích “ ba ba” mà chỉ gọi là áo bà ba.
Trải qua bao năm tháng, cái áo bà ba trở thành thông dụng phổ biến và lưu truyền đến ngày nay ở toàn vùng Nam bộ.”

Kết quả hình ảnh cho áo bà ba và chiếc khăn rằn
KHĂN RẰN MIỀN TÂY GIẢN DỊ CÙNG CHIẾC ÁO BÀ BA

Người nông dân ở nam bộ ngày xưa thường mặc bộ bà ba đen đi đồng, bởi nó vừa sạch, vừa dễ giặt giũ. Vải may là loại vải một, vải ú, vải sơn đầm, vải tám… rất mau khô sau khi giặt.
Áo bà ba thuở sơ khai không có túi nên bên trong đàn bà mặc thêm áo túi, một loại áo giống như áo bà ba nhưng ngắn tay dùng làm áo lót, thân áo cũng ngắn hơn và không xẻ nách, may hai túi to ở hai bên để cất món đồ vặt. Đôi khi ở nhà đàn bà cũng dùng mỗi áo túi mà không bận áo bà ba bên ngoài. Đàn ông thì mặc áo lá tương đương với áo túi của đàn bà, kích thước càng ngắn nữa, không có tay nên hở nách, hai bên bụng cũng may hai túi. Bên ngoài mặc áo bà ba. Áo túi và áo lá từ thập niên 1950 trở đi lùi dần, không còn dùng làm áo lót nữa.
Sau này,thì áo bà ba mới may túi ở hai vạt trước tiện lợi cho việc đựng những vật dụng nhỏ như thuốc rê, diêm quẹt, tiền bạc…. Bên cạnh đó, chiếc áo bà ba được xẻ ở hai bên hông làm cho người mặc cảm thấy thoải mái. Chính nhờ tính tiện dụng và sự thoải mái đó, chiếc áo bà ba được cả nam lẫn nữ ở đồng bằng sông Cửu Long mặc cả lúc đi làm, đi chợ, đi chơi. Riêng lúc đi chơi, họ thường chọn màu sắc nhẹ hơn như màu trắng, màu xám tro. Còn các cô, các bà thì chọn màu mạ non, xanh lơ nhạt, hồng… với chất liệu vải đắt tiền hơn như the, lụa, sa tanh(satin)…
Những năm 1960 -1970, áo bà ba truyền thống được phụ nữ thành thị cải tiến, vừa dân tộc, vừa đẹp và hiện đại hơn. Áo dài bà ba hiện nay không thẳng và rộng như xưa, mà được may hẹp, nhấn thêm eo bụng, eo ngực cho ôm sát lấy thân hình. Ngoài ra, người ta còn sáng tạo các kiểu chắp vai, cổ tay, cửa tay, riêng các kiểu bâu (cổ) lá sen, cánh én, đan tôn… là được tiếp thu từ kiểu y phục nước ngoài.
Các kiểu ráp tay cũng được cải tiến. Từ kiểu may áo cánh xưa, liền thân với tay, người ta nghĩ tới cách ráp tay rời ở bờ tay áo. Trong những năm 1970, thành thị miền Nam phổ biến kiểu ráp tay Raglan, đã tạo nên vẻ đẹp hiện đại cho chiếc áo dài bà ba truyền thống. Với kiểu vai Raglan này, hai thân áo trước và sau tách rời khỏi vai và tay áo, trong khi tay và áo lại liền từ cổ tới nách. Bà ba vai Raglan chỉ cần may khít, vừa vặn với eo lưng, không quá thắt như kiểu áo trước đó. Tay áo dài hơn nhưng hơi loe, có khi người ta bỏ cả hai túi ở vạt trước để tạo cho thân áo nhẹ nhõm, mềm mại hơn.
Áo bà ba thường được mặc chung với quần bằng lụa hay sa tanh, thường là màu trắng hay đen, với nón lá và khăn rằn đặc trưng của miền Nam.
Khăn rằn là hình ảnh quen thuộc của người dân đồng bằng sông Cửu Long và bộ phận người Khmer,nó đã đồng hành cùng những con người thời khai hoang mở cõi phía Nam của Việt Nam. Chiếc khăn rằn cùng chiếc áo bà ba đã trở thành hình ảnh gần gũi với mọi người, như là một biểu tượng cho người phụ nữ đồng bằng sông Cửu Long cần cù, đáng yêu. Hình ảnh chiếc khăn rằn còn xuất hiện trong hình ảnh quân du kích Việt Nam.

Kết quả hình ảnh cho áo bà ba và chiếc khăn rằn
Chiếc khăn rằn cũng là hình ảnh hết sức quen thuộc ở Đồng bằng sông Cửu Long.


Chẳng biết chiếc khăn rằn có từ bao giờ, chỉ biết chiếc khăn xuất phát từ khăn Krama của người Khmer gốc Campuchia. Rồi trong quá trình cộng cư ở Nam Bộ mà đến với các dân tộc khác.

Về với Việt Nam, chiếc khăn qua sự giao thoa ngôn ngữ giữa người Việt và Khmer. Kể từ đấy, chiếc khăn rằn Nam Bộ ra đời. Người Việt học theo người Khmer làm khăn, ngâm sợi vải trong bột hồ 3 ngày 3 đêm sau đó mang đi dệt. Sợi vải ngâm trong bột hồ lúc đầu cứng, nhưng càng dùng khăn càng mềm, đó là một trong những đặc điểm vô cùng độc đáo của những chiếc khăn rằn này.
Chiếc khăn rằn thường có hai màu đen và trắng hoặc nâu và trắng. Hai màu này đan chéo nhau, tạo thành ô vuông nhỏ, trải dài khắp mặt khăn và có lẽ các lằn ngang dọc ấy là gốc gác của tên gọi khăn rằn. Chiếc khăn rằn có chiều dài khoảng 1,2m, rộng 40–50 cm, không cầu kỳ, sặc sỡ mà bình dị, đơn giản.
Trước đây, nó thường được dùng để làm đẹp thêm cho những bộ trang phục ngày hội, nhưng sau này chiếc khăn rằn đã trở nên gần gũi hơn với người dân lao động khi nó ngày càng được sử dụng phổ biến trong lao động, sản xuất.
Người nam thường quấn khăn rằn quanh trán khi làm việc để cản mồ hôi rơi xuống mắt. Người nữ hay quàng khăn vào cổ, hai tà để phía trước ngực áo dùng để lau mồ hôi. Đôi khi hai đầu khăn được buông xuôi xuống phía trước, đi với bộ quần áo bà ba làm nên nét đặc trưng rất duyên của cư dân Nam Bộ. Vì vậy, khăn rằn đã trở thành một vật dụng tiện lợi và thân thiết cho mọi người, mọi giới trong lao động, chiến đấu và sinh hoạt, để che cơn nắng, thấm dòng mồ hôi, chắn ngọn gió lốc, cả để lau khô dòng nước mắt hay giấu đi một nụ cười. Chiếc khăn rằn là nét đặc trưng riêng cho bản sắc văn hóa của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Khăn rằn Nam Bộ là nét đặc trưng của vùng Miền Tây sông nước. Nó gắn bó mật thiết với cuộc sống của người nông dân và trở thành nét truyền thống không thể thiếu. Khăn Nam Bộ được dệt bằng chất liệu Poly (chỉ se) qua quá trình nhuộm, rồi nhúng qua hồ từ bột gạo nên hơi thô và cứng nhưng càng giặt càng mềm mại. Màu sắc khăn Nam Bộ truyền thống hạn chế bởi 4 màu cơ bản: trắng đen, đỏ trắng, xanh dương trắng, tím trắng.
Khăn rằn Nam Bộ có nhiều công dụng nhất, dùng để cột đầu thấm mồ hôi, choàng cổ tránh nắng, dùng để làm khăn tắm vừa gọn nhẹ vừa không chiếm nhiều diện tích.
Nếu như những cô gái xứ Huế thướt tha trong tà áo dài tím mộng mơ, thì những cô thôn nữ Nam bộ lại dịu dàng, mộc mạc trong chiếc áo bà ba cùng chiếc khăn rằn quàng trên cổ.
Hình ảnh chiếc khăn rằn bình dị luôn xuất hiện với hình ảnh người dân miền Tây thật thà, chất phác. Không biết từ bao giờ mà nó đã gắn bó với con người, mảnh đất ấy. Không biết kể từ khi nào chiếc khăn rằn xuất hiện với hình ảnh chiếc áo bà ba, khăn rằn đã trở thành biểu tượng của cả một vùng miền, một văn hóa.
Và ngày nay, chúng không chỉ xuất hiện với hình ảnh người dân miền Tây Nam Bộ, những chiếc khăn rằn theo chân người trẻ thích phượt đến mọi miền tổ quốc. Khoác trên mình chiếc áo cờ đỏ sao vàng và quàng lên cổ tấm khăn rằn Nam Bộ… người trẻ chọn cho mình cách thể hiện tình yêu với quê hương, đất nước rất riêng.
Ngày nay, có lẽ đã có nhiều thay đổi trong văn hóa trang phục, nhưng chiếc áo bà ba và khăn rằn Nam bộ trước sau vẫn mãi là một hình ảnh đẹp, một biểu trưng cho sự duyên dáng của những cô gái cũng như những tấm lòng chân tình, nồng hậu của con người đất phương Nam.
Theo Lâm An (Gr NNQ)