KIÊN GIANG ĐẸP LẮM!
“Thầm thương mảnh đất Kiên Giang
Ngày nao anh đến ngập tràn,xốn xang
Vòng vo vài điểm tham quan
Hà Tiên,Rạch Giá … lắm nàng xinh xinh”
“Kiên Giang tắm mát sớm trưa
Yêu nhau sóng vỗ trêu đùa mơn man”
1/.Vị trí:
_Kiên Giang là một dải đất nằm ở phía Tây Nam của tổ quốc,trung tâm thành phố Rạch Giá cách Thành Phố Hồ Chí Minh 250km về phía Tây.
_Phía Đông và Đông Nam của tỉnh Kiên Giang giáp với các tỉnh An Giang,Hậu Giang,Cần Thơ.
_Phía Nam giáp Cà Mau,Bạc Liêu.
_Phía Bắc giáp Campuchia với đường biên giới dài 54 km.
_Phía Tây giáp vịnh Thái Lan có đường bờ biển dài hơn 200 km.
_Phần hải đảo nằm trong vịnh Thái Lan bao gồm hơn 100 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó lớn nhất là đảo Phú Quốc và xa nhất là quần đảo Thổ Châu.Là một tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long, Kiên Giang có những cánh đồng lúa phì nhiêu, có rừng vàng biển bạc có hải đảo và đồi núi với nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng về nông sản hải sản, khoáng sản và du lịch. Nằm ven vịnh Thái Lan, Kiên Giang lưu thông với quốc tế bằng đường biển rất thuận lợi.
2/.Dân tộc_Văn hóa:
_Theo thống kê năm 2012,dân số 1.792.600 người (thành thị:528.400 người,nông thôn:528.400 người) và mật độ 282 người/km².
_Kiên Giang là địa bàn cư trú của hơn 15 dân tộc khác nhau,trong đó:
+Người Kinh chiếm khoảng 85,5%.
+Người Khmer chiếm khoảng 12,2% dân số tập trung chủ yếu ở các huyện Châu Thành,Gò Quao.
+Người Hoa chiếm khoảng 2,2% dân số sinh sống ở thành phố Rạch Giá và huyện Châu Thành.
+Còn lại là một số dân tộc khác như:Chăm,Tày,Mường,Nùng,.
_Kiên Giang nằm tận cùng về phía tây nam của Việt Nam, nơi giao thoa văn hóa của nhiều vùng miền cả nước, bản sắc văn hóa tỉnh nhà cũng vì thế mà rất phong phú, đa dạng, thể hiện qua các lĩnh vực văn học,nghệ thuật ẩm thực,lễ hội, làng nghề truyền thống… Văn hóa ẩm thực ở đây cũng rất phong phú, đa dạng với hàng trăm món ăn các loại với các đặc sản như Cá nhồng,nước mắm Phú Quốc,Cháo môn, Sò huyết Hà Tiên, bún cá Kiên Giang,…
_Hằng năm trên địa bàn tỉnh diễn ra nhiều lễ hội nhưng đặc sắc nhất là lễ hội anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực diễn ra vào tháng tháng Tám âm lịch thu hút hàng ngàn lượt khách trong và ngoài tỉnh đến tham gia. các làng nghề truyền thống rất đặc sắc như đan đệm bàng, dệt chiếu Tà Niên, nắn nồi Hòn Đất, làm hàng thủ công mỹ nghệ bằng đồi mồi, làm huyền phách ở Hà Tiên.
_Ở đây có một nền văn hóa cổ thuộc văn hoá Óc – Eo, với nhiều khu mộ tán cổ đặc biệt là một Yoni và Linga cùng với nhiều tượng phật quí. Kiên Giang có nhiều địa danh nổi tiếng đi vào lịch sử là rừng U Minh, Hòn Đất, Hà Tiên, Phú Quốc.
3/.Lịch sử:
_Năm 1757,Kiên Giang được biết là một đạo ở vùng Rạch Giá thuộc Trấn Hà Tiên do Mạc Thiên Tích thành lập. Đến năm 1808, đạo Kiên Giang được đổi thành huyện Kiên Giang.
_Năm 1832,vua Minh Mạng đặt ra tỉnh Hà Tiên (một trong Nam Kỳ Lục tỉnh), gồm 1 phủ là Quan Biên (đổi tên từ phủ An Biên) thống lĩnh 8 huyện: Hà Châu (đổi tên từ huyện Hà Tiên), Long Xuyên (sau này là địa bàn Cà Mau) và Kiên Giang (sau này là địa bàn tỉnh Rạch Giá), Sài Mạt, Linh Quỳnh, Châu Sum (có thể là Chhuk hay Bảy Núi), Cần Vọt, Vũng Thơm. Thời vua Tự Đức cho đến khi Pháp chiếm Hà Tiên (1847-1867), tỉnh Hà Tiên gồm 1 phủ (là phủ An Biên) với 3 huyện: Hà Châu, Kiên Giang và Long Xuyên. Các huyện trước thuộc phủ Quảng Biên (đất Cần Bột (Kampot),Vũng Thơm) trả về cho nước Cao Miên.
_Qua nhiều giai đoạn thăng trầm của đất nước cho đến tháng 2/1976,chính phủ Việt Nam quyết định tái lập tỉnh Kiên Giang trên cơ sở toàn bộ diện tích tỉnh Rạch Giá và ba huyện: Châu Thành A,Hà Tiên,Phú Quốc vốn thuộc tỉnh Long Châu Hà trước đó.
_Hiện nay,tỉnh Kiên Giang có 15 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm thành phố Rạch Giá, thành phố Hà Tiên và các huyện: An Biên, An Minh, Châu Thành, Giang Thành, Giồng Riềng, Gò Quao, Hòn Đất, Kiên Hải, Kiên Lương, Phú Quốc, Tân Hiệp, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận.
4/.Các tuyến điểm du lịch:
“Biển như cô gái nõn nà
Miệng cười khúc hát ngân nga dặm ngàn
Nghỉ ngơi giải trí giấc vàng
Thả hồn thi sĩ bay ngang gió chiều”
_Từ năm 1996 trở lại đây, các khu du lịch Hà Tiên và Kiên Lượng hàng năm đón khoảng 800000 du khách tham quan. Doanh thu ngành du lịch trong giai đoạn này tăng bình quân hàng năm khoảng 16%. Theo các số liệu thống kê về lượng khách đến Hà Tiên_Kiên Giang nhiều hơn các tỉnh An Giang và Cần Thơ. Thưởng ngoạn thắng cảnh tham quan di tích, nghỉ dưỡng đang là thế mạnh để Hà Tiên thu hút một lượng đáng kể khách du lịch từ các tỉnh phía Nam và các du khách nước ngoài.Vài năm gần đây các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân đổ dồn về đây xây dựng nhà hàng khách sạn và các khu vui chơi giải trí nhằm phục vụ cho khách du lịch. Bên cạnh đó, Hà Tiên cũng chú trọng tổ chức các ngày hội truyền thống địa phương và các lễ hội của các đồng bào dân tộc Khmer.
_Cảnh sắc thiên nhiên của Hà Tiên đã được người đương thời ca tụng và cũng chính nơi đây xuất hiện nhóm Tao Đàn Chiêu Anh Các gồm nhiều nhà thơ Việt Nam, cùng hội lại với nhau để sáng tác, ngâm vịnh, đàm luận do Mạc Thiên Tích lập ra. Tác phẩm được hấp dẫn hơn cả là “Hà Tiên Thập Vịnh” tả 10 cảnh đẹp của Hà Tiên lồng trong sinh hoạt của cư dân để tạo ra bức tranh ngư tiều canh mục:
***Kim Dự Lan Đào (Đảo Vàng Chắn Sóng ): trong mười cảnh đẹp của Hà Tiên mà người xưa ghi nhận, Kim Dự Lan Đào được xếp đầu tiên. Đó là hòn đảo nhỏ ngay cửa biển Hà Tiên được nối với đất liền TK XX, người ta còn gọi Kim Dự là Pháo Đài, bởi từng có một pháo đài canh dự cửa biển, bảo vệ thị trấn Hà Tiên chống giặc ngoại xâm.
***Bình San Điệp Thúy (Núi Bình San Xanh Biếc ): có nghĩa là núi Bình San như tấm bình phong điệp trùng xanh biếc. Núi Bình San là núi Lăng, nơi Mạc Thiên Tích thường cùng bạn thơ trong Tao Đàn Chiêu Anh Các lên thưởng ngoạn xướng họa thơ ca
***Tiêu Tự Thần Chung (Tiếng Chuông Tiêu Tự ): có nghĩa là tiếng chuông sớm ở chùa Tiêu, là ngôi chùa Tam Bảo bây giờ. Trước cổng chùa có 2 câu đối:“Nhất trần bất nhiễm bồ đề địa
Vạn thiện đồng qui bát nhã môn”.Để tuyên báo nơi đây không bị nhiễm bụi trần, nhưng tất cả điều thiện đều qui tụ về đây.
***Giang Thành Dạ Cổ (Tiếng Trống Đêm Ở Giang Thành ): tức là nghe tiếng trống canh vang lên đêm đêm ở đồn Giang Thành. Giang Thành ngày nay không còn thành quách, mà chỉ là một địa danh thuộc Xã Tân Khánh Hòa, huyện Kiên Lương, cách thị xã Hà Tiên khoảng 10km theo đường chim bay, chỗ hợp lưu của Vĩnh Tế và sông Giang Thành. Vào thời Minh Mạng, Giang Thành đã từng là tỉnh lụy của Hà Tiên.
***Thạch Động Thốn Vân (Mây Luồn Thạch Động): tức động đá nuốt mây, miêu tả vẻ đẹp của núi Thạch Động ở phía Tây Bắc Hà Tiên, trên có một khối đá to, trong có hang động thiên nhiên lộng gió.
***Châu Nham Lạc Lộ (Châu Nham Cò Đậu ): có nghĩa là cò đậu núi Châu Nham. Theo nhà thơ Đông Hồ, Châu Nham là 1 ngọn núi nhỏ ở gần biên giới Campuchia, cách Thạch Động không xa. Núi có nhiều đá dựng, hiểm trở, có thạch nhũ lấp lánh nên còn gọi là núi Đá Dựng. Ngày xưa cò về đậu trên núi đá này rất đông. Nhưng theo nhà sưu khảo Trương Minh Đạt, Châu Nham là cụm núi ở Bãi Ớt. Nơi có đá tinh quang trong và sáng. Do bên bờ nham có vực sâu nên tôm cá thường về trú ẩn, chim cò kéo theo tìm mồi trắng cả một vùng.
***Đông Hồ Ấn Nguyệt (Đông Hồ Trăng Soi): tức trăng in bóng Đông Hồ, một hồ nước xanh biếc nối liền dòng sông Giang Thành ra biển. Trong có vàm sông, ngoài có cửa biển Kim Dự, nằm phía đông thị xã Hà Tiên.
***Nam Phố Trừng Ba (Sóng Trong Nam Phố): có nghĩa là Phố Nam trị sóng, một vịnh nhỏ thuộc Bãi Ớt, xã Dương Hòa, nơi mặt biển thường xuyên yên tĩnh do các dãy núi chắn quanh. Tàu thuyền qua lại hay vào đây tránh gió.
***Lộc Trĩ Thôn Cư (Xóm Dân Ở Lộc Trĩ ): tức khu dân cư Lộc Trĩ, còn gọi là Mũi Nai, thuộc xã Mỹ Đức. Lộc Trĩ có nghĩa là Mũi Nai. Ra biển nhìn vào mới thấy mũi núi chỗ ngọn hải đăng giống hình đầu con nai thò mõm ra biển.
***Lư Khê Ngư Bạc (Cảnh Chài Cá Ở Lư Khê): có nghĩa là xóm chài ở khe Lư. Lư Khê là Rạch Vược, một con rạch nhỏ có nhiều cá vược ở xã Thuận Yên. Rạch đổ ra biển qua các khe núi tạo thành một bức tranh sơn thủy rất đẹp. Ngày nay cửa rạch đã bị Quốc lộ 80 chắn ngang.
_Hòn Phụ Tử:Trên đường đến Hà Tiên, khi đến Ba Hòn, rẽ trái 18 km, bạn sẽ đến khu du lịch Hòn Phụ Tử. Nhưng trước đó, bạn hãy qua cổng tam quan, vào Chùa Hang. Nơi đây, bạn đi qua hang động quanh co, huyền bí, ngoằn ngoèo dưới chân núi An Hải (An Hải Sơn),và cuối cùng hang sẽ dẫn ra vùng trời biển bao la nơi đang in bóng hòn Phụ Tử.
_Hòn Tre hay còn gọi là Hòn Rùa, mang cái tên đậm chất dân gian, nằm trên một thảm xanh ngắt là biển cả, tạo lên bức tranh thiên nhiên thật đẹp…Cách thành phố Rạch Giá về phía Tây 30km. Hòn Tre có diện tích khoảng 400 ha, có nhiều cảnh đẹp như: Bãi Chén, Động Dừa, Đuôi Hà Bá.
_Quần Đảo Nam Du, điểm du lịch Kiên Giang thu hút nhất 2018. Đến đây chỉ đơn giản bạn sẽ tìm thấy một nơi bình yên để trải nghiệm, khám phá hòn đảo hoang sơ này ở Kiên Giang, điểm đến có thể nói chưa khai thác, đắm chìm trên bãi cát mịn bên những rặng dừa. Ngắm cảnh đẹp và trải nghiệm cuộc sống nơi làng chài, lên ngọn hải đăng cao nhất nhì Việt Nam để nhìn bao quát đảo cảnh trời êm đềm của Nam Du.
_Vườn Quốc gia U Minh thượng, nơi đây nổi tiếng bởi một màu nước đỏ ở khắp các kênh rạch, ao đìa. Đặt chân khám phá rừng tràm U Minh thượng, du khách sẽ không khỏi thắc mắc về màu của nước, nước đỏ là do màu lá tràm rụng xuống và phân hủy, ngấm qua lớp than bùn nên mới tạo thành. Khám phá khu rừng nguyên sinh bạn sẽ cảm thấy chúng đẹp đến lạ thường.
_Miệt Thứ ở vùng đất Kiên Giangm du khách có thể chạy dọc theo vịnh Thái Lan thuộc địa phận hai huyện An Minh và An Biên, kéo dài đến tận rừng U Minh. Chợ không quy định thời gian họp, hay địa bàn riêng biệt, bất cứ xuồng ghe nào cũng đều được neo đậu, buôn bán.
_Quần đảo Hải Tặc cũng trở nên hấp dẫn du khách phương xa. Đảo gồm có 16 hòn đảo nhỏ, cách Phú Quốc khoảng 40km có nhiều bãi biển nhỏ độc đáo và phong cảnh hoang sơ, trữ tình. Khi du khách đặt chân tới với hòn đảo Hải Tặc, bạn sẽ được ngâm mình dưới làn nước biển trong xanh, câu cá, câu mực đêm cùng người dân trên đảo và lặn biển bắt ốc.
_Hòn Sơn có tổng cộng tất cả 5 bãi biển đó là: Bãi Thiên Thuế, bãi Bàng, bãi Giếng, bãi Nhà và bãi Bấc. Tất cả những bãi biển này đều vẫn giữ nguyên được những nét đẹp hoang sơ, đầy thơ mộng, trong đó nổi tiếng nhất vẫn là bãi Bàng. Sở hữu bãi cát trắng trải dài, dòng nước biển trong xanh và nền không khí trong lành, thoáng đãng khiến bất cứ du khách nào khi đặt chân tới đây đều luôn cảm thấy hài lòng.
“Rượu vang sim,mời anh yêu
Nhâm nhi món biển anh phiêu diêu tình
Nếm mùi nước mắm nguyên trinh
Vân vê kỉ niệm một mình say mê”
“Bánh canh hải sản no nê
Bánh tét lá mật cận kề môi nhau
Tiêu thì số một ngon nào?
Ấm êm cho má hồng hào anh cua”
“Cảnh gieo thơ,cảnh hữu tình
Khen ai khéo tạc bức tranh tuyệt vời?
Thương Hòn Đất,chị Sứ ơi!
Anh hùng gan dạ một thời liệt oanh
Về U Minh Thượng,ngàn xanh
Một trời bóng mát lòng anh mặn nồng
Ghé sang Phú Quốc thầm mong
Thiên đường Đảo Ngọc gió lồng môi hoa”
Theo Đna Thích